Thứ Năm, 23 tháng 3, 2017

TRIẾT LUẬN TRONG THƠ VĂN CÔNG HÙNG

Đây là bài viết chuyên đề để đăng tạp chí tính điểm trong luận văn thạc sĩ của cháu Trương Thị Tường Linh "Phong cách nghệ thuật thơ Văn Công Hùng". Mình là TBT tờ tạp chí Văn Nghệ Gia Lai nhưng có một nguyên tắc là không in thơ và bài viết về thơ của mình trên tờ báo mà mình làm TBT, nên ai làm luận văn về mình là chịu thiệt thòi, phải tự xoay xở. Tường Thi đã gửi bài này cho tạp chí Sông Hương và được in trong số đặc biệt, kỷ niệm 60 năm khoa Văn Đại học Huế. Như thế đến nay mình đã có 3 người làm luận văn thạc sĩ về thơ, một đã xong 3 năm trước, 2 đang thực hiện. Ngoài cái này thì còn một cái là Ngôn ngữ thơ VCH (không chính xác, nhớ nhòa nhòa thế, he he).

Xin đăng lại lên đây để ai quan tâm thì đọc...



Triết luận trong thơ Văn Công Hùng
Trương Thị Tường Thi
Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Gia Lai

Thuật ngữ triết luận gắn với tính trí tuệ hay tính triết lý trong văn học nói chung và trong thơ ca nói riêng xuất hiện từ rất sớm. Đến đây chúng ta có thể hiểu, tính triết luận sẽ có được khi: cảm xúc của nhà thơ thăng hoa trong lúc suy nghĩ, phân tích, giải thích, biện luận những vấn đề hiện thực cụ thể mà nhà thơ trải qua. Như vậy triết luận là một yếu tố để cấu thành nên văn bản văn học chứ không phải là toàn bộ nội dung của văn học.

“Triết” là triết lí, “luận” là bàn luận; “triết luận” có thể hiểu chung lại là triết lí và bàn luận. Thông thường nhà thơ triết lí và bàn luận về những vấn đề con người và xã hội. Chúng tôi hiểu thuật ngữ ở góc độ đơn giản này và cho rằng: Cảm hứng triết luận là hứng thú được tranh luận, biện giải khi bắt gặp những chất liệu cuộc sống, những vấn đề nhân sinh và xã hội gần gũi với những chiêm nghiệm, suy tư lâu dài của nhà thơ, được nhà thơ sáng tạo thành các tứ thơ.

Khi cảm hứng triết luận trở thành cảm hứng chủ đạo thì tác phẩm sẽ mang hơi hướng của sự phân tích, biện giải và tính triết lí sẽ xuất hiện thường xuyên ở các tác phẩm làm nên nét riêng của nhà thơ. Đến đây, nhà thơ nào có vốn sống, vốn văn hóa, vốn triết học cao và biết vận dụng những vốn đó sáng tạo thì cảm hứng triết luận sẽ định hình tư duy triết luận độc đáo làm nên phong cách riêng của nhà thơ. Những nhà thơ như vậy thường được gọi trân trọng là “nhà thơ trí tuệ” hay “nhà thơ triết lý”.

Các nhà thơ thường thiên về “duy cảm”. Văn Công Hùng không lựa chọn con đường đó, ông chọn thơ “duy lí” mang tính biện giải, đút rút, chiêm nghiệm. Vì vậy nét nổi bật làm nên phong cách thơ ông là tính triết luận. Những triết lí, luận giải trong thơ Văn Công Hùng như đã đề cập thường không cao xa, khó hiểu mà gắn bó mật thiết với đời sống, với những cái hằng thường mỗi ngày ông trải qua. Bất kì cảnh tượng, sự việc gì cũng được Văn Công Hùng soi chiếu ở một chiều kích khác - chiều kích của trí tuệ - nó đòi hỏi người nghệ sĩ ngoài vốn sống còn cần có chiều sâu của tri thức và liên tưởng.

Văn Công Hùng thường hay suy ngẫm chiêm nghiệm về con người và thời đại. Giọng thơ Văn Công Hùng đặc sắc nhờ những suy tưởng. Ông đã qua sát, nhìn nhận từ hiện thực cuộc sống để từ đó đưa ra những nhận định về con người và cuộc sống thời ấy. Trong cuộc sống quanh ta có biết bao điều xảy ra khiến chúng ta phải suy ngẫm như sự vô nhân đạo phi nghĩa của chiến tranh: 

Cuộc chiến tranh đã qua lâu rồi
Gai thép nhọn vẫn đâm vào hiện tại
(Một nửa bông hồng)

Hay hòa bình với những bộn bề phức tạp của cuộc sống:
cục đá được tôn lên
nhênh nhang như phải đấm
bác sĩ thành đồ tể
sông Hồng bâng quơ lướt giữa mùa đông
(sáng mai rồi mùng một)

Chất suy tư, triết luận ở con người này đã ngấm cả vào thơ, như men rượu ngấm dần vào máu. Chúng ta đọc thơ ông - chàng thi sĩ “hát rong” để thấu hiểu với cõi lòng ông, cảm nhận được những trăn trở và khát vọng của ông về tình yêu, nghệ thuật cũng như cuộc sống. Qua đó để thấy chất phong trần ở Văn Công Hùng không chỉ thể hiện trên gương mặt đăm chiêu, thấm nỗi buồn diệu vợi mà còn thể hiện qua ngôn ngữ thơ chắt lọc từ cuộc sống, đầy dự cảm, chiêm nghiệm và triết lý. Là người từng trải Văn Công Hùng đã chứng kiến bao sự kiện, để rồi suy ngẫm về cuộc đời này:

cái miệng để nói trái tim để đau
có những chức năng hình như đang đổi
tìm một sự tử tế sao mà khó
dửng dưng mắt chớp qua ngày
(tự gặm)

Ông đã đi qua tất cả, để bây giờ nhìn lại mình, chiêm nghiệm từ chính mình, thực sự ngồi ngắm khuôn mặt mình:

Trong bóng đêm tôi nhìn thấy mặt mình
lang thang và ngơ ngác
mặt của tôi được sinh ra lần nữa
lăn trong giấc mơ
(Trong bóng đêm)

Hay:

có những lúc ta là ta xa lạ
ta như là phiên bản của ta thôi
ấy là lúc soi vào ảo ảnh
thấy ta là ai của ngày xưa…
(Có những lúc)

Cuộc đời là thế, Văn Công Hùng đi vào cõi lặng của mình để được nhìn ngắm mình, nhìn ngắm xung quanh và bỗng hiểu rằng:

Thơ cho đời cho bạn cho tôi
có chút đắng khé lòng trôi nổi thân phận
có tí ti ngọt ngào nụ hôn tình ái
có vầng trăng bạc phếch ở trên đầu
(thơ trong chiếu rượu)

Không phải ai cũng cảm nhận được điều đó nhưng nó lại là căn nguyên của sự thật, làm ta bình tâm hơn trước những thách thức của cuộc đời. Nhà thơ hơn ai hết nhạy cảm với mọi biến động của cuộc sống và khái quát mạnh mẽ thành những hình tượng thơ. Ông đã nghiệm ra một điều:

Không thể hết những muộn phiền
Không thể hết những nỗi đau
Không thể sung sướng đến tận cùng
Nước mắt đến tận cùng
(Và gió)
 
Cuối cùng ông nghiệm ra, thơ vẫn là những gì lắng lại sau tất cả, dù vinh hoa phú quý hay những bức bối thường nhật của cuộc đời. Văn Công Hùng đi đến triết luận nỗi buồn rồi sẽ qua, niềm vui rồi sẽ đến:

Giọt sầu rồi sẽ vơi
Giọt vui rồi sẽ tới
Duỗi chân chờ ngày mai
Một thoáng trần thư thái
(Bất chợt chiều)

Nhà văn Nguyễn Tuân đã định nghĩa chính xác “Thơ là mở ra một cái gì mà trước câu thơ đó, trước nhà thơ đó còn như bị phong kín”. Thơ Văn Công Hùng là những rung động của trái tim kết lại thành vần điệu. Thơ ông  rất cảm xúc nhưng ông đã nâng tầm trí tuệ cho mỗi câu thơ để một cách tạo ra chiều sâu cho tình cảm. Sự gắn bó mật thiết trí tuệ với tình cảm thông qua những suy tưởng triết lý, khái quát đã đem đến cho thơ Văn Công Hùng những khám phá mới mẻ về chân lý cuộc đời. 

Ngoài sự nồng nhiệt trong tình cảm, thơ Văn Công Hùng còn luôn đằm sâu trong suy nghĩ. Văn Công Hùng chú trọng quan sát hiện thực đời sống để nắm bắt được những chi tiết rất nhỏ nhưng có sức khái quát cao:

 những đồng tiền vào tay như gió vào nhà trống
cô bé non choẹt lừa lão luyện chuyên gia vèo bay 4 ngàn tỉ
rồi huề
10 cân su hào chưa gạt ngang tô phở
( sáng mai rồi mùng một)

Là người có tố chất thông minh, lại có vốn sống phong phú, Văn Công Hùng có khả năng nắm bắt rất đúng cái thần của sự việc. Ông có những phát hiện khái quát sâu sắc về dân tộc, thời đại, về cuộc sống về con người. Dường như những triết lí nhân sinh đã trở thành một đặc trưng trong phong cách thơ Văn Công Hùng. Từ những quan sát, nhà thơ đã tư duy để tìm ra những quy luật khách quan của cuộc sống, quy luật nội tại của tình cảm và lý giải bằng những hình tượng thơ sinh động.

Tăng cường tính triết luận vào thơ đã tạo được nét riêng biệt làm nên phong cách thơ Văn Công Hùng. Ông cảm nhận được sự ngắn ngủi của đời người trong dòng chảy không cùng của thời gian. Sự sống con người ngỡ ra là thoáng chênh vênh, mơ hồ. Cũng từ đó, nhà thơ ngộ được giới hạn của đời người. Đọc thơ ông, ta nghe trong đó thời gian lưu chuyển có cả niềm tiếc nhớ cái đã qua:

cứ tưởng chỉ còn mười ba năm tro bụi
nụ hôn xưa
mãi mãi là dĩ vãng
trong ngọt ngào chua xót của cuộc đời
(dĩ vãng)

Những triết lý này có sức khái quát cao. Nó chính là sự thật ở đời mà đôi khi người thường chúng ta dễ dàng bỏ qua hoặc nhận ra nhưng không nói được thành lời và chẳng để ý mấy. Bằng trải nghiệm và suy tư, Văn Công Hùng đã diễn đạt đầy trí tuệ qua việc sử dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong thơ Văn Công Hùng nặng tính khái quát, triết luận được thể hiện rõ nét qua việc dùng từ, đặt câu. Cách diễn đạt theo xu hướng này khiến thơ của ông giàu chất trí tuệ. Qua đây ta cũng thấy nhà thơ có ý thức vô cùng sâu sắc về việc sử dụng ngôn từ thơ một cách cá tính để thể hiện sự bức phá và vượt thoát bản thân trong lao động nghệ thuật.

Văn Công Hùng là nhà thơ Việt Nam đương đại, ông đã từng sống và đi nhiều nơi nên không thể phủ nhận rằng vốn sống của ông khá phong phú. Điều đó cũng dẫn đến khả năng sử dụng và phát huy ngôn ngữ một cách nhuần nhị và linh hoạt trong thơ ông. Thơ Văn Công Hùng  rất mới. Song ông là một nhà thơ cách tân thận trọng, khôn ngoan, biết sử dụng khéo léo những thành tựu thơ phương Tây lại không bao giờ đoạn tuyệt với thơ truyền thống Việt Nam. Văn Công Hùng là nhà thơ luôn có ý thức xây dựng một cách đúng đắn mối quan hê giữa thơ với đời, giữa người làm thơ và người đọc thơ. Cho nên có thể nói ngôn ngữ trong thơ Văn Công Hùng luôn là ngôn ngữ "hòa giải" các mối quan hệ đó.

Thơ giống như gió, con người ta không thể dùng mắt thường mà nhìn thấy, không thể dùng tay mà nắm bắt mà thơ chỉ có thể cảm nhận bằng những giác quan của trái tim, bằng sự tinh tế của tâm hồn đang tràn ngập ý thơ. Không ai biết thơ từ đâu tới, thơ đi về đâu, nhưng thơ mang trong mình những năng lực siêu phàm huyền bí. Có lẽ thơ bắt đầu từ những trái tim đang đập nhịp yêu thương và điểm đến của nó là tìm đến với sự đồng cảm của con người trong thế giới muôn hình vạn sắc. Trong thế giới ấy thơ có một sức mạnh phi thường, thơ giúp người gần người hơn, thơ làm đẹp cho đời, thơ làm cho cuộc  sống này luôn hân hoan trong những giai điệu khi bổng khi trầm của đời. Với Văn Công Hùng, thơ có lẽ được xem là bức chân dung tự họa đầy đủ và sinh động nhất về một người thơ “hát rong”, phiêu lưu cùng trời đất gió trăng, nhưng chất đầy trong tim những mối suy tư, trăn trở, chiêm nghiệm về đời tư thế sự.

Trước sự chuyển vần, trước sự tuần hoàn của dòng đời, nhà thơ là một vạt hoa lặng lẽ tỏa hương. Theo sát hành trình thơ Văn Công Hùng, chúng ta thấy trong đó sự thao thức, suy ngẫm, chiêm nghiệm mang tính triết luận. Thơ ông viết cho mình, nhủ lòng mình hơn là khuyên răn người khác. Đây chính là một trong những phẩm chất đích thực của thi ca và cũng là cốt cách sống của nhà thơ Văn Công Hùng, giúp nhà thơ tỏa sáng một cách kín đáo bên cạnh các cây bút tài năng của nền thơ hiện đại Việt Nam.


Trương Thị Tường Thi và đề cương luận văn

1 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Chúc mừng nhà thơ Văn Công Hùng.