Thứ Năm, 10 tháng 11, 2016

GIA LAI CÀ KÊ (KHÔNG NHỚ SỐ MẤY)



Ấy là bởi, ti vi thì nhỏ, mà lại đen trắng, mà lại phải qua bộ tăng điện sút von tơ (thứ bây giờ tìm rất khó), nên từ chiều là đã phải chuẩn bị rất kỹ để tối bắt vợ con ngồi nghiêm ngắn trước màn hình xem... bố “lên ti vi”. Nhưng mà nào trời có chiều người, bắt đầu xem thì một cơn gió thi tới, thế là nháo nhào chạy ra ôm cột ăng ten, hoặc là leo lên mái nhà xoay, vợ ở dưới, mắt trên ti vi, mắt trên mái nhà, chỉ đạo xoay. Loay hoay xoay xong, màn hình không nhảy lambada nữa, sạn trên màn hình từ bằng cái li chỉ còn bằng hạt cát, leo xuống thì thấy chị Doãn Thanh Hường đang cười rất tươi: xin tạm biệt các bạn, chương trình đến đây là hết...
----------------



Hồi ấy, cuối năm 1981, tôi là cậu cán bộ trẻ mới tốt nghiệp đại học Văn lên nhận công tác ở ty Văn hóa Thông tin Gia Lai – Kon Tum.

Trụ sở làm việc và cả nhà tập thể cán bộ công nhân viên của Ty ở số 4 trần Hưng Đạo, chỗ cục thạch thư ở quảng trường bây giờ. Hoang vắng, và buồn. Buổi chiều càng buồn, mùa đông, sương mù giăng kín sân và đường. Trong sân cơ quan có hàng chục cây thông cổ thụ. Trên lưng chừng một cây thông ấy là một cái... loa sắt. Sáng trưa chiều phát bản tin của đài phát thanh Gia Lai Kon Tum. Một buổi chiều chủ nhật, đang cầm vợt lên hội trường đánh bóng bàn giết thời gian thì tôi chợt dừng lại, trên loa đang diễn một vở kịch. Tôi nghe hết vở kịch truyền thanh của đài phát thanh Gia Lai Kon Tum thì thấy đọc một chi tiết là mời cộng tác với chương trình văn nghệ của đài, gửi về địa chỉ phòng văn nghệ, đài phát thanh Gia Lai Kon Tum...

Tối ấy, dưới ánh đèn điện đỏ cạch của bóng 220V nhưng điện chỉ đủ 110V, tôi chép chùm thơ đầu tiên làm ở Pleiku gửi đài Phát thanh Gia Lai Kon Tum, khi ấy tôi lên Pleiku nhận công tác chưa đầy một tháng...

Chừng tuần sau thì anh H, một cán bộ của phòng văn nghệ của đài xuống tìm tôi, cám ơn vì tôi đã cộng tác, nhưng anh bảo thơ thì lâu lâu mới dựng vì phụ thuộc người ngâm, giờ anh mời tôi viết kịch truyền thanh cho đài, bảo đảm dựng ngay, ngoài ra mời tôi viết bút ký, ghi chép, tùy bút, tản văn các loại...

Và tôi cộng tác với đài từ đấy.

Và tôi khẳng định đấy là những ngày rất vui.

Hình như vì đài thưa người, nên vai trò cộng tác viên thời ấy rất quan trọng. Tôi nhớ có lần họp cộng tác viên, anh Thái Hiền Minh, giám đốc đài thời ấy nói: Nếu không có cộng tác viên thì đài... ngừng hoạt động. Tất nhiên là nói trong cuộc họp CTV nên anh cũng phóng lên vì  chả ai đánh thuế, nhưng tôi quan sát xung quanh, anh chị em CTV ngồi dưới cảm động, mắt long lanh lắm. Hôm ấy phần thưởng cho CTV rất to, anh Hoàng Tiến được nhận nguyên một cái xe đạp. Rồi đài tổ chức cho CTV đi tham quan các tỉnh phía Nam nữa. Hồi ấy, nhuận bút ở đài cũng được một món kha khá mỗi tháng để anh em viết lách cà phê cà pháo, thậm chí mang về sớt bớt cho vợ nuôi con.
Càng ngày thì đài càng hiện đại và chuyên môn hóa, lực lượng phóng viên, Biên tập viên cũng mạnh lên nên cộng tác viên cũng lấy sự tinh chứ không lấy sự đa như ngày xưa...

Cũng thời ấy, mươi năm sau khi tôi lên Pleiku thì đài Gia Lai có truyền hình. Thi thoảng anh em chúng tôi được mời lên hình làm gì đấy, nói về thơ, đọc thơ, tọa đàm văn chương... thì tối ấy cái ti vi đến khổ...

Ấy là bởi, ti vi thì nhỏ, mà lại đen trắng, mà lại phải qua bộ tăng điện sút von tơ (thứ bây giờ tìm rất khó), nên từ chiều là đã phải chuẩn bị rất kỹ để tối bắt vợ con ngồi nghiêm ngắn trước màn hình xem... bố “lên ti vi”. Nhưng mà nào trời có chiều người, bắt đầu xem thì một cơn gió thi tới, thế là nháo nhào chạy ra ôm cột ăng ten, hoặc là leo lên mái nhà xoay, vợ ở dưới, mắt trên ti vi, mắt trên mái nhà, chỉ đạo xoay. Loay hoay xoay xong, màn hình không nhảy lambada nữa, sạn trên màn hình từ bằng cái li chỉ còn bằng hạt cát, leo xuống thì thấy chị Doãn Thanh Hường đang cười rất tươi: xin tạm biệt các bạn, chương trình đến đây là hết...

Lại nhớ thời ấy, đài có hẳn một đội ca nhạc, rất oách. Mỗi lần hội diễn thì khi mà đội văn nghệ Đài xuất hiện là các đơn vị khác nơm nớp lo. Các giọng ca vàng thời ấy tôi nhớ có các chị Hường (lớn), Mỹ...

Hồi ấy, trong số cán bộ độc thân thì độc thân mà ở trên khu tập thể đài là khổ nhất. Vừa xa, vừa cao... mùa khô thì thôi rồi. Bụi mịt mù và... không có nước. Tôi nhớ có lần lên đài đá bóng, xong phải quay nước giếng để tắm. Quay được thùng nước mệt hơn đá một hiệp 45 phút.  Giờ nhoáy phát từ Trần Hưng Đạo lên đài, chứ hồi ấy đạp xe lên đến đài là cả một cực hình. Cái dốc Hùng Vương lên đài như một thách thức người kiên nhẫn, và mười anh như chục, đạp lên lưng chừng dốc là xuống dắt xe dẫn bộ.

Có một kỷ niệm vui vui, giấu không được thì giờ kể ra đây. Anh Trương Đức Minh Tứ, giờ là Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập báo Quảng Trị, hồi ấy là phóng viên đài phát thanh Gia Lai Kon Tum. Chia tỉnh Bình Trị Thiên, anh về Quảng Trị làm báo. Trước khi về anh xuống nhà tôi chia tay, nhậu một trận và... tặng tôi một cái cát sét. Cái cát sét to oạch, chức năng chính là máy ghi âm, nhưng nghe nhạc cũng được, dù chỉ là nghe Mono. Tất nhiên là nó đã hỏng rồi, tôi mang ra tiệm sửa mất mấy nghìn đấy, rồi về chỉ dùng để nghe nhạc, nhạc Trịnh, Sơn ca 6, 7 gì đấy, nghe suốt ngày đêm. Cuaroa nhão và đầu đọc cũng mòn nên cứ nghe một lát là lại dừng lại, hoặc rối băng là bình thường. Được một tuần như thế thì một hôm có 2 người của đài xuống nhà tôi, hỏi có phải anh Tứ “gửi” anh cái máy ghi âm không? Tôi bảo đúng rồi. Các cô ấy bảo, đấy là tài sản của đài, bọn tôi mang giấy của đài xuống đây, đề nghị anh giao lại. Ơ, thế thì mất công tôi đi sửa à, nó hỏng rồi mà. Anh thông cảm, hỏng cũng là tài sản nhà nước. Thế là tiếc rẻ bịn rịn giao. Giờ thi thoảng gặp Tứ cũng vẫn nhắc chuyện này, và Tứ cũng k trên một vài bài báo việc này.

Sáng nay anh Huy Cường điện, nói anh viết cho ít chữ nhân đài kỷ niệm 40 năm thành lập. Ơ thế là đã 40 năm rồi đấy. Như thế là khi tôi lên Pleiku nhận công tác thì đài đã hoạt động được 5 năm. Tôi nhớ, trước đấy tất cả Văn hóa thông tin, Giáo dục, báo và Đài đều chung một cơ quan, ở số 4 Trần Hưng Đạo, và do sếp cũ của tôi, một người mà tôi rất kính trọng, là ông Trịnh Kim Sung, làm trưởng tất cả. Sau mới tách ra còn lại Ty Văn hóa Thông tin và ông Sung ở lại làm trưởng ty này...

Có đến 35 năm làm bạn nghe, xem và là người cộng tác với đài, mà như là mới hôm qua. Tôi tự hào vì từng vừa là nhân vật lại vừa là tác giả của đài. Giờ thì đài hiện đại và chuyên nghiệp lên rất nhiều rồi, trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống” khán giả rồi. Và tôi cũng dặn mình, với đài, hãy mãi như là ngày... hôm qua, những ngày vất vả khó khăn tứ bề nhưng cũng vui và hết mình với nhau, với công việc...

(bài viết cho kỷ yếu của Đài nên phải hết sức đoan trang, he he)



Không có nhận xét nào: