Thứ Năm, 9 tháng 2, 2017

TẾT VÀ LỄ HỘI



Và bốn là phải nói đến tâm lý đám đông của dân ta nữa. Cứ thấy đông người là tụ tập thêm cho đông. Tiêu biểu nhất của hiện tượng này là việc dân ta đổ xô đi mua vàng ngày thần tài vừa qua. Rất nhiều người hoàn toàn không hiểu ý nghĩa gì của ngày này, nhưng thấy đám đông đi mua thì mình cũng đổ xô đi mua, dù mua vừa xong đã thấy lỗ ngay, lỗ ngay lập tức khi tiền vừa rời khỏi tay mình, vàng chưa kịp đeo vào tay, thế mà xếp hàng đến bốn năm tiếng đồng hồ trong mưa lạnh để mua bằng được… Qua ngày thần tài mới thấy trình dẫn dụ của các ông chủ cửa hàng vàng là rất giỏi. Từ việc chả liên quan gì ở tận bên Tàu, họ lôi về bên ta và khiến cả xã hội lên đồng như đã thấy…


Năm nào cũng vậy, mùa tết cũng chính là mùa lễ hội.

Lễ hội của người Kinh thì dựa vào phong cách sống và tư duy của nền văn minh lúa nước. Người Tây Nguyên thì dựa vào quy luật văn minh nương rẫy, dù họ không ăn tết như người Kinh, nhưng đây cũng là mùa lễ hội của họ, vì nó là mùa khô, các công việc liên quan đến hội đến lễ diễn ra thuận tiện hơn trong mùa khô. Mùa này người Tây Nguyên gọi là mùa ăn năm uống tháng (tất nhiên là một cách ví von mang tính chất ngoa dụ), mùa Ning Nơng.

Nhưng có vẻ như, càng ngày lễ hội càng biến tướng, theo tư duy vụ lợi, thực dụng, ăn xổi ở thì của con người hôm nay.

Dù các ngành chức năng đã hết sức cố gắng để đưa lễ hội vào quỹ đạo, nhưng có vẻ như, càng cố đưa vào thì nó lại tìm mọi cách… nhoài ra.

Nó có nhiều lý do, trong đó có mấy lý do chính sau.

Một là do chính các cơ quan quản lý. Vốn dĩ là các lễ hội dân gian do nhân dân tự tổ chức ở từng làng, chúng ta “nâng cấp” lên thành của vùng, của tỉnh, và làm sai tính chất của nó. Ví dụ lễ đền Trần chúng ta biến thành phát ấn cầu may cầu tài cầu lộc trong khi bản chất của nó, theo một số nguồn tin, chỉ là khai ấn để các nhà chức việc làm việc đầu năm. Hay việc một ông sư trụ trì phát lộc ngay trong ngày khai hội chùa Hương đã biến cả một đám đông thành một biển người xô đẩy nhau cướp lộc.

Ở Tây Nguyên cũng thế, chúng ta phong cho tất cả là… lễ hội. Nào là lễ hội cồng chiêng, lễ hội đâm trâu… trong khi thực sự, cồng chiêng, hay hiến trâu chỉ là một thành tố của lễ hội. Bản thân cồng chiêng hay hiến trâu không làm nên lễ hội, mà nó phục vụ cho lễ hội nào đó, ví dụ khánh thành nhà rông, bỏ mả, lúa mới vân vân.

Và khi chúng ta “phong” cho nó lên lễ hội thì phần lớn là nhà nước đứng ra tổ chức. Và việc đầu tiên của “lễ hội nhà nước” là có kịch bản, và phần lớn là các kịch bản ấy bứng cái gọi là lễ hội ấy ra khỏi không gian truyền thống của nó, phần lớn là mang lên phố, đưa lên sân khấu… chưa kể nhiều người làm kịch bản mà không hiểu gì về Tây Nguyên bèn… áp đặt tư duy người Kinh của mình vào.

(Tôi không gọi là đâm trâu bởi như thế sẽ làm sai ý nghĩa của việc này, là việc người ta dùng con trâu ấy để hiến cho thần linh, và người ta có lễ khóc trâu, lễ cúng trâu rất bài bản và xúc động, để hẹn hò, để cám ơn con trâu đã thay mặt họ đền đáp thần linh. Và cái cách họ làm thịt con trâu cũng khác với những gì ta đã thấy trong các “lễ hội” công khai. Trâu được làm thịt vào lúc mờ sáng, và chỉ có các thầy cúng, già làng có mặt chứ không phải trước nghìn nghịt người ở sân vận động như đã từng).

Hai là những người dân chúng ta ngày càng thực dụng, quan niệm trần sao âm vậy, nên mới có chuyện đốt tiền như thật, rồi gửi xuống âm cả ti vi tủ lạnh, nhà cửa xe cộ và cả… Ô Sin nữa. Đáng buồn là rất nhiều trí thức cũng chung quan niệm này. Có một thực tế là trong xã hội hiện nay, số người giàu xổi rất nhiều, số người “tự nhiên bị dí ghế vào đít” kiểu như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải… cũng không ít. Và họ… hoang mang, thế là phải cầu thần thánh, để tin cái sự may mắn “trời cho” kia là sự thật, là hợp quy luật, là do “bà đỡ”. Hiện tượng này thấy rõ nhất ở trường hợp, đại đa số các cán bộ đảng viên không theo phật, nhưng khi chết, thế nào cũng mời thầy chùa về cúng, tụng kinh ngày này qua ngày khác, thầy nói gì là thun thút nghe, kể cả những điều rất vô lý, dù trong xã hội thì đấy toàn là những ông to bà lớn, hét ra lửa, một tiếng nói trăm người nghe…

Ba là một thời gian dài, chúng ta cấm vận lễ hội truyền thống, liệt vào loại mê tín dị đoan. Rồi giờ mở ra, nơi nơi tổ chức lễ hội. Và phải thành thực mà nói, các lễ hội ấy yếu tố tâm linh thực sự rất ít, mà yếu tố kinh tế, yếu tố thực dụng thì nhiều nên sự lộn xộn đến không kiểm soát được là điều khó tránh.

Và bốn là phải nói đến tâm lý đám đông của dân ta nữa. Cứ thấy đông người là tụ tập thêm cho đông. Tiêu biểu nhất của hiện tượng này là việc dân ta đổ xô đi mua vàng ngày thần tài vừa qua. Rất nhiều người hoàn toàn không hiểu ý nghĩa gì của ngày này, nhưng thấy đám đông đi mua thì mình cũng đổ xô đi mua, dù mua vừa xong đã thấy lỗ ngay, lỗ ngay lập tức khi tiền vừa rời khỏi tay mình, vàng chưa kịp đeo vào tay, thế mà xếp hàng đến bốn năm tiếng đồng hồ trong mưa lạnh để mua bằng được… Qua ngày thần tài mới thấy trình dẫn dụ của các ông chủ cửa hàng vàng là rất giỏi. Từ việc chả liên quan gì ở tận bên Tàu, họ lôi về bên ta và khiến cả xã hội lên đồng như đã thấy… 

Lễ hội vốn dĩ là những hoạt động văn hóa, và nó mang đậm bản sắc dân tộc. Vấn đề là, làm thế nào để lễ hội đúng là lễ hội, nó không bị biến tướng, lợi dụng, không khiến con người trở nên “khác mình”, thậm chí là hung hãn, tham lam, ích kỷ… khi tham gia lễ hội. Lễ hội phải đúng nghĩa là của nhân dân, họ tổ chức cho mình, cho cộng đồng mình chứ không phải để kinh doanh, để trở thành những sự kiện vượt quá tầm kiểm soát như đã từng diễn ra, và ngay tết này cũng thế…




Không có nhận xét nào: