Tôi
là người không chơi sổ số, không bao giờ tin là mình sẽ trúng bởi biết xác suất
trúng rất thấp, bởi những người nghĩ ra trò sổ số họ là những người chuyên nghiệp,
họ phải dùng thuật toán để tính thật kỹ, làm sao để họ có lãi, lãi càng cao
càng... ổn, thu nhập của họ càng cao.
Nhưng
thi thoảng tôi cũng vẫn có những tờ vé số trong túi, từ 2 nguồn chính, một là
thấy những hoàn cảnh đáng thương thì tôi mua, hoặc là người tàn tật đi bán, hoặc
là các cháu học sinh đi bán, có cháu còn mặc nguyên đồng phục... và 2 là bạn bè
tặng lúc nhậu hoặc uống cà phê. Đây là cách tặng nhau... hy vọng, và cũng là
cách giúp những người bán vé số. Thi thoảng cũng có vụ trúng từ việc tặng thế
này, và rồi nó cũng đầy bi hài kịch, như vụ 2 bạn thân mua vé số nhờ giữ giùm,
đến lúc trúng hơn 2 tỉ thì bắt đầu... sinh chuyện. Và thường thì những người
nghèo họ trung thực và tự trọng hơn. Trong vụ cụ thể vừa kể, anh nghèo hơn (chủ
thật sự của 2 tờ vé số) đã hào hiệp tặng anh giàu hơn mình, người có ý định chiếm
làm của riêng cả 2 tờ vé số anh nghèo hơn mua nhờ giữ, hẳn một tỉ...
Thực
ra, phải đi bán vé số là đã cùng cực lắm rồi, là không biết làm gì nữa rồi. Những
người đi bán hy vọng cho người khác trong khi họ chả hy vọng gì to tát cho cuộc
đời họ. Họ chỉ mong ngày bán được trăm tờ, kiếm được ít tiền lẻ về mua gạo, mắm,
dư chút đỉnh đóng tiền học cho con. Nhà ai có người bệnh nữa thì đúng là... tận
cùng bằng số nữa. Chưa thấy ai đủ ăn đủ mặc mà đi bán vé số dạo. Và một ngày,
trung bình họ phải đi bộ dăm ba chục cây số là thường, chịu sự ghẻ lạnh hắt hủi,
thậm chí là quát mắng chửi bới thô lỗ từ hàng trăm người. Chịu khổ, chịu nhục
và chịu đủ thứ đủ trò khốn nạn của đủ hạng người trong xã hội đối xử với họ.
Tôi đã từng có lần phẫn nộ với một người đang ăn phở quát và đuổi một bà cụ
đáng tuổi mẹ người ấy khi bà chìa xấp vé số mời mua. Tất nhiên là bà cũng mời
“nhiệt tình” quá, lâu quá...
Và
có thể là những người đi bán vé số ấy hoàn toàn không biết rằng, lương và thu
nhập của các ông bà liên quan đến công ty sổ số nó khủng như thế nào đâu. Ví dụ
lương và thu nhập của giám đốc công ty sổ số kiến thiết Bình Thuận cả trăm triệu
mỗi tháng, thu nhập của bảo vệ cũng cỡ bốn chục triệu...
Thế nên việc cái vụ đoàn liên ngành hùng hậu của tỉnh Ninh Thuận đi bắt
một người bán vé số vì tội bán vé của tỉnh Bình Thuận nó vừa bi hài vừa bất
nhẫn, thậm chí đến... khốn nạn. Nếu tinh ý thì thấy, đây là một cuộc... giành
miếng ăn giữa các đại gia với nhau, và những người dưới đáy thì lãnh đủ. Ai có
thể nỡ lòng nào đi giành miếng ăn với những người dân kiếm xu lẻ từ từng tờ vé bán được
như thế...
Những người đi bán dạo ấy, họ có làm giả vé số
mang đi bán thì mới bị bắt chứ, cùng vé số của nhà nước in ra, họ có tội gì?
chuyện cạnh tranh địa bàn, các ông xử với nhau chứ sao lại đi bóp cổ những
người thấp cổ bé họng khổ đến nhường ấy rồi mà còn bị hành cho ra tóp thế nữa?
Tôi tin, ác giả ác báo. Hãy đặt mình vào thân phận những người đi bán vé số
dạo, các vị “liên ngành” và chỉ đạo cái “Liên ngành” kia sẽ thấy xót. Và bi hài
là, họ phạt với số tiền rất cao, đến mức mà, nếu những người bán vé số dạo mà
có chừng ấy tiền có khi họ sẽ làm nghề khác chứ không đi bán vé số nữa, và họ
phạt nhưng biết là sẽ không thu được tiền phạt, nhưng vẫn phạt, có lẽ chỉ để
chứng minh là mình có quyền phạt, và họ không còn việc làm gì khác ngoài...
phạt...
Bản gốc ở đây ạ: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/324839/ong-thich-thi-ong-phat-vi-ong-co-quyen.html
1 nhận xét:
Chó cắn áo rách... anh Văn Công Hùng ạ!
Đăng nhận xét