Thứ Sáu, 31 tháng 3, 2017

VỀ QUÊ ĂN CƯỚI



Hồi ấy nghèo, 100 phần trăm là tự làm lấy cỗ. Nhà đơn giản thì xôi heo. Món này vừa rồi thấy có mấy người đưa lên mạng và ai cũng... xuýt xoa, vì nhớ nó, vì thấy một thời hiện lên, và quả là nếu lâu lâu ăn một bữa thì cũng ngon. Ấy là người ta luộc cả con heo, rồi xắt mỏng, mỗi thứ một ít bày ụ lên nửa mâm. Nửa mâm còn lại là xôi đồ. Có một ít chuối chát, khế chua, rau thơm. Mấy chén nước mắm nhĩ và ớt bột, đặc sản ở đấy. Đến mấy đĩa ớt bột, ai ăn bao nhiêu thì đổ vào bát nước mắm của mình, có người đổ đến sột sệt, đến đặc quánh. Thứ nước mắm chấm xôi xôi nổi, nhúng thịt thịt trôi, lừng vang mùi... nước mắm và ăn vào thì nhức răng. Còn ớt là ớt trồng trên cát làm vồng cao. Chín đỏ mới hái, phơi giữa nắng hè cho kỳ quắt lại, giòn tan, rồi cho vào cối giã, rồi giây cho nhỏ mịn như bột. Thứ nằm trên giây lại phơi lại giã tiếp. Một số nhà công phu hơn thì có thêm nước lèo, là hỗn hợp gan lợn, mỡ, tôm, lạc rang, nước luộc, mắm muối gia vị các loại, được đun lệt xệt thành một thứ nước rất ngon. Ai từng ăn bánh khoái Huế thì đều biết loại nước chấm thần thánh này.

           Được về quê dự đám cưới là một niềm vui không phải ai xa quê cũng được hưởng. Mỗi quê một phong tục, một kiểu cưới khác nhau, được chiêm ngưỡng, được thưởng thức quả là một niềm hạnh phúc, dẫu nhiều khi về quê, nhất là ngày xưa, rất là vất vả...

           Năm 1976 tôi một lúc được dự 2 đám cưới của 2 cô em con cô ruột. Từ Thanh Hóa vào, nơi đám cưới vẫn đang còn... thuốc lá chè tàu quần tây áo sơ mi, đám nào sang có thêm đĩa kẹo, rước dâu bằng xe đạp, cô dâu quần phíp đen áo cổ lá sen trắng ngồi sau fooc baga xe đạp, phông đám cưới bao giờ cũng có cặp chim bồ câu giao mỏ và hàng chữ: Vui duyên mới không quên nhiệm vụ, thể nào cũng có ông cán bộ lên căn dặn rất dài rất dai các kiểu... tôi đã tròn mắt vừa quan sát vừa trực tiếp tham gia cái đám cưới bên kia vĩ tuyến 17 lần đầu tiên dự với tư cách là anh của cả 2 đám cưới, dù cô dâu lớn tuổi hơn tôi nhưng là con cô, em ruột ba tôi.

           Không phải thành phố Huế, mà quê tôi cách Huế mấy chục cây, toàn dân làm nông, nhưng quả là có rất nhiều điều lần đầu tôi thấy.

           Là áo dài, tất cả đều áo dài nếu là phụ nữ. Nam giới mà trẻ thì áo trắng sơ vin. Có tuổi hơn thì khăn đóng áo dài. Tất cả răm rắp trong những trật tự được quy định vừa nghiêm ngắn vừa tự giác. Cũng lần đầu tiên tôi thấy 2 gia đình cho con của. Dẫu nghèo, cũng dăm ba chỉ vàng, cái lắc, cái vòng cổ, và chứng kiến cô dâu chú rể lạy bàn thờ, lớp lang bài bản và linh thiêng.


           Nhớ cái thời ở miền Bắc rất nhiều người đã ngạc nhiên khi thấy cái ảnh cưới của anh Trỗi và Chị Quyên. Chị Quyên mặc áo dài trắng, ôm một bó hoa Lay Dơn trắng, trông rất... lạ so với miền Bắc thời ấy. Mà anh Trỗi chị Quyên đều chỉ là công nhân, tức là đám cưới nghèo.
 
Cu chú rể này nó giống bác nó hồi trẻ kinh khủng, ke ke...
           Lần ấy về quê, tôi chứng kiến từ đầu tới cuối lớp lang đám cưới của 2 cô em. Khắc hẳn những gì tôi biết và thấy trước đấy.

           Thôi khỏi kể những lần gặp mặt lớp lang trịnh trọng giữa 2 gia đình để có thể tiến tới lễ cưới. Nó sơ sơ đâu gần chục lễ, nhưng không phải là thách cưới, mà là một cách chứng tỏ đám cưới là một trong những việc trọng của đời người.

           Chỉ kể cụ thể ngày cưới.

           Con cháu trong họ được huy động hết. Ông nhanh tay nhanh chân nhanh miệng được giao đi mời. Đạp xe đạp một ngày thì hết. Quen nên công việc khá nhanh. Tốp nữa thì làm rạp. Chặt tre, lợp tôn (đi mượn), rất chắc chắn, rồi đi mượn bàn ghế. Bàn ghế nhà ai cũng có thể huy động và không sợ lộn vì nhà ai cũng ghi tên dưới gầm rồi. Nhà nào bét cũng có một bộ bàn ghế uống nước 6 ghế. Mâm hồi ấy là mâm 6. Vài cô gái được giao đi mượn bát đĩa. Cũng là quen nên biết nhà ai có bao nhiêu bát đĩa tô các loại, chỉ việc đến đếm rồi gánh về, dưới đít cũng đều đã có sơn đánh dấu... vân vân các kiểu.

           Nhưng vừa thú vừa mệt là việc chuẩn bị và làm cỗ.

Hồi ấy nghèo, 100 phần trăm là tự làm lấy cỗ. Nhà đơn giản thì xôi heo. Món này vừa rồi thấy có mấy người đưa lên mạng và ai cũng... xuýt xoa, vì nhớ nó, vì thấy một thời hiện lên, và quả là nếu lâu lâu ăn một bữa thì cũng ngon. Ấy là người ta luộc cả con heo, rồi xắt mỏng, mỗi thứ một ít bày ụ lên nửa mâm. Nửa mâm còn lại là xôi đồ. Có một ít chuối chát, khế chua, rau thơm. Mấy chén nước mắm nhĩ và ớt bột, đặc sản ở đấy. Đến mấy đĩa ớt bột, ai ăn bao nhiêu thì đổ vào bát nước mắm của mình, có người đổ đến sột sệt, đến đặc quánh. Thứ nước mắm chấm xôi xôi nổi, nhúng thịt thịt trôi, lừng vang mùi... nước mắm và ăn vào thì nhức răng. Còn ớt là ớt trồng trên cát làm vồng cao. Chín đỏ mới hái, phơi giữa nắng hè cho kỳ quắt lại, giòn tan, rồi cho vào cối giã, rồi rây cho nhỏ mịn như bột. Thứ nằm trên rây lại phơi lại giã tiếp. Một số nhà công phu hơn thì có thêm nước lèo, là hỗn hợp gan lợn, mỡ, tôm, lạc rang, nước luộc, mắm muối gia vị các loại, được đun lệt xệt thành một thứ nước rất ngon. Ai từng ăn bánh khoái Huế thì đều biết loại nước chấm thần thánh này.

Nhà có điều kiện hơn thì làm bò, vịt gà... thông thường là vịt và gà. Con cháu được huy động thức suốt đêm để làm. Nông thôn thời ấy chưa có điện, mấy cây đèn được đặt rải rác ở giếng hoặc mội (loại nước trong vắt chảy ra từ các độn cát). Đàn ông, chủ yếu là con và cháu rể vừa vặt lông vịt vừa đánh muỗi bộp bộp. Hàng trăm con vịt và gà được làm trong đêm như thế, bởi mỗi mâm ít nhất phải có một con vịt một con gà. Và ở quê có những giờ “lên mâm” rất cắc cớ. 3 giờ sáng có khi đã dậy để 5 giờ ngồi họ. Có khi nhà ở xa phải lọ mọ đi từ nửa đêm. Mà xe cộ cũng chả đủ, tất cả xe máy được huy động để chở các bác (những người cao tuổi trong họ), còn lại là đi xe đạp, thậm chí đi bộ. Và như đã nói, đã các bác là phải khăn đóng áo dài rất trịnh trọng, thanh niên sơ mi cà vạt chỉ đi theo bưng bê chứ không được ngồi họ. Mà ngồi họ là ăn. 8 giờ sáng một suất nữa, 11 giờ lại một suất. Nhà chật, bàn ghế bát đũa không đủ nên phải chia ra nhiều “ca” như thế cho phù hợp hoàn cảnh.

Khách ăn cũng chính là người phục vụ. Trừ khách xa, khách Vip, còn lại thì toàn bà con anh em, nên anh ăn xuất trước phục vụ anh xuất sau...

Cỗ Huế (trừ xôi heo) là cả một công trình nghệ thuật dành cho những người kiên nhẫn. Cái gì cũng ít đựng trong những chiếc đĩa bé tẹo nhưng mà lại cực kỳ nhiều món, người lạ có thể hoa mắt lên giữa trận đồ đĩa bát, người quen rồi thì cứ nhẩn nha ăn, lần lượt từ trên xuống dưới, hết tầng này hạ đĩa không xuống ăn tiếp tầng dưới. Có nhà xếp cỗ đến 4-5 tầng trông như một ngọn tháp. Một mâm 6 người người ta bày thức ăn sao mà mỗi một đĩa mỗi người gắp chừng 1 đũa là vừa hết. Món cuối cùng bao giờ cũng là xôi. “Hết xôi rồi việc” người Huế hay nói thế như một câu cửa miệng. Cỗ Huế ám ảnh người ăn còn ở màu sắc. Đỏ ớt trắng hành xanh rau thơm rồi vả chuối cải non... ngồi trước mâm cỗ như một tác phẩm nghệ thuật như vậy, người ta nâng sự ăn lên thành sự thưởng thức chứ không thể ăn uống theo kiểu phàm phu tục tử... 

Cũng nói thêm, ở đâu chả biết, quê tôi bà con toàn nấu lấy. Một dòng họ có vài ba chị khéo tay sẽ là bếp chính, còn lại tất cả đều có thể “tác chiến” được. Hôm trước thấy các bà các chị ngồi giăng hàng gọt rau củ quả, vừa làm vừa nói chuyện rôm rả. Chủ nhà sẽ là người đi chợ theo thực đơn đã lên. Hôm sau là mỗi chị phụ trách một hoặc vài món món. Nhìn các bà các chị hôm trước còn vừa xồ xề vừa có vẻ vụng về, thậm chí là luộm thuộm, hôm sau thoăn thoắt đứng bếp, mà toàn bếp đầu rau nấu rơm hoặc củi chứ không gas ghiếc sáng choang như giờ, thấy vừa phục vừa tự hào với bà con của mình. Giờ có dịch vụ nấu, có vẻ khỏe, nhưng cái đoạn bà con ngồi vừa làm vừa trò chuyện không còn, tay nghề lụt dần, cái nồng ấm dân dã của món ăn không còn. Trong khi, dân ăn nhậu giờ nhăm nhăm đi tìm món ăn quê. Món quê không chỉ là thức ăn, bởi đa phần thức ăn của ta đều từ quê, mà nó còn là cái không khí, cái hồn cái cốt của quê thấm ở từng giọt mồ hôi, từng sợi khói bếp, từng tiếng lao xao chộn rộn nơi bếp của... nhà có đám...

Giờ hiện đại hơn nhiều. Có dịch vụ lo tận răng. Mà lại rất rẻ, chỉ chừng trăm ba đến trăm rưỡi một xuất, mâm 10 chứ không sáu như ngày xưa nữa, và cũng toàn món xịn, như cái đám cưới mà tôi vừa dự, có cháo bồ câu, có gà quê luộc, có bê tái làm gỏi, có dê hấp, và cả con ba ba hầm thuốc bắc to oành, cơm chiên dương Châu, kem tươi tráng miệng... mà có một trăm ba mươi ngàn một xuất, tất nhiên bia tính riêng.

Nhưng phong tục thì vẫn như xưa, cũng vẫn nhà trai rồng rắn sang nhà gái, chỉnh tề, lớp lang. Bắt buộc phải có vài bác, khăn đóng áo the. Ông em tôi, vì một ông bác ốm đột xuất mà lo sốt vó, phải mời bằng được bác khác để thế. Loại như tôi, oai ở đâu thì oai, về quê thì... quên đi nhé, chưa phải các bác chưa... oai được.

Mà đám cưới bình thường, ở phố, thì khoản ngồi họ đã là cực hình rồi, huống gì ở quê. Nóng như nung, nhưng bàn các bác bao giờ cũng được đặt ở gian chính giữa, sát bàn thờ. Đấy là nơi trang trọng nhất của một gia đình người Huế, bình thường không bao giờ được mở, chỉ khi nào có việc trọng thì mới cung thỉnh các bác ngồi. Phụ nữ là cấm tiệt. Lỡ ngồi đấy thì... ăn đủ. Nóng bức, chả biết nói chuyện gì, vì các bác đa phần đã nghễnh ngãng, răng cỏ thì đã chín sáu ba không, có ăn thì cũng chỉ tí cơm chan canh là xong mà hạt vào thường ít hơn hạt rơi. Ấy thế mà lỡ anh nào ngồi nhầm vào đấy là liệu hồn nhé. Không đùa được với “lễ nghi chỗ ngồi” của người Huế. Nên có khi mà 2 ông sui gia của đám cưới mà ông thì ngồi trong nhà ông tít ngoài sân, bởi phải theo trật bậc của từng ông trong họ nhà mình. Lấy cửa làm mốc nếu bàn kê trong nhà thì người to nhất ngồi phía ngoài cùng ra sân còn nếu bàn kê ngoài sân thì người ấy được ngồi đầu bàn phía vào trong nhà. Mỗi một đám việc bao giờ cũng phải có một người thông minh nhanh nhẹn mặc áo dài khăn đóng đảm nhiệm việc bố trí chỗ ngồi. Ấy là hồi bàn vuông, cưới ở nhà. Giờ có dịch vụ, căng rạp bàn ghế bọc vải trắng tinh hoặc đỏ như mâm ngự thiện, có kịch bản có MC nói không ngừng nghỉ, như là nếu nghỉ chỉ chừng năm giây thôi là sẽ bị... đuổi việc, có nhạc mở không to, không hết cỡ không ăn tiền, có tốp múa rước cô dâu chú rể, bố mẹ của cô dâu chú rể lên sân khấu, rồi cũng rót sâm panh, cũng... pháo nổ lụp bụp bằng bóng bay... thì mâm các bác bao giờ cũng... sát sân khấu. Mỗi “phe” năm người. Tôi đang ngồi thì thấy một ông em 72 tuổi, khăn đóng áo dài bước tới trịnh trọng: Đề nghị nhà gái chọn 5 bác lớn nhất ngồi mâm này vì mâm này có bác trưởng (họ), có ông bác (là tôi, anh ruột bố chồng cô dâu), thế là một chị phụ nữ cũng tuổi mệ ngoại của nhà gái đứng dậy khều một anh bàn bên để đổi. Tôi phải cười xòa, mời mọi người cứ ngồi yên, vì tôi không mặc áo dài. Và tôi để ý, nắng nóng thế nhưng các bà các cô đều áo dài tha thướt, các ông đều áo vét, rất ít sơ mi, trong khi ở phố rất nhiều bác áo thun quần jean cho tiện. 

Lại còn cái lễ tạ rạp. Đã dựng rạp trong nhà là phải có một cái lễ tạ. Thường là sau đám cưới vài ba ngày. Nhà ít thì vài mâm, nhiều thì dăm mâm, cúng tạ rạp nhưng cũng là cách mời những người đã giúp mình tổ chức, dù đấy là anh em bà con nội tộc. Cũng là một cách hành xử thân thiện tình nghĩa xóm làng.

Đám cưới kiểu cũ, xong việc thì cả nhà ai cũng mệt phờ. Thế nhưng mệt thì cũng không nghỉ được, bởi còn dọn dẹp, trả đồ, cũng mất mấy ngày. Giờ tiện hơn, đặt hết, xong việc là xong, tất cả đã có dịch vụ lo. Nhưng quả là, cỗ cưới kiểu dịch vụ nhà hàng bây giờ, nó cứ nhang nhác nhau, ăn lấy được chứ bảo là ngon thì rất hiếm. Ngày xưa làm lấy, dẫu là hàng trăm mâm, nhưng vẫn có gì đấy gần gũi thân thuộc, vẫn có gì đấy không xa lạ lắm, không cách biệt lắm.

Quê tôi có một con đường bê tông rất đẹp, dân làng đặt tên là con đường hạnh phúc. Thì ra mỗi một đám cưới, cô dâu chú rể phải nộp một khoản tiền tương đương bao nhiêu mét đường đấy, để làng làm đường. Cũng như một số làng ở miền Bắc cô dâu chú rể phải nộp gạch làm đường hoặc làm đình. Cứ thế, năm này qua năm khác, con đường rất đẹp hình thành, trước khi được nhà nước làm đường nhựa chạy qua làng. Giờ dẫu có đường nhựa nhưng con đường bê tông với hàng dừa rất đẹp vẫn được giữ và là niềm tự hào của làng...
                                                              
 
Đội tài xế lái xe đón dâu có lẽ độc nhất VN: Thứ tự: Bố chồng, chú, bác, chú, trực tiếp lái xe đón họ nhà gái. Thứ tự các xe biển số 75, 30, 81 và 36. Tất nhiên đây là đội hình chính, xe thuê không kể.

 
Cận cảnh team driver, ở giữa là chú rể









1 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Bài viết thật sinh động, phong phú và ấm chân răng.