Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

THỰC RA THÌ, HÌNH NHƯ AI CŨNG KHỔ...



Cứ thế như hiệu ứng Domino. Xã lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh ra trung ương. Mà ra trung ương mới khổ. Lông nhông ngoài đường như đi... hành khất. Cuối năm bao nhiêu việc, đi cho nhanh rồi còn về, nhưng đâu phải như cái thùng phước sương đâu mà chỉ quẳng vào đấy rồi đi, cũng phải bắt tay chào hỏi vân vi các loại... nhưng té ra có hôm tôi hỏi một cô kế toán tháp tùng, cổ bảo nhiều khi đến nhà gửi lại người nhà, vì túi quà có ghi tên rồi, sếp cũng bận, với lại, việc này, có khi không gặp trực tiếp lại hay hơn...
---------------------------




Thủ tướng vừa làm một việc nức lòng dân, ấy là tuyên bố tết này không ai được đi... tết. Thủ tướng, các phó thủ tướng, các thành viên chính phủ sẽ làm gương, các tỉnh không về Hà Nội chúc tết nữa, ở địa phương, tất nhiên cứ tuần tự thế mà làm... Điều ấy chứng tỏ rằng, thủ tướng biết rất rõ cái việc tết đi... tết cấp trên nó là như thế nào?
Nhiều người thở phào, tất nhiên đông nhất là dân, rồi đến những người đi biếu, có cả một số người được biếu nữa.

Thế mới lạ.

Ngày xưa, chuyện đi tết là mỹ tục của dân tộc ta. Thậm chí có hẳn vè để dễ nhớ: Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy. Và quà tết, ngoài lễ vật tùy tâm, từ gà, nếp, bánh chưng đến rượu, hoa, mứt... còn có cả... phong bì nhé. Nhưng đấy là những phong bì tượng trưng, lấy may, dân ta gọi mừng tuổi hoặc lì xì. Nó là những phong bao hồng điều, trong đấy chứa tờ tiền mệnh giá nhỏ, nhưng mới, mang ý nghĩa tượng trưng lấy may là chính.

Chả biết tự bao giờ, chuyện đi tết nó trở thành một “hắc tục” chứ không phải mỹ tục nữa, ấy là sự rồng rắn đi tết cấp trên, bằng rượu ngoại và phong bì, chứa rất nhiều tiền, cả tiền Việt mệnh giá cao và tiền đô... Nó, thậm chí là sự hối lộ và tham nhũng trá hình.

Năm nào đó, một bác chủ tịch thành phố lớn, gương mẫu đột xuất, giao nộp cho văn phòng số tiền bác ấy nhận được trong tết, nó là... hơn một tỉ. Nhưng bác nộp nhõn năm ấy, chắc thấy mình cô đơn lẻ loi quá nên các năm sau bác thôi...

Nhớ năm nào đó, một chiều cuối năm, tôi gọi một thằng bạn ở Hà Nội, mày đang làm gì đấy. Đang đến nhà sếp chúc tết. Chúc gì 25 tết hả mày. Mày chả biết gì cả, dốt bỏ mẹ nên suốt đời chỉ là... lính, đi tết thì phải trước tết chứ trong tết ai lấy. Thế mày mang gì? Chai rượu và phong bì. Phong bì nhiêu. 2 triệu. Rượu gì? Chivas 18. Rồi, gần 5 củ. Sếp nó là bạn tôi. Hôm sau tôi gọi sếp nó: Đang làm gì đấy? Đi chúc tết sếp. Mày là sếp rồi còn phải chúc ai nữa. Mày dốt, trên trời có trời, tao là cái đinh...

Cũng có lần năm nào đó, tôi thử ngồi cà phê trước cổng ông sếp tỉnh kia, thấy đến là khổ. Là cái chiều cuối năm ấy. Người lũ lượt vào, toàn xe biển xanh, nhưng như đi... ăn trộm. Xe đậu từ xa, các huyện về, các sở đến... mỗi người từ xe bước xuống lấm lét như gà đẻ, vào rất nhanh rồi ra cũng rất nhanh. Vừa ra thì có ông khác ập vào, và hay nhất là họ cứ như là... không quen biết nhau, khổ thế.. Mà ông sếp ấy là người ký chỉ thị năm ấy không... tặng quà cấp trên.

Cứ thế như hiệu ứng Domino. Xã lên huyện, huyện lên tỉnh, tỉnh ra trung ương. Mà ra trung ương mới khổ. Lông nhông ngoài đường như đi... hành khất. Cuối năm bao nhiêu việc, đi cho nhanh rồi còn về, nhưng đâu phải như cái thùng phước sương đâu mà chỉ quẳng vào đấy rồi đi, cũng phải bắt tay chào hỏi vân vi các loại... nhưng té ra có hôm tôi hỏi một cô kế toán tháp tùng, cổ bảo nhiều khi đến nhà gửi lại người nhà, vì túi quà có ghi tên rồi, sếp cũng bận, với lại, việc này, có khi không gặp trực tiếp lại hay hơn...

Chiều qua tôi cũng ngồi lai rai với một bác nguyên giám đốc một sở tầm vừa vừa mới về hưu. Ông này được anh em đánh giá là liêm khiết và tốt bụng, nên dẫu về hưu, giờ anh em vẫn dập dìu, chiều chiều vẫn thay nhau mời sếp đi “ngồi tí” chứ chả như ông quan đầu tỉnh khác, từ ngày về hưu chỉ ru rú trong nhà, đến cà phê sáng cũng một mình tự lụi cụi. Bác nguyên giám đốc sở kể: “tôi không tham nên anh em mới thương. Mỗi tết tôi được biếu chừng... 200 triệu. Người khác sẽ cất món này rồi lấy tiền cơ quan đi tết cấp trên. Nhưng tôi dùng ngay tiền này đi tết lại”. “Bác chỉ đi tứ trụ thôi chứ”. “Không, đi hết, ít nhất là phong bì 2 triệu và chai rượu, còn không thì 5, 10, 15 và cao nhất là 20 triệu. Mà sở tớ nghèo. Chứ các sở khác chắc khác”. “Này, thế bác đến đưa thế có... ngượng không”. “Không, ai cũng thế mà. Tớ không xếp hàng bao giờ. Đang có khách tớ cũng vào (mà những ngày ấy đúng như ông nói, khách cứ nườm nượp), tớ vào và đưa phong bì nói ngay: Ngày tết anh cũng bận tôi cũng bận nên tranh thủ hôm nay đến chúc tết anh, có tí quà tết gửi anh, chúc anh năm mới sức khỏe và hạnh phúc. Miệng nói tay tớ đặt phong bì (hoặc túi quà có phong bì- tùy đối tượng) lên bàn rồi bắt tay chào luôn. Cả mấy chục suất như thế chứ có phải một vài đâu. À còn thế này nữa, tôi có một loạt phong bì 1 triệu trong túi áo vét. Nếu lên cơ quan tôi đều lì xì anh em văn phòng. Nó thấy trước tết mọi người nườm nượp vào chúc tết sếp, nó thừa biết là các ông chúc như thế nào, mình quan tâm đến nó tí là phải đạo, chứ nhiều ông cứ cắm cúi bước qua mặt chúng để vào phòng sếp, thấy khó coi lắm. À còn chuyện này nhé, tết ấy, chưa đi “chúc” được hết nó bần thần lắm, cứ như mình đang... mang nợ. Sự bần thần ấy nó hiện lên mặt khiến bà xã cũng biết. Chiều 30 định tranh thủ dọn bàn thờ rồi làm mâm cúng ông bà, bà xã bảo: Anh chưa đi hết đúng không? Thôi tranh thủ đi đi, tối cúng cũng được, để em và con dọn bàn thờ cho”...

Thực ra cái chuyện không đi chúc tết cấp trên hình như năm nào cũng có chỉ thị là... không được, nhưng rồi năm nào cũng diễn ra, chả giấu diếm gì, cứ ào ạt như là nó... đương nhiên phải thế. Tôi quen mấy chánh văn phòng cấp huyện nên biết. Khối Ủy ban thì lo cho Ủy ban cấp trên, khối cấp ủy thì lo cấp ủy cấp trên... cứ thế mà thực thi, ai cũng thế, mình không thế không được. Gần tết là mấy chánh văn phòng bạn tôi nghễu nghện lên phố, có khi tiện thể nó kêu tôi chạy đến đâu đấy, dúi cho tí sản vật như cân măng khô, gói tiêu hoặc lít mật ong..., tôi lại tranh thủ biếu lại nó... tờ báo tết.

Lại có năm, chú em tôi kể, huyện ấy chủ trương không đi chúc tết ngang, tức chúc tết huyện thị thành phố đồng cấp. Đùng cái, lù lù một cái xe của huyện bạn đến chúc tết. Thế là họp khẩn, phân công đi chúc tết lại. Mà chả phải chúc lại huyện ấy, mà tiện thể chúc tất như mọi năm. Để thấy các chỉ thị nửa vời nó khó thực thi đến thế nào. 

Thế nên có thời cái nghề gói quà tết rất hot. Đơn giản bởi quà mà lại... không phải quà. Cái túi quà ấy chỉ là cái vỏ, cái cớ, để mà chứa cái phong bì bên dưới. Mua túi quà gói sẵn 500 ngàn, mà thực sự thì giá trị nó chừng... 200 ngàn, và sự thực nữa là chả ai thèm mở nó ra bởi trà thì mốc, rượu thì chua và mứt thì quá đát. Nhưng vẫn mua để có cái cớ bưng vào. Giờ “đổi mới”, chỉ ôm cái cặp, hoặc mặc áo vét, các túi trong ấy là... phong bì, mỗi túi một loại. Nhiệm vụ của anh là... phải nhớ túi nào phong bì bao nhiêu để đã rút ra là không đổi lại được. Nhiệm vụ này té ra cũng... khó phết...

Nói thế không có nghĩa là tết không đi đâu. Cấp trên xuống chúc tết cấp dưới là tốt quá đi chứ ạ. Hình ảnh các đồng chí lãnh đạo đêm 30 đi thăm công nhân vệ sinh, những người có lẽ là vất vả nhất trong dịp tết, rồi rút phong bì ra lì xì cho họ, đẹp và ấm lòng biết bao trong cái đêm cuối năm ấy. Hoặc trước khi nghỉ tết, thủ trưởng gặp mặt chúc tết nhân viên rồi cũng... lì xì. Phong bì đỏ rực, có khi chỉ 2 chục tiền mới thôi, nó cũng làm nhau xúc động...

Nhớ hồi ông Nguyễn Bá Thanh còn sống, dân kêu rất nhiều về cái chốt CSGT ngay đầu vào thành phố Đà Nẵng. Ông Thanh bèn, cho lập một chốt nữa, ngay bên cạnh, giao cho các bác cựu chiến binh trực. Chả nói thì ai cũng biết là các đồng chí CSGT khó "làm việc" vô cùng...

Hôm qua thấy có bạn hỏi: Thủ tướng quyết thì quá tốt quá đẹp quá được lòng dân rồi, nhưng làm sao để việc quyết ấy nó thành hiện thực, nó không đánh trống bỏ dùi như đã từng, và bạn ây đề xuất, giao cho các bác cựu chiến binh lập chốt ngay ở gần nhà sếp, nghe xong buồn cười nhưng lại xót. Bởi, té ra dân mình bây giờ luôn luôn cảnh giác cao độ, luôn luôn cho là nói phải đi đôi với làm. Họ tin thủ tướng nhưng cấp dưới nếu không có chế tài, liệu có nhất nhất tuân theo không?

 Sẽ là rất bình thường nếu tết, bạn bè, bà con cho nhau chai rượu, cái bánh chưng, cành đào, chậu mai, con gà, cân thịt... của nhà hoặc kể cả mua để cho nhau. Nhưng đi biếu sếp là chuyện rất bất bình thường. Và hiện thì nó đang trở thành bình thường. Quyết định của thủ tướng là việc làm bắt cái bình thường trở thành bình thường chứ không bất bình thường nữa...

Thật, cấm quà cáp biếu ngược lên ấy, ngoài chuyện tiết kiệm ngân sách rất lớn (tiền phong bì, tiền đi lại ăn ở - hãy hình dung tất cả các tỉnh thành đổ về Hà Nội dịp giáp tết, rồi các huyện thị lên thành phố thủ phủ tỉnh- kẹt xe kinh khủng), thì còn một thứ rất quan trọng, ấy là làm cho con người nó sang hẳn lên, chứ cứ dấm dúi, thấy nó hèn hèn thế nào ấy, nó rất là mặc cảm thân phận, rất là day dứt, áy náy, rất là thiếu tự trọng... Những người nhận quà, không phải ai cũng lấy làm sung sướng đâu, cũng áy náy day dứt lắm, nhưng mọi người thế cả, mình biết làm sao. Không nhận lại thành lập dị, lại thành “anh không thương em rồi, đây là lòng thành của em” (nhưng thực ra là tiền của cơ quan), lại thành “gây sự” với đồng cấp, với cấp trên của mình đang thản nhiên nhận.

Vậy nên, lệnh của thủ tướng sẽ làm nhiều người thanh thản. Và mong nó sẽ duy trì được mãi để sự thanh thản nó kéo dài nhiều năm...

Riêng quà tết cho lính, ôi dồi ôi quá tốt, anh em xin nhận ngay, bác cứ gọi là chúng em đến, chả cần mang đến đâu...



1 nhận xét:

Nặc danh nói...

BIẾT LÀ NHỤC NHƯ CON CHÓ NHƯNG VẪN PHẢI LÀM HÈN QUÁ.