Cô bé Đinh Thị Thanh là một sinh viên khá năng nổ, thông minh, học năm thứ 4 đại học Quy Nhơn và được chọn để làm luận văn tốt nghiệp, cô bé đã chọn làm về tôi. Theo tôi biết cô bé này vừa đi học vừa đi làm thêm, vừa tham gia các hoạt động của khoa của trường. Bài dưới đây không phải luận văn mà là một báo cáo khoa học cô viết để tham gia một hội nghị khoa học của trường, nghe nói cô là sinh viên đại học duy nhất được chọn, còn lại là các học viên cao học.
Xong hội nghị, cô bé nhắn tôi như thế này: "Cháu báo cáo bài viết nghiên cứu khoa học vào sáng nay rồi ạ. 4 người trong hội đồng họ đều biết chú (cháu thì cháu không để ý lắm) nhưng họ nói ra cháu mới biết. Ahihi. Thầy Hào phó khoa cháu, có nhắc là mọi người nên về tìm thơ chú đọc. Thầy bảo chú là sinh viên đại học tổng hợp Huế khóa 1 giống thầy hay sao á cháu nghe chữ được chữ mất. Thầy còn kể đi Quảng Ngãi ai gọi điện cho ai hỏi tìm quán ăn cơm, xong người kia bảo vào nhà tôi ăn cơm. Cháu nghe chữ được chữ mất. Ahihi. Đại ý là vậy.
Còn cô giáo TS. Nguyễn Thị Vân Anh thì cũng nói nên đọc thơ chú vì cô cũng hay theo dõi blog của chú, nhận thấy thơ chú viết hay. Cô giáo nói vậy. Còn thầy thư ký lại biết chú qua Tạp chí Văn nghệ Gia Lai.
Cháu cũng hơi bất ngờ nhưng là bình thường á chú. Khi cháu báo cáo xong thì thầy cô mới nói... cháu chỉ nghĩ sao chú nổi tiếng thế. Cháu làm khóa luận về chú nhưng cháu cũng chỉ nghĩ là chú là nhà thơ, nhà báo, nhà văn rồi abczyz á... còn nổi tiếng nhiều người biết cháu lại k để ý..."...
Hôm qua cô bé mail cho tôi cái luận văn cô viết, 76 trang, theo tôi là rất ổn so với một luận văn đại học. MỜi cccm đọc cái báo cáo khoa học của cô bé nhé, đa tạ...
(Đinh Thị Thanh – Lớp Văn học K36)
Giọng điệu là một yếu tố cơ bản của phong cách nghệ thuật. Mỗi nhà thơ, nhà văn bao giờ cũng cần tạo cho mình một giọng điệu riêng. Để qua đó, người đọc có thể nhận thấy chiều sâu tư tưởng, tình cảm, thái độ cũng như phong cách và cảm hứng sáng tạo của người nghệ sĩ: Giọng điệu là thái độ, tình cảm, lập trường tư tưởng, đạo đức của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả, thể hiện trong lời văn quy định cách xưng hô, gọi tên, dùng từ, sắc điệu tình cảm, cách cảm thụ xa gần, thân sơ, thành kính hay suồng sã, ngợi ca hay châm biếm [5; tr.19]. Giọng điệu ấy luôn gắn với thái độ và tình cảm của tác giả. Nó bộc lộ sự yêu, ghét, đồng tình hay phản đối một cách rõ ràng.
Văn Công Hùng là nhà thơ đã tạo cho mình một giọng điệu riêng. Với mỗi bài thơ, ông đều đạt được thành công trên nhiều phương diện khác nhau. Giọng điệu thơ ông rất linh động, khi thì tâm tình ngọt ngào, khi triết lý suy tư và nhiều lúc lại thể hiện thơ mình, con người mình trong giọng điệu hài hước, vui tươi. Cách thể hiện giọng điệu như vậy đã tạo cho thơ Văn Công Hùng một vẻ đẹp bình đạm, những bài thơ đọc xong có thể thay đổi tâm trạng người đọc. Thậm chí khiến độc giả chìm ngay vào một nỗi buồn trăn trở hoặc có thể làm họ cười một cách vui vẻ trong những câu thơ hết sức chân tình. Đó là tài năng, tình cảm của tác giả được thể hiện thông qua một hệ thống giọng điệu đậm chất Văn Công Hùng.
Nhìn lại toàn bộ sáng tác của Văn Công Hùng, chúng ta có thể nói tới ba giọng điệu tiêu biểu trong các sáng tác của ông, đó là giọng điệu tâm tình, ngọt ngào; giọng điệu triết lý, suy tư và giọng điệu hài hước, hóm hỉnh.
1. Giọng điệu tâm tình, ngọt ngào
Sau 1975 xuất hiện nhiều giọng điệu thơ mới, thế nhưng giọng điệu tâm tình, ngọt ngào vẫn không hề vắng bóng. Nó xuất hiện trong sáng tác của các nhà thơ nặng lòng với truyền thống như Phạm Công Trứ: Gặp tôi em hỏi hững hờ/ “Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai”/ Em đi để lại chuỗi cười/ Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê (Lời thề cỏ may) hoặc trong thơ Nguyễn Duy giọng điệu tâm tình, ngọt ngào cũng được hiện lên rõ nét: Cái cò sung chát đào chua/ Câu ca mẹ hát gió đưa về trời/ Ta đi trọn kiếp con người/ Cũng không đi hết mấy lời mẹ ru (Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa)... và cả Văn Công Hùng.
Đến với giọng điệu tâm tình, ngọt ngào trong thơ Văn Công Hùng người đọc sẽ được tan vào những cảm xúc bao la của nhà thơ. Tâm tình đó chính là những lời kể, lời thủ thỉ đầy ắp những tâm trạng nhưng rất đỗi ngọt ngào. Ngọt ngào trong cách nhìn nhận cuộc sống, ngọt ngào trong từng câu chữ được góp nhặt và xây dựng một cách chân tình. Giọng tâm tình, ngọt ngào trong thơ Văn Công Hùng giống như những cơn gió, cơn mưa cứ lãng đãng rơi vào lòng người đọc để từ đó người đọc hiểu thêm những cung bậc tâm tư tình cảm của con người. Tâm tình một cách nhẹ nhàng, đẹp nhưng không buồn là cách Văn Công Hùng mang hơi thở đến trong thơ của mình.
Giọng tâm tình, ngọt ngào trong thơ Văn Công Hùng gắn liền với những ưu tư về cuộc sống, về những hình ảnh đơn giản trong sinh hoạt hằng ngày nhưng ẩn sâu trong đó là những tâm trạng, cảm xúc gần gũi mà ai cũng trải qua: Ta gom chữ vào màn hình trắng/ chỉ thấy a còng thảng thốt enter/ chiều rợn nắng núi thành mây trắng/ chim cô đơn bạc cánh lưng đèo/ /.../ Những con chữ rạc rời đen giữa trắng/ chợt nhận ra hơi thở của chính mình/ ngón tay gõ miền bão giông ùa tới/ chữ tưng bừng hoan ca trong mưa (Luận đề chữ). Những câu thơ chất chứa biết bao tâm trạng của tác giả, một buổi chiều như những buổi chiều khác vẫn có chữ, có màn hình và chiều hòa quyện cùng ánh nắng nhưng lòng người bỗng trở nên chơi vơi, cô đơn đến lạ. Vạn vật như chùng xuống trước con mắt nhà thơ để rồi khi nhìn lại bỗng thảng thốt gom tất cả nhựa sống vào màn hình, tức là vào tác phẩm. Ông thuộc lớp nhà thơ gạch nối giữa bút và bàn phím, và ở thế hệ ông, Văn Công Hùng là một trong những nhà văn đầu tiên sử dụng máy tính để sáng tác và làm việc. Thấy cuộc sống của mình được thu nhỏ vào những con chữ trên bàn phím đen trắng đan xen nhau tạo nên cảm giác se sắt, càng cô đơn lại càng mạnh mẽ để tạo nên những khúc hoan ca trầm bổng.
Giọng tâm tình, ngọt ngào còn thể hiện với những khúc ca khác nhau về cuộc sống, mất còn, buồn vui chỉ là lẽ thường tình: Thôi trưa rồi em phải đi thôi/ những muộn phiền rồi tan vào gió/ trái ngang gửi lại/ mây mùa này xơ xác/ con đường nơm nớp hoa rơi (Trưa này). Nhân vật em trong câu thơ sẵn sàng đón nhận những khó khăn và tin vào sự lạc quan sẽ xua đi những muộn phiền, trái ngang. Trong cuộc đời con người không phải ai cũng được suôn sẻ nhưng chắc chắn mỗi người sẽ hạnh phúc hơn, nhẹ nhàng hơn khi biết vượt qua những khó khăn. Để tận hưởng niềm vui và xóa đi những nỗi buồn, sự lo lắng không đáng có. Và rồi những nỗi buồn cũng trôi nhanh về những miền xa lạ, con người ta vẫn sống một mình nhưng sống có ích cho đời, sống hạnh phúc trong những giây phút ngắn ngủi nhất: Và một dòng sông ám ảnh cõi vô hình/ miền xa khuất trôi nhanh về xa lạ/ và em vẫn một mình, như lá/ thủa địa đàng thanh thản trái cấm rơi/ Gió dã quỳ hoang dại tuổi thơ tôi/ thổi thăm thẳm xa xưa miền cổ tích/ miên man cao nguyên xanh màu u tịch/ sắc vàng nào lưu luyến cỏ bazan (Gió dã quỳ).
Giọng điệu tâm tình, ngọt ngào trong thơ Văn Công Hùng giống như một bầu trời xanh trong trẻo đang trải rộng ra trước mắt người đọc với những cảm xúc khác nhau. Tâm tình về sự chảy trôi của thời gian, cách vượt thoát nỗi buồn hay đơn giản chỉ là những cảm xúc lúc thanh tân, lúc lại vụng về của những tháng ngày thao thức chẳng yên bình: Cứ mãi thanh tân, mãi mãi vụng về/ mãi mãi nắng mãi sương. Mãi mãi/ cao nguyên tháng ba những con đường thao thiết/ vỗ dập dờn thăm thẳm nỗi gì ơi/ Cứ tím bằng lăng, cứ vàng biếc dã quỳ/ cứ nghìn tuổi thông bên đường hư ảo/ và em nữa suốt một đời giông bão/ thổi qua anh năm tháng chẳng yên bình (Cao nguyên tháng ba).
Ngoài ra, giọng tâm tình, ngọt ngào trong thơ Văn Công Hùng không chỉ thao thức với những điều trong cuộc sống, nhà thơ còn dùng chất giọng tâm tình của mình khi viết về tình cảm gia đình, quê hương. Tác giả luôn dẫn dắt người đọc vào một cuộc hành trình thú vị và hấp dẫn bằng giọng điệu tâm tình hết sức mới mẻ, được truyền tải từ trái tim đầy nhiệt huyết và sự lao động sáng tạo không ngừng nghỉ của ông: Cái mùa bấc năm nào gió đêm như xé vải/ đom đóm thành ma trơi nhằng nhịt/ những đám xương rồng gai sắc/ rịn vào lời ru trĩu nước/ âu ờ ầu ơ/ Mẹ dìu tôi qua những mùa nông nổi/ tôi lặn trong cuộc đời khi mẹ tự già/ giờ đến tuổi chờ con mới nhớ thời của mẹ/ nụ cười nào cũng héo như nhau (Mẹ).
Bên cạnh đó, giọng điệu tâm tình, ngọt ngào còn được Văn Công Hùng thể hiện ngay cả trong những đại từ nhân xưng “tôi”, “anh”, “em”, “ta”, “chúng ta” một cách sắc bén, khéo léo qua từng câu thơ thích hợp cho việc kể chuyện tâm tình: Không tốc hành/ cũng chẳng chậm chẳng nhanh / đi suốt cuộc đời ta về ga cuối/ bông hoa chiều biếc vội/ trong mưa (Trong mưa).
Thậm chí giọng điệu tâm tình có lúc được nhà thơ sử dụng như một lời tự bạch về cuộc sống và con người. Khi nói về chính mình trong những cảm xúc thật nhất giữa cuộc đời ông đã viết: Tôi có một An Khê dịu dàng như gió/ để đi về trong thầm kín sông Ba/ tôi có em bất ngờ nơi phía ấy/ vó ngựa lăn khấp khểnh giấc mơ chiều/ Em dịu hiền em quá đỗi xa xôi/ muốn đến lắm nhưng làm sao đến được/ đình An Lũy ta về đêm giữa tháng/ vời vợi neo trăng khắc khoải đỉnh đèo (An Khê).
Giọng điệu tâm tình, ngọt ngào len lỏi vào từng ngóc ngách tâm hồn người đọc bằng những câu thơ rất sâu lắng. Ông còn sử dụng những thán từ “ơi” “ạ”,…và những trợ từ mang ý nghĩa tình thái – cảm xúc của bài thơ như “nhỉ”: Thôi người nhé chiều nay ta với biển/ sóng dậy thì rạo rực tuổi đương trai/ thôi người nhé ta về nghe gió hát/ khúc si tình vạn thuở vẫn non tơ (Mùa xuân ạ). Khi sử dụng thán từ “ạ” vào câu thơ của mình giọng điệu tâm tình của Văn Công Hùng đã diễn tả rõ nét cảm xúc trong lòng người. Dùng từ “ạ” như một sự chân thành, đáng trọng qua cách chia sẻ gần gũi, mộc mạc theo cách thường ngày của mỗi người: Vũng Tàu ạ, ta nhặt vào thương mến/ tiếng ốc buồn ngờm ngợp gió biển xanh/ tóc thề ạ giá mà không có cát/ để chân trần lội ngược tuổi thơ ta /.../ Mùa xuân ạ gió thổi tràn phố núi/ cõi tin yêu em thắp dốc mờ sương/ một chút biển gửi vào heo may tết/ để cho chiều thăm thẳm mờ xa (Mùa xuân ạ).
Có thể thấy giọng điệu tâm tình, ngọt ngào đã giúp Văn Công Hùng thể hiện sinh động và sâu sắc những trạng thái cảm xúc trong tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ. Tác giả đã tâm tình với người đọc để tự sự với chính mình về sự kiện, tâm trạng và những suy nghĩ từ cuộc sống. Tất cả đã tạo nên sự đằm thắm, êm dịu khi đọc những câu thơ của tác giả. Qua đây tạo cho người đọc sự đồng cảm, muốn sẻ chia với những cảm xúc mong manh nhưng mới lạ, đủ mạnh mẽ để vượt qua tất cả. Đây không phải là giọng điệu chủ đạo của thơ Văn Công Hùng, nhưng với giọng điệu tâm tình rất bình thản, tự nhiên đã khiến độc giả không nén được những cảm xúc sau khi kết thúc mỗi dòng thơ. Giọng điệu này gắn liền với sự đa sầu, đa cảm và khát khao giãi bày, chia sẻ của nhà thơ. Sử dụng giọng điệu quen thuộc để phản ánh những vấn đề thế sự, đời tư, Văn Công Hùng đã mang đến cho thơ mình một màu sắc đặc trưng, gần gũi nhưng không cũ mà hoàn toàn mới mẻ, sâu sắc. Giọng điệu tâm tình trong thơ Văn Công Hùng làm cho mỗi câu chuyện, mỗi dòng tâm trạng cũng như những lời tâm sự được hiện ra đều rất thật, rất tình khiến người đọc không thể không day dứt, bồi hồi khi nhìn về chính mình trong những giới hạn định sẵn.
2. Giọng triết lý, suy tư
Nếu ai đã từng tiếp xúc với Văn Công Hùng hẳn nhiên sẽ cảm nhận nhà thơ là một người hòa đồng, vui vẻ và rất “chân chất”. “Chân chất” trong con người, trong cách giao tiếp tạo cho người đối diện sự gần gũi, ấm cúng. Phải chăng khi sống trên mảnh đất Tây Nguyên phóng khoáng với rừng xanh thăm thẳm, phố núi chênh vênh đã ảnh hưởng đến con người cũng như cách viết của Văn Công Hùng. Nhà thơ không chỉ tâm sự với đời, với người, với chính mình bằng những câu nói tâm tình dễ mến mà nổi bật hơn đằng sau giọng điệu tâm tình giàu xúc cảm đó chất chứa bao nhiêu những suy tư của nhà thơ. Chính vì vậy, triết lý, suy tư là giọng điệu chủ đạo, xuyên suốt toàn bộ sáng tác thơ của Văn Công Hùng.
Giọng điệu triết lý không phải là sản phẩm của thơ hiện đại. Chất giọng này xuất hiện rất nhiều trong thơ Nguyễn Công Trứ: Được mất dương dương người tá thượng/ Khen chê phơi phới ngọn đông phong (Bài ca ngất ngưởng) hay Nguyễn Bỉnh Khiêm: Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chốn lao xao (Nhàn). Tuy nhiên phải đến văn học đương đại, với biết bao vấn đề phức tạp mà cuộc sống đặt ra và cần giải quyết, giọng suy tư, triết lý mới trở thành giọng điệu chủ đạo của thơ ca.
Là một con người vui vẻ, phóng khoáng nhưng sâu trong tâm hồn nhà thơ lại ẩn chứa một tâm trạng thế sự, nặng nợ với thơ, với đời. Văn Công Hùng không ngừng suy ngẫm về niềm vui, hạnh phúc cũng như nỗi buồn trong cuộc đời. Và để xây dựng nên một giọng thơ triết lý, suy tư như vậy là cả quá trình cống hiến tận tâm cho thơ. Nhà thơ đã kế thừa, học hỏi giọng triết lý, suy tư từ những người đi trước để nói nên những trăn trở, nghĩ suy của con người hiện đại với bao biến động của xã hội. Cũng trong xã hội này, con người đã mang trong mình sự âu lo thường trực, cảm giác ấy đến từ mọi ngóc ngách của đời sống. Văn Công Hùng đã nhạy cảm nắm bắt được sức ép của con người trong các mối quan hệ. Họ chịu sự chi phối từ những gánh nặng trách nhiệm, sự bấp bênh của đời sống bất trắc hoặc những cuộc tình chóng vánh, đến nhanh mà cũng tàn nhanh. Mỗi suy nghĩ, mỗi cảm nhận, suy tư của nhà thơ đều mang những dư vị khác nhau. Văn Công Hùng đã làm mới giọng điệu triết lý, suy tư bằng chính tư duy và khả năng phán đoán của mình. Đó cũng là điều mà người đọc thích nhất trong các tác phẩm khi nghiên cứu giọng điệu triết lý, suy tư của ông. Nếu như trong thơ Nguyễn Trọng Tạo đã dám nhìn thẳng vào hiện thực đời sống để phơi bày sự trần trụi của nó trên trang giấy: hình như đời ưa nịnh ưa ngợi ca/ Thì sự thật cũng chỉ là ảo ảnh/ Người trồng hoa vẩy nước hoa cho hoa/ Người ngồi ghế ngày ngày tô lại ghế (Điều bình thường lạ lẫm) thì đến với giọng điệu triết lý, suy tư trong thơ Văn Công Hùng đã được thể hiện một cách mãnh liệt, sục sôi hơn bao giờ hết.
Theo đó, nhà thơ đã có những suy tư rất thực về đời sống: Sẽ xa nhau ư/ chẳng nỗi buồn nào hơn thế/ cứ tưởng trái đất này hoàn hảo/ ai ngờ vẫn hun hút lỗ đen (Tự khúc xa nhau). Đọc 4 câu thơ trong bài thơ Tự khúc xa nhau nằm trong tập Cầm nhau mà đi của Văn Công Hùng ta cảm nhận được sâu sắc về những hạnh ngộ và chia ly. Gặp nhau được giữa biển người rộng lớn là một cái duyên và khi xa nhau đồng nghĩa với việc duyên lại được trao cho người khác, hoàn cảnh khác. Cuộc vui nào cũng có lúc phải kết thúc cho dù có hoàn hảo, vui vẻ tới đâu. Buồn đấy, hụt hẫng đấy nhưng con người sống trên đời ai biết được chữ ngờ cho nên phải tiếp tục sống, sống đàng hoàng và vui vẻ để tạo ra những cái duyên khác nhau và biết đâu giữa cuộc sống tấp nập con người ta đi một vòng lớn rồi lại quay trở về gặp nhau. Bốn câu thơ cho người đọc biết bao suy nghĩ về cuộc sống, từ đó sẽ có những khát khao vươn lên để sống một cách thú vị và giản dị.
Cùng khắc họa về cuộc đời, nhân thế nhưng nếu trong thơ truyền thống thường chung chung và gắn với các vấn đề đạo đức thì thơ hiện đại nói chung, thơ Văn Công Hùng nói riêng lại đi sâu vào từng góc cạnh vấn đề và gắn với những hiểu biết, trải nghiệm của bản thân. Trong bài thơ Tổ quốc của tôi, Văn Công Hùng đã không ngừng trăn trở, suy ngẫm về chiến tranh để từ đó tạo cho người đọc những dấu chấm lửng trong suy nghĩ và hành động: Nhân dân không bao giờ thích chiến tranh/ nước nào cũng thế/ những người/ Trung Hoa tôi từng gặp và chào nhau Ní Hảo/ cũng có sau lưng mình cha mẹ/ vợ con mái ấm gia đình/ họ cũng coi chiến tranh là tai họa/ là trò chơi của những kẻ giết người.
Giọng điệu triết lý, suy tư được sử dụng xuyên suốt bài thơ: chiến tranh là trò máu xương rẻ nhất/ chúng ta cố tránh như đang tránh dịch sởi/ nhưng nếu không còn cách nào khác/ nếu không có con đường nào khác…Chiến tranh chỉ gây ra chết chóc, đổ máu với nhiều tang thương, cướp đi hạnh phúc của bao nhiêu con người và gia đình…Không ai thích chiến tranh nhưng chiến tranh vẫn diễn ra từ giai đoạn này sang giai đoạn khác khiến nhà thơ đau đáu trước hoàn cảnh của nước nhà: Bây giờ hòa bình đang treo trên sợi tóc/ tám mươi tàu chiến và giàn khoan khổng lồ/ đang bò vào biển quê tôi/ cả đất nước sôi sục/ chả lẽ lại đánh nhau?
Là một nhà thơ đầy ý thức trách nhiệm, Văn Công Hùng chưa bao giờ thờ ơ với cuộc sống và số phận con người, không chỉ đề cập về vấn đề chiến tranh mà còn nói đến những giọt nước mắt: Vẫn phải tin vào những giọt nước mắt/ dù không còn gì để khóc với nhau/ vẫn phải tin vào những nụ cười thân thiện/ dù niềm tin lạc bước trên đường (Vẫn phải tin vào những giọt nước mắt).
Giọt nước mắt không phải lúc nào cũng chảy và cũng chưa bao giờ tự hết. Điều quan trọng là con người biết rơi những giọt nước mắt đúng lúc, đúng thời điểm hay không. Nhà thơ khiến người đọc cảm thấy những nỗi buồn chỉ là chuyện nhỏ. Khóc rồi, than thở cũng xong rồi nhưng nhất định thứ còn lại trong trái tim mình không gì khác đó chính là niềm tin. Tin vào những điều trong cuộc sống, nếu mất niềm tin vào mọi việc chắc hẳn con người sẽ gục ngã. Khi cánh cửa này đóng lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra, chỉ cần có niềm tin thì sẽ vượt qua tất cả. Nhà thơ đã đưa ra thông điệp: hãy sống để không bao giờ phải hối tiếc vì khóc quá nhiều, có thể chỉ cần nghĩ đơn giản thì một giây thôi cũng đã thay đổi cuộc đời.
Không chỉ vậy, giọng điệu triết lý, suy tư trong thơ Văn Công Hùng còn biểu hiện ở việc tác giả dám nhìn thẳng vào hiện thực đời sống: Sẽ đi về đâu hàng chục nghìn linh hồn vô tội/ những cặp đang yêu nhau/ những đôi vợ chồng đang ngủ/ những cuộc làm tình dang dở/ những thiếu nữ tròn căng ánh sáng/ những đứa bé lẫm chẫm tới trường/ tất cả đang chung một chiếc cầu mỏng mảnh/ thiên đường đấy ư? (Viết cho bóng tối).
Đặc sắc hơn, thú vị hơn khi trong thơ Văn Công Hùng luôn đầy ắp những triết lý, suy tư đáng ngẫm nghĩ về tình yêu: Hình như tình yêu/ mỏng như tơ nhện/ hình như nụ hôn/ mang đầy vị đắng (Hình như). Tình yêu là vấn đề muôn thủa trong thơ ca, mỗi thời, mỗi người đều có những quan niệm riêng. Đối với Văn Công Hùng ông lại có suy tư hết sức mới lạ về tình yêu. Tình yêu mỏng manh dễ tan và nụ hôn vốn ngọt ngào là thế đến thơ Văn Công Hùng lại mang đầy vị đắng. Có thể hiểu vị đắng ở đây được chắt lọc, gom góp từ biết bao những giọt nước mắt, những giận hờn và biết bao kỉ niệm buồn có, vui có. Tất cả kết đọng lại thành một nụ hôn đắng ngắt nhưng vị đắng đó đã được chưng cất qua nhiều gian khổ để trở thành một vị đắng trong niềm vui, hạnh phúc không phải ai cũng có được. Nhà thơ cho người đọc nhận ra, đối với tình yêu dù đắng hay ngọt, mong manh dễ vỡ thì cũng cần nâng niu, trân trọng. Vậy nên đừng để mất nhau trong những đắng cay của sự xa cách và cũng đừng để quên nhau trong sự im lặng ngọt ngào. Tình yêu cũng giống như hơi thở, cần phải đơn giản hóa và cảm nhận từ từ.
Nếu giọng tâm tình ngọt ngào phản ánh trái tim luôn luôn thức đập cùng những yêu thương thiết tha về cuộc đời thì giọng điệu triết lý, suy tư sẽ khiến người đọc cảm nhận rõ hơn về giọng điệu thơ Văn Công Hùng. Từ đấy thấy được một phần nào đó tính cách của ông, giúp độc giả gần gũi hơn với thơ và cảm nhận được một điều gì đó vừa đau đáu trong bình lặng khi khép bài thơ lại. Đây cũng là chất giọng thể hiện rõ nhất giọng điệu thơ của Văn Công Hùng. Triết lý để yêu, để sống và để hoàn thiện mình là vậy.
3. Giọng hài hước, hóm hỉnh
Giọng hài hước, hóm hỉnh là một trong những giọng thơ tiêu biểu, nổi bật xuất hiện nhiều trong thơ hiện nay từ các cây bút trẻ như Vi Thùy Linh, Văn Cầm Hải,... đến lớp nhà thơ lớn tuổi như Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Trọng Tạo,... và cả Văn Công Hùng. Chất hài hước, hóm hỉnh một mặt làm giảm bớt sự trang nghiêm thái quá của ngôn ngữ thơ thống trị một thời, mặt khác giúp người đọc hình dung cuộc sống như một thực thể đa trị và nhận thức đúng bản chất của nó.
Giọng điệu này đã trở thành hương thơm đặc biệt khi nói đến thơ Văn Công Hùng: Nào em trả nắng cho trời/ trả hương cho đất rượu mời về sông/ tay cầm cái khổng khồng không/ hát cho một thuở trầu nồng với chua/ em đừng thả gió vào chùa/ thả anh vào giữa cơn mưa tơ hồng/ thân cò lạc ở đằng đông/ mơ con sông mẹ hái ngồng cải tơ (Thả gió vào chùa). Nhà thơ hài hước khi nói về cái “khổng khồng không” và có lẽ cái “khổng khồng không” đó tác giả cũng không biết chính xác là đồ vật nào nhưng đặt trong trường hợp của tác giả đó là nhân tố tạo nên điểm thắt nút cho bài thơ khi nói về nhân vật em trong ngày đi chùa với bao ý niệm sâu sắc.
Giọng điệu hài hước, hóm hỉnh được thể hiện rõ thông qua các tập thơ của Văn Công Hùng nhưng dễ nhận thấy càng về giai đoạn sau, giọng hài hước, hóm hỉnh được thể hiện sâu sắc hơn trong các tập thơ như Hoa tường vi trong mưa, Cầm nhau mà đi: Anh nhớ em như không hề nhớ/ chỉ một mình cui cút với mình thôi/ thế thì nhớ làm gì cho thêm nhớ/ cứ một mình tưởng tượng một mình thôi (Cầm nhau mà đi).
Giọng điệu hài hước, hóm hỉnh cũng không nhắm vào một giọng ca nào theo kiểu “đo ni đóng giày”, mà nó cứ tự nhiên chảy như tiếng lòng người viết để rồi nhận ra người đọc nào hiểu được nội dung qua các bài thơ của ông, âu cũng là bắt được tiếng lòng ấy: Mỗi người chúng ta đều có một cái ngưỡng an toàn/ thụt xuống nhô lên đều nguy hiểm/ nhưng như thế cả thế giới đều tăm tắp/ thằng nào nhô lên, beng, thụt xuống cũng beng (Phao an toàn). Tác giả thường dùng những từ mang sắc thái biểu cảm cao: “thụt xuống”, “nhô lên”, “beng”, “ngút ngụt”, “níu ghì”,...tạo cho câu thơ vừa tưng tửng lại vừa sâu sắc, thấm thía: Những buổi chiều ngút ngụt mắt/ ngóng vào mặt sau/ ngày tắt lịm/ hổn hển cơn níu ghì/ vẫn là bóng tối/ khe khe một chút vàng/ chân trời,....
Giọng điệu hài hước, hóm hỉnh không phải là sản phẩm riêng của Văn Công Hùng mà là giọng điệu phổ biến trong thơ Việt đương đại. Văn Công Hùng không phải là người tiêu biểu, cũng không tự nhận mình là đỉnh cao cho giọng điệu hài hước, hóm hỉnh trên thi đàn nhưng nhà thơ đã mang đến cho người đọc một chất giọng hài hước rất riêng. Hài hước trong sự tưng tửng, tưng tửng trong trạng thái rất “tỉnh” của một con người mang trong mình sự trải nghiệm. Chất giọng hài hước, hóm hỉnh đã đi sâu vào cuộc sống thực tế một cách sinh động hơn bao giờ hết. Tác giả nhìn cuộc sống diễn ra xung quanh bằng con mắt của sự vui vẻ, hài hước để từ đó thâm nhập sâu vào trang thơ lại thấy được bao nỗi suy tư. Đằng sau sự hài hước của tiếng cười, Văn Công Hùng đã thức tỉnh người đọc trước cuộc sống xô bồ hôm nay. Tác giả không kêu gọi, không răn đe, giáo dục mà chỉ đưa ra những quan niệm, những thông điệp để người đọc cảm nhận và để chính nhà thơ gần gũi hơn với độc giả. Tác giả quan niệm, viết thơ cũng là viết lòng người, chỉ khi thơ chạm đến những tầng nghĩa sâu nhất trong lòng người thì đó mới là một tác phẩm thơ đích thực.
Văn Công Hùng vốn là một con người nhiệt tình, hăng hái trong những nhộn nhịp của cuộc sống và sâu trong tâm hồn ông luôn cháy hết mình với thơ ca. Ông viết không bị gò bó vào bất cứ đề tài nào, cũng không nhằm mục đích quảng cáo, thương mại. Có chăng chỉ là những vần thơ trải nghiệm, trải lòng đưa đến cho người đọc sự đồng cảm, từ đó mỗi người có một cách hiểu khác nhau. Tùy từng tạng người mà có những suy nghĩ, bài học rút ra sau khi đọc thơ ông.
Giọng điệu hài hước, hóm hỉnh, đầy trải nghiệm và thấu đời đã làm cho thơ Văn Công Hùng chan chứa tình cảm, hiện đại nhưng không ngông cuồng. Nhà thơ luôn giữ mình đồng thời cũng thay đổi mình nhưng không bao giờ đánh mất bản thân trong cuộc sống muôn màu. Tất cả đã xây dựng nên hình ảnh Văn Công Hùng gần gũi, mộc mạc, đơn giản theo cái cách thường ngày của nhà thơ.
Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Vì vậy đòi hỏi người sáng tạo phải có phong cách nổi bật, tức là có cái gì rất riêng, mới lạ trong phong cách của mình [9; tr.54]. Văn Công Hùng cũng vậy, trên hành trình sáng tạo ông không ngừng viết, không ngừng thay đổi và hoàn thiện phong cách thơ của mình. Dung hòa giữa tiếng cười của sự hài hước, hóm hỉnh thông qua những trang thơ tâm tình, ngọt ngào, nhà thơ đã gửi gắm đến người đọc những triết lý, suy tư một cách sinh động, chân thành và sâu sắc. Đọc thơ Văn Công Hùng nói chung và tìm hiểu giọng điệu thơ Văn Công Hùng nói riêng ta sẽ bắt gặp một tâm hồn bay bổng, nghệ sĩ rất đỗi hiền lành. Đó là cảm xúc tinh tế và thuần khiết nhất khi nhớ về thơ và nhà thơ Văn Công Hùng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Phan Cảnh (2001), Ngôn ngữ thơ, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
[2] Nguyễn Văn Dân (2006), Phương pháp luận nghiên cứu văn học, Nxb Khoa học
xã hội, Hà Nội.
[3] Hữu Đạt (1996), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[4] Hà Minh Đức (1997), Thơ và cảm nhận mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại,
Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[5] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi – Đồng chủ biên (1992), Từ điển
thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[6] Lưu Ly (2012), “Ấn tượng Tây Nguyên trong thơ Văn Công Hùng”, Tạp chí Nhà
văn, số 9, tr.18- 23.
[7] Nguyễn Thanh Mừng (1999), Văn Công Hùng – Người hát rong phố núi, Báo
Gia Lai, Địa chỉ: http://baogialai.com, [truy cập ngày 04/04/2017].
[8] Nguyễn Đăng Mạnh (2011), Nhà văn, tư tưởng và phong cách, Nxb Đại học
Quốc Gia Tp Hồ Chí Minh.
[9] Trần Đình Sử (1996), Lý luận phê bình văn học, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
THÔNG TIN NGƯỜI GỬI BÀI
Họ và tên tác giả: Đinh Thị Thanh
Lớp: Văn học K36
Khoa: Ngữ văn
SĐT: 0973.528.731
Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Văn Đấu
1 nhận xét:
Trân trọng.
Đăng nhận xét