Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

RÔNG CHIÊNG ƠI HỠI RÔNG CHIÊNG…




Một cuốn sách có hẳn một bài “Rông chiêng” với giải thích như thế này: "Trong ngày lễ có múa Rông chiêng nên bắt buộc mọi người phải biết múa; theo ý nghĩa Rông chiêng là quanh choé.”. Còn sách giáo khoa lớp 3 của NXB Giáo dục cũng giải thích tại sao nhà rông phải cao, như thế này: “Nhà rông "phải cao để đàn voi đi qua mà không đụng sàn và khi múa rông chiêng trên sàn, ngọn giáo không vướng mái".
---------------



Bỗng nhiên một ngày đẹp trời, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng, nhạc sĩ Bùi Trọng Hiền điện cho tôi: Ông ơi, có điệu múa rông chiêng không, và nó là cái món gì?

Ừ nhỉ, hình như tôi cũng nghe loáng thoáng đâu đấy, từ hồi mới lên Tây Nguyên, rằng là có một cái món rông chiêng nào đó, nhưng hồi ấy, phần vì trẻ, phần vì cũng chưa hiểu đầu cua tai nheo nó ra làm sao, nên cũng chả để tâm, nhưng nhớ là đã nghe cặp từ này rồi, cho đến giờ… 

Té ra ông Bùi Trọng Hiền đã lọ mọ gúc, thấy có một điệu múa gọi là múa rông chiêng với cách giải thích, rông chiêng là múa… quanh chóe (ghè).

Nghiêm túc tìm hiểu, té ra cái vụ “rông chiêng” này vừa vui vừa hài hước.

Một cuốn sách xuất bản có hẳn một bài “Rông chiêng” với giải thích như thế này: "Trong ngày lễ có múa Rông chiêng nên bắt buộc mọi người phải biết múa; theo ý nghĩa Rông chiêng là quanh choé.”. Còn sách tập đọc lớp 3 của Nhà xuất bản Giáo dục Nhân đấy, cũng giải thích tại sao nhà rông phải cao, như thế này: “Nhà rông "phải cao để đàn voi đi qua mà không đụng sàn và khi múa rông chiêng trên sàn, ngọn giáo không vướng mái". Bây giờ thì cặp bài trùng nhạc sĩ Nhật Lai, tác giả “Hà Tây quê lụa” và nhiều nhạc múa về Tây Nguyên lẫn nghệ sĩ nhân dân Y Brơm đều đã mất, nên tôi không thể hỏi được rằng, trong cái sự nhớ bùng nhùng của mình từ hồi mới bập bẹ Tây Nguyên ấy, hình như 2 ông có chung một tác phẩm múa “Rông Chiêng”, ông nhạc ông biên đạo, từ thời đoàn văn công Tây Nguyên đang ở Hà Nội. Thế rồi, có thể là, từ một tác phẩm nghệ thuật nó trở thành… thực thể, thành một điệu múa dân gian Tây Nguyên như cái cách mà tôi đang tìm hiểu đây.





Cẩn thận, tôi hỏi biên đạo múa Công Hưng, nguyên đội trưởng đội múa Nhà hát Ca múa nhạc Đam San, giờ là phó giám đốc trung tâm Văn hóa điện ảnh du lịch tỉnh Gia Lai, anh khẳng định Rông chiêng là tên tác phẩm múa do NSND Y Brơm sáng tác. Cẩn thận hơn, tôi điện thoại hỏi ông “cái gì cũng biết” Nguyễn Lưu, ông này là nhạc sĩ, nhà báo, nhiều thứ nhà, đã từng thời gian dài ở Tây Nguyên, giờ đang sống ở Hà Nội. Ông bảo có một tác phẩm Rông Chiêng, ông biết từ rất lâu rồi, từ hồi chưa có ý thức về âm nhạc lắm. Và ông “tưng tưng” bằng mồm qua điện thoại cho tôi một đoạn giai điệu. Nghe giai điệu tôi nói ngay, đây là bài của nhạc sĩ Văn Thắng, tác giả “Tháng ba Tây Nguyên”. Khúc nhạc quen thuộc mà ông Lưu vừa tấu bằng miệng giờ vẫn liên tục được các đài phát thanh, truyền hình dùng làm nhạc nền một số chương trình, hết sức dễ thương và trong trẻo.

Cẩn thận hơn nữa, ông Bùi Trọng Hiền còn gọi cho anh Đinh Lân, trưởng thôn Mơ Hra, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, anh chàng trưởng thôn này khẳng định "rông chiêng" không có trong từ vựng Bahnar, càng không hiểu sao mọi người lại gọi đấy là tên một điệu múa.

Điều nguy hiểm là, sau vài ba tam sao thất bổn thì người ta đã biến “rông chiêng” thành một điệu múa truyền thống của người Tây Nguyên mà đoạn trích sau đây là một ví dụ: Hội mừng nhà mồ là một nghi thức tín ngưỡng độc đáo hấp dẫn được diễn ra trong ba ngày đêm liền, và được chuẩn bị từ mấy tháng trước. Tất cả mọi người khi đến dự lễ đều phải biết múa Rông Chiêng, biết đánh cồng chiêng, gõ trống, chơi đàn Tơ rưng.
Trong ngày lễ có múa Rông chiêng nên bắt buộc mọi người phải biết múa; theo ý nghĩa Rông chiêng là quanh choé. Múa hát chung quanh choé rượu là điệu múa giành cho các cô gái, diễn tả các động tác làm nương, may vá thêu thùa, và điệu múa khiên của thanh niên trình diễn các động tác săn bắn hay chiến trận. Vì vậy Rông chiêng là điệu múa truyền thống trong ngày hội nhà mồ

          Và người ta đưa nó vào sách giáo khoa, cả in thành tem nữa. Có hẳn một con tem mang tên “Rông chiêng” với các thông tin như sau: Tên mẫu tem: Múa rông chiêng.
Mã số mẫu: 6. Ngày phát hành: 20/03/1962. Khuôn khổ: 68x92. Họa sỹ thiết kế: Mr. Luu Yen. In ấn: Offset multicoloured; Printed in Hungary. Giá mặt: 30 VNĐ.



Tóm lại là như thế này, từ tên một tác phẩm nghệ thuật, một số  làm nghề nghiên cứu đã rất nhanh nhảu “cưỡng” cho nó có trong hiện thực. Bắt đồng bào Tây Nguyên có một điệu múa gọi là Rông chiêng với giải thích là điệu múa quanh chóe. Cao hơn còn nâng nó lên thành điệu múa truyền thống trong ngày hội nhà mồ.

Tìm hiểu xung quanh mấy sự nhầm lẫn này, lại thấy lòi ra mấy sự nhầm lẫn khác.

Thứ nhất là không có cái gọi là “ngày hội nhà mồ”. Hoàn toàn không có. Người Tây Nguyên có một cái lễ, gọi là lễ Pơ thi (tiếng Jrai) để chỉ việc bỏ mả. Đây là một cái lễ, có gắn với hội, nhưng dứt khoát nó không phải là “Ngày hội nhà mồ”.

Thứ 2 là cái cách miêu tả nhà rông. Nhà rông hoàn toàn không phải được làm cao để đàn voi đi qua không đụng sàn và khi múa rông chiêng trên sàn ngọn giáo không vướng mái.

Tất nhiên những hiểu nhầm và viết nhầm, vẽ nhầm về rông chiêng, về nhà rông, về “hội nhà mồ” này đều đã từ rất lâu rồi, từ hồi người Kinh mới biết đến Tây Nguyên qua các cán bộ người Tây Nguyên, như ông Núp, ông Ksor Krơn… đi tập kết, hỏi một rồi… phiên dịch thành 3 thành 4 nên có thể thể tất. Nhưng hiện nay vẫn còn một số trang mạng, một số bài báo dựa vào đấy tiếp tục tam sao thất bản thì phải lên tiếng để nó không tiếp tục bị nhân bản nữa…

Và chúng tôi khẳng định, không có điệu múa nào của người Tây Nguyên mang tên Rông Chiêng với ý nghĩa là quanh chóe. Cũng như thế, không có và không phải, sàn nhà rông cao để voi đi không đụng, múa giáo không vướng. Và cũng hoàn hoàn không có một ngày nào gọi là ngày hội nhà mồ cả...



Không có nhận xét nào: