Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

NHÀ VĂN BẢO NINH VÀ NHỮNG ÁM ẢNH CHIẾN TRANH




          Năm 1991 có một sự kiện văn học mà cho đến giờ vẫn được đánh giá là khó lòng lặp lại, là cùng một năm ấy có đến 3 tiểu thuyết được giải thưởng Hội Nhà Văn. Sở dĩ nói nó không lặp lại là bởi cả 3 tiểu thuyết này đều lừng danh, và cho đến giờ vẫn là những tượng đài văn xuôi Việt Nam. 3 tiểu thuyết ấy là “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường, “Bến không chồng” của Dương Hướng và “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. 3 cuốn, mỗi cuốn một vẻ, đều hay, đều độc đáo, đều hấp dẫn. Nhưng nếu cần chọn một cuốn nhỉnh hơn, một cuốn khiến cho cái dư ba sau đọc tạo dư chấn lâu hơn, sâu hơn, lớn hơn… thì tôi chọn “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh.

          Thực ra cuốn này ra đời trước khi nó được giải thưởng vài năm, và vì tình hình thực tế lúc ấy nên ban đầu nó phải “đội” một cái tên rất… thị trường là “Thân phận tình yêu”, để rồi 3 năm sau nó trở lại tên ban đầu  và lừng danh đến giờ.


          Bảo Ninh sinh năm 1952 tại Nghệ An nhưng quê gốc lại là ở Bảo Ninh, Quảng Bình, có thể vì thế mà ông lấy bút danh là Bảo Ninh chăng, bởi tên thật của ông là Hoàng Ấu Phương kia? Ông là con trai nhà ngôn ngữ nổi tiếng Hoàng Tuệ. Và như mọi thanh niên thời chiến khác, ông đã từng là lính, và chiến trường ông chiến đấu thời ấy là Tây Nguyên, cụ thể là ở Sa Thầy, và cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của ông cũng có không gian là vùng đất ấy.

          Nhớ năm nào đó, ông đi cùng đoàn du khảo từ Hà Nội xuyên việt vào Sài Gòn bằng đường Hồ Chí Minh có ghé lại Pleiku. Tối ấy có một cuộc “ngồi” tại nhà tôi, có các “đại danh” Nguyễn Trọng Tạo, Phạm Xuân Nguyên, Trung Trung Đỉnh, Nguyễn Việt Hà, Dương Trung Quốc… và Bảo Ninh. Ông bó gối ngồi gù gù như con gấu trong một góc nhà với cái đầu xoăn tít cứ lắc lư với những tiếng nói rất nhỏ như gầm gừ trong cổ, trong khi xung quanh mọi người nói to như hét. Cứ thế một lúc thì ông bật lên: mai bỏ cuộc du khảo ở Pleiku, mà sẽ quay lại Kon Tum, Sa Thầy, ai đi với ông thì đi, không thì ông đi một mình. Chuyến ấy tôi đã không đi cùng ông, nhưng có được xem một số ảnh chụp ông vào nghĩa trang thắp hương cho đồng đội, rất xúc động.

          Với tư cách người đọc, tôi cho rằng, có 2 cuốn tiểu thuyết của Việt Nam tạo nên một bước ngoặt cho hướng sáng tác chung về chiến tranh đang thịnh hành khi ấy, là cuốn “Miền cháy” của nhà văn Nguyễn Minh Châu và “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Nếu như ở cuốn “Miền cháy” Nguyễn Minh Châu đề cập đến vấn đề nhân tính của con người, ở cả 2 phe, trong đấy đặc biệt là người bộ đội vừa qua chiến tranh. Trước đấy, vì nhiều lý do, hầu như các tiểu thuyết về chiến tranh của chúng ta gần như chỉ miêu tả một chiều, cái phần lý tính của con người, hay như cách nói hình tượng hơn là mặt trước của tấm huân chương. Những tiểu thuyết lớn về chiến tranh của chúng ta lúc ấy như “Mẫn và tôi” của Phan Tứ, “Đất Quảng” của Nguyên Ngọc, và cả “Dấu chân người lính” của chính Nguyễn Minh Châu đều thiên về hướng này. Các nhân vật xuất hiện, và ra trận như những người lính chuyên nghiệp. Họ chiến đấu vì lý tưởng, họ ra trận vì tiếng gọi của Tổ quốc, hết sức vô tư, trong sáng, gần như không bận tâm vướng víu điều gì. Họ chỉ biết chiến đấu và chiến thắng. Nhưng đến Miền cháy thì Nguyễn Minh Châu đã bắt đầu khai thác tâm trạng của những người lính vừa ra khỏi chiến tranh, họ thấy, té ra cuộc sống còn nhiều mặt, nhiều chiều nữa. Họ tiếp xúc với những người lính phía bên kia, và thấy rằng, ra khỏi cuộc chiến, họ là những “đồng bào” đúng nghĩa, có những suy nghĩ, những ưu tư, trăn trở, những khát vọng sống vừa bình thường vừa thiêng liêng… Tiếc rằng, tiểu thuyết xuất bản ngay sau năm 1975 này sau đấy bị chìm khuất vào chính những tác phẩm khác của tác giả như “Khách ở quê ra”, “Phiên chợ Giát” v.v nên nó không được chú ý lắm…

          Đến “Nỗi buồn chiến tranh” thì Bảo Ninh lại nhìn chiến tranh từ một góc khác, gần gụi và khốc liệt hơn, từ tư cách một người lính, lính trơn đúng nghĩa. Nhưng người lính ấy không chỉ đơn thuần là cái máy chiến đấu, mà là những con người trưởng thành, ra trận vừa hăm hở vừa hoang mang. Chiến tranh được miêu tả, chính xác là kể lại, một cách trung thực nhất, khách quan nhất, nhờ thế mà ta nhận ra một góc khác của chiến tranh, một góc khác của tâm hồn người lính.

          Một tình yêu tuyệt đẹp, vừa hụt hẫng vừa đủ đầy, song hành với sự khốc liệt đến trần trụi, đến mất phương hướng của những trận đánh, nó khiến người đọc nghẹt thở khi đọc, và cũng nhờ thế, nó mở ra vị thế mới của những người lính…

          Gặp Bảo Ninh ngoài đời ít ai tưởng tượng được đấy lại là… nhà văn. Dáng vẻ rất ngầu, ít nói, gù gù như con gấu với mái tóc lúc nào cũng xoăn trùm trán và cái nhìn lờ đờ như lơ ngơ với đời, như chả biết chuyện gì. Nhưng đọc ông xong thì… hãi. Té ra phía sau cái vẻ như là bất cần ấy là một sự thông minh tài hoa, là một trái tim nhân hậu và khối óc sắc sảo, để ông mổ xẻ, phân tích, chọn tứ chọn chữ, chọn vấn đề phơi lên trang giấy, bắt người đọc thổn thức, bắt người đọc mất ngủ…


          Chiến tranh dưới mắt Bảo Ninh chính là thân phận của những con người, cả người lính trực tiếp cầm lê xung trận và cả những người ở hậu phương, những mối tình, những cái hôn trộm, những thao thức trăn trở, những thèm khát vừa bung mở vừa cố nén, những giấc mơ, ước mơ và những bóng đen, hoa hồng và họng súng, lưỡi lê và vòng ôm… nó làm nên một thực thể chiến tranh vừa chân thực lại vừa xa ngái, bởi nó muốn cảnh báo con người, rằng chiến tranh là hy sinh, là mất mát, là đau khổ chia ly… chứ không phải chỉ là bài ca ra trận…

          Và cũng phải nhắc tới cách viết của Bảo Ninh nữa, nó cuốn hút và mê hoặc, nó khiến người ta không thể rời cuốn sách khi chưa có cái chấm cuối cùng, dù đọc nó, nhiều chỗ phải rùng mình vì sự khốc liệt, vì sự trần trụi của chiến tranh.

          Sau này Bảo Ninh vẫn viết, nhưng ít hẳn đi. Hỏi ông chỉ gầm gừ nửa như nói nửa như không. Có thể ông viết ít vì thấy mình khó mà vượt qua được “Nỗi buồn chiến tranh”, cũng có thể sau cuốn ấy ông đã kiệt quệ. Tôi thì, được quen ông, và vẫn luôn coi ông như một tượng đài, để ngắm, để chiêm ngưỡng và để ước ao.

          Nhớ lần nào đó ở Hà Nội, khuya rồi, tôi cũng vừa có cuộc tụ bạ với bạn bè, có điện thoại gọi, nói đến đấy đến đấy, hỏi xa không, bảo chừng chục cây số tắc xi, suýt từ chối thì đầu kia nói tiếp: Có Bảo Ninh đang ngồi đây. Thế là vùng dậy ngay, tắc xi lao đến, có phải mấy khi đâu.


          Cuộc ấy, chúng tôi ngồi đến gần sáng. Lại cũng như mọi khi, chúng tôi uống và nói, còn ông uống và… ngồi im. Tôi có nhắc ông cái truyện ngắn “Mây trắng còn bay” của ông mà tôi mới đọc. Có vẻ như chiến tranh không thể thoát ra khỏi cái đầu luôn bù tóc và cả trái tim có vẻ yếu ớt của ông nữa. Tên truyện ngắn rất ngắn này lãng mạn như một bài thơ nhưng cái kết lại vỡ òa  bi tráng. Tôi kể với ông là tôi đã khóc khi đọc truyện ngắn này. Ông có  vẻ như cố giấu một cái gì đấy chực tràn lên mắt bằng cách bưng ly rượu lên nhấp nhẹ rồi lại bỏ xuống, tôi vẫn nhận ra như có trong mắt ông một làn mây mỏng. Một bà mẹ lần đầu đi máy bay, lơ ngơ khiến khách và cả tiếp viên có vẻ khó chịu và cả thương hại. Bà luôn miệng hỏi đến đấy đến đấy chưa, dù đang bay trên trời. Bà cứ hỏi thế, đúng một bà mẹ quê thứ thiệt, như máy bay là góc buồng của bà, như những đám mây đang bay ngoài cửa sổ kia là đám rau xanh vườn bà: “- Mây ngay ngoài, các bác kìa! - bà cụ ngồi ở ghế trong cùng, kề cửa sổ, thốt kêu lên. Chiếc TU đã lấy được độ cao cần thiết, bắt đầu bay bằng. Hàng chữ điện "Cài thắt lưng an toàn" đã được tắt đi. Nhưng ngoài cửa sổ vẫn cuồn cuộn mây.
- Mây cận quá, bác nhỉ, với tay ra là với được - Bà cụ nói - Y thể cây lá ngoài vườn.
Tay vận complet nhấc mi mắt lên. Môi y mím chặt, vẻ căng thẳng đổi thành quàu quạu.
- Vậy mà sao nhiều người họ kháo là tàu bay trỗi cao được hơn mây bác nhỉ?
Tay nọ làm thinh.
- Chả biết đâu trời đâu đất thế này biết lối nào mà về bến, thưa các bác?
Không được trả lời, bà cụ chẳng dám hỏi han gì thêm. Bà ngồi im, ôm chặt trong lòng một chiếc làn mây. Hình vóc bé nhỏ, teo tóp của bà như chìm lấp vào thân ghế. Khi cô tiếp viên đẩy xe đưa bữa điểm tâm đến, bà không muốn nhận khay đồ ăn. Bà bảo cơm nước lạ kiểu chẳng đũa bát gì chẳng quen, mấy lại đã ăn no bụng hồi sớm, mấy lại cũng thực tình là già chẳng có lắm tiền. Cô gái ân cần giải thích để bà cụ yên tâm rằng giá của suất ăn này đã được tính gộp trong tiền vé.
- Thảo nào hai lượt tàu bay những triệu bạc - bà cụ nói - Vậy mà lúc biếu già tấm vé các chú không quân cùng đơn vị với con trai già ngày nọ bảo là tốn có trăm ngàn…” và kết là như thế này: “Van bác... - Bà cụ sợ sệt - Bác ơi, van bác...
Chẳng là, bác ạ, bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất…
…Bà cụ ngồi, lặng phắt, lưng còng xuống, hai bàn tay chắp lại, gầy guộc. Trên chiếc bàn gấp bày đĩa hoa cúng, nải chuối xanh, mấy cái phẩm oản và ba cây nhang cắm trong chiếc cốc thủy tinh đựng gạo. Một bức ảnh ép trong tấm kính cỡ bàn tay để dựng vào thành cốc.
Cô tiếp viên vội đi tới. Cô đứng sững bên cạnh tôi. Không hề kêu lên, không thốt một lời, cô lặng nhìn.
Máy bay vươn mình nâng độ cao vượt qua trần mây. Sàn khoang dốc lên. Cái bàn thờ nhỏ bé bỏng của bà cụ già hơi nghiêng đi. Tôi xoài người sang giữ lấy cái khung ảnh. Tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ.”… 

          Một người bạn rất thân với Bảo Ninh và cả tôi bảo: Yên tâm, Bảo Ninh đang im lặng để dồn sức cho một tiểu thuyết mới, “khủng” hơn cả “Nỗi buồn chiến tranh”, và tôi cũng tin thế…
                                                                 


2 nhận xét:

Unknown nói...

Lúc nào em cũng coi anh Bảo Ninh là một tầm cỡ văn xuôi hiện đại.

Unknown nói...

Chú ơi. Con xin phép được hỏi một chuyện. Con đọc báo và tìm hiểu thì biết nhà văn Bảo Ninh đang viết một cuốn tiểu thuyết cuối cùng. Con đang rất mong chờ cuốn tiểu thuyết ra mắt, nhưng
mãi từ năm 2008 đến nay thì ít thấy báo chí đề cập đến. Chú có thể cho con biết hiện tai chú Bảo Ninh đã viết đến đâu rồi ạ. con xin cám ơn chú