Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2016

LẠI CHUYỆN "ĐÂM TRÂU"





Trước hết phải nhắc lại điều này, nhiều người hay nhầm lẫn, kể cả các cơ quan có trách nhiệm, rằng là đâm trâu không bao giờ là lễ hội. Nó chỉ là một thành tố của lễ hội, kiểu như mâm cỗ thì có thịt gà, nhưng thịt gà thì không bao giờ là mâm cỗ. Cũng như vậy chúng ta rất hay nhầm lẫn bằng cách tổ chức các “Lễ hội cồng chiêng”, trong khi đồng bào không hề có lễ hội này, mà nó chỉ là một thành tố của lễ hội nào đó...

Thứ nữa, cái động từ “Đâm trâu” cũng là do người Kinh chúng ta gán cho, chứ mỗi dân tộc có cách gọi riêng, nó tương đương như hiến trâu, tế trâu, ăn trâu... không phải người ăn, mà là Yàng, thần linh ăn. Con trâu được hiến cho Yàng để Yàng phù hộ con người.

Và, người dân cũng chưa bao giờ mang ông trâu ra giữa thanh thiên bạch nhật, ra trước hàng ngàn con người để “đâm” cả. Khi chúng ta biến ăn trâu thành lễ hội thì chúng ta mới “xây dựng kịch bản” để diễn ở chỗ đông người như thế, trở thành một trò chơi rất ác, tàn nhẫn, chứ nguyên thủy nó khác hơn nhiều.

Con trâu được chọn để hiến tế cũng phải là con trâu được nuôi rất kỹ. Trước hôm con trâu được hiến, nó được tổ chức cúng, gọi là khóc trâu. Những bó cỏ non và ngon được tuyển cho nó, rồi người ta “khóc trâu” với những lời lẽ rất nhân văn: Trâu ơi, mày thay mặt chúng ta lên nói với Yang rằng, chúng ta cần điều này điều kia, chúng ta rất biết ơn trâu, trâu đã thay mặt chúng ta làm việc trọng dại này, việc mà chúng ta không thể làm được. Cỏ non đây trâu ăn đi, nước suối trong đây trâu uống đi... đại loại thế. Và khi làm thịt trâu, họ không bao giờ làm ban ngày, thường là sáng sớm, trẻ con phụ nữ không có mặt, chỉ có những người già và thầy cúng, một ít thanh niên giúp việc...

Gần đây, một anh bạn là bác sĩ người Huế, có vợ là người Jrai ở huyện Chư Sê, Gia Lai, và bản thân anh rất yêu văn hóa Jrai, nói tiếng Jrai như tiếng Kinh, đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu học hỏi, cung cấp cho tôi một thông tin thú vị. Ấy là, cái từ “Trum kơbâo” (Kơbâo là tiếng Jrai Nhơn Hòa, Kơbau là tiếng Jrai Ayun Pa cùng nghĩa là con trâu)- lâu nay ta gọi là đâm trâu, tôi hay gọi ăn trâu- không thể dịch là ăn trâu, phải là “tế trâu”. Tại sao không gọi là “Tlãu kơbâo” mà gọi là “Trum kơbâo”, “tlãu” nghĩa là đâm theo đúng nghĩa đen. Đâm bằng dao (thong), đâm bằng giáo (tơbăk)...! Tại sao không gọi “trum bơbuih” (đâm heo), “trum bê” (đâm dê), “trum mơnũ” (đâm gà)... Từ “Trum” chỉ dành riêng cho trâu! Con trâu quan trọng đến mức con người dành riêng một từ để chỉ nghi thức trang trọng này. 

Thực ra dùng tế trâu- hoặc hiến tế trâu- có vẻ cũng chưa chính xác, bởi theo cách hiểu của tôi, thì người ta dùng trâu tế Yang, nếu dùng như thế thì lại thành ra tế con trâu ấy. Nhưng cách gọi ấy nó gần với bản chất vấn đề hơn từ đâm trâu lâu nay ta hay dùng.

Nhân văn đến thế, tử tế đến thế, ý nghĩa đến thế... vậy mà chả biết tự khi nào, chúng ta biến nó thành “lễ hội” phục vụ khách du lịch, đem ông trâu ra giữa sân vận động, cột cứng vào cây nêu, chiêng trống ầm ĩ, rồi cả đoàn thanh niên nhún nhẩy, rồi là đâm, máu me nhoe nhoét... chỉ riêng việc cả nghìn người vây quanh, rồi chiêng trống như thế, con trâu nào yếu bóng vía đã vỡ mật lăn đùng ra chết rồi, chả cần đâm nữa...

Nên mới nhất, khi tỉnh Lâm Đồng quyết định không tổ chức “ nghi thức đâm trâu” trong các lễ hội truyền thống đã được sự đồng tình của dư luận. Nếu tôi không nhầm thì chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng hiện nay từng là giám đốc sở Văn hóa. Và ông là người hiểu văn hóa, bởi tôi biết cũng có nhiều người làm văn hóa nhưng luôn luôn áp đặt những điều xa lạ vào văn hóa bản địa, mà “đâm trâu” là ví dụ, lễ hội cồng chiêng, nhà rông văn hóa... cũng những là ví dụ nữa...

Hồi Festival Cồng chiêng quốc tế tại Gia Lai, cũng có một con trâu được chuẩn bị để “đâm”, nhưng sau có một vị lãnh đạo thấy nó ghê quá nên không cho đâm nữa. Cuộc đâm công khai, đâm biểu diễn ấy không thành, nhưng sau đó đồng bào vẫn phải tổ chức làm con trâu ấy ở làng, đúng theo nghi thức cổ truyền, bởi... đã hứa với Yàng rồi, không thất hứa được...

Đấy cũng là một nét văn hóa của người Tây Nguyên...

(Bài in trên Người Lao Động chủ nhật, hôm nay, link gốc ở đây)




2 nhận xét:

Đặng Quang nói...

Wow ! Bi h em mí hiểu tận tường.
Cám ơn ca ca nhiều.
...
Đặng Quang

Nặc danh nói...

Wow ! Bi h em mí hiểu tận tường.
Cám ơn ca ca nhiều.
...
Đặng Quang