Cái
giống nghiện thì nghiện gì cũng khổ, cũng kích rích. Có đứa nghiện
rượu, và không khí rượu. Cứ chiều là bồn chồn đi ra đi vào chờ… điện
thoại. Không thấy ai gọi mình thì… mình gọi. Rồi cuối cùng là chơi trò
cứ xông vào các quán nhậu, thấy thằng A đang ngồi thì giả vờ hỏi thằng
B, thường thì sẽ được A bảo: Thôi ngồi đây luôn, tìm B làm gì, hoặc chí
ít cũng được mời vài ly rồi mới đi… tìm tiếp… vậy mà rồi chiều nào cũng
say bét nhè được.
Trà ướp sen giữa phòng TBT báo Khám Phá ngày SG nóng nhất |
Hàng xóm nhà tôi là một gã nghiện trà, mà lại chỉ trà Thái, duy nhất trà Thái, dù Gia Lai có trà Bàu Cạn, trà Biển Hồ cũng danh giá phết. Bên cạnh thì trà Bảo Lộc (Lâm Đồng) cũng nổi danh không kém...
Cái giống nghiện thì nghiện gì cũng khổ, cũng kích rích. Có đứa nghiện rượu, và không khí rượu. Cứ chiều là bồn chồn đi ra đi vào chờ… điện thoại. Không thấy ai gọi mình thì… mình gọi. Rồi cuối cùng là chơi trò cứ xông vào các quán nhậu, thấy thằng A đang ngồi thì giả vờ hỏi thằng B, thường thì sẽ được A bảo: Thôi ngồi đây luôn, tìm B làm gì, hoặc chí ít cũng được mời vài ly rồi mới đi… tìm tiếp… vậy mà rồi chiều nào cũng say bét nhè được.
Nghiện cà phê thì mở mắt là lao ra quán, thường là quán gần nhà. Ngồi đồng ở đấy cho đến lúc thấy có thể mần tiếp ly thứ 2 thì lại… tiếp tục, khỏi cần ăn sáng. Ông bạn nhà thơ Vũ Hồng của tôi ở Bến Tre là con nghiện như thế. Một ngày ông có thể mần 5, 6 cữ cà phê.
Có ông nghiện… đi bộ. 8 giờ tối đã ngủ, rồi cứ chập chờn chờ sáng để… đi bộ. Chuyện này tôi nghe chính mấy ông đi bộ buổi sáng kể khi tôi, hôm ấy tự dưng trở chứng, cũng dậy sớm đi bộ, nghe mấy bác bảo: Chả ngủ được, cứ nằm chờ sáng để đi bộ. Tôi tin bác ấy nói thật lòng vì mấy bác đều đã lớn tuổi, qua tuổi yêu đương hẹn hò rồi, và trong nhóm cũng không có bác gái nào?
Gã hàng xóm nhà tôi, như đã nói, nghiện trà.
Tất nhiên là trà được chuyển bằng bưu điện từ chính gốc vào cho gã. Dăm bữa nửa tháng lại thấy một bọc to oành được nhân viên bưu điện chuyển tới. Và người bị làm phiền là… tôi.
Bởi gã lại không thích uống một mình. Và nói chung cánh nghiện trà ít chịu uống một mình. Thì chả đã có câu “Trà tam rượu tứ” đấy thôi. Tôi cũng từng nghiện trà, chính xác là thích uống chứ chưa đến nỗi không có là chết. Nhất là hôm nào ăn cá, pha ấm trà thì quả là… đê mê. Nhưng vấn đề là một mình, uống rất chán.
Bởi pha thì phải uống, mà một mình uống thì biết bao giờ mới hết. Trà ít nhất cũng phải 2 lần nước. Rượu cổ be chè đít ấm, càng về sau càng ngon, nhưng lúc ấy thì… no bụng mất rồi. Dân uống không chuyên nên không có loại ấm độc ẩm hay song ẩm, mà là mấy cái ấm to oành bán đầy ngoài siêu thị, pha nửa ấm cũng uống đến liệt lưỡi mới hết.
Gã hàng xóm nhà tôi cũng bị cái nạn như thế. Nên cứ pha xong là lượn qua lượn lại trước nhà tôi, bàn viết của tôi lại ngay cửa sổ hướng ra đường, cười cười vẻ… nịnh, thấy tôi nhìn ra là giả lả: Em mới pha ấm trà, mời bác…
Nhưng sang uống thì… mất thời gian.
Quả là thời gian lúc tối với người viết nó rất quý, nhưng vừa nể ông hàng xóm, và quả là cũng… thích uống, nên tôi miễn cưỡng rời bàn viết sang nhà gã. Định bụng chỉ ngồi tí sụp soạt với gã vài ly rồi về, nhưng té ra là lại… không được. Là bởi không ai uống trà 2 người mà lại không nói gì được cả. Mà đã khơi chuyện này ra thì nó lại kéo theo việc khác, từ lễ hội tới chen lấn cướp lộc, từ treo cổ trâu đến tai nạn giao thông sao dạo này nhiều thế, vân vân… nên việc các báo đặt bài mà bị muộn là gần như cơm bữa…
Tôi lại có kho chuyện về trà để kể nữa, y cứ là mê tít.
Ví như tôi kể cho gã nghe về trảm mã trà. Nhiều người biết rồi nhưng gã chưa biết nên cứ ồ à như lần đầu thấy voi bắc cực. Tôi kể lại chuyện mà cụ Nguyễn Tuân đã viết, là có ông ăn mày đến nhà một ông phú hộ nổi tiếng nghiện trà. Trà của ông này luôn là trà thửa, ông pha cũng rất kỹ. Nước mưa hứng trên lá sen nấu trong siêu đồng, bằng hạt nhãn và hạt phi lao, khi nước sôi một lúc, cầm ấm đổ xuống nền nhà, nền đất, hàng trăm năm đen bóng, nghe xèo phát, nước bắn lên như mỡ sôi già cho tỏi vào là được, là mới dùng nước ấy để pha. Và ấm pha trà là loại song ẩm, mỗi lần pha rót được đúng 2 ly, rót kiệt rồi mới lại chế nước sôi vào.
Ông phú hộ và bạn đang ngồi thưởng trà buổi sáng thì ông ăn mày vào. Phú hộ rút tiền cho, ông này lắc, cho cơm nguội cùng không ăn, mà xin một… chén trà. Phú Hộ rót cho một ly, y lắc mà xin tự pha. Rồi lẩn mẩn lôi trong cái bị ăn mày ra một… độc ẩm mà mới nhìn cả 2 cao thủ trà đều thất kinh: Cao trà đóng như đã từ trăm năm. Rất tỉ mẩn và thiêng liêng, người ăn mày pha trà như hành đạo, xếp chân ngồi uống như lạc vào cõi. Xong, cúi lạy cám ơn hai cụ mấy lần khen trà rất ngon, chưa từng thấy, tuy thế, giá như không lẫn một vẩy trấu trong lọ trà. Phú ông nổi nóng quát, thằng láo, trà tao giữ kỹ hơn giữ… vợ mà mày dám nói có trấu. Có đầu mày có trấu thì có. Ăn mày lủi thủi bỏ đi.
Mấy hôm sau, vẫn trong một cữ trà sớm với bạn cũ, tay lóng ngóng phú hộ làm đổ lọ trà, và trong lúc nhặt từng cọng trà móc câu ánh xanh cho vào lọ, một cái vẩy trấu nhỏ như… vẩy trấu hiện ra giữa đám cánh trà. Phú hộ hỏi bạn: Hôm nọ ông có nhớ thằng ăn mày đi về hướng nào không? Bạn bảo hướng đông. Phú hộ quỳ xuống, hướng về phía đông lạy lấy lạy để, vua trà đấy chứ đâu?
Năm rồi tôi có dịp sang Đài Loan, ai cũng bảo đấy là xứ trà, nên khuyên tôi tranh thủ uống và mua về một ít. Kết quả là tôi có uống nhưng không mua, bởi cái thứ trà mà tôi được phục vụ trong khách sạn ấy, khách sạn 5 sao nhé, nên không thể là trà bồm như nhà khách ở Việt Nam được, tôi thấy nó không hợp với mình. Có lẽ tại tôi bảo thủ, hoặc tôi dốt, bởi những người khuyên tôi đều là hạng “danh trà”ở Hà Nội, những nhà văn mà coi việc pha trà vào buổi sáng cũng quan trọng như viết văn. Hiện trên bàn của tôi vẫn còn một gói trà như thế lấy từ khách sạn. Nó cũng gần như ở ta giờ có phong trào uống trà Liptong, trà Dimah… thì uống cho vui, cho thời thượng, chứ trà là cứ phải trà pha kiểu truyền thống, nó mới là trà, mới là cái thứ mà mấy anh nghiện đi đâu cũng phải kè kè mang theo, thiếu nó là… đau bụng ngay, là mất ngủ ngay.
Trà cũng còn khối chuyện vui. Ví như có anh được bạn mời đi ăn hải sản. Cua, tôm, ghẹ, ốc… đang ăn thì nhân viên nhà hàng bê ra một cái tô lớn, rất đẹp, có trà và chanh trong ấy. Anh này hồn nhiên lấy môi múc vào bát và… hồn nhiên đưa lên miệng húp. Bạn tròn mắt chưa kịp nói gì thì anh này chẹp chẹp, canh trà rất ổn nhưng hơi nhạt. Bạn phải giấu biến không nói cho anh biết rằng đấy là thứ nước nhà hàng mang ra cho khách… rửa tay sau khi bóc tôm cua ghẹ…
Lại nhớ hồi sau 1975, lần đầu tiên về quê ở làng Thế Chí Tây, Huế, mấy bà o ông dượng cứ sáng sớm là lọ mọ dậy nấu nước pha trà. Tôi thấy các o uống trà sáng thì rất nể. Dậy hầu trà các o thì thấy các o nấu ấm nước rồi bốc trà cho luôn vào ấm, nấu chặp nữa thì uống. Trà là trà B’lao. Tôi lấy trà Thái, tráng ấm pha đúng kiểu mời thì các o chê, bảo trà chi mà lạ rứa. Biết thêm một điều, uống trà có gu. Sáng sớm chưa ăn gì mà uống trà là kinh rồi, dù là trà bồm B’lao…
Giờ các o các dượng mất cả rồi, các em các cháu ít uống trà hơn trước, mà chuyển sang… cà phê. Dẫu vậy, mấy ông em lớn tuổi vẫn giữ cái thú trà sáng, dù là không dậy sớm như các o các dượng xưa vì hình như giờ làm nông cũng nhàn hơn, không phải đầu tắt mặt tối thức khuya dậy sớm nữa. Và trà bây giờ cũng ngon hơn, pha vào bình chuyên trà đàng hoàng chứ không đổ cả vào cái ấm đen sì đang sôi lục bục trên bếp rạ nữa.
Định viết tiếp mấy chuyện vui về trà nữa, nhưng cái ông hàng xóm nghiện trà đã lại đang cười cười phía ngoài cửa sổ kia rồi, thì đành phải tặc lưỡi mà sang thôi. Cuộc trà tối nay chắc sẽ lâu đây, vì tay này vừa đi ăn tết ngoài quê về, bao nhiêu chuyện xứ Bắc, và chắc chắn không thể không có những chuyện về trà, về phong tục tết xứ Đông và cả những chuyến tàu xe vất vả, nhưng vẫn vui như… tết vì được về quê. Quê, với người Việt, nó thiêng liêng và ấm áp vô cùng. Và trong nỗi nhớ quê ấy, quyết không thể thiếu nỗi nhớ những ấm trà pha mời nhau theo phong cách Việt…
1 nhận xét:
Nghiện gì cũng khổ, kể cả nghiện FB, blog hay nghiện ăn chay phải không, bác Hung Công Vằn nhỉ?
Đăng nhận xét