Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

MỘT NGƯỜI TÂY NGUYÊN RẤT… TÂY NGUYÊN




Hồi mới lên nhận công tác ở Ty Văn hóa Gia Lai Kon Tum, trong cơ quan có mấy ông cu cũ nhàu nhàu trông rất… tức cười. Một ông thì cả ngày cứ lầm lì, chả nói gì, ngồi như tượng, lúc nào không làm tượng thì ông vẽ. Thi thoảng rỗi nữa ông ngồi phơi nắng và tranh thủ bắt những con kỳ nhông trên những gốc thông cổ thụ xù xì. Sau mấy ngày thì tôi biết đấy là ông Xu Man, người Bahnar, một họa sĩ nổi tiếng. Ông này sau thành thầy tôi về mấy mặt, trong đấy quan trọng là những hiểu biết về Tây Nguyên, về Bahnar của ông. Chơi với ông mấy chục năm, ngày ông mất ở Plei Bông là giáp tết, chính xác là 30 tết thì đưa, tôi cùng 2 bạn nữa từ Pleiku xuống làng đưa ông…

Ông thứ 2 còn kỳ dị hơn nữa. Luôn đeo một cái xắc cốt, mà ông lại lùn, cái quai xắc cốt lại dài, nên nó cứ lệt xệt, đã thế lại dận một đôi cao su, tóc tai bơ phờ, chắc rất ít dùng đến lược và dầu gội, trông ông như một bố bản ở đâu phía bắc lạc đến. Sau mới biết, té ra ông là Y Dơn, một nghệ sĩ Nhân dân thứ thiệt, tức là nghệ sĩ của nhân dân chứ ông chả được phong danh hiệu gì cho đến khi mất.


Thực ra từ đầu tôi chả biết ông là ai, như thế nào. Cơ quan có đến mấy người họ Y, họ A như Y Dơn, Y Vin, A He, A Thiên Xương… chỉ biết các bác là người bản địa Tây Nguyên, tập kết ra Bắc, giờ trở về quê công tác, thuộc thế hệ lớp trên, tôi trẻ, chỉ tìm mấy người trẻ chơi. Trừ ông Xu Man, cùng phòng, và lại sát cái phòng tập thể tôi ở, thi thoảng ông gọi tôi sang uống rượu, mồi là mấy con kỳ nhông ông bắt tự bữa nào, thế mà nướng lên, đêm mùa khô tê lạnh, rượu vào thun thút chuyện ra ào ạt…

Cho đến một hôm, tôi đi công tác cùng ông Y Dơn. Hôm ấy khá đông, một cái U oát tải và một xe zeep, đổ xuống làng. Chiều. Làng hiu hắt, nắng loe xoe, dân làng đi rẫy chưa về, còn toàn trẻ con và người già. Thoang thoảng mùi thịt phơi trên gác chưa khô. Trước khi đi ông Xu Man hẹn tôi, cứ thấy ông Y Dơn làm gì thì làm nấy, là sống khỏe hàng tháng ở làng. Thì lúc này ông đang lên nhà rông. Tôi cũng lên. Ông lấy trong túi ra cái võng, mắc sát tường, tôi cũng thế. Ông ngồi lên nhún nhún rồi… nằm xuống, tôi cũng vậy. Đoàn đi công tác có kết hợp phục vụ chiếu phim cho bà con, có mang theo đồ ăn là bánh mì thịt. Tranh thủ ăn, tôi và ông cùng ăn. Xong ông lim dim trên võng thì tôi ngồi… ngắm ông.

Đến lúc dân làng bắt đầu lục tục về thì ông bật dậy, và tôi thấy ông hoạt bát hẳn. Ông nói ông cười và ông… hát. Bà con lăn lộn cười. Ông nhún, ông nhảy, ông đi lò cò, ông nghiêng người đi vòng tròn, đã nhất là ông… quay đít lại, khom người xuống, vỗ mông bồm bộp làm nhịp và hát. Bà con lại ồ lên cười, chảy cả nước mắt. Tôi hỏi một chị trong đoàn, ổng hát gì mà bà con khoái thế, chị bảo: ông ứng tác tại chỗ, hát ngay, kể lại xuống làng thấy làng bẩn ra làm sao, trẻ con nhiều quá, đẻ ít thôi, ông hướng dẫn cả cách thực hiện sinh đẻ kế hoạch nữa… bằng lời hát, tất nhiên.

Té ra ông Y Dơn là một người, rất tài. Ngay tại chỗ, tức thì, căn cứ vào tình hình cụ thể, ông có thể… ngoáy mông và hát ngay, ứng tác tại chỗ. Điều quan trọng là, sau đấy, khi chiếu phim hoặc đội thông tin lưu động (Một thiết chế của ngành văn hóa thông tin thời ấy) biểu diễn, bà con không hào hứng đến thế.

Trong kho tàng dân ca Tây Nguyên thấy có bài hát là “Gặt lúa đông xuân” được nhiều người hát trong các cuộc hội diễn, đặc biệt là các hội diễn liên quan đến dân ca mà ngành văn hóa hay tổ chức, nhiều ca sĩ nổi tiếng đã thu âm bài này, đã hát ở nhiều sân khấu, ai cũng giới thiệu là dân ca. Một hôm tôi cắc cớ hỏi: Ơ lúa đông xuân là do người Kinh mới mang vào từ sau 1975, khi đã áp dụng hợp tác xã như ngoài Bắc và có các công trình thủy lợi, chứ trước đấy đồng bào làm gì có lúa đông xuân, chỉ có lúa rẫy mỗi năm một mùa thôi chứ, và đặc biệt là đồng bào tuốt lúa bằng tay chứ không gặt. Mấy nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và âm nhạc mới à lên, và sau đấy quả quyết, đấy là bài hát của ông Y Dơn sáng tác. Nó cũng như một thời hàng loạt bài thơ Tây Nguyên đều ghi Ngọc Anh sưu tầm, trong đó có lời bài hát nổi tiếng “Bóng cây K’nia” cũng ghi lời Ngọc Anh sưu tầm dân gian Tây Nguyên. Dân gian gì mà có nước nguồn miền Bắc… mãi sau mới khẳng định, nó là của chính nhà thơ Ngọc Anh sáng tác, vì khiêm tốn hay lý do gì đấy nữa mà ông không ghi mình là tác giả, để tận sau khi ông mất đi, đồng nghiệp và đồng đội mới mày mò tìm, nghiên cứu rồi trả lại tên cho ông.

Ở đây Y Dơn cũng thế, ông cứ mặc cho người ta giới thiệu là dân ca, và ngay ông cũng rất hay hát bài này khi xuống làng. Một người có khả năng sáng tác, có những bài hát nổi tiếng được nhiều người hát, bản thân là người hát rất hay, mỗi khi xuống làng thì ông là trung tâm chứ không phải già làng, cũng không phải lãnh đạo, mà là ông chả bao giờ nhận mình là nghệ sĩ, là nhạc sĩ, chỉ là Y Dơn thôi.

Và vì thế, đi cùng ông không bao giờ lo… đói. Ông cứ say sưa hát sau khi đã căng cái võng vào một góc nhà rông. Thế nào đến bữa bà con cũng mời ông ăn. Của đáng tội, thời kỳ đầu, bà con dân tộc dưới làng rất quý khách. Khách đến làng là khách của chung cả làng, mỗi nhà sẽ mang tới một ít thức ăn nhà mình có. Người mang cơm, người mang canh, người mang cá, mang thịt… và khách nhớ là phải ăn đều của từng nhà, không sẽ bị trách. Nhưng ông Y Dơn thì xịn hơn. Ông sẽ có rượu, ít nhất là một ghè, có con gà, vân vân.

Thực ra thì tôi chỉ đi xuống làng với ông có vài lần, nhưng cũng thấy và biết rõ là khi về làng ông trở thành người khác, không lù đù chậm chạp như khi trên phố. Ông như cá gặp nước. Ông hát từ “gặt lúa đông xuân” đến sinh đẻ kế hoạch, từ bình dân học vụ đến vào hợp tác xã, từ đừng theo fulro đến định canh định cư… tóm lại là một người chuyển chính sách của Đảng và nhà nước sang thành âm nhạc rất giỏi. Và quan trọng là nhân dân yêu tiếng hát của ông, thấy ông chính là một phần đời sống của họ. Nhà nước thì có lẽ cũng thấy ông là một phần của mình nên rất khuyến khích ông xuống làng. Có lúc tôi hình dung ông giống như ông Abutalip của vùng Đaghestan thuở nào…

Quả là cái thời đầu tiên ấy, tôi cũng không nhớ ông biên chế ở phòng nào trong ty văn hóa nữa, cứ thấy các xắc cốt, ông xà chỗ này tẹo, chỗ kia tí… rồi ông lặng lẽ về hưu lúc nào không biết. Cả chục năm sau tôi mới biết là ông về một làng của huyện Ea H’leo sống, lấy thêm một cô vợ trẻ, rồi ông mất ở đấy…

Nhưng hồi ấy, bảo đảm xuống tất cả các buôn làng của các tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Đăc Lăc… hỏi dân, ai cũng biết ông. Rất nhiều phong cho ông là Nghệ sĩ nhân dân và nhiều người cũng nhầm ông là Nghệ sĩ nhân dân thật. Quả là có nhiều Nghệ sĩ nhân dân mà nhân dân không biết, nhưng ông, không cơ quan nào phong cho ông, nhưng dân luôn coi ông là nghệ sĩ của họ, của nhân dân.

Té ra ông là người đã từng được Pháp chọn cho đi học trường Pháp ở Buôn Ma Thuột từ thời còn nhỏ. Từng làm hiệu trưởng một trường học trong kháng chiến. Rồi tham gia kháng chiến, đã từng cùng nhà văn Nguyên Ngọc và nhạc sĩ Nhật Lai làm thành một nhóm “hát rong”, dùng tiếng hát để tuyên truyền cho kháng chiến, cho cách mạng. Mà cái gánh hát này đi xuyên Tây Nguyên. Rồi sau đó ra Bắc, chuyên hát trên đài Tiếng nói Việt Nam trong chương trình cho đồng bào Miền Nam, và đặc biệt là đồng bào Tây Nguyên. Ông là người đã được giải thưởng âm nhạc Hoàng Mai Lưu, giải thưởng dành cho người có công trong việc bảo tồn và phát triển âm nhạc dân tộc. Ông là người thứ 2 được giải thưởng này, người đầu tiên là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Nếu ai xem phim “Đất nước đứng lên” thì sẽ thấy ông, ông đóng vai già làng trong phim ấy, và đấy là những hình ảnh cuối cùng về ông…

Y Dơn là thế, một người Tây Nguyên đặc biệt. Ông là hiện thân của Tây Nguyên, nghệ sĩ, đa tài, lặng lẽ nhưng sôi nổi, sống hết mình và cháy cũng hết mình cho khát vọng của mình. Một con  người sống khổ, rất khổ, về vật chất, nhưng lại rất hạnh phúc và sung sướng vì được sống như những gì mình muốn, mình thích. Bỏ qua tiện nghi, bỏ qua các bó buộc đời thường, ông như loài dã quỳ cứ vươn lên rực rỡ trong thời tiết khắc nghiệt của buôn làng Tây Nguyên, càng khô khát, càng nắng gió, càng lạnh giá thì lại càng tươi mởn, càng là mình nhất…


Ông Y Dơn, Ảnh Đặng Bá Tiến

Cái tít bị sửa lại rất sến, huhu

4 nhận xét:

Unknown nói...

VCH chính là Nguyên Ngọc của thời nay

Unknown nói...

Anh VCH đúng là Nguyên Ngọc của thời nay

Nặc danh nói...

văn công hùng là VCH, nguyên ngọc là NN, ko phải, ko bao giờ, mãi mãi ko đc so sánh kiểu ấy

Tâm Nguyễn nói...

Tuyệt vời anh VCH ạ. Bài viết về Tây nguyên nào của anh cũng rất hay, hấp dẫn, vui mà sâu sắc. Mọi người gọi anh là Hùng Tây Nguyên là hoàn toàn chính xác ạ.