Nhà rông la liệt
trai làng ngủ. Chính xác là những người đàn ông không và chưa có vợ, tức là cả
những người góa vợ. Người thì tấm dồ, người thì cái chăn mỏng. Co ro quanh đống
lửa và những câu chuyện thì thầm. Số người ngủ ít hơn người thức. Chợt một tiếng
đàn bật lên. Đàn k’ní. Buồn, chậm, da diết… một thanh niên cho biết vợ anh này
mới chết, cứ khuya là anh chơi đàn. Tất cả lặng phắc, chỉ còn tiếng gió lồng lộn
bên ngoài, và cũng phần phật bên trong vì vách nhà rông rất thưa, không chỉ
xiên ngang, gió còn luồn từ dưới sàn luồn lên, và tiếng đàn K’ní não lòng kia.
Một trong những
đặc sản của Gia Lai là… gió.
Cũng chả hiểu
sao trong cái ngày cuối năm này tôi lại ngồi và nhớ về gió. Nhớ da diết, nhớ đến
rõ mồn một những cơn gió tôi đã trải, cả trong đời và trong… tưởng tượng.
Ấy là những cơn
gió lồng lộn của mùa khô năm 1981, tôi xuống làng Bạc tìm chị H’Noanh. Người phụ
nữ Jrai tôi xuống tìm lần ấy sau này đã trở thành nhân vật của nhiều tác phẩm,
cả báo chí và văn chương, của cả tôi và nhiều đồng nghiệp. Cuộc đời của chị, ai
cần tìm hiểu, search Google sẽ biết, nhưng cái cơn gió mà lần đầu tiên tôi biết
ấy thì cả cỗ máy khổng lồ kia có vận hành hết sức cũng không có.
Tất nhiên là rất
lạnh. Tất nhiên là rất bụi. Tất nhiên là rất… không ngủ được, khi mà có mỗi một
đống lửa phập phù tối sáng giữa nhà, mọi người nằm quây quần xung quanh. Và
đói. Giờ mới hiểu sao các cụ ta hay dùng cặp từ đói đi cùng với rét. Càng đói
thì càng rét, và ngược lại. Và trong cái đêm không ngủ ấy, tôi đã chứng kiến thế
giới đêm của người Jrai.
Nhà rông la liệt
trai làng ngủ. Chính xác là những người đàn ông không và chưa có vợ, tức là cả
những người góa vợ. Người thì tấm dồ, người thì cái chăn mỏng. Co ro quanh đống
lửa và những câu chuyện thì thầm. Số người ngủ ít hơn người thức. Chợt một tiếng
đàn bật lên. Đàn k’ní. Buồn, chậm, da diết… một thanh niên cho biết vợ anh này
mới chết, cứ khuya là anh chơi đàn. Tất cả lặng phắc, chỉ còn tiếng gió lồng lộn
bên ngoài, và cũng phần phật bên trong vì vách nhà rông rất thưa, không chỉ
xiên ngang, gió còn luồn từ dưới sàn luồn lên, và tiếng đàn K’ní não lòng kia.
Mùa này, hoa xuyến
chi đẹp nhất.
Sau dã quỳ là
Xuyến chi, thứ hoa màu trắng, li ti tinh khiết, thứ hoa dân dã quê mùa bạt ngàn
nhiều hơn cỏ. Nó như một đặc sản của Tây Nguyên, dù, cũng như dã quỳ, vùng nào
trên nước ta cũng có.
Nó dân dã đến đạm
bạc, đến nhiều người không thèm cả biết tên nó, cứ hoa dại mà gọi.
Nhưng nó lại rất
hiện nhiên tồn tại, như khép nép mà lại như ngạo nghễ, như cố thu mình lại mà lại
cứ buông thả lan xa. Những cơn gió vồng lên, những thảm xuyến chi bết lại nhau,
hoa díu vào hoa, lá díu vào lá, và cái nhụy vàng, mỏng manh đến cứ rưng rưng
trước gió, té ra lại rất can trường.
Và khác dã quỳ,
hoa xuyến chi cắm vào lọ gốm rất đẹp. Dã quỳ chỉ đẹp khi nó nguyên từng thảm thế,
khi nó ràm rạp trước gió trước nắng thế, chứ hái cắm vào lọ là xấu hẳn. Xuyến
chi lại tinh khôi hơn khi ngự trong một cái bình, mà đẹp nhất là gốm.
Những buổi chiều
hoang dại, những buổi chiều đầy gió, gió lan như lửa, gió bốc như xăng, gió cuồng
nộ như sóng biển. Hãy đi ngược gió, hái những ngọn xuyến chi cao nhất, cánh trắng
đều nhất, thả vào lọ gốm. Sự thanh bình lập tức đến ngay trong ngôi nhà, sự im
lặng ngự trị, sự tinh khiết cao thượng lên ngôi, dẫu ngoài kia, chiều vẫn gió.
Tôi lại cũng nhớ
những cơn gió khi lên các đồn biên phòng từ Đức Cơ đến Chư Prông, Ia Grai. Nhớ
những giò lan đung đưa trong gió bung hoa tỏa hương làm đêm như huyền ảo hơn,
lung linh hơn, thi vị hơn, dù quả là, nếu không quen sẽ buồn như chấu cắn. Những
cơn gió xuyên qua cơn đói, xuyên qua giấc ngủ, xuyên qua nỗi buồn nỗi nhớ, hay
chính xác hơn, làm bạn với nỗi buồn, nỗi nhớ… lúc này, gió không còn là gió, nó
là linh hồn, là sẻ chia, là miên man ký ức…
Làng, những ngôi
làng Tây Nguyên hiền hòa trước gió. Trong tôi đậm đặc nhất là cái làng Bông,
Plei Bông, ngôi làng của họa sĩ Xu Man. Ông đã về đây sống những ngày cuối đời
và rồi mất ở đấy, nhập đất mẹ ở đấy…
Nhà sàn Bahnar
nhỏ và mềm mại. Nhà rông cũng thế. Cái hay của những ngôi nhà của người Tây
Nguyên là, để tồn tại trước những cơn gió lồng lộn như ngựa hoang trên thảo
nguyên kia, người ta không tìm cách chống nó, mà nghĩ ra cách tồn tại. Ấy là
dùng sự uyển chuyển đối với sự cứng cáp, dùng mềm mại đối với thẳng căng, dùng
chậm đối với nhanh, dùng tù đối với nhọn, dùng hiền hòa đối với hung hãn… điều ấy
lý giải vì sao những ngôi nhà rông đồ sộ thế, luôn ở vị trí cao nhất làng, mà
làng thì hay được lập trên những sườn đồi… lại có thể tồn tại trước những cơn
gió suốt ngày quần thảo, những cơn gió có thể càn lướt cuốn phăng những gì
chúng gặp trên đường. Những ai từng ở Tây Nguyên mùa khô đều từng chứng kiến những
cơn gió như thế… Trước sự cong mềm tinh tế trữ tình, sự khiêm nhường duyên
dáng, sự nhu một cách cố tình, của ý đồ
con người, những con người tài hoa chỉ bằng kinh nghiệm sống và sự tôn
trọng tự nhiên đã biết hòa đồng với tự nhiên, với gió, để những cơn bão gió trở
thành mơn man the thẩy, tôn thêm vẻ đẹp của những ngôi làng Tây Nguyên vốn đã rất
đẹp khi nó chênh vênh trong chiều, trên sườn đồi, những chiều lãng đãng sương
hoặc đêm trăng lạnh…
Tôi từng gặp những
cơn gió thổi rung bần bật cái cầu treo vào khu căn cứ cũ ở rừng K’bang. Nương
theo gió, tôi gặp tiền nhân. Ở đó, một chiến khu kháng chiến, một thị trấn
kháng chiến hiện hình. Này là căn tin, này là phòng họp, này là hầm ngủ, này là
trạm y tế… cả một xã hội thu nhỏ, một góc chiến tranh, một giấc mơ hòa bình.
Bao nhiều thời gian, bao nhiêu tuổi trẻ đã lặng lẽ trôi qua ở nơi này. Tôi đọc
được ở đây một nghị lực sống, một niềm tin từ cái nơi rất dễ khiến cho con người
thiếu niềm tin. Hình như ở những góc hầm con gái, đường cong như mượt hơn, cỏ
như xanh hơn, và gió cũng mơn man hơn… bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu khát khao,
bao nhiêu thầm kín, bao nhiêu tiếng thở dài, của đêm, của thời gian, của tuổi
thanh xuân… đã từng ngậm nghịu nơi này.
Gió là nhân chứng.
Và đấy là nhân chứng biết tôn trọng bí mật nhưng cũng biết hé lộ các bí mật.
Và tôi tưởng tượng
ra những cơn gió từ thời tiền sử, cái thời đá cũ ở Việt Nam mà các nhà khảo cổ
Nga Việt vừa phát hiện ra ở An Khê. Người ta tạm tính rằng, cách đây 77 đến 80
vạn năm, tại đây đã xuất hiện con người, những con người ở thời tối cổ, lúc người
vượn bắt đầu đứng thẳng, tổ tiên trực tiếp của con người hiện đại trong phạm vi
lãnh thổ Việt Nam. Kết quả khảo cổ này đã làm thay đổi quan niệm của một số học
giả không thừa nhận có một giai đoạn sơ kỳ đồ đá cũ ở khu vực Đông Nam Á, coi
đây là khu vực của sự bảo thủ, trì trệ…
Tết ở Tây Nguyên
là mùa gió lên. Những cơn gió không vô hồn dù chúng có vẻ vô hồn. Nó vừa là ký ức,
vừa là hiện tại đồng thời có cả tính dự báo. Những cơn gió Tây Nguyên, mùa gió
Tây Nguyên, vì thế, song hành với Tây Nguyên, song hành với mùa xuân, trong
hành trình bất tận đi tới và vươn lên, hành trình hướng về phía sáng, phía của
tương lai và cái đẹp...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét