Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

LAN MAN CHUYỆN NGƯỜI GIÀ




Làm báo, lâu nay cũng biết có ngày người già, nhưng quả là cũng chỉ lơ mơ thế. Nó cũng giống lúc khỏe như vâm thì chả nghĩ gì đến sức khỏe, cứ ăn cứ nhậu cứ chơi thỏa thích. Đến lúc một vài bộ phận có vấn đề, mà đúng là không thể không có vấn đề, có cái gì mà chạy hoài chạy hủy không rung không lắc không trệu trạo đâu, thì bắt đầu hốt hoảng, bắt đầu nghiêm túc nghĩ về sức khỏe, thưa dần các cuộc nhậu nhẹt, đàn đúm, tăng dần lên những cuộc đi bộ, đạp xe, dưỡng sinh, Yoga, suối nguồn tươi trẻ, các loại thực phẩm chắc năng...

Thì hôm qua ông em vợ điện bảo bà cụ (mẹ vợ tôi) khó thở, chị (vợ tôi) có về chăm mẹ được mấy hôm không, vì nhà giờ neo quá.

Bố mẹ vợ tôi thực ra không neo, bởi có đến 4 người con, đều đã trưởng thành, con cháu đề huề, tính cả dâu rể cháu nội ngoại, cả chắt nữa, đã hơn hai chục. Từ bốn người con giờ phát triển thành hơn hai chục, cũng thuộc loại xum xuê trong thời buổi sinh đẻ kế hoạch hiện nay. Nhưng nghiệt cái đều là người nhà nước. Dù 2 ông con trai ở với cụ nhưng cũng không thể 24/24 nên phải thuê người chăm trong giờ hành chính, chỉ là đút cháo và nói chuyện với cụ hàng ngày. Thế mà lúc cụ mệt nặng thì ông trai út đang ở Sài Gòn, dâu trưởng ở Phú Quốc, thế là trai trưởng phải điện cho chị, là vợ tôi. Vợ tôi thì lại đang... chăm cháu ngoại...

Tất nhiên là rồi cũng có cách xử lý bởi cụ mệt nặng một lúc rồi cũng qua. Nhưng từ việc cụ thể ấy, lại thấy đặt ra một vấn đề nghiêm túc: Người già ở Việt Nam sống với tuổi già như thế nào?

Ngay bản thân tôi, nhiều lúc nghĩ cũng cứ vẩn vơ: Mình già sẽ thế nào nhỉ? Con cái nó có đời sống của nó. Đứa nào cũng thương cha thương mẹ đấy, giống mình thương ba mẹ mình thôi, nhưng chúng sẽ xử lý thế nào để vừa chăm lo gia đình nhỏ của chúng, vừa chăm bố mẹ già, nhất là đến lúc nằm một chỗ, tất tật nhờ sự trợ giúp bên ngoài, mà lại ở xa, gần thì hai trăm cây, xa thì năm sáu trăm cây. Và qua đây mới thấy cái câu ước của rất nhiều bác già mà tôi hay nghe thời trẻ, nghe xong bỏ qua thậm chí còn bảo người ước dớ dẩn: Mong trời thương, nằm xuống một phát là đi ngay.

Nên rất nhiều cảnh đau lòng xảy ra khi con cái chăm bố mẹ già. Cái chuyện phân công nhau mỗi gia đình con một tháng, tưởng chỉ có trong văn học thời hiện thực phê phán, té ra giờ vẫn còn nhé. Chả tiện ví dụ vì nó đau lòng, nhưng quả là, với người trong cuộc, đấy là cách... công bằng nhất khi mà anh em không tìm được tiếng nói chung trong việc chăm bố mẹ. Bởi có phải mỗi anh em đâu, còn vợ (chồng) anh em nữa, còn con anh em nữa. Và mỗi anh em hoàn cảnh cũng khác nhau, chả phải lo cho mình bố mẹ mình, còn bố mẹ vợ (chồng) anh em nữa… Tóm lại là mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, nên may nhờ rủi chịu, cái chung nhất là ở nước ta chưa có một cái gì… chung trong việc chăm sóc bố mẹ già cả.

Thực ra, về việc này, các cụ ngày xưa đã tổng kết rồi: “một mẹ nuôi được mười con nhưng mười con không nuôi nổi một mẹ”.

Phần lớn là bà út hoặc chị trưởng nào đấy ở với bố mẹ được “ủy quyền” chăm sóc, những người con còn lại có trách nhiệm góp tiền. Nhưng cũng không hẳn là hợp lý nếu có ai đó vô tình, là chỉ nói việc vô tình, quên góp tiền, hoặc thái độ khi góp, hoặc lỡ lời gì đấy, là sóng gió nổi lên ngay…

Anh Phạm Vân Hiền, một người làm nông và làm thơ ở Bình Định tâm sự: “Tui cha 92 tuổi , mẹ 85 tuổi đều ốm, tui cũng ốm, nhưng tui con đầu phải lo cho ba mẹ chu đáo. Bể mình, ráng chịu chờ ngày giã từ cõi tạm 

 Nhà văn Hà Phạm Phú, chủ tịch hội đồng văn học dịch Hội Nhà Văn Việt Nam kể với người viết: “Tôi và ông em giai thì một ở Hà Nội, một ở việt Trì, chả ai có thể chăm sóc ông bà. May có cô em út, số phận đưa đẩy ở chung với bố mẹ, mới có người nâng giấc sớm tối. Tôi về hưu cũng chục năm rồi, vợ con làm ăn nơi xa, cũng chủ yếu tự thân vận động. Thấy quen rồi. Khi quen thì thấy cũng đơn giản, cũng nhàn. Ấy là mình vẫn nhanh tay, tinh mắt, vẫn lái ô tô quất cả trăm cây số, chả vấn đề gì. Nhưng nghĩ đến lúc sau này, mắt mờ chân chậm sẽ thế nào? Chắc chắn con cái chả đứa nào bỏ mình. Nhưng chúng đều có gia đình, đều có công việc riêng, chả thể lúc nào cũng chầu chc bên mình được. Vậy nên mới nghĩ đến những viện dưỡng lão, những trung tâm y tế phục vụ người già theo chế độ hợp đồng. Mới lò dò lên mạng, mới tra cứu. Thấy Hà Nội có vài trung tâm, nhưng giá toàn trên trời, coi qua đã khiếp. Nghe ông tâm sự mà thấy cũng… nao nao, dù ông vẫn còn rất phương phi, mọi nhẽ. Và tôi cũng giật mình bởi thấy mình cũng đang… xếp hàng về tuổi sau lưng ông rồi. 

Chú ruột tôi có 4 người con, trưởng thành hết cả, có gia đình riêng. Ông bà là trí thức thứ thiệt, nhưng dù là trí thức thì... về già cũng vẫn đổi nết, vẫn lẫn. Ấy là không chịu sống với con cái, chúng về thăm lại còn... bị đuổi. Các con thuê người giúp việc, toàn phải trả lương trước mấy tháng, nhưng chỉ được mươi ngày là bị đuổi. Bàn lên bàn xuống, cuối cùng đưa ông bà đi... chơi một chuyến. Vào một cái trung tâm dưỡng lão, thấy hay quá, ông bà đòi... ở lại. Thế là các con cho ông bà nhập hộ khẩu trung tâm, chủ nhật đưa các cháu vào thăm ông bà. Ở mấy tháng dụ các cụ về, chả cụ nào chịu về nữa, bảo ở đây vui lắm. Tất nhiên giá hơi chát, lương ông bà chắc được gần một nửa, còn lại các con đóng góp. Tôi bảo với mấy đứa em: Sau già, anh cũng vào trung tâm như thế này. 

Một ông bạn tôi là nghệ sĩ nhiếp ảnh, có con sống ở Úc, vừa đi thăm con về kể: Hàng xóm của con ông là một bà... 82 tuổi, nhưng vẫn sống một mình dù con cái ở gần đấy. Bà cương quyết không ở với ai, không làm phiền đứa nào. Hàng ngày vẫn đi chợ, mua thức ăn, vẫn đi dạo với… chó, có điều trên cổ bà đeo cái chíp y tế. Bà có thể tự bấm hoặc ai đó bấm hộ bà. Nó có toàn bộ thông số sức khỏe của bà trong ấy, và quan trọng, đấy là cái chuông báo động. Chỉ mấy phút từ khi chíp được bấm, các nhân viên y tế sẽ xuất hiện. Chính xác là một cái xe y tế xuất hiện, trên ấy đầy đủ thầy thuốc và dụng cụ y tế. Ông bạn bảo: Trong nhà bà cụ, nhân viên y tế dọn rất kỹ, để luôn luôn có một đường đủ cho xe y tế vào. Cứ thế cụ sống vô tư với trời với đất với... chip y tế.

Thực ra thì con cái ai cũng tốt và có hiếu với bố mẹ thôi, nhưng khi bố mẹ trở thành gánh nặng hàng ngày, nhiều ngày thì tình cảm sẽ mai một dần đến mức không còn thấy thương yêu nữa, chỉ còn thấy chịu đựng, thấy khổ sở, nhất là con rể hoặc dâu, và cháu, những người không trực hệ, không được ông bà trực tiếp đẻ ra. Vậy điều gì quan trọng hơn? Không phải cứ tự tay chăm sóc mới là hiếu đễ. Làm sao để bố mẹ mình được chăm sóc tốt nhất. Ở ta quan niệm về chuyện này còn khá nặng nề, nhất là ở nông thôn. Bố mẹ ốm mà đi ngay có khi lại còn bị xì xào là tại con không… thành tâm. Thành tâm là bố mẹ phải nằm liệt giường dăm bảy tháng, phải được các con hầu hạ, bà con xa gần đến thăm, chục trứng, thùng nước yến (tôi mới đi mổ gối nên mới phát hiện 80% quà đi thăm người ốm hiện nay là… nước yến), nải chuối… biếu người ốm, được con cái nâng lên đặt xuống một thời gian kia Có anh bạn lại kể, vấn đề này người Nhật làm tốt lắm, vì ngay khi con cái đi làm họ đã phải đóng phí an sinh xã hội để đến lúc bố mẹ già yếu  được đón vào vin dưỡng lão. Nghe nói người Vit làm nhân viên điều dưỡng ở đấy lương cao lắm. 

Ở Việt Nam, hiện còn một vài vướng mắc để vấn đề người cao tuổi vẫn là… người cao tuổi, ấy là, thứ nhất, sự quan tâm rốt ráo của xã hội, của chính quyền chưa có, chủ yếu đến ngày gì liên quan đến các cụ lại có vài cuộc tọa đàm, mít tinh, còn lại là cứ tự thân vận động, mà phần lớn là… đến đâu thì đến chứ vận động với tính toán gì được đâu? Thứ 2, căng hơn, là quan niệm. Như đã nói, vẫn còn quan niệm đưa bố mẹ vào trung tâm dưỡng lão là bất hiếu, là chối bỏ trách nhiệm, nên cứ muốn dìu díu nhau ở nhà, dù ai cũng biết, vào trung tâm tiện lợi hơn nhiều, sướng hơn nhiều, chuyên nghiệp hơn nhiều. Và thứ 3, căng hơn chút nữa, là giá vào các trung tâm dưỡng lão hiện nay đang khá đắt, không thể hợp với đối tượng chỉ hưởng lương hưu (nếu là cán bộ) và chả có nguồn nào (nếu là nông dân). Theo khảo sát thì nhiều cụ cũng muốn đến nhà dưỡng lão, nhưng phí cao trên trời nên không phải ai cũng có tiền vào đó ở? Có người tính giúp khi tôi thăm dò để viết bài này: Các cụ hưu trí số đông lương vài ba triệu đồng/tháng, mất sức thì dưới 2 triệu, người già không có lương, ít con, con cũng làm công nhân lương thấp thì sao có 7 triệu đồng để vào nhà dưỡng lão, vậy nên nhà dưỡng lão giờ chắc chỉ giành cho nhà giàu…

Tóm lại là, chuyện người già vẫn chưa có gì để… tóm. Nó không chỉ là chuyện của những người già nữa, mà nó là của xã hội. Bởi một nhà bất ổn thì một tế bào xã hội bất ổn. Nhưng tác giả vẫn phải tóm vì nó dài rồi…

Và xin thêm một dòng cuối là, phải có một chính sách từ nhà nước về vấn đề người già và cuộc sống của họ. Rồi chính sách cho sự đầu tư các trung tâm dưỡng lão. Nó là kinh doanh nhưng cũng như nhà ở xã hội, có cách gì đấy để người có nhu cầu có thể dễ dàng vào ở vân vân các loại. Bài viết này của một người… sắp già nên chắc sẽ chưa đầy đủ những vấn đề của người già, hy vọng đến khi già sẽ ngồi… viết tiếp…


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Viết hay lắm! Sát thực tế và thiết thực!