Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

VỚI VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI




Tôi không nhớ bài thơ đầu tiên của tôi được in trên Văn Nghệ Quân đội là bài nào và vào thời gian nào nữa. Lâu lắm rồi, nhưng cho đến giờ, thi thoảng được in ở Văn nghệ quân đội vẫn run rẩy sướng.

Giờ trong nhà tôi, Tạp chí Văn Nghệ quân đội xếp hàng dãy dài trên giá sách. Thời những năm 80, 90 thế kỷ trước, cứ hết năm tôi lại đóng thành tập cho từng năm, lưu cẩn thận như báu vật.

Cái thời khó khăn nhất, ăn đói mặc rét đầu những năm 80 trên Tây Nguyên ấy, tôi vẫn bỏ tiền túi ra đặt tạp chí VNQĐ, căn đúng ngày phát hành, chính xác là ngày tạp chí về đến Pleiku ở cái thời từ Pleiku ra Hà Nội mất 3 ngày xe đò, lên văn thư cơ quan nhận về (hồi ấy đặt báo phải có giấy giới thiệu của cơ quan, và đặt với danh nghĩa cơ quan thì dễ hơn), đi từ phòng văn thư về phòng mình, tôi đã kịp đọc lướt mục lục, sau đấy cất vào ngăn kéo, để tối mới nhẩn nha đọc kỹ. Cho sướng.

Hồi ấy, trong hai tờ báo văn chương lớn nhất nước, thì Văn nghệ quân đội cực mạnh về truyện ngắn. Cái gu truyện ngắn VNQĐ khiến hàng vạn người mê. Nó xum xuê, tầng lớp, hấp dẫn, gay cấn và cuốn hút. Tôi nhớ hôm ấy lên văn thư nhận tạp chí, vừa đi vừa mở xem lướt, đập vào mắt là cái truyện ngắn “Có một đêm như thế”, và tôi đã vừa đi vừa đọc khi đến phòng là hết cái truyện ngắn ấy. Tất nhiên là có mấy đoạn đứng lại để đọc vì đường khá ngắn. Đến phòng, tôi nói ngay với Ngô Thị Hồng Vân, đồng nghiệp của tôi, và cũng là một cây bút khá nổi hồi ấy, sau này chị bỏ ngang vào Sài Gòn buôn bán và cũng rất thành đạt, rằng chắc chắn truyện ngắn này sẽ được giải VNQĐ năm nay. Vân vồ lấy đòi đọc, nhưng tôi bảo, từ từ, mai tớ cho mượn đọc chứ tớ không cho ai mượn khi tớ chưa đọc xong. Vân ấm ức vì sau đấy tôi không đọc, mà như thường lệ, bỏ vào ngăn kéo để tối mới đọc, nhẩn nha đọc, từ từ đọc, mới thấm hết cái sự... sướng.

Cũng hồi ấy, các nhà văn trong ngôi nhà số 4 luôn là những ông thánh trong tôi. Vài lần đi qua đấy, và cũng như nhìn 65 Nguyễn Du hồi còn là trụ sở Hội Nhà Văn, 17 Trần Quốc Toản... tôi đều chỉ len lén nín thở đi qua, rồi lại rón rén vòng lại, tất nhiên là ngoài đường, rồi cuối cùng là... tiếc rẻ đi thẳng, chứ không dám vào. Bởi trong ấy toàn là các đấng, các bậc, nghe tên đã khiếp đối với bọn mon men viết lách như tôi chứ làm sao mà dám gặp, tiếp xúc.

Rồi cũng có lần tôi lọt được vào đấy. Và té ra là các “đấng” các “bậc” ấy hiền lành đến mức khiến tôi ngạc nhiên, khiến tôi tưởng mình quen các ông ấy tự đời nảo đời nào... Ngồi trong phòng nhà văn Nguyễn Khắc Trường nhìn ra, tôi thấy các thần tượng của tôi đang... khoe xe máy. Mỗi bác nghiêm trang dựng một cái xe máy trước mặt, tay cầm cái khăn, nổ máy lên, lấy khăn bịt ống xả, xe nào nổ nhỏ nhất là xe ấy tốt, là các bác ấy bảo thế. Hồi ấy tôi nhớ toàn cúp, mà kim vàng giọt lệ là oách nhất. Xe nào xe nấy sạch như lau như li chứng tỏ các bác thường xuyên quan tâm đến xe, chăm chút chúng từng ly từng tí...

Và các bác ấy cũng mang sự kỹ tính ấy vào văn chương.

Các tác phẩm được chọn in trên Văn Nghệ quân đội đều là những loại “không phải dạng vừa đâu”. Nghiêm ngắn, chỉn chu, bề thế, sang trọng, đọc sướng, dẫu có người bảo dư ba đời sống vào đấy hơi ít. Ngay bây giờ, khi mà mỗi người viết đều là chủ một tờ báo và một nhà xuất bản, thế giới mạng cho phép họ làm điều ấy, thì được in ở Văn nghệ quân đội vẫn là niềm vinh dự của rất nhiều người. Ít thấy người khùng lên vì bị Văn Nghệ Quân đội sửa hoặc từ chối in, mà phần lớn là tâm phục khẩu phục. Trong nhiều bài thơ in ở Văn Nghệ Quân đội, tôi một lần được các anh ấy sửa cho một chữ, và khi đọc lại thì hết sức thán phục, vì nó đúng và hay. Ấy là câu: Hoang sơ chiều rót đầy vai/ché và chiêng và đầy vơi rượu cần, được sửa thành: Hoang sơ chiều rót tràn vai. Thứ nhất trong trường hợp này tràn hay hơn đầy, và thứ 2 nó không bị lặp ở chữ đầy của câu sau. Và đến giờ, bài thơ này in lại ở đâu, công bố ở đâu nó đều mang chữ “tràn” của Văn Nghệ Quân đội.

Sau lớp các đại ca thì đến lớp ngang lứa, bạn bè, và giờ là lớp đàn em. Đàn em là về tuổi tác, chứ tôi rất phục họ về văn tài. Cái truyền thống văn nghệ quân đội lớp này truyền lớp khác, họ vẫn giữ, nhất là sự kỹ, sự chỉn chu. Tôi thấy cách ông Đỗ Tiến Thụy làm văn xuôi mà khiếp. Không nể nang, không du di, cương quyết khó tính đến cùng... hay ông Phùng Văn Khai làm thơ cũng thế, kỹ và tinh, nhờ thế nó làm nên một Văn nghệ quân đội thương hiệu, một văn nghệ quân đội ngôi đền văn chương, một trụ sở Hội Nhà Văn thứ 2 như một nhà thơ nổi tiếng từng phát biểu...

Cái câu “nhà số 4” giờ nó là biểu trưng của một trung tâm văn chương, và nó đang được trẻ hóa, đầy năng động và cũng đầy sức sống. Một mặt nó phát huy truyền thống của các đàn anh, các bậc thầy truyền lại, mặt khác, nó đang mở ra thêm nhiều chiều nhiều hướng để tờ tạp chí vẫn thâm nghiêm trầm mặc như mấy cây đại già nổi tiếng gắn với số 4 tự thời nào, mà lại tươi, mà mướt, mà khỏe khoắn như đội ngũ các nhà văn đang “trụ trì” trong ngôi nhà này, như cái búp nõn của cành đại luôn vươn mãi trong nắng mà thi thoảng nhà văn xinh đẹp Đỗ Bích Thúy chụp khoe lên phây của mình khiến nhiều người xốn xang mà vào lai (like) và còm, chả biết vì búp hay vì người...


1 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Đúng thế. Tôi cũng được đến nhà số 4 Lý Nam Đế ở Hà Nội mấy lần.