Thứ Hai, 16 tháng 1, 2017

TRÙNG TU HAY LÀM MỚI




Cả báo chí và cư dân mạng đang rất sôi nổi bàn luận về việc đang trùng tu hai công trình văn hóa, lịch sử là Văn Miếu ở Hà Nội và Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong ở Huế mà dân gian hay gọi bia  Quốc học. Người thì cho là cần phải tu bổ để di tích không xuống cấp, người thì bảo phải cải tạo để nó luôn luôn… mới để phục vụ du lịch… vân vân các loại.

Giữa rừng ý kiến ấy, tôi thấy ý kiến của nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn là khá xác đáng. Anh cho rằng: TRÙNG TU là sửa chữa di tích sao cho GIỐNG NHƯ CŨ, dù sử dụng chất liệu và công nghệ mới. SỬA NHÀ là làm sao cho căn nhà cũ trở nên GIỐNG NHƯ MỚI, dù phải tận dụng vật liệu cũ. Vì thế, cần nghiên cứu để tìm ra chất tạo màu mới mà giống như cũ, và giữ cho màu ấy không phai trong hàng năm, thậm chí hàng chục năm, chứ không phải là tô trát lòe loẹt rồi chờ cho nó bạc màu để trông giống như xưa. Phải GIỮ MÀU THỜI GIAN cho di tích, chứ không phải là làm cho di tích BẠC MÀU để giông giống với MÀU THỜI GIAN. Hiện nay đã có khá nhiều ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học, tham gia hoặc không tham gia vào việc trùng tu di tích, phát biểu, giãi bày, thanh minh, và, phải thành thật nói rằng, thấy ai nói cũng… có lý.

Nhưng cái lý lớn nhất thì là, đây là di tích, đã tồn tại từ rất lâu, và nó là tài sản của quốc gia, của dân tộc, chứ không phải của cá nhân ai. Muốn làm gì thì làm, phải tôn trọng điều tiên quyết ấy. Lâu nay chúng ta hay lúng túng, vướng mắc với việc ứng xử với di tích, nhiều công trình mang danh trùng tu nhưng đã được làm mới, cả người tay ngang lẫn cơ quan có trách nhiệm cùng làm, nên người dân và công luận hay “cảnh giác” với sự trùng tu này. Chưa kể việc trùng tu lại cấp tập vào những ngày giáp tết, trong hàng ngàn ý kiến phản ứng, không phải không có ý kiến cho rằng đây là cách… giải ngân.

Việc trùng tu di tích là việc khoa học. Chúng ta còn nhớ việc ông Ka Zích người Ba Lan đã nằm ở Mỹ Sơn để trùng tu khu thánh địa này như thế nào. Nghe nói có ngày ông chỉ loay hoay với việc đặt một… viên gạch cho đúng. Trùng tu phải cẩn trọng đến từng nét hoa văn, từng đường chỉ chứ không thể tưng bừng quét vôi tưng bừng sơn phết để… đón năm mới được.

Và nó cũng là việc phải làm thường xuyên, bởi tất cả các di tích đều đã có tuổi đời trên trăm năm, chứ không thì chả ai gọi di tích. Thời gian luôn là kẻ thù của di tích, nếu không có sự ra tay gìn giữ của con người thì di tích sẽ thành phế tích rồi tiến lên… mất tích chả mấy hồi.

Nó là một loạt những điều tréo ngoe mâu thuẫn ấy khiến việc trùng tu di tích nó phải tỉ mẩn khoa học như… trùng tu, chứ quyết không phải sơn mới hoặc làm mới.

Tôi tin những người có trách nhiệm trùng tu 2 di tích kia họ biết rất rõ việc họ đang làm và trách nhiệm của họ với xã hội hiện tại, với tương lai và với tiền nhân. Vấn đề là, họ cần giải thích và thuyết phục người dân, công luận rằng họ làm đúng, rằng việc làm của họ chính xác là trùng tu chứ không phải là… nhân danh trùng tu.

Báo chí đang đưa tin, một gia đình ở Lâm Đồng rước tượng danh tướng Trần Hưng Đạo về dựng trong nhà bị chính quyền xã tới xử lý, buộc tháo bỏ. Hỏi ra, thì rằng, nước ta mới chỉ có quy định dựng tượng ở nơi công cộng, chứ cắc cớ như nhà cái anh Lâm Đồng kia, mang tượng về nhà dựng, dù mẫu tượng đã được dựng ở nhiều nơi, được hội đồng nghệ thuật quốc gia duyệt, thì lại chưa có quy định. Chưa có quy định thì sở Văn hóa không cấp giấy phép dù gia đình đã lặn lội lên xin, kể cả xin phê cho mấy chữ: Chưa có quy định, muốn dựng thì dựng, không cấm. Sở không cấp phép thì xã cấm, thế thôi.

Thế mới biết, Bộ Văn hóa nước ta, không phải là ít việc như có người nghĩ, và việc trùng tu, nó mênh mông bể Sở đến như thế nào?…

2 nhận xét:

Mạnh Thường nói...

Đúng là mênh mông bể Sở bác ạ...!

Nặc danh nói...

Trùng tu là tu và tu,và muốn tu thì phải có chén.Đơn giản vậy thôi