Thứ Năm, 29 tháng 9, 2016

LÝ SƠN, LÝ VÀ TÌNH, PHÁT TRIỂN VÀ BẢO TỒN...


          Cách đây mấy năm, tôi đến Lý Sơn và rợn ngợp với những gì hòn đảo vừa hoang sơ vừa đẹp đến kinh ngạc này phô bày. Và tất nhiên, tôi biết, không lâu nữa, Lý Sơn sẽ phải hiện đại hơn, tiện nghi hơn, bởi đấy là quy luật phát triển, cả hợp lý và phi lý, cả đương nhiên và cưỡng bức. Chỉ mong, sự hợp lý lấn át phi lý, sự tuần tự lấn át cưỡng bức...

       
   Và quả là không lâu sau đó, Lý Sơn có điện lưới, có nước ngọt vô tư. Khi có điện, đời sống người dân lẫn bộ mặt của đảo khác hẳn. Tôi nhớ lần ấy chúng tôi đã ghé xe, cái xe mượn của chủ nhà trọ, vào một cây xăng bơm tay, tự tay bơm và lặng lẽ bỏ tiền, theo cái giá chủ cây xăng viết tay trên một mảnh bìa, nhân với số lít, vào cái hộp chủ cây xăng để bên cạnh. Khi mượn xe chủ nhà trọ cũng không nhắc gì chuyện xăng, nhưng những kẻ “lịch sự” chúng tôi vẫn làm cái việc đương nhiên phải làm là đổ xăng đầy bình khi trả xe. Giờ, chắc chả còn cảnh ấy. Tắc xi có rồi, cây xăng bơm bằng điện, và cái cảnh trên mỗi đầu giường khách có một cái quạt bằng cái nắm tay chạy bằng ắc quy đến 10 giờ đêm là tắt chắc cũng không còn...

Biển Lý Sơn hầu như không có cát. Điều này cũng không lạ, cũng giống như biển ở phía bắc và ở Cà Mau rất nhiều bùn, lội xuống biển mà như lội xuống... ao. Thế nhưng té ra không phải thế. Lý Sơn nằm trong hệ thống biển miền Trung, nước đậm màu mực Cửu long, veo véo trong và thoải ra khá xa. Nó không có cát không phải là do không có cát mà là bởi nó đã hy sinh cát cho tỏi. Hàng trăm năm nay người dân Lý Sơn đã moi cát biển lên trồng tỏi. Người ta bảo cây gì con gì sống trong điều kiện khắc nghiệt thì nó càng ngon, càng quý, con gì cây gì nuôi nhốt trồng sung sướng thì nó béo bệu nhão nhệch không ngon là rất đúng. Tỏi ở Lý Sơn được trồng bởi chính những hạt cát trắng tinh chát mặn lấp lánh thủy tinh xúc lên từ biển. Người ta xúc ngày này năm khác đến nỗi bây giờ trong bờ còn trơ đá, đến nỗi bây giờ muốn lấy cát biển, tàu hút phải đậu ở tít ngoài xa, hút lên thuyền rồi chở vào bờ bán cho người trồng tỏi. Cát ấy được trộn với đất đỏ lấy trên miệng núi lửa ngay trên đảo và rong biển Lý Sơn thành đất trồng tỏi. Đi trên đường Lý Sơn thấy lổn nhổn những đống cát đống rêu như thế. Hai năm một lần người ta lại phải thay đất. Không tưới, không có nước đâu mà tưới, đặc biệt là ở đảo bé, là đảo trong đảo, giờ là xã An Bình, cách đảo lớn tức xã An Hải gần một giờ tàu chạy. Đảo này không có một tẹo nước ngọt nào, người ta hoàn toàn nhờ vào trời để trồng hành tỏi, còn nước uống thì nhà nào cũng có một cái bể to đùng và dăm bảy cái lu cũng to đùng để hứng và chứa nước mưa, khi hết thì có tàu chở nước đến bán với giá hai trăm ngàn đồng một mét khối. Khi tắm thì ra biển, kỳ cọ thoải mái xong rồi vào lấy khăn lau người. Ưu tiên phụ nữ thì cũng là ra biển tắm trước, sau đó vào tráng qua vài ca nước ngọt. Cây tỏi cứ thế oặt oẹo lớn, lá héo quắt héo rũ dưới nắng, thân tóp hết cỡ để giữ nước, bao nhiêu tinh hoa, bao nhiêu khốn khổ, bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu khô khát cơ cực... dồn hết vào củ tỏi, làm nên thương hiệu tỏi Lý Sơn.

Lý Sơn khi chúng tôi ra là một huyện của tỉnh Quảng Ngãi tách ra từ huyện Bình Sơn với ba xã là An Hải, An Vĩnh và An Bình, trong đó An Bình hay còn gọi là đảo Bé là nơi khó khăn nhất. Đảo chỉ có 69 ha với 102 hộ, 499 nhân khẩu trong đăng ký chứ thực ra trung bình chỉ có khoảng 100 người trên đảo thường xuyên. Cát trắng, mênh mông cát trắng, nhưng nó không được thoải mái để sướng tầm mắt, mà nó được người dân, năm này qua năm khác, vần đá dưới biển lên, ngăn lại thành từng ô nhỏ để chắn gió mà trồng tỏi, nhiều thửa ruộng đá nhiều hơn cát và mồ hôi nhiều hơn đá.

          Từ trung tâm đảo lớn, chúng tôi thuê tàu sang xã An Bình, tức đảo Bé này. Đảo này sang đảo kia nhưng là giữa biển trùng khơi, mà lại ngược hướng gió sao đó mà từ đất liền ra đảo lớn dễ hơn rất nhiều lần từ đảo lớn sang đảo bé, thế nên nhiều lần ta nghe thông báo là Lý Sơn bị cô lập thì trước đó khá lâu đảo bé đã bị cô lập rồi.

          Khác với hai xã lớn hơn kia, xã đảo An Bình không có một giọt nước ngọt nào, tìm nhiều rồi nhưng không ra một nơi nào có nước, vậy nên hai cách duy nhất để có nước là xây rất nhiều bể, lu khổng lồ để hứng nước mưa vào mùa mưa, và mua nước từ những con tàu chuyên dụng với giá hai trăm nghìn một mét khối. Không có nước ngọt nên không thể chăn nuôi. Không thấy bóng dáng trâu bò lợn đã đành, mà gà vịt cũng không có. Động vật duy nhất chúng tôi gặp trên đảo là chó, trong đó có những con cực khôn như cặp chó kéo cái xe cho anh Bùi Huệ, một người vì lặn biển mà tai nạn liệt chân, sau chuyến đi ấy chúng tôi đã kêu gọi mọi người giúp cho anh được một cái xe lăn khá hiện đại...

          Tôi vẫn nhớ mồn một tất cả cảm giác của mình khi ra Lý Sơn lần ấy, và xa xót, khi hôm qua đọc được thông tin, người ta đang bê tông hóa.

Hiện nay Ủy ban UNESCO Việt Nam (Bộ Ngoại giao), và trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 19 có đưa vào chương trình là lập hồ sơ để công nhận Lý Sơn, Bình Châu và các vùng phụ cận quanh cửa Sa Kỳ là công viên địa chất toàn cầu. Để làm việc này đã có hàng trăm nhà khoa học hàng đầu của Việt Nam, của thế giới, cũng như của hiệp hội công viên địa chất thế giới đã về Quảng Ngãi, tổ chức tọa đàm, báo cáo kết quả khảo sát cho tỉnh, và tất cả đều khẳng định: “Chỉ riêng mình Lý Sơn đã đủ làm một công viên địa chất toàn cầu”. Bởi nó có giá trị rất lớn, đặc biệt về địa mạo, địa chất, di sản văn hóa, nhất là hệ thống hang động, núi lửa biển, các miệng núi lửa lộ thiên, các núi lửa còn nằm dưới lòng biển, nhiều di tích tàu đắm có giá trị về lịch sử, văn hóa. Lý Sơn và các vùng phụ cận được kiến tạo bởi dung nham núi lửa biển đặc trưng mà trên thế giới hiếm có. Do vậy mà tất cả đều đề nghị, khuyến cáo phải bảo tồn nguyên trạng để làm hồ sơ công viên địa chất toàn cầu và phát triển du lichj bền vững...

Vậy nhưng hiện nay, trên đảo Lý Sơn đang xây dựng những bờ kè, những con đường bê tông chạy quanh đảo lớn và đảo bé do Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và Ủy ban nhân dân huyện Lý Sơn làm, không lấy ý kiến rộng rãi các ban ngành và nhân dân địa phương, đặc biệt là ngành Văn hóa, với lý do là... bí mật quân sự. Ngay lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng nhiều người không được biết việc này.

Vừa rồi lãnh đạo xã An Bình lại tiếp tục đề nghị được làm tiếp bờ kè ở đảo Bé. Ông Trần Văn Minh, phó bí thư tỉnh ủy đã phải nổi nóng, bảo làm kè kiếc gì nữa, hãy giữ nguyên trạng đảo Bé cho đất nước. Và đấy là ý kiến đúng, được ngành Văn hóa ủng hộ. Đảo lớn đã như đại công trình, cát bụi bay mù mịt, giờ họ lại muốn làm nát tan đảo bé. Hiện có công ty đầu tư và phát triển Đoàn Ánh Dương đang xin lập dự án bảo tồn khẩn cấp đảo Bé, họ hướng dẫn cho dân địa phương bảo vệ môi trường, làm Homestay, bảo tồn biển, làm nhà vệ sinh công cộng, làm nhà trưng bày địa chất và di sản văn hóa biển thân thiện với môi trường để cho dân được hưởng lợi từ việc dân tự làm dịch vụ, du lịch, tức người dân được làm chủ ngay tại quê hương của mình chứ không làm thuê cho doanh nghiệp. Công ty này cùng với sở Văn hóa Quảng Ngãi đang xây dựng hồ sơ công viên địa chất toàn cầu. Họ đã đưa hàng trăm chuyên gia và các nhà khoa học hàng đầu trong nước và quốc tế giúp Lý Sơn và đảo Bé bảo tồn địa chất, địa mạo...

Lý Sơn là đảo tiền tiêu của Tổ Quốc, việc làm công trình phòng thủ là cần thiết, là đúng, nhưng không thể chỉ vì mục đích ấy mà bê tông hóa, lô cốt hóa Lý Sơn, mà phá toàn bộ di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan sinh thái biển của hòn đảo đang đẹp tuyệt vời này. Lý Sơn là 1 trong 16 khu bảo tồn biển quốc gia đã được thủ tướng chính phủ phê duyệt bảo tồn...

Ngay khi thông tin đảo Lý Sơn đang được bê tông hóa, rất nhiều bạn đọc, nhiều trí thức có trách nhiệm đã lên tiếng. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, giám đốc sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi lên tiếng trên trang facebook cá nhân: “Đây một đoạn bờ biển từ cổng Tò Vò đi về phía Chùa Hang ở đảo Lớn - Lý Sơn. Chiều xuống quá muộn rồi, nhưng tôi cũng cố gắng chụp một vài bức ảnh bằng máy điện thoại của mình. Bởi tôi nghĩ rằng, có lẽ những hình này mai kia sẽ không còn nhìn thấy nữa. Người ta chuẩn bị làm con đường bê tông và bờ kè rất dài qua đây rồi - từ cổng Tò Vò, qua núi Giếng Tiền, tới tận chùa Hang. Tiếc thay những ghềnh đá cứng cáp, đa dạng, độc đáo, được hình thành bởi những đợt phun trào của núi lửa biển từ hàng triệu năm trước, luôn âm thầm giữ bờ biển đảo này, sắp tới đây có lẽ các anh, các chị, các bạn sẽ không còn nhìn thấy nữa. Hãy cứu lấy những gì của thiên nhiên ban tặng cho con người, cho quê hương Lý Sơn - nơi mà tất cả chúng ta đều hướng về với lòng mến yêu vô hạn”.

Nhà báo Đặng Xuân Thu, giám đốc VTV8, hiện đang sinh sống ở Đà Nẵng, rất gần Lý Sơn, thốt lên: “Lại đô thị hóa ra tận đảo khơi rồi à? Nghe nẫu cả bụng”. Thầy giáo Lê Trương Hoài Vũ: “Thấy cách làm của Quảng Nam với Cù Lao Chàm khác hẳn ta. Vì sao đi sau mà không rút tỉa kinh nghiệm tốt và né tránh những sai lầm họ đã mắc phải”. Đạo diễn Nông Thanh Vân: “Giời ạ, thế khác gì vây chặt Lý Sơn. Cái í khác gì phá hoại môi trường sinh thái của cả hòn đảo nhỉ? Lần thứ 4 đến Lý Sơn sang đảo nhỏ, bọn em shock vì cái sự bờ kè bê tông... Và cứ tự hỏi, kẻ nào đưa ra cái quyết định kinh tởm thế này? Lại xót xa, giá tiền làm bờ kè í để trang bị cứu hộ cứu nạn cho ngư dân sẽ tốt biết bao? Buồn... vì cũng lần ấy thấm cái sự bất lực là thế nào?”...



4 nhận xét:

Unknown nói...

Biển hồ Pleiku cũng đang làm bờ kè,sao xứ thiên đường này tàn phá mọi thứ mà trời đất ban tặng vậy !?

Nguyễn Văn nói...

Mấy Quan Gia Lai cũng đang phá nát Pleiku đó Hùng , viết vài Bài về Pleiku xưa và nay đi Hùng chứ Lý Sơn xa xôi quá ,để cho Quảng Ngãi lo.

QA nói...

Bờ kè Biển Hồ đang phá nát cảnh quan, môi trường sinh thái. Ông Vũ GĐS "chủ đầu tư" đã cho cô nàng xinh xắn "chủ thầu" ứng vốn 80% và đang bỏ chạy....phá hỏng Hồ T'Nưng rồi Hùng ơi là Hùng! Viết đi, đừng lo chi Quảng Ngãi. Vfa, lo mở giùm luôn cái đường Trần Hưng Đạo cho tui chút đi mà, cho đỡ tai nạn ngày nào thì mở sớm ngày ấy...

Đặng Tuyến nói...

Tình yêu với lý sơn