Thứ Tư, 20 tháng 7, 2016

TÂY NGUYÊN, KÝ ỨC RỪNG...



Tây Nguyên ban đầu trong tôi là thế, vừa hoang mang vừa khám phá, vừa tự tin vừa lạc lõng, vừa rụt rè vừa thầm kiêu ngạo, vừa ti toe vừa câm lặng, vừa muốn gào lên lại muốn thu mình lại. Mà không thu mình không được. Cái xe 45 chỗ chứa trong nó gần 80 người tiếp tục xả khói đen leo đèo. Trời tối dần. Nhoang nhoáng những cánh rừng, âm u và cô tịch. Người ngủ người thì thầm nói chuyện. Trong mớ câu chuyện hỗn độn tôi nghe, có nhắc đến Fulro, đến gỗ trắc, gỗ hương, cẩm lai, cà chít...


          Chuyến đi đầu đời.

          Bây giờ, hàng nhiều trăm lần qua lại con đèo An Khê và Mang Yang, cảm xúc chai lì rồi, nhưng trong tôi vẫn không thể nào quên cái lần đầu tiên tôi vượt đèo trên chiếc xe Desoto Quy Nhơn, Pleiku.


          Chuyến ấy, tôi cầm trên tay cái quyết định phân công công tác, nhảy xe 3 chặng để lên nhận nhiệm sở. Chặng một là Huế Đà Nẵng, chặng hai là Đà Nẵng Quy Nhơn và chặng 3 là Quy Nhơn Pleiku, bây giờ đi chỉ hơn một buổi, hồi ấy tôi mất 5 ngày để tới nơi.

          Phải nằm ở nhà trọ bến xe Quy Nhơn 2 đêm thì mới mua được cái vé đi Pleiku. Chả biết cái xe bò trườn kiểu gì mà phải chừng 3 giờ chiều mới tới đèo Mang Yang. Xe dừng ở một khúc cua để mọi người nghỉ ngơi. Trời không mưa không nắng nhưng nhiều sương mù. Sau mới biết đây đang là mùa khô Tây Nguyên, tức là mùa lạnh. Tôi dán mắt vào mấy người phụ nữ dân tộc đeo gùi đi hàng một trên đường. Lần đầu tiên tôi thấy. Một đàn dê lững thững an nhiên qua đường. Những chiếc xe khách lặc lè đổ đèo, gầm rú xả khói đen, mỗi xe có một chú lơ chạy bên cạnh cầm sẵn một cục gỗ, sẵn sàng nhét vào bánh xe nếu có sự cố. Một ông hành khách cao lớn, bò nguyên cây, giày vàng bóng nhoáng, ria con kiến, ngồi rút ví lấy mấy cái ảnh ra khoe với mấy chị đi cùng. Thì ra anh ta là diễn viên điện ảnh, ảnh chụp chung với chị Thẩm Thúy Hằng. Lần đầu tiên tôi thấy một diễn viên điện ảnh, bằng xương bằng thịt, dù không biết tên anh ta nhưng thấy cũng... quen quen. Tôi quần loe, áo trắng xẻ hông chẽn cứng, tóc dài, cũng có ria, tưởng là oách, bên anh kia thấy mình như con quạ bên con phượng hoàng uy dũng...

          Tây Nguyên ban đầu trong tôi là thế, vừa hoang mang vừa khám phá, vừa tự tin vừa lạc lõng, vừa rụt rè vừa thầm kiêu ngạo, vừa ti toe vừa câm lặng, vừa muốn gào lên lại muốn thu mình lại. Mà không thu mình không được. Cái xe 45 chỗ chứa trong nó gần 80 người tiếp tục xả khói đen leo đèo. Trời tối dần. Nhoang nhoáng những cánh rừng, âm u và cô tịch. Người ngủ người thì thầm nói chuyện. Trong mớ câu chuyện hỗn độn tôi nghe, có nhắc đến Fulro, đến gỗ trắc, gỗ hương, cẩm lai, cà chít...

          Thực ra không phải ngay từ đầu tôi đã có ý thức “yêu” Tây Nguyên để lên với nó rồi gắn chặt cuộc đời với nó cho đến bây giờ, đã là gần 40 năm, hơn nửa cuộc đời rồi. Hồi học đại học chúng tôi có 4 đứa chơi với nhau, rất thân. Vào năm thứ 3 thì một câu hỏi, cũng tức là một vấn đề đã hiện hữu, ấy là làm sao để ra trường cả 4 đứa đều vẫn tiếp tục được chơi với nhau, dù 4 đứa đều là con trai, và 2 đứa học Văn, 2 đứa học Lý. Một phương án đặt ra sau một cuộc kem chuối trà đá: Cả 4 đứa xung phong lên Tây Nguyên thì sẽ được ở một chỗ, tiếp tục chơi với nhau. Mở bản đồ ra, thấy Gia Lai Kon Tum gần nhất. Thế là quyết định: Cả 4 đứa làm đơn xung phong lên Tây Nguyên, 3 năm thì cùng về Huế. Hồi ấy có chính sách (nhưng không bao giờ thực hiện được) là đi miền núi 3 năm sẽ về. Một thằng còn dọa: lên đấy làm kiếm tiền, 3 năm sau về... đốt Huế.

          Đơn viết ra, gửi đi, Gia Lai Kon Tum nhận, trường làm quyết định, cả 4 thằng hăm hở liên hoan, đăng ký xe cùng đi 1 ngày. Đúng hôm ra bến xe, trời mưa mịt mù, 3 thằng tụt lại, còn mỗi tôi leo lên xe. Kể ra tôi tụt lại cũng chả sao, lúc ấy chúng tôi là dân khóa I Đại học Tổng hợp Huế, đắt như tôm tươi, mà Miền Trung thì cán bộ thiếu trầm trọng, là loại cán bộ được đào tạo sau 75 như chúng tôi ấy, chứ trí thức từ trước thì khá nhiều, nhưng lúc ấy chưa được tin dùng. Nhưng cái tính kỷ luật cao, cộng với sự tự trọng, và cả cái máu phiêu lưu vẫn đậm đặc nên tôi vẫn lên xe, để lại bóng mấy đứa tụt lại đi tiễn nhạt nhòa trong mưa.

          Nên cái cuộc đi mấy ngày mới tới Pleiku ấy nó còn có cả chút ngậm ngùi và cay đắng nữa. Thất vọng với bạn và muốn thể hiện mình, nên quyết tâm lăn vào, quyết tâm đi một chuyến cho đến đầu đến đũa.

          Con nhà cán bộ, vừa được sống trong chiều chuộng, không nhung lụa thì cũng khá hơn một vài nhà khác, nhưng lại cũng thừa hưởng tính nguyên tắc, tính kỷ luật và tính... thừa hành, cái gì đã được phân công là phải thực hiện, cho bằng được, không tắt mắt táy máy, không khôn vặt, khôn cho mình như một vài người khác, hành trang lên Tây Nguyên của tôi đơn giản chỉ vậy. Còn hành trang vật chất thì có một cái ba lô, phía trên cài cái chiếu Nga Sơn mẹ tôi gửi mua, bên trong mấy bộ quần áo...

          Ký ức rừng.

          Mang Yang tiếng địa phương nghĩa là cổng trời. Bà con Bahnar thấy cái đèo vừa dài vừa cao, ngước lên chỉ thấy mây trắng bay, và thăm thẳm 2 bên là rừng, con đường ở giữa hun hút như lên trời nên gọi vậy. Là sau này tôi mới biết thế, chứ lúc ấy tôi thấy mọi người có vẻ hồi hộp khi xe ậm ịch lên đèo. Té ra con đèo này rất hay xảy ra tai nạn, mà hồi ấy xe thì cũ, lái xe luôn đem theo nồi niêu xoong chảo, gạo mắm để sẵn sàng nấu cơm dọc đường, để chỉ từ Huế lên Pleiku mà mất đến 5 ngày, còn hành khác, hồi ấy cái từ cơm khỉ luôn luôn được được nhắc trong mỗi chuyến hành trình, kể cả đi xe cơ quan.


          Tôi đã rất nhiều lần phải “ăn cơm khỉ” trong mấy chục năm ở Tây Nguyên, và vẫn béo tốt cho đến hôm nay, bởi khi ấy, rừng bao quanh đường, đường xuyên trong rừng, bước khỏi xe là rừng. Và rừng, chính là nguồn sống vô tận cho con người, cho con người cả thức ăn và thức uống. Xe hỏng, tỏa ra xung quanh, chỉ cần gặp một cây chuối rừng là cả xe vô tư... chờ. Quả thì ăn, thân cây vặn ra lấy nước. Gặp một tổ ong thì đủ năng lượng cho cả mấy ngày, vân vân...

          Ôn lại chuyện ấy là vì hôm qua, trên đường phóng xuống An Khê, radio trên xe đọc bản tin thông báo: Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh đóng cửa rừng.

          Thực ra phải nói một cách cay đắng rằng: về cơ bản, rừng Tây Nguyên không có cửa nữa, bởi chỗ nào cũng là cửa rồi, và cũng về cơ bản, Tây Nguyên đã hết rừng.  Nhà nước và nhân dân cùng... phá rừng, rừng tan tác, rừng trơ trụi, rừng hoang mang, rừng trọc lếu...

          Rừng không chỉ có gỗ, mà nó gồm cả một hệ thống các loại động thực vật dằng dịt trong ấy, nương tựa nhau, hỗ trợ nhau, đối nghịch nhau, tranh giành nhau... mà sống và cùng sống.

          Và con người, cũng hàng vạn năm có hơn, cũng hài hòa với rừng như thế. Hàng vạn năm rừng biếc xanh, rừng thăm thẳm, rừng bạt ngàn, rừng tầng tầng lớp lớp... thế mà chỉ mấy chục năm qua, chúng ta đã biến rừng thành những quả đồi trọc lốc, thành những thảm cao su, tiêu, cà phê... mà ta cũng gọi là... rừng, trong đấy, vụ triệt hạ 50 ngàn héc ta rừng để trồng cao su là đau đớn và tàn nhẫn nhất. Và người ta đã làm gần xong. Chủ trương là dùng rừng nghèo để trồng cao su, nhưng khi phá nào ai phân biệt được giàu nghèo, và trồng cao su thì người ta cũng đã trồng trên... giấy. Trong khi các nhà khoa học, những người Tây Nguyên yêu rừng thì cho rằng: Rừng dẫu nghèo thì vẫn là rừng, cao su có bạt ngàn ra đấy, có thẳng tắp ra đấy, có vàng trắng như đang gọi đấy, thì vẫn không thể là rừng...

          Hồi tôi viết bài “Rừng - cao su bi ký”, ông trùm phá rừng vẫn còn tại vị ở vị trí ngất ngưởng của tỉnh. Lúc viết đã phải lật qua lật lại mãi, đến khi in lại cũng phải đắn đo, nhưng rồi cũng đã viết xong và đã in. Giờ thấy thủ tướng ra lệnh đóng cửa rừng Tây Nguyên, thấy mừng, dù rừng giờ chỗ nào cũng là... cửa, đóng rất khó, và về cơ bản cũng đã hết, đóng tức là là đóng... đồi trọc, nhưng thôi, cũng còn hơn là cứ thông thống thế. Các ông phá rừng như phá rau vườn nhà mình đã hạ cánh an toàn, các bác ngồi lại giờ lãnh nhé, muốn đóng cái ghế giờ cũng khó, nhể, còn dân thì, họ biết rừng đã hết từ mấy chục năm nay rồi... Một bạn đọc là bác sĩ đọc xong bài ấy đã phải thốt lên: “Hàng triệu tấn bom không phá được rừng Tây nguyên. Ấy vậy mà dollar rải xuống rừng không còn một cây”. Khá nhiều người buồn bã thốt lên “Giờ rừng chỉ còn cỏ tranh và cúc quỳ chẳng ma nào ngó thì đóng làm gì nữa...

          Rừng bị phá nó không chỉ là rừng bị phá, mà nó làm đảo lộn toàn bộ đời sống văn hóa truyền thống của người Tây Nguyên. Những người coi rừng là một phần cuộc đời mình, gắn bó với mình như con người với ngôi nhà, hôm nay coi rừng như một đối tượng để kiếm tiền, nó khiến cho xã hội chuyển dịch rất lớn, phá tan giềng mối, phá tan kết cấu buôn làng, từ đấy làm hỏng các mối quan hệ tốt đẹp từ ngàn đời...

          Lệnh ban ra.

          Mấy ngày vừa rồi, báo chí và cả người dân hân hoan với việc thủ tướng chính phủ đã ra lệnh đóng cửa rừng, đóng ngay, không bàn cãi không dây dưa.

          Lệnh đã ban ra, rừng hay cái gì tương tự rừng còn lại bao nhiêu sẽ được giữ lại, để rồi hàng trăm năm nữa, may ra, chúng ta lại có được một phần những cánh rừng như nó đã từng tồn tại.

          Té ra không phải thế. Lệnh đóng cửa rừng ban ra mấy ngày thì báo chí phát hiện lâm tặc vẫn ngang nhiên chở gỗ nườm nượp ngay  trước mắt những người có trách nhiệm, ở Kon Tum, ở Phú Yên... Nó cũng như việc người “to” nhất ở TP HCM là bí thư Đinh La Thăng ra lệnh cách chức một trưởng phòng của huyện Hóc Môn nhưng mấy tháng sau vẫn chưa thực hiện được...

          Hy vọng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không để yên vụ này, và cũng tin rằng, cái lệnh đóng cửa rừng ấy có hiệu lực hết mức nó có thể...

          Và cũng mới nhất, dù đã được một số bộ ngành đồng ý, tỉnh Gia Lai vừa có văn bản gửi chính phủ phản đối việc làm thêm dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2, nằm trong khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Bởi, một cái An Khê Ka Nác đã đủ khổ dân rồi...

          Vài chục năm nữa, biết đâu lại có một kẻ ngơ ngác đeo ba lô lên Tây Nguyên như tôi ngày nào. Tất nhiên hành trang khi ấy không như tôi thuở ấy. Xe khác, tâm thế con người cũng khác, cái gì cũng khác, chỉ mong, rừng không khác.

          Chưa bao giờ mà tôi lại thủ cựu đến thế, mong rừng mãi mãi không đổi, chỉ là rừng thôi...
           
                                                       

1 nhận xét:

Đi tìm sự thật nói...

Cơ bản Rừng đã " phá xong "
Biển thì bạc phếch " đi tong " Cội nguồn