Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

GỬI VÀO THƯƠNG NHỚ… ANH NGUYỄN ĐĂNG HÒM...



Sinh ra lưỡi để làm gì? Không chỉ để thẩm thức ăn, không chỉ để thè ra chụp ảnh tự sướng, không chỉ để… hôn. Vâng, lưỡi nhiều công dụng, và có một việc được dùng là… liếm phong bì và tem, dù nói thật, nhìn cảnh ấy ghê chết. Nhưng hãy nói thật với tôi đi, bạn đã có lần nào thè lưỡi liếm keo trên tem và phong bì chưa? Tôi, thú thật, đã từng, dù sau đấy bụng bảo dạ là, không bao giờ lặp lại, nhưng rồi đã từng lặp lại, rất vô thức, dẫu bây giờ phong bì chủ yếu để đựng tiền mừng cưới hay chia buồn đám tang hoặc là… chúc tết… chứ thư giờ ít ai xài, kể cả thư tình...


Hôm nọ xuống huyện có việc, thấy mấy hoàn cảnh đáng thương trong một làng khá xa, khá hẻo lánh, mọi người bảo nhau giúp các bé ít tiền. Trên xe không sẵn phong bì, tôi ghé vào cái quán lụp xụp đầu làng hỏi (mỗi làng dân tộc Tây Nguyên thường có một cái quán tạp hóa của người Kinh “phục vụ”), trong thâm tâm cứ nghĩ sẽ không có nên có người đã bảo thôi đưa trực tiếp cũng được, nhưng té ra cô chủ lôi ra cả lốc. Hỏi ở dưới làng làm gì mà trữ phong bì nhiều thế, bán có được không? Cô bảo dạ lai rai ạ, bà con đi đám cưới giờ cũng dùng phong bì.

Vấn đề là, tất cả các phong bì này đều có keo tráng sẵn, chỉ… thè lưỡi phát là khít lịt.

Nhớ hồi nào, bưu điện còn độc quyền phát hành phong bì, có ý kiến sao không tráng keo như các nước họ đã làm, cãi nhau inh ỏi trên các diễn đàn, người có trách nhiệm lên báo giải thích: nước ta độ ẩm cao, không tráng keo được, vì nó sẽ tự… dính bết vào nhau. Hồi ấy tôi còn nhớ, có một tờ báo còn vẽ minh họa một anh chàng gầy đét, lưỡi dài lòng thòng, đứng khép nép ở cửa bưu điện chỉ để… liếm thuê phong bì.

Rồi lại lẩn mẩn nhớ ngược. Chả đâu xa, thế hệ chúng tôi, cỡ những năm 60 thế kỷ trước, mê mẩn em nào trong lớp thì lại… viết thư. Mực tím rịm. Hồi ấy người ta bán mực bột hoặc viên về tự pha, có một số đứa nghèo không có cả tiền mua mực thì… bóp quả mùng tơi ra làm mực. Bút lá tre, từ thẳng đuột viết chữ nào chấm mực chữ ấy, tiến tới có cái bụng chứa mực, viết lâu hơn nhưng thi thoảng mực rơi cả giọt xuống giấy. Ai có tiền thì mua quản bút, không có thì lấy cái đũa cột ngòi vào, cũng xong. Nắn nót viết thư tán tỉnh tình tang, giờ nhớ lại buồn cười lắm, đại loại vẫn đang ngồi bên nhau giữa mùa hè nhưng trên đầu thư bao giờ cũng Xuân đi để lại hoa tàn/ Người đi để lại muôn vàn nhớ thương”, rồi ở dưới thì tả mây trăng hoa lá... Xong xé một tờ giấy khác làm phong bì, rồi loay hoay lấy cơm, không có cơm nóng thì chơi cả bằng cơm nguội, dán kín, rồi… hoặc là nhờ đứa nào đưa giúp hoặc là bỏ xuống gầm bàn chỗ nó ngồi. Học trò nông thôn thời ấy học muộn, lớp 5 là đã phổng phao lắm rồi, ngực nhú mẩy căng sau lớp áo gụ, tóc dài thoảng hương  bưởi dẫu vẫn chân đất đi học, vẫn… tuần tắm một lần nếu là mùa đông và thi thoảng có mùi… rơm vì hầu như mùa lạnh là phải trải ổ rơm ngủ, có cả mùi khói bếp nữa, có đứa còn có cả mùi… cám lợn…

Người lớn thì cầu kỳ hơn, thư viết xong lại còn nghĩ ra cách gấp sao cho... nghệ thuật, cạnh này dúi vào cạnh kia, góc này luồn vào góc kia, càng rối rắm cầu kỳ càng… oách, nhiều khi gấp xong không biết cách mở nữa. Ngoài bì phía trên ghi họ tên địa chỉ người gửi, phía dưới họ tên địa chỉ người nhận như thông thường hiện nay thì hay có thêm 2 câu "lạc khoản" góc trái bì thư "Xa xôi tình cảm dạt dào/ Nhờ anh bưu điện chuyển vào tận tay". Tôi bảo đảm có đến 70% bì thư hồi ấy có dòng chữ này. Có mấy ông bưu điện rỗi, lấy bút ngoặc phía dưới "Thư này ông đếch gửi ngay/ Để xem tình cảm chúng mày ra sao?".

Bộ đội thì được cấp tem, tiêu chuẩn mỗi tháng mấy cái đấy, và có hòm thư bằng số để giữ bí mật chứ không ghi công khai như người thường. Có anh kia tên Nguyễn Đăng, vợ ghi ở bì thư: Em hậu phương Trần Thị Lụa
Thương mến bay tới anh: Nguyễn Đăng Hòm.
Thư 341 Mt 225”, làm đơn vị tìm mãi không ra anh nào là anh... Hòm.

Hồi ấy dân báo chí văn chương, chả hiểu ai cho phép, nhưng cứ gửi bài cho báo thì có quyền ghi ở góc dán tem: Thư không phải dán tem. Thế mà nó vẫn tới. Hồi tôi tham gia tổ chức cuộc thi sáng tác cấp tỉnh, trong thông báo ghi rõ: Bài vở xin gửi về... Thư không phải dán tem, và bưu điện chả thắc mắc gì, lâu lại chuyển về một bó bài dự thi...

Sau thời kỳ dán tem và phong bì bằng cơm thì đến một cuộc nhảy vọt ngoạn mục để đưa nhớ thương đến với nhau nhanh hơn mà không... tốn cơm và sờ cái phong bì nó không lổn nhổn cục, thậm chí bong tè le hết ra, ấy là xuất hiện hồ dán. Bưu điện, chắc bắt chước mấy cơ sở đóng sách hoặc in bao bì, cũng quấy hồ để vào cái bát đặt ở ghi sê cho khách dùng. Hồ phần nhiều là bột mì nhất, loại thải ra chứ không phải loại một nên nó đen sì sì chứ không trắng trẻo như bánh bột lọc. Giời ạ, nó bẩn vô cùng. Người thì dùng ngón tay thò vào bát hồ, quẹt rồi bôi dán tem với phong bì, người thì lấy thân cây bút bi, người thì cuộn giấy lại… nhưng gì thì gì thì cái bát hồ nó cũng tanh bành ra, và mặt bàn chỗ đặt bát hồ thì như… bãi chiến trường của hồ dán. Cái loại hồ này thì phải quấy hàng ngày, để mai là nó thiu, nhìn đã khiếp chứ đừng nói thò tay vào chọc với ngoáy. Sau đấy một thời gian thì thị trường xuất hiện loại hồ đóng vào hộp. Trắng tinh sạch sẽ, nhìn cũng muốn… ăn. Tôi nhớ cái hộp nhựa màu đen, tròn tròn, hơi giống cái hộp mực hồi nhi đồng thối tai cầm đi học. Loại này có bỏ chất chống thiu (và chống nhán nhấm) nên dùng được lâu, dẫu cũng không lâu lắm và vẫn phải… dùng tay ngoáy. Dẫu sao nó vẫn văn minh hơn cơm, hơn hồ tự nấu bằng bột cho vào tô, bát, chậu…

Lại nhớ có lần tôi đang thơ thẩn một mình ở khách sạn nhân chuyến công tác Hà Nội, chưa biết làm gì cho hết buổi tối thì nhạc sĩ Ngọc Toán gọi. Ông đại tá nhạc sĩ này nguyên là sĩ quan quân đoàn 3, chúng tôi chơi với nhau từ đấy, rồi anh chuyển ra trường đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội, đóng chức trưởng khoa. Ông bảo ở đấy ông đến chơi. Tưởng ông đến ngồi uống nước với mình nên tôi quần đùi áo cộc xuống đón, ai dè ông bắt ngồi lên xe chở đi luôn dẫu tôi đòi lên phòng thay đồ đã, ông bảo đi uống bia cho mát, quần áo làm gì?

Người mời bia hôm ấy là một thanh niên rất trẻ. Ông Toán giới thiệu anh này là tác giả của cái lọ keo đang thịnh hành trên thị trường đấy.

Té ra, sau thời hồ bằng bột là đến thời của keo. Loại này khi mới xuất hiện là một kinh ngạc của giới văn phòng, mà lại xuất phát từ gã trai trẻ và hiền lành này ư? Nó là một cái ống tuýp bằng nhựa trong, có nắp vặn chắc chắn, miệng có cái lưỡi hoặc một lớp màng. Keo đựng trong ấy, mỗi lần dùng chỉ việc mở nắp, ghé cái lưỡi (hoặc lớp màng) ở miệng tuýp vào chỗ cần bôi, tay bóp nhẹ, rê một lượt, xong. Tay chân sạch nguyên như chưa từng gì. Nó văn minh quá thể, nó hiện đại quá thể, nó tử tế quá thể, nhân văn và giải phóng sức lao động quá thể, tinh tươm sạch sẽ quá thể... Người người hân hoan, nhà nhà hân hoan đón chào nó, và đến giờ, nó vẫn là vật có ích trong từng nhà, đặc biệt trên bàn làm việc của dân văn phòng… Để cạnh tranh, hiện nay có loại keo dán có mùi hương thơm phức nữa.

Nhưng với tem và phong bì lại khác.

Vẫn nhớ cái thời dán bằng cơm, kể cả cơm nguội. Thật là đến giờ tôi vẫn không hiểu sao thời ấy cơm lại có thể dán được phong bì, thế mà hàng chục năm, hàng vài chục triệu lượt người đã dùng và hết sức hiệu quả, dù có khi nhận được lá thư thì đã bị… nhán nhấm, thậm chí là chuột gặm mất góc vì có “yếu tố” cơm.

Và lại nhớ là không biết ai đó đã viết báo bàn luận việc tại sao ta không phết keo liền vào phong bì và tem, và một bác chuyên môn nào đó trả lời rằng, nước ta nhiệt đới, độ ẩm cao, không thể làm keo liền như thế được…

Và, thực tế đã trả lời, phết keo liền phong bì ngon ơ.

Theo tôi đây là một bước chuyển rất quan trọng, thậm chí là vĩ đại, nhưng chả hiểu sao nó lại không rầm rộ như các sự kiện khác. Chỉ thấy lẳng lặng in ra, lẳng lặng tiêu thụ và lẳng lặng thấy nó đương nhiên là phải như thế, là không thể khác, như chưa từng dán tem và phong bì bằng cơm, chưa từng hồ đựng trong thau, trong tô và chưa từng có hồ trong hộp…

Bây giờ thì nó trở thành một thứ bình thường như đương nhiên phải thế, như ngàn đời rồi nó vẫn thế. Tất nhiên không có cái gì hoàn hảo cả, kể cả… chúa. Ở trường hợp này là không phải lúc nào cũng có sẵn nước. Một số bưu điện để sẵn bát nước sạch cho khách nhúng tay vào rồi bôi lên vết keo. Nhưng không phải lúc nào nước ấy cũng sạch, chừng tiếng đồng hồ là nó trở thành ao tù nước đọng” rồi. Vả, nhúng tay vào nước bôi keo rồi lau tay vào đâu? Thế nhưng mình là dân… Việt mà. Sinh ra lưỡi để làm gì? Không chỉ để thẩm thức ăn, không chỉ để thè ra chụp ảnh tự sướng, không chỉ để… hôn. Vâng, lưỡi nhiều công dụng, và có một việc được dùng là… liếm phong bì và tem, dù nói thật, nhìn cảnh ấy ghê chết. Nhưng hãy nói thật với tôi đi, bạn đã có lần nào thè lưỡi liếm keo trên tem và phong bì chưa? Tôi, thú thật, đã từng, dù sau đấy bụng bảo dạ là, không bao giờ lặp lại, nhưng rồi đã từng lặp lại, rất vô thức, dẫu bây giờ phong bì chủ yếu để đựng tiền mừng cưới hay chia buồn đám tang hoặc là… chúc tết… chứ thư giờ ít ai xài, kể cả thư tình. Người ta nhắn tin, mail, hoặc điện thoại. Mà điện thoại cũng không như ngày xưa, nói dài tốn tiền nữa. Giờ cứ có Internet wifi là nói cả ngày vẫn chả mất cắc bạc nào. Hết Facetime đến Viber, rồi Zalo lại gọi qua Facebook… 

Nhưng dẫu vật đổi sao dời thế nào, thương nhớ vẫn còn, nỗi nhớ thương thần thánh…




Không có nhận xét nào: