Nhìn ông già bị gút
tay nổi cục trông rất thô, chân tập tễnh vì bị ngã vỡ xương chậu, đi đâu phải
có người đi theo giúp, từ cõng đến dìu (ông bỏ lương ra thuê các cháu sinh
viên, chủ yếu là đánh máy tác phẩm giúp ông, nhưng khi ông đau quá thì các cháu
giúp ông cả trong sinh hoạt), ăn uống rất khó, lập cập, ăn bằng thìa và cơm rơi
vãi lung tung... trông như một ông nông dân vừa xuất viện, với đọc văn ông thì
không ai ngờ đấy lại là văn ông. Một lần tôi phải chủ động gọi cho ông sau khi
đọc một... bài báo của ông. Chỉ một bài báo về một anh bộ đội dò mìn ở sân bay
Pleiku, mà ông viết chỉn chu cẩn thận vô cùng, và hay, và bay bổng, và chữ cứ
tưng tưng lên, cứ thanh tân đến lạ kỳ, chi tiết cứ rười rượi như cỏ tháng 3, mạch
văn cuốn hút mê man như eo lưng thiếu nữ...
Tối
nọ, lang thang trên mạng, thấy nhà văn Trung Trung Đỉnh báo tin Nhà văn Nguyễn
Chí Trung vừa từ trần cách đấy 2 tiếng, tại Sài Gòn. Ông Đỉnh là lớp nhà văn
đàn em, được ông Nguyễn Chí Trung trực tiếp phát hiện, dìu dắt để trở thành nhà
văn, bằng một mô hình có một không hai trên thế giới này: Trại sáng tác văn học
Khu V.
Tôi
là lớp hậu sinh, tiếp xúc với ông sau năm những năm 80 của thế kỷ trước, chứ
không được kề vai sát cánh như các nhà văn
thời ở trại sáng tác khu V. Nhưng được các đàn anh kể nhiều giai thoại về ông,
háo hức muốn gặp để... xác minh giai thoại.
Ví
dụ nhà thơ Thu Bồn hồi còn sống kể: Ông Trung rất thương tao, coi tao như em,
nhưng ổng cũng hành tao đến khổ, ấy là cái cách ổng bắt tao đi... thực tế. Ổng
là tướng, trợ lý Tổng bí thư, ổng đi đâu người ta tiếp, cần gì người ta lo, mà ổng
lại chả có nhu cầu gì cho bản thân, tao là nhà thơ về hưu, túi không tiền,
nhưng ổng đến đâu thấy hay là lôi tao tới đấy, rồi thả ở đấy, tưởng tao giống ổng,
cũng được người ta đón tiếp, chả quen ai, bơ vơ, mà tiền không có, rất khổ,
nhưng ổng nhiệt tình quá, cứ lôi đi thì mình bấm bụng đi rồi tính tiếp. Nguyên
cái đận tính để tồn tại đã xẹp mẹ nó hết hứng sáng tác rồi.
Tôi
cũng ít nhất cũng một lần bị ông làm xẹp... hứng. Ấy là lần cùng mấy anh em nhà
văn ở Đà Nẵng chuẩn bị một cái hội thảo rất hoành tráng, cấp khu vực nhưng tầm...
quốc gia, về cái trại sáng tác khu V, mà ông Trung là người khởi xướng và chăm
lo cho trại này từ đầu đến cuối. Biết tính ông nên định xong mọi việc mới báo với
ông và mời ông vào. Chả biết thế nào mà ông Trung biết, thế là đang ở Campuchia
ông lừ lừ về Đà Nẵng, nằm đấy và... điều hành mọi việc. Nhưng có một số việc vượt
quá khả năng và tư duy của anh em hiện tại, thế là... tan, dù mọi việc đã đâu gần
vào đấy...
Nhưng
chuyện này mới kinh. Ấy là hồi cách đây gần hai chục năm chi đó, thời ấy ông
đương kim thiếu tướng, trợ lý Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu. Trước đó tôi chưa bao
giờ gặp ông. Một hôm đang lơng tơng chạy ngoài đường thì có điện thoại, số lạ.
Mở ra a lô thì nghe giọng pha Bắc rất nhẹ: chào anh, tôi là Trung đây, có phải
anh VCH đó không? Dạ vâng ạ, Trung nào ạ. Nguyễn Chí Trung ạ. Vẫn ngơ ngác ơ a
thì đầu kia giải thích thêm: Tôi ở Hội Nhà Văn ạ. Ôi giời em chào anh. Tôi mới
vào xin gặp anh một lúc được không? Dạ, anh ở đâu em đến đón. Tôi đứng ở cổng tỉnh
ủy nhé. Vù con cúp81 mọi thứ kêu loảng
xoảng, trừ còi, lên đến nơi thấy ông già quần áo bộ đội nhàu nhàu, lùn béo đội
mũ cối dép rọ đứng đợi, tay cầm cái bì nilon màu đen. Tôi chở ông về phòng làm
việc của tôi cách đấy gần cây số. Ông bảo tôi có việc qua đây, ghé thăm anh em
tí. Ngồi nói chuyện huyên thuyên, chủ yếu ông nói tôi dạ dạ phụ họa, ông đưa
cái bì nilon: có ít kẹo cho các cháu. Tôi mời ông ăn trưa ở quán cơm Hưng Long
trên đường Trần Hưng Đạo, rồi chở ông về lại Tỉnh ủy, trong ấy có cái nhà khách
nội bộ dành cho các cán bộ diện... nội bộ.
Chiều
muộn ông lại điện: Anh có rỗi
cho tôi nhờ ra bến xe. Tôi kinh ngạc: anh đi xe khách à?chứ sao, anh lên đón tôi nhé, để tôi kịp xe, nghe
nói bây giờ có xe vào Sài Gòn. Anh ơi muốn đi thì sáng mai mua vé đi có ghế ngồi
chứ giờ là bắt xe dọc đường phải đứng đấy, xe chật lắm, phức tạp lắm,
anh đi không nổi đâu. Kệ, anh cứ cho
tôi đi. Hồi ấy bến xe Gia Lai còn ở chỗ khách sạn Hoàng Anh bây giờ, và xe đi
Sài Gòn thường xuất bến vào buổi sáng, giờ này chỉ ra chỗ gốc Vông đón xe dọc
đường thôi. Đường cực xấu và xe cực... chuồng gà chứ không hiện đại và
quy củ như bây giờ. Tôi bảo để em
báo Văn phòng tỉnh ủy lo phương tiện cho anh, ổng bảo, thôi đừng, anh cứ lên tôi nhờ. Lại phóng lên, Ông bảo anh chở tôi đi ra tiệm bánh kẹo.
Ông mua một mớ bánh kẹo mang về, bảo để cho chị em phục vụ phòng. Rồi lại mũ cối dép rọ xách ba lô lép kẹp ra cổng.
Tôi chở ra gốc vông định mời ông ăn tạm gì thì một cái xe khói đen mù mịt
lố nhố đầu người trờ tới, chưa vẫy
nó đã rà vào, ông bước ra thì tay lơ xe đẩy ông lên xe, cái xe đầy nhóc. Tôi kẹp
tay lơ trước khi nó nhảy lên xe: mày bố trí chỗ ngồi cho ông già nhé, ổng là
thiếu tướng đấy rồi dúi cho nó cái ba lô của ông để nó đưa cho ông. Tiếng nó nói lại bạt trong
gió: yên tâm, bướng cháu cũng lo được...
Trưa hôm sau, tôi đang thiu thiu, ông điện: tôi đến Sài Gòn rồi nhé, cám ơn anh
Hùng. Tôi kể chuyện này với bạn tôi, Đoàn Minh Phụng, Tổng Biên Tập báo Gia Lai, có chân trong cấp ủy của tỉnh, y bảo: sao không bảo với y để y lo cho ổng, hơn
bảy chục tuổi chứ ít gì. Tôi bảo thì có nói nhưng ông ấy đâu có chịu. Và tôi
cũng không hiểu sao ổng
vào nhà khách tỉnh ủy ở, mà văn phòng và cả thường trực không ai biết là có trợ lý Tổng Bí
thư
vào...
Khi nhà thơ Thu Bồn mất,
tôi lại gặp ông, lại một ấn tượng khác, nhưng cũng trong hành trình xuyên Việt.
Ông
lại gọi điện thoại cho tôi, nức nở: Thu Bồn chết rồi, giờ giỗ đầu, anh em ta phải
làm gì cho ổng chứ? Tôi đang ú ớ chưa biết làm gì là làm như thế nào thì ông bảo,
tôi đang đi qua từng tỉnh mà có Thu Bồn từng qua, để thu thập mỗi nơi một cái
gì đấy có ý nghĩa bỏ trong hầm mộ Thu Bồn. Gia Lai các ông là nơi Thu Bồn đã viết
trường ca “Bài ca chim Chơ Rao”, ông chuẩn bị cái gì nhé. Tôi bàn với một số
anh em rồi thân chinh xuống một làng ở cái huyện mà Thu Bồn kể là đã nằm ở đấy
viết “Bài ca Chim Chơ Rao” mua một cái ná có vẻ rất cổ chờ ông Trung.
Lần
này ông đi ô tô, trên ấy là thượng vàng hạ cám hiện vật, từ nắm đất đến cái...
bát ăn cơm. Nói thêm trong đám tang Thu Bồn, ông Trung là người lo chu toàn,
như lo cho một đứa em trai. Và điều khác người là ông Trung thiết kế một cái “hầm
mộ” để đựng kỷ vật, từ nắm đất ven sông Thu Bồn đến chiếc ná Tây Nguyên, từ chiếc
lá đại nhà số 4 Lý Nam Đế đến viên sỏi trắng sông Hương- Chén Ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu- hàng mấy trăm kỷ vật như thế
vẫn bên Thu Bồn trong hầm mộ ấy. Và người lính già Nguyễn Chí Trung cũng là người
khóc Thu Bồn nhiều nhất. Đến Gia Lai chúng tôi đón ông, và vừa trông thấy chúng
tôi ông đã ồ ồ khóc. Nước mắt của người đàn ông hàm tướng, trận mạc xông pha
như lính, làm chúng tôi lặng đi. Ông thò tay vắt... mũi, nước mắt hòa nước mũi
nhòe nhoẹt, rồi đọc thơ Thu Bồn, rồi lại khóc, cứ nấc lên từng chặp...
Ông
Nguyễn Chí Trung là người lính thứ thiệt. Nghe kể khi được cử làm phó chủ nhiệm
chính trị một mặt trận ở Campuchia, ông trực tiếp kẹp Aka, ngồi trên thuyền đuổi
nhau với lính Polpot trên sông, và từng bị thương. Còn trong chiến tranh chống
Mỹ thì khỏi nói, người lính Nguyễn Chí Trung cứ nghe chỗ nào có súng nổ là bươn
tới. Ông cũng chui rào, bò vào tận đồn đối phương điều nghiên, về cũng tranh luận
ra trò với các tướng lĩnh quân sự, có lần ông phải xưng mình là phái viên quân
sự để... can thiệp vào kế hoạch một trận đánh.
Dịp
này, các nhà văn đàn em đàn cháu viết rất nhiều về ông. Ông trung thực và...
gàn bướng một cách lập dị, nên nhiều người... sợ và ngại. Trước mặt ông anh nào
mà nói chuyện lập trường xiêu xiêu tí là... xong với ông. Ông rất cương quyết
trong việc phân biệt địch ta thù bạn, nhưng lại tốt tính đến tuyệt vời, chú ý đến
từng chi tiết rất nhỏ trong đời sống.
Và
còn té ra thế này, văn ông rất hay, rất tươi, chữ mới và đẹp vô cùng. Trong chiến
tranh người ta hay nhắc đến “Bức thư làng Mực” của ông, nhưng sau này, chính
“tiếng khóc của nàng Út” mới là tác phẩm để đời của ông. Nhìn ông già bị gút
tay nổi cục trông rất thô, chân tập tễnh vì bị ngã vỡ xương chậu, đi đâu phải
có người đi theo giúp, từ cõng đến dìu (ông bỏ lương ra thuê các cháu sinh
viên, chủ yếu là đánh máy tác phẩm giúp ông, nhưng khi ông đau quá thì các cháu
giúp ông cả trong sinh hoạt), ăn uống rất khó, lập cập, ăn bằng thìa và cơm rơi
vãi lung tung... trông như một ông nông dân vừa xuất viện, với đọc văn ông thì
không ai ngờ đấy lại là văn ông. Một lần tôi phải chủ động gọi cho ông sau khi
đọc một... bài báo của ông. Chỉ một bài báo về một anh bộ đội dò mìn ở sân bay
Pleiku, mà ông viết chỉn chu cẩn thận vô cùng, và hay, và bay bổng, và chữ cứ
tưng tưng lên, cứ thanh tân đến lạ kỳ, chi tiết cứ rười rượi như cỏ tháng 3, mạch
văn cuốn hút mê man như eo lưng thiếu nữ...
Cuối
cùng, gần 90 tuổi, nằm xuống, ông vẫn là... trai tân. Nghe kể ông từng có một
tình yêu rất đẹp với một chị là Tổng biên tập báo Đảng của Campuchia. Nhưng thời ấy chưa cho phép những
người như ông lấy cán bộ cao cấp Campuchia. Cả hai đều là cán bộ cao cấp. Thế
là ông tuân thủ kỷ luật, chia tay chị kia dù tôi biết trái tim ông rớm máu, có
vài lần tôi hỏi ông về việc này, ông cứ nói lảng việc khác, nhưng có một lần
ông lại chủ động nói với tôi: Có những nỗi nhớ không bao giờ quên được, càng
già càng nhớ, càng nhớ càng... thấy nhớ... Lần ấy tôi từ Pleiku xuống, ngủ
chung phòng với ông ở nhà khách Quân Khu V để cùng chuẩn bị cái hội thảo không
thành kia...
Trước
khi mất ông vào Sài Gòn sống, và nghe nói ý nguyện của ông là được an táng cạnh
nhà thơ Thu Bồn, nhà thơ đàn em mà ông quý và yêu như em trai. Ước nguyện của
ông đã toại, giờ này chắc ông lại đang đánh thức Thu Bồn lôi nhà thơ đi... thực
tế. Và tôi, kẻ hậu sinh, bày tỏ sự kính trọng ông bằng ngồi trong một căn phòng
nhỏ của em trai tại Huế, đóng kín cửa, bỏ qua mọi mời mọc, hẹn hò, tưởng tượng
về ông, nghĩ về những lần gặp ông, cả những lần... cãi nhau với ông, và viết những
dòng này, như nén nhang vĩnh biệt ông, người lính, nhà văn và người đàn ông
trong sáng tận cùng, đến tận phút cuối cùng...
2 nhận xét:
Anh VCH ơi! Chúng em chờ anh mãi, chờ mãi mà chả thấy chi cả. Năm ngoái đến giờ cũng chưa có hé lộ tin vui chi cả? Đấy là việc mở rào chắn và cho lưu thông đường Trần Hưng Đạo để nhân dân được đi xe máy và ô tô con ngang qua đây để được nhìn Thấy Bác (cấm dừng, cấm đỗ). Chờ anh VCH đấy nhé.
Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa mỗi cành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ, lụa tặng già
Thế mà đóng cửa đường Quảng trường, làm sao chúng tôi đưa bố mẹ già yếu đi đến đây được?
Đăng nhận xét