Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

NHỮNG LẦN QUẢNG TRỊ



Sau đấy là cảm giác lạ lẫm, bởi khi vào Đông Hà, đêm, đèn điện sáng choang, nam nữ đi chơi từng đoàn. Hồi ấy miền Bắc còn rất thiếu thốn và khổ, phụ nữ chủ yếu mặc đồ sẫm màu, quần toàn màu đen hoặc xanh. Gặp phụ nữ Đông Hà mặc đồ bộ màu trắng hoặc sáng và mỏng đi chơi phố. Cái gã trai mới lớn là tôi quả là có những xao động “không hề nhẹ”. Chưa hết, còn cái dáng ngồi trên xe đạp mini nữa. Đang ở cái chỗ đi xe đạp gần như nằm bò trên xe (yên cao bằng ghi đông, mục đích là để giảm lực cản của gió khi đạp xe), gặp cái cảnh thảnh thơi yên thấp tụt hẳn xuống, ghi đông cao vỏng lên, cái dáng đạp xe nó mới nhàn nhã, sang trọng và quý phái làm sao?


Với nhà thơ Kevin Bowen
Lần tôi chạm Quảng Trị đầu tiên là đầu năm 1976.

Theo ba về quê. Xe khách chạy xuyên đêm từ Vinh vào Huế. Trước đó chúng tôi đi tàu Thanh Hóa Vinh. Từ Vinh vào, chạy qua Hà Tĩnh, Quảng Bình, đường rất xóc và xấu, đất đai hoang tàn và dấu ấn chiến tranh phá hoại rất rõ. Qua cầu Hiền Lương chừng bốn giờ chiều, tôi, cậu bé vừa tốt nghiệp cấp 3 hiểu điều thiêng liêng mình sắp hưởng nên đã nài nỉ xin đổi chỗ mấy lần để được ngồi bên cửa sổ. Xe chật như nêm và tôi đã gần như nhoài người ra ngoài lúc xe chạy qua cây cầu lịch sử ấy. Sau này qua lại nhiều lần đến thành nhàm, rồi cây cầu ấy không sử dụng nữa, tôi không bao giờ còn lại cái cảm giác xúc động đến thiêng liêng ấy. 

Sau đấy là cảm giác lạ lẫm, bởi khi vào Đông Hà, đêm, đèn điện sáng choang, nam nữ đi chơi từng đoàn. Hồi ấy miền Bắc còn rất thiếu thốn và khổ, phụ nữ chủ yếu mặc đồ sẫm màu, quần toàn màu đen hoặc xanh. Gặp phụ nữ Đông Hà mặc đồ bộ màu trắng hoặc sáng và mỏng đi chơi phố. Cái gã trai mới lớn là tôi quả là có những xao động “không hề nhẹ”. Chưa hết, còn cái dáng ngồi trên xe đạp mini nữa. Đang ở cái chỗ đi xe đạp gần như nằm bò trên xe (yên cao bằng ghi đông, mục đích là để giảm lực cản của gió khi đạp xe), gặp cái cảnh thảnh thơi yên thấp tụt hẳn xuống, ghi đông cao vỏng lên, cái dáng đạp xe nó mới nhàn nhã, sang trọng và quý phái làm sao?

Lạ lẫm và ngạc nhiên là bởi, trước đấy, tôi đọc và học thì biết Quảng Trị là mảnh đất rất kinh khủng, là cái cổ họng của chiến tranh, có những đồi thịt băm, mùa hè đỏ lửa, con đường máu vân vân dù nơi tôi sống cũng là một trong những địa phương bị hủy diệt thời chiến tranh phá hoại: Thanh Hóa.

Sau này quen rồi thân với Quảng Trị, tôi mới biết, té ra, sự đối chọi đến khốc liệt, sự tương phản đến khắc nghiệt, những đối cực đến không thể tin là có thật chính là cốt cách Quảng Trị, là cái làm nên tâm hồn Quảng Trị, bản sắc Quảng Trị, văn hóa Quảng Trị...

Có một thời, từ Huế, muốn về nhà, tôi phải vòng qua Quảng Trị. Quê tôi ở làng Thế Chí Tây, Điền Hòa, Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Thời ấy đò giang cách trở. Nếu không muốn ngồi trên đò lịch xịch gần 4 tiếng đồng hồ từ bến Đông Ba  giữa cá, giữa hàng hóa chất đống và nồng nặc mùi thuốc rê của các ôông các mệ luôn ngậm trên môi như một… đặc trưng… thì chạy xe máy ra cầu Mỹ Chánh rồi rẽ vào Phong Bình, Phong Hòa… lên cầu Thanh Hương lộn lại về nhà.

Cầu Mỹ Chánh là thuộc Quảng Trị rồi. Tôi đã hàng trăm lần mượn đường như thế, cả hồi sinh viên và khi ra trường đi làm…

Nên cái lần Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức cuộc hội thảo và gặp gỡ nhà văn Việt Mỹ, tôi được coi là người nhà khi chương trình có cuộc đưa các nhà văn là cựu chiến binh Mỹ ra thăm Quảng Trị. Các nhà văn cựu binh Mỹ có Kevin Bowen,  Lady Borton, Larry Heinemann, Bruce Weigl, Fred Marchant… “đối chiến” với các nhà văn cựu binh Việt Nam Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Nguyễn Chí Trung, Đỗ Chu, Thái Bá Lợi, Khuất Quang Thụy, Trung Trung Đỉnh… Tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, cả “hai phe” đã cùng khóc khi lần lượt đi thắp hương ở các khu mộ. Tôi đã chụp những bức ảnh các “cựu thù” giờ tay trong tay, cúi đầu rơi nước mắt trước các ngôi mộ. Cảnh này có thể đã từng diễn ra ở nhiều nơi, nhưng tại nghĩa trang Trường Sơn, nó nhói lên trong tôi những nỗi niềm, mà dẫu đã mấy năm rồi, đã có thời gian để sắp xếp bài trí rồi, tôi vẫn không thể gọi tên cái cảm xúc lạ lùng ấy. Hôm ấy tôi đã ghi trong sổ tay những dòng như thế này: "Sáng mai sẽ mỗi người mỗi ngả, nên chả hẹn mà vào cuộc ăn chiều ở 1 nhà hàng ở thị trấn Biên giới Lao Bảo thì nhà thơ giáo sư Kevin Bowen lôi ra 1 chai rượu xách từ nhà sang, chai mà như bà Laydi Borton nói rằng nó được xách từ Ailen, quê gốc của Kevin. Trong khi đó thì nhà thơ Nguyễn Duy, một trong ba nhà văn Việt Cộng trong đoàn trước đó đã oánh nhau ở nơi này, cũng vào siêu thị miễn thuế mua 1 chai Chivas 18. Hôm nay là 1 ngày nhiều nước mắt. Mình sẽ phải viết 1 bút ký thật xứng đáng về ngày hôm nay, nếu không viết được thì sẽ bỏ phím, chắc chắn thế. Mình nhé, chả dám kể đến ai, đã khóc khi Nguyễn Quang Thiều đọc bài thơ trong bữa ăn trưa tại Đông Hà. Trước đó mình cũng nước mắt nhòe nhoẹt khi vào thắp hương ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn. Nhiều người khóc lắm, khóc tự nhiên và ngượng nghịu chứ không phải diễn. Mấy nhà văn Mỹ cựu binh cũng khóc, ngon lành như trẻ nhỏ. Không ai diễn bởi ai cũng ngượng nghịu muốn giấu phút ấy đi.Những người lính cũ từ hai chiến tuyến, bây giờ gặp nhau ở đây, tay trong tay, cứ lẩm bẩm: Nếu mấy chục năm trước mà thế này thì không có hàng triệu nấm mồ đau đớn kia. Những người lính của 2 phía ngày xưa, nhưng bằng thiên chức nhà văn, họ đã là một trong những người tiên phong trong việc bình thường hóa quan hệ giữa 2 nước, mở ra một thời kỳ mới..."... Và sau đấy, tôi đã viết cái bút ký “Quảng Trị, nước mắt và nụ cười”, một trong những bài báo mà tôi rất thích.
 
TỚ hát "Nay mai rồi bỏ cấm vận/ Bợm nhậu Mỹ nó mò qua/ Vì lợi ích quốc gia/ Ta lại đi với địch/ Ta cụng lý với địch/ Nhưng địch là địch mà ta là ta...

Quảng Trị, tôi có những người bạn ở đấy. Chân tình và hết lòng với bạn. Vào một ngày nóng nhất ở Quảng Trị năm nào đấy, tôi đã phóng xe máy ra Đông Hà. Cả Quảng Trị mất điện, mà mất dài ngày chứ không phải một lúc. Hồi ấy có chế độ tiết kiệm nên cắt điện luân phiên ở các tỉnh Miền Trung, kể cả Huế đang tổ chức Festival. Tôi thuê một phòng nghỉ và được mách là, muốn mát thì mua một vé… mát xa, dưới ấy có máy phát điện, xuống đấy nằm thì có quạt. Thế thì có mà bằng công tử Bạc Liêu đốt tiền. Các bạn tôi ở Đông Hà: Nguyễn Thời, Y Thi, Trương Minh Tứ, Nguyễn Văn Hạnh… đã đưa tôi ra một cái quán bên bờ sông, đầy tre và… gió, dẫu là gió Lào. Hơi nước từ mặt sông thổi lên cộng với đá từ những ly bia buổi trưa và vô vàn câu chuyện Quảng Trị đã khiến tôi quên đi cái nóng. Xin nói thêm, các bạn Quảng Trị hầu như đã quen, đã chịu đựng cái nóng Đông Hà mùa hè rồi, còn tôi, mang tiếng là quê Huế nhưng ở xứ lạnh Pleiku đã lâu nên rất khó thích ứng với nắng và nóng.  Tôi đã kể các bạn nghe chuyện thời sinh viên tôi đi lao động ở công trình Nam Thạch Hãn, ở nhà một chị là mẹ của hai đứa con, chồng chết trong chiến tranh. Nhà chị rất nghèo. Trong một đêm mưa nằm trong buồng nghe chúng tôi kêu đói, chị đã dậy, dốc lon gạo cuối cùng trong nhà vào nồi nấu cháo, rồi mặc áo mưa ra vườn hái rau lang, đám rau lang nhỏ và cũng không tốt tươi mấy. Rau ấy chị xắt nhỏ, khi cháo chín chị đổ vào, nêm nếm muối, mắm, ớt và ném rồi kêu chúng tôi dậy ăn. 4 thằng sinh viên sức dài vai rộng ăn như thuồng luồng nhai xà lách, nhoáy cái đã hết cả nồi cháo mà quên rằng, chị và 2 đứa nhỏ cũng đang đói. Chúng tôi đã mất ngủ đêm ấy vì ân hận, và vì… cháo ngon quá. Hôm sau chúng tôi góp tiền, những đồng tiền ít ỏi của sinh viên, mua mấy lon gạo, lẳng lặng đổ vào thùng gạo nhà chị… Và  tôi bày tỏ với các bạn ước ao được quay lại thăm chị, nỗi ước ao có vẻ xa xỉ bởi biết sẽ không thực hiện được.

Năm nào đấy, tại Thanh Hóa, em ruột tôi đang học lớp ba hay bốn thì phải, ngọng líu ngọng lô, được thay mặt học sinh toàn trường lên đọc một cái thư gửi các chú bộ đội nhân chiến thắng đường Chín nam Lào. Nó nói ngọng nên thành đường xín nam ngào. Giờ nó đã là cán bộ lãnh đạo huyện Phong Điền, huyện giáp Quảng Trị, còn tôi, đã có nguyên một đêm ngồi ở đường 9, ăn cháo bánh canh cá lóc, món đặc sản nổi tiếng của Quảng Trị, và hát, “ai đã đến miền quê em Quảng Trị Thừa Thiên, qua đường chín tỉnh Gio Linh lắng nghe giọng hò. Mừng vui bao tin thắng trận. Sông Ba Lòng bay bổng lời ca. Quê nhà ta nay đã đổi thay lớn lên từng ngày”
 
Nhà thơ Kevin Bowen tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Vâng, Quảng Trị giờ đã xanh lên rất nhiều. Bản thân sự xanh đã nói lên rất nhiều điều. Xanh thật sự, xanh từ đất xanh lên chứ không chỉ là “Trời rất xanh một màu xanh Quảng Trị”, câu thơ tuyệt hay về Quảng Trị dù lúc ấy chỉ mới trời xanh chứ đất chưa xanh…
Múa và hát với nhà thơ Telơman



3 nhận xét:

Nặc danh nói...

GiaLai của bạn VCh quá nổi tiếng....hết tiếp khách 3,2 rồi đến 67 tỷ thiết bị y tế....

Unknown nói...

Tui là con rể của một ông bố là " ngụy quân" ở Hải Lăng Quảng trị. Về quê mấy lấy, thấy rất khoái dòng họ " ngụy quân" với nhiều người sống rất hào sảng, nghĩa tình. Mỗi lần về quê vợ lại thấy càng yêu vợ nghẹt thở hơn. Bác Hùng có nhận ra điều này không, vùng đất này rất nhiều dòng họ chạy đua xây mồ mả tổ tiên, dòng họ hoành tráng. Hàng năm nhiều dòng họ xuôi về Nam, thư ngỏ ra nước ngoài kêu gọi đóng góp xây mồ mả, nhà thờ. Bác đã bao giờ qua Quảng Trị đi thăm 1 ngôi mộ tổ của 1 dòng họ to như quả đồi với cả ngàn mét vuông chưa? Đa số bà con ở đây chất lượng cuộc sống còn khiêm tốn lắm, xây mồ mả to đùng như rứa mần chi oeng hè!?

Unknown nói...

Văn Công Hùng là nhà thơ, nhưng khi đọc các bài " Văn" lại cảm nhận NGON hơn. KKKK