Lời dẫn:
Như vanconghung.com đã giới thiệu vào giữa tháng Hai
tại
tiểu thuyết thời sự “Trung-Việt Việt-Trung” của tác
giả Đỗ Quyên, với lời Tựa của nhà thơ - đạo diễn Đỗ Minh
Tuấn, đã được xuất bản bởi Người Việt Books (Hoa Kỳ).
Tại Việt Nam sách được phát hành qua mạng
fado.vn:
Nhân dịp Tổng thống Hoa Kỳ Obama đang thăm viếng Việt
Nam, vanconghung.com tiếp tục trích đoạn Hồi kết của “Trung-Việt Việt-Trung”,
như đã từng đăng hai phần đầu của cuốn truyện khi còn ở bản thảo:
Hồi kết của tiểu thuyết thời sự này đề cập đến một câu
hỏi không chỉ ở Việt Nam mà có lẽ phần lớn thế giới đang chờ lời đáp phải có
trong 3 ngày lịch sử trên quá trình bang giao Mỹ - Việt: Mỹ có bỏ cấm vận buôn
bán vũ khí với Việt Nam hay không?
HỒI KẾT
Như
thế… Truyện 3 giản dị, thẳng tuột. Rằng dài thì thật là dài, nhưng không như
Truyện 1 và Truyện 2. Không viễn tưởng, dã sử, ẩn dụ gì sất. Là chuyện của
những tháng Bảy, tháng Tám, tháng Chín, tháng Mười, tháng Mười Một rồi sang cả
tháng Mười Hai năm 2014 sau Công nguyên (Phật lịch 2558 năm). Là chuyện sinh sự
từ giàn khoan mang số hiệu thật 981 chứ không phải nói trại thành 189 của nghìn
năm sau, năm 3014.
Mọi
cuộc chiến đều tạm thời bất thành: từ khẩu khí chiến tới văn học chiến, từ vòi
rồng chiến đến hạm đội chiến. Thôi, thế là may rồi! Chung quy chỉ tại mày, cái
thằng Giàn Văn Khoan chết tiệt!
Giờ
đến khoản sơ kết từ mối quan hệ tác phẩm - độc giả và tác giả - độc giả:
Cũng
như ở Hồi 3, khai hỏa màn “còm” vẫn là thi sĩ MVP đến từ thành phố cảng Hải Phòng nơi tác giả kỳ
tích Kể Chuyện Năm 2000 Bùi Ngọc Tần tuổi hạc oằn mình sống chung
với u ác tính mà vẫn không thể chờ cuốn sách cuối cùng mang tên Thời Gien Biến
Ðổi sắp ra lò (chắc chắn sớm hơn Mỹ bỏ hẳn lệnh cấm vận vũ khí cho Đại Việt) để rồi vĩnh viễn ra đi vào một ngày
lạnh của năm cùng tháng tận 2014:
“Trước hết chúc mừng nhà văn Đ.Q! Mình
đọc với tâm thế của một kẻ thưởng thức. Đây là bữa tiệc văn chương thịnh soạn
mang chủ đề Trung-Việt Việt-Trung. Lối kể chuyện tân cổ điển hậu hiện đại đã
cho bạn đọc nhìn thấy một bức tranh ‘hot’ hiện nay. Cách viết gần với cách nói
sinh hoạt hàng ngày; bông lơn nhưng hàm chứa nhiều vấn đề lớn, nhất là về Trung
đương đại, lịch sử, văn hóa... Với kiểu viết này, theo mình không có chỗ nào
đáng ngại cả.”
Giữa
mây trời Bình Định vần vũ cơn bão cuối mùa đổ dọc miền Trung khúc ruột tới tận
Quảng Bình quê choa ơi nơi nhà văn Nguyên Quang Lập - blogger mới nhất vừa
“nhập kho” với lời chào vợ để đời “Yên tâm nếu sau 9 ngày không thấy về thì
chắc khoảng 3 năm” khiến hết thảy làng văn báo mạng chao đảo, văn sĩ N.T.H.
phán bảo thế này:
“Truyện 3: Một giả dụ về cuộc chiến trên biển
sắp xảy ra nhưng không hề xảy ra, để từ đó quan sát các bên lâm chiến và các
liên quan quốc tế với các bên lâm chiến. Một cuộc quan sát về các phương diện
quân sự, chính trị, ngoại giao… Nói chung là một cuộc quan sát lịch sử và văn
hóa với tầm mức quy mô, nếu không nói là hết sức quy mô. Cuộc quan sát mà người
viết luôn đứng về phía Tổ quốc mình với mong muốn tác phẩm của mình như một
hiến kế trị quốc, một cách dâng sớ triều đình kiểu hiện đại; còn đối với kẻ thù
của Tổ quốc thì cứ nói thật nói thẳng: anh là thế này thế này…
Người đọc có cảm tưởng như người viết
vừa nghe, vừa nhìn (một cách công phu, mẫn cán) vừa viết, những trang viết nóng
hổi thời sự. Những nghĩ ngợi về lịch sử vừa kín đáo vừa hở hang, như vừa có kết thúc
nhưng cũng như vừa mới mở ra.
Lời đề nghị chân tình: khi cường độ cảm
xúc của người viết đã về mức trung hòa, nên đọc lại kỹ, tìm cách cô đọng các sự
kiện lịch sử, để tác phẩm mang tính văn học cao hơn.”
Vừa
nhận được hồi âm cảm tạ cùng tán thưởng của “Bá Nha” Vancouver, “Chung Tử Kỳ”
Bình Định bèn tâm sự thế này cơ:
“Quyên em,
Rất vui! Vì bằng tấm lòng văn chương,
các nhận xét anh gửi em đã nói ra những gì hợp ‘truyện Đỗ Quyên’. Thư cho em,
cũng như khi vào trang viết vậy, là vẫn luôn giữ cái rất thật trong cảm nghĩ.
Tặng ‘truyện Đỗ Quyên’ một khúc trong Khúc Ca Bi Thiết Của Kẻ Cô Độc đang viết:
‘những mảnh hồn cổ xưa lại hiện về trong
trằn trọc nhận thức, ta chạy hụt hơi qua những tháng năm cũ để tìm chút an ủi
trong những lời được viết ra trên mảnh đất nung, chữ viết hình nêm vàng ố cảm
xúc, thời gian nén lại thành những hình hài, có thể là ký thác
cái-chết-cao-cả-người-anh-hùng-chết-cho-tổ-quốc-lâm-nguy, có thể là
lời-tiên-tri-về-sự-đảo-lộn-thế-giới, ai đó đứng nơi công trình cự thạch
bên-biển-cả-nhìn-thấy-số-phận-con-người, có thể là cơn thịnh nộ của vị thần
sinh nở khi nhìn thấy con người đã gạt bỏ niềm xúc động thiêng liêng ra khỏi
cuộc giao phối của mình, có thể là tường trình vẻ tráng lệ của những cảm thức
biến ngợp về buổi ban đầu kỳ diệu của tạo tác, sự bắt đầu cho sự bắt đầu thi
ca, ta chạy hụt hơi qua những tháng năm tiền sử bới tìm trong đất những trường
đoạn buồn vui của kiếp con người, những dấu vết cuộc tồn sinh bao giờ cũng làm
ta bớt cô độc.”
Trong
những diễn biến khác, từ thủ đô Hà Thành với sân vận động Mỹ Chùa to nhất Đông
Dương đang ngập nước mắt và nỗi hận thế kỷ sau trận đội chủ nhà thua 2-4 trước
đội Malaysia tại vòng bán kết lượt về AFF Cup 2014 như một cuộc đấu thậm tệ
nhất trong lịch sử đá banh Đại Việt, bằng tình bạn cũ thạc sĩ vi tính nhưng
thích làm thơ H.S.B. đã nói thật nói thẳng: “Mình vừa ngốn xong ‘tiểu thuyết’. Đúng là dân ngoại đạo không dễ dàng
hiểu loại hình này. Quá nhiều tư liệu, bình xét, thủ pháp... Chỉ thấy rõ một
tác phẩm đầy tâm huyết”; còn dịch
giả tiếng Tây mà vẫn thâm nho lại luôn nặng niềm tâm giao N.V.Q. thì khiến tác
giả hoàn toàn bất ngờ ngẫm 3 ngày 3 đêm mới cảm thấy có thể dần dần thấu khi
bảo: Tập truyện về một chuyện nhạy cảm
này nó ung dung và thanh hòa; và
ông em họ Đ.N.V.D. tựa hồ chưa buồn mở tệp bản thảo ra coi ất giáp gì trong đó
cứ tự nhiên như người Hà Thành tức thì giả nhời thế này này: “Khi nào ra sách bác gửi cho em đọc với nhé.”
Cuối cùng, thế này cơ này: tiết mục song ca của tác
giả với nam phê bình gia NĐT đến từ Vancouver trong chính ngày xảy ra thảm sát
gia đình người Việt với 9 nhân mạng bị xóa sổ đẫm máu bằng súng nâng vụ án lên
mức kinh hoàng nhất trong lịch sử 110 năm thủ phủ Edmonton yên lành cành đào
nhất nhì xứ Canada đất lạnh tình nồng…
Chàng:
“Nhẩn nha đọc
Đ.Q. thấy ra cái thi vị châm biếm ngọt ngào của văn phong nàng. Nhưng nàng viết
hơi xa qua quá, dân thường đọc ‘hổng hiểu’. Đưa tư liệu sống (raw materials)
vào tiểu thuyết và dung hòa hư cấu - ký sự là một khuynh hướng đương đại của
tiểu thuyết thế giới, nhưng không dễ viết. Đại Việt cũng chưa nhiều lắm? Chỉ
tiếc, tác giả đã ‘đổi tên’ các nhân vật thành hư cấu hoá và như thế đi theo
hướng khác. Nếu sách được viết kỹ thì thật ra là đột phá thi pháp.”
Nàng:
“Ôi chàng
thày thuốc quá tinh tường, điểm xuyết trúng xương sống (‘tư liệu thô’) và huyệt
(‘viết kỹ’).
Đừng tiếc:
đổi tên theo kiểu này có nhẽ là một điều khác thường, chửa ai làm? Chính nó góp
phần ‘đột phá thi pháp’! ‘Ăn chậm nhai kỹ’ sẽ thấy nhiều ngụ ý, ẩn dụ trong trò
chơi tên người, địa danh; điểm yếu của nó: một lý do khiến truyện có thể ‘hổng
hiểu’ với một số quý độc giả?
Chưa ‘viết
kỹ’ ư? Nếu vậy, xin được coi không chỉ như sự hy sinh của một tác phẩm nghệ
thuật (‘cũng là nhiệm vụ cách màng giao cho’ kẻ cầm bút bé mọn là Quyên em
đây), mà còn là hy sinh của một sáng tác thử nghiệm. Sáng tác thử nghiệm luôn
luôn phác thảo. Những khiếm khuyết tất nhiên của nó chỉ được khắc phục bằng
sáng tác sau đó, hoặc ở tác giả khác nếu như đó là thử nghiệm thành công.
Tiện thể:
Dòng văn học tư liệu trên mặt bằng văn chương Đại Việt, tạm tính thập niên qua,
hổng ít đâu à nha, ngót cả tá tiểu thuyết gia có số có má. Nóng nhất: với cuốn
Hồ Sơ Chiến Tranh 1-2-3-4.75, tuần sau Trần Mai Hanh sẽ ẵm Giải thưởng Liên hội
Nhà văn Đại Việt 2014; Sương Minh Nguyệt thì cho Miền Vắng ra lò tháng trước;
rồi giữa năm Nguyễn Ngọc Tiền mần ngon lành cuốn Me Ba Hồng…
Đa tạ tình
chàng!”
Thôi, rê qua cái đám bạn bè văn hữu lắm điều nhiều
chuyện. “Việc quân đang bận, xin chờ hôm sau…”
Đầu tháng Tám. Sau 10 năm chuẩn bị, lịch sử ngành đóng tàu quân sự nước này đã mở ra chương quyết định: lần đầu tiên người Việt và công nghệ Việt hoàn
toàn tự đóng mới thành công, trao cho lực lượng Hải quân Đại Việt cùng một lúc
2 tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya cao cấp. Đây cũng là lần đầu tiên Đại
Việt bắn thử tên lửa chống hạm và trong nhiều lần bắn thử cả 2 tàu đều bắn
trúng mục tiêu ngay từ loạt đạn đầu. Nhiều quốc gia biển, dù không là láng
giềng với Trung cũng thèm đứt lưỡi mong có được lớp tàu hiện đại này với tên
lửa chống hạm cận âm Uran-E, pháo hạm AK176, AK630, tên lửa phòng không vác vai
Igla. Tàu tên lửa tấn công nhanh lớp Molniya có cả thảy 3 nhiệm vụ: tiêu diệt
các nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các nhóm tàu độc lập khác; bảo vệ
tàu ngầm, tàu đổ bộ; trinh sát tình huống trên biển và trên không. (Ngài Tổng
Tập chưa rõ nhiệm vụ nào cứ việc hỏi Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Lan, Tổng giám đốc
Tổng Công ty Ba Son - người được coi như “tổng công trình sư Molniya made in
Viet”.) Cặp tàu thứ hai đang hoàn
thiện để bàn giao vào đầu năm sau. Cặp tàu thứ ba còn đang lắp ráp ạ.
Cuối tháng Chín. Chương sử
tự trang bị tàu Hải quân Đại Việt lại dài thêm chút nữa bởi chiếc tàu pháo hiện
đại đầu tiên được tự đóng trong nước theo thiết kế ban đầu mua từ nước ngoài và
cải tiến nhiều ưu việt khi tác chiến trên Biển Đông. Ba chiếc khác đang trong
quy trình lắp đóng. Với trang bị vũ khí, khí tài hiện đại (như tổ hợp tên lửa
phòng không tầm thấp, hệ thống quang điện từ, hệ thống rađa nhận biết địch-ta,
pháo AK-630) loại tàu pháo loại này được Đại Việt làm ra cũng không phải để
“chém gió” mà để: tuần tra, trinh sát biển; hộ vệ đội tàu đổ bộ và tàu hộ tống;
tiêu diệt tàu đổ bộ và tàu hộ tống. Oách!
Giữa tháng Mười Một. Nhờ quan hệ truyền thống Nga-Việt
vừa thắm thiết trở lại mà hợp đồng mua bán các tàu ngầm Kilo - quân tiên phong
trong chiến lược của Hải quân Đại Việt đối phó với Hải quân Trung - đã tăng tốc
rất rõ rệt. Chiếc tàu ngầm thứ ba mang tên Hải Phòng vừa mới được bàn giao suôn
sẻ; chiếc thứ tư là Đà Nẵng đang “hồ hởi phấn khởi” từ một cảng ở Nga nhằm
hướng vịnh Cam Ranh trực chỉ; chiếc thứ năm Khánh Hòa sẽ được đập sâm banh hạ
thủy ngay sau lễ Giáng sinh để còn bắt đầu chạy thử; còn chiếc thứ sáu - chiếc
cuối cùng của hợp đồng - mang danh Bà Rịa Vũng Tàu thì đã khởi sự lắp lắp ráp
ráp vô cùng rộn rịp từ cuối tháng Năm vừa qua. Sướng!
Cuối tháng Mười Một. Nhất loạt báo chí quốc ngoại quốc
nội đủ chủng loại - lề phải, lề phai phải, lề trái, lề trai trái, lề giữa, lề
giưa giữa - đồng khởi dậy sóng về hai chuyến viếng thăm quan trọng (vô cùng Tổ
quốc ta ơi) dự tính trong năm 2015 của Tổng Bí thư Đại Việt. Thú vị ở chỗ Hoa
Kỳ sốt sắng nhắc lại lời mời Tổng Bí thư Đại Việt đến thăm nhân dịp 20 năm bình
thường hóa bang giao Việt-Mỹ (ngày 11 tháng Bảy năm 1995), và gần như đồng thời
Trung cũng xăng xái mời vị lãnh đạo Đảng của Đại Việt sang mừng 65 năm thiết
lập quan hệ ngoại giao Việt-Trung (ngày 18 tháng Giêng năm 1950). Mà cả hai lời
mời đều qua điện đàm giữa hai ngoại trưởng song phương, thế mới cao giá chứ!
Riêng với Việt-Trung trước đó nhị vị Tổng Bí thư đã có hẳn một cuộc điện đàm.
“Thân này ví xẻ làm đôi được…” Bắc tiến và Tây tiến, cùng là hai hướng Đại Việt
muốn tiến.
Hãng
tin BBC lại được dịp đẹp tung vấn đề câu view độc giả một cách đàng hoàng và
nhà nghề:
“Đố
ai biết Tổng Bí thư Đại Việt sẽ thăm Trung hay Mỹ trước? Nhiều quan sát viên
phán việc Tổng Bí thư thăm nước nào trước sẽ phải được Đại Việt cân đo đong đếm
vì giá trị biểu tượng của chuyến thăm. Ứ phải! Thật ra, đã từng thăm Trung từ
mấy năm trước rồi nên sự kiện lần đầu tiên ông đến Mỹ sẽ là bước ngoặt lớn lao
trên con đường Tây tiến. Vả, Tổng Bí thư Đại Việt đã cất công vượt đại dương
mang lời mời nặng ký, ắt Tổng thống Mỹ sống chết rồi cũng phải tới thăm Đại
Việt cho xong!”
Đăng
đàn chân thành và chính tông trên Đài tiếng Việt RFA của Pháp là học giả Võ Cao
Phan:
“Trong
điện đàm đặc biệt đó, nhị vị lãnh đạo tối cao của hai nước bảo bang giao
Việt-Trung Trung-Việt ‘cơ bản là một quan hệ hòa bình hữu nghị trong thời gian
vừa qua’. Tôi là tôi không nhất trí quan điểm đó đâu, cô ạ! Nhà đài RFA còn nhớ
hay nhà đài RFA đã quên: chính trong năm nay cũng từng có hội đàm điện thoại
nóng giữa hai lãnh đạo cao nhất, thế rồi sau đấy vài tháng Trung đã vác cái
giàn khoan 981 đặt sát bẹn Đại Việt ta. Thành thử, chẳng hiểu mưu đồ cao thâm
của các nhà ngoại giao ra sao chứ với dân tình thì khó có thể tin tưởng ‘quan
hệ hòa bình hữu nghị’ ấy. Đâu chỉ riêng Ngày 17 tháng Hai bi hùng hàng năm, còn
vô khối sự kiện khác phía Đại Việt vẫn ‘im lặng một cách đáng sợ’, tiếng Trung
là thủ khẩu như bình. Phải chăng bởi muốn ‘quan hệ tốt’ Đại Việt ta phải học
quên những gì không thể quên như Ngày 17 tháng Hai?”
Nghe
thế cô ký giả chân dài RFA bèn tát nước theo mưa: “Úi chao! Chủ tịch Hội Hữu
nghị Việt-Trung, Cố vấn Viện Quan hệ Quốc tế, Nguyên Giảng sư Học viện Quốc
phòng mà đã nói thì chỉ từ đúng đến đúng! Vưng, nhà đài chúng em nhớ lắm. Cũng
chính năm nay, non một tháng trước khi kỷ niệm rầm rộ ‘Chiến tranh dạy tiểu bá
bài học’, ngày 21 tháng Giêng tờ Hoàn Cầu hân hoan loan tin, trong khi thị sát
Quân khu Vân Nam, Chủ tịch Tập Cần Bính đã long trọng vinh danh Anh hùng Quân
giải phóng lần hai cho Trung đoàn phó Vương Kiên Xuyên từng bị ngỏm củ tỏi trong
ngày 17 tháng Hai năm 1979 trên đất Đại Việt ta với câu nói cuối cùng: ‘Hảo lớ…
Vì Tổ quốc máu nhuộm chiến kỳ ta đâu tiếc… Tỉu hà ma, ta chết thật rồi sao…’”
Trang
Tễu thì vẫn tếu như mọi bận theo lối minh triết mõ làng đoán mò phán mạnh:
“Sang
năm, ngài Tổng Bí thư Đại Việt nhà ta sang Tàu trước, sang Mẽo sau. Quẻ Tễu đã
quyết! Với Mẽo, quá rõ: phi vũ khí sát thương bất thành Mỹ-Việt. Với Tàu, vẫn
biết ‘ở đây sương khói mờ nhân ảnh’ song Tễu cứ muốn thỉnh cầu: về nan đề Biển
Đông, chưa kể vụ Hoàng Sa-Trường Sa, chí ít vụ giàn khoan 981 cần được mổ xẻ,
dù trên bàn họp hay ngoài hành lang; chẳng nên tí tẹo nào để tái diễn màn ‘cả
hai bên cùng nhất trí’ lờ lớ lơ như đã từng với Chiến tranh Biên giới 1979
trong Hội nghị Thành Đô 1990. Mong lắm ru!”
Bây
giờ đang vào tháng Mười Hai. Khoảng đôi ba tuần nữa…
…
giống như món quà Giáng sinh cho dân chúng 2 nước cùng trăm họ thiên hạ bang
giao Mỹ và Cuba bị gián đoạn suốt 53 năm do “những khó khăn lịch sử” vừa được
thông suốt sau các vượt thắng tuyệt vời bởi bác Tổng Obama cùng chú Chủ tịch
Raul Castro em giai bác Phidel lãnh tụ cộng sản kiên trung nhứt còn sống dù bị
ám sát hụt 638 lần nhiều nhứt thế giới chủ yếu bởi CIA “Hô hô hô” thế nên chúng
tôi đề nghị lấy mốc chấm dứt thời kỳ Chiến tranh lạnh là ngày đầu tháng Mười
Hai năm 2014 khi có cuộc đối thoại lịch sử giữa
nhị vị Obama anh tài và em Castro anh tài…
Không
thì tháng sau, tháng sau nữa gì đó, thậm chí tháng sau nữa sau nữa - khi tập
truyện này hẳn còn nằm chờ mệt nghỉ hay đã chết dí trong lai cảo một số tòa
soạn - Mỹ ắt sẽ không hài lòng với sự tháo dỡ một phần như đã làm, mà bỏ hoàn
toàn lệnh cấm vận vũ khí sát
thương từ 40 năm qua đối với Đại Việt, để
“gia tăng trợ giúp nước này về an ninh bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền trên
lãnh thổ, lãnh hải của mình, đồng thời tăng
cường hợp tác quốc phòng theo cách có lợi cho cả hai nước”.
“Có
bỏ không thì bảo!” Không chúng tôi dẫu là văn sĩ quèn (quèn thì quèn quyết
không hèn nguyện làm văn sĩ đối thoại ngang cơ về mặt tự do ngôn luận cùng bác
Tổng thống có bằng Luật sư của trường lớn Harvard trong một quốc gia đầy hãnh
diện khi coi Đệ tứ quyền như một siêu pháp quyền) cũng không nỡ nói lời thiếu
thanh lịch khi mà thời của các chàng cao bồi Texas vảy đạn nhanh hơn ra lệnh đã
lùi vào dĩ vãng…
Nhưng
kẻ viết cùng người đọc tiểu thuyết Trung-Việt
Việt-Trung xin phép dùng giọng điệu lịch sử thời Chiến tranh lạnh kiểu như
TASS được quyền tuyên bố (nguyên gốc tiếng Nga “ТАСС уполномочен заявить”) gia
hạn (tiếng Mỹ “deadline” dân Việt thích viết sai “dead line” bác Gu Gồ cứ thế
mà dịch “đường chết”) cho bác Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đương nhiệm
Fraser Obama chậm nhất là đến khi Ông già Noel cao giọng “Hô hô hô” trong Giáng
sinh sang năm 2015 bác cần hoàn thành cái “khó khăn lịch sử” Mỹ Việt trước lúc
khăn gói quả mướp cùng quý Đệ nhất phu nhân cùng nhị quý Công chúa moving khỏi
Bạch Cung sau 2 nhiệm kỳ của đáng tội cũng đã hoàn thành khá nhiều “khó khăn
lịch sử” của một người Mỹ gốc Phi đầu tiên được ẵm ngôi Tổng thống Hoa Kỳ bằng
không một trong hai ứng viên kế nhiệm bác là nhị vị kỳ nữ Chelsea Clinton và
Noelle Bush cũng sẽ làm ngay đầu năm 2016 khi nhậm chức để lấy duyên thiên hạ
như là nữ nhân Mỹ đầu tiên ngự ngai Tổng thống Hoa Kỳ ép dầu ép mỡ không ai nỡ
ép bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát
thương cho Đại Việt nhưng lạy Chúa tôi đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn bác
Obama ơi là bác Ô Bà Ma…
Chậc!
Cố nói cho dầy trang truyện theo kiểu đếm chữ ăn tì(nh) thế thôi. Chứ có mua
được vũ khí sát thương từ người
Mẽo trời Tây hay không, dân (chỉ muốn được An) Nam nhà ta ngay cả trong khoa học
viễn tưởng cũng chả ham chế tạo cái đồ vũ khí giết người hàng loạt kiểu như Bom
dị bào với bao hệ lụy khôn lường.
Phận
văn dốt võ dát chúng tôi những mong không còn phải chế tác loại “truyện Đỗ
Quyên” vớ va vớ vẩn nào khác về các vụ việc linh ta linh tinh hết Trung-Việt
Việt-Trung lại Việt-Trung Trung-Việt…
“Cũng liều một giọt mưa rào,
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay!”
Đã
là quá thể thế này.
Tận
cùng tình ý. Xếp xó quá khứ mở toáng tương lai. Tác giả nói độc giả nghe rõ không? Xong. Là lá la… Xin dừng hẳn
tại đây.
Vancouver (16/5 - 19/11/2014, cập nhật 17/2/2015)
Đỗ Quyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét