Thứ Tư, 28 tháng 12, 2016

“Y PHỤC XỨNG KỲ ĐỨC”...




Nhớ thời bao cấp, cán bộ ta ăn mặc úi xùi lắm. Phần lớn là dép lê, áo bỏ ngoài quần, thậm chí không là (ủi). Càng úi xùi lại càng được khen là... gần dân, là tử tế. Ông sếp tôi hồi ấy, dính tí hơi hướng văn hóa Pháp, lại có bà vợ người Hà Nội, nên ra khỏi nhà là quần áo phẳng phiu, mũ nồi đội lệch. Và khổ thân ông, ông lại bị nhiều người ghét, thậm chí mang ra cuộc họp bình bầu cuối năm phê bình. Người chấn chỉnh lại tác phong ăn mặc luộm thuộm của cán bộ thời ấy là cố thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông yêu cầu tất cả cán bộ công nhân viên chức phải ăn mặc lịch sự. Hình như chỉ chờ có thể, chả cần chế tài gì, cán bộ ta trang phục sang và đẹp lên ngay.

Một thời kỳ dài, cho đến bây giờ, nhìn trang phục là biết ngay công chức. Ấy là giày bóng nhoáng, áo sơ vin gọn gàng, tóc tai gẫy gọn...

Nhưng không phải dư âm thời bao cấp không còn tồn tại trong một số công sở, mà Hà Nội là tiêu biểu nhất. Ấy là việc ăn trưa, nghỉ trưa ngay trong phòng làm việc, là việc thờ cúng ngay trong công sở, là việc diện “quá đà” trong một số công chức nữ, vân vân...

Và vì thế, Hà Nội đang có ý định ra một bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ công chức. Nó chứng tỏ, theo nhìn nhận của một số cán bộ quản lý, sự ứng xử của một bộ phận công chức Hà Nội đang có vấn đề.

Nhưng việc ban hành riêng một bộ quy tắc ứng xử hình như cũng lại... có vấn đề. Bởi nó vừa quá cụ thể nhưng cũng lại rất mông lung.

Ví dụ cụ thể đến cả cách dùng nước hoa, trang sức, mỹ phẩm, quy định váy dài đến đâu thì quả là... cụ thể quá, nhưng lại vẫn mông lung, bởi nước hoa thế nào thì phù hợp, mỹ phẩm thế nào là không vi phạm? Những người thực thi nhiệm vụ kiểm tra, nếu như sau này có bộ phận này, sẽ rất khó để mà thuyết phục người “vi phạm”.

Quả là có thời, người ta thấy ai xăm lên cơ thể thì lập tức người ấy bị xem là xã hội đen, là loại càn quấy. Nhưng giờ, dẫu thuộc típ người không thích xăm, nhưng quả là thi thoảng thấy các cô gái có những hình xăm ở bắp chân, ở vai, ở cánh tay... tôi cũng... đứng hình luôn, vì nó đẹp quá, nó khiến người ta phải tưởng tượng, phải vương vấn... và khi phải tưởng tượng, phải vương vấn... thì nó đích thị là cái đẹp rồi.

Thực ra khi đã là cán bộ, công chức, thì tức là đã chịu sự điều chỉnh của luật công chức rồi, bên cạnh các luật khác mà mọi công dân phải tuân thủ. Bên cạnh đấy, còn một thứ rất quan trọng mà mọi công chức phải tự giác tuân thủ, ấy là lòng tự trọng công vụ. Chính lòng tự trọng công vụ sẽ khiến  những người đang thực thi công vụ phải biết cách ứng xử với bản thân và với môi trường xung quanh.

Quả là thời gian vừa qua, có việc một số công chức Hà Nội có những hành vi sai trái bị cả xã hội lên án, như đánh tiếp viên, đánh người già. Như nói tục chửi bậy, như không gương mẫu nơi công cộng... nhưng rõ ràng đấy chỉ là những cá biệt. Cá biệt đến mức rất nhiều người cố nghĩ mãi vẫn không hiểu sao lại có cái anh phó giám đốc xông vào đấm ông giáo sư đáng tuổi bố anh ta ngay trước mặt vợ mình, thủ phạm gây nên vụ tai nạn. Và tất nhiên, ngoài chịu sự phán xét của dư luận mà tôi tin giờ mỗi lần ra ngoài đường, chả cứ anh này, mà ngay vợ con anh ta cũng rất xấu hổ, thì anh ta còn bị luật công chức và luật hình sự soi chiếu. Công an đã mời anh ta lên, cơ quan đã cách chức anh ta. Thế là cũng đủ anh này... thấm đòn.

Việc ra một bộ quy tắc ứng xử như của Hà Nội, có thể cũng là việc tốt, nếu như nó có cơ sở để thực hiện, dù có vẻ như nó chạm tự ái của rất nhiều công chức chỉn chu, gương mẫu, đúng là... công chức. Ở đây, rất nhiều người đang băn khoăn đến cơ sở thực thi. Nhớ hồi nào đấy, các đội cờ đỏ được quyền đi bắt quần loe rồi quần túm. Cơ sở để phân biệt quần ống túm là... đút cái chai không lọt. Và chai không lọt thì... kê kéo vào, xoẹt phát, xong ngay. Quần loe thì lấy tay gang, rộng hơn một gang thì cũng... xoạc. Giờ, túm hay loe cũng được, miễn là đẹp. Mà công chức, không tự biết thế nào là đẹp, là ăn mặc lịch sự, thì lỗi không phải tại công chức ấy, mà lỗi ở người... tuyển dụng, ở chính cái cách chúng ta quan hệ với nhau hàng ngày trong cơ quan, để cho một ông hổ báo mặc áo thun sát nách quần ngố dép lê đi làm hay một chị mặc váy xẻ đến hông đến cơ quan mà không bị góp ý, không bị phê bình ngay tắp lự, để trở thành thói quen.

Tôi tin, sẽ có rất ít công chức thiếu tự trọng công vụ đến mức phải mang bộ quy tắc ra soi, và cũng thấy, bộ quy tắc này có ra, cũng rất khó thực thi, bởi những quy chuẩn vừa cụ thể vừa mông lung như đã nói...

Nhưng tôi ủng hộ, hết sức ủng hộ, công chức là phải sang trọng, lịch sự, đúng tư thế... công chức. Bởi công chức chính là bộ mặt của nhà nước.

1 nhận xét:

Unknown nói...

Bài viết rất ngon, rất đời sống mà lại dí dỏm văn nghệ văn gừng!