Sông Ba, về cơ bản, đã chết rồi, nhưng còn An Khê, còn cái mảnh đất lưng chừng đèo, nghe được cả vị mặn mòi của biển, lại thấy được cả những
vi vút gió, cái the thắt của những chiều cao nguyên thăm thẳm của ân tình, của
mến thương, của sẻ chia ấm áp...
“Cú”
về An Khê lần đầu tiên của tôi là năm 1981. Hồi ấy tôi đi cùng một cô cán bộ rất
xinh đẹp và tài hoa của Ty Văn hóa Gia Lai - Kon Tum. Và đúng là “chất” công
tác ngày ấy, cô này dắt theo đứa con gái 5 tuổi. Và không hiểu vì có dắt theo
con gái hay không mà mấy anh cán bộ ở phòng văn hóa huyện xếp tôi và chị kia ở
chung một phòng của nhà khách huyện. Cái nhà khách ngay phía hông của phòng văn
hóa, khi ấy như một cái nhà dân, có giàn hoa giấy xùm xòa. Làm việc ở phòng văn
hóa huyện xong thì các anh ấy chỉ sang phòng khách, sang đến nơi thì... có đúng
1 phòng. Hồi ấy chưa có điện, hay là chỉ có điện Diezen đến 9 giờ thì phải. Giữa
2 giường đơn trải chiếu là một chiếc ghế đẩu, trên ghế đẩu là cây đèn dầu, và
nó đã leo lét sáng suốt mấy đêm cho chúng tôi ngủ. Tôi ngủ say được bằng cách tối
nào cũng làm mấy ly với anh em cán bộ huyện, đặc biệt là anh Y Vin, nguyên là
diễn viên múa của đoàn văn công Tây Nguyên, về làm cùng phòng với tôi, thế là về
ngủ veo veo, chả mộng mị gì. Sáng dậy thì ra cái giếng đầu nhà, múc nước đánh
răng rửa mặt rồi đi làm...
Và
cái đợt công tác nhớ đời ấy đã giúp tôi lội ngang dọc hết An khê thời ấy, còn
nguyên cả K’bang với Kông Chro. Thời ấy có người ví An khê như một cánh võng mà
hai đầu võng là hai cái đèo An Khê và Mang Yang. Giờ An Khê thành thị xã, hình
tượng cánh võng không còn, dẫu quốc lộ 19 chạy qua trung tâm thị xã vẫn bung
biêng như dải lụa, dải lụa dẫu không mỏng manh mềm mại nhưng nó nghiêng nghiêng
trong nắng nghiêng nghiêng trong chiều tạo nên một cảm thức rất nên thơ trong mắt
những kẻ suốt đời lấy cái xốn xang làm điểm tựa, cái mong manh làm nơi trút bỏ
cứu rỗi để hy vọng một thăng hoa cảm xúc đặng mà nuôi những giấc mơ suốt đời chỉ
chực lóe sáng.
Ấn
tượng nhất khi ấy là An Khê rất cổ kính. Trầm mặc những nhà thờ, những đình, những
đồng, những núi, những khu di tích mà tiêu biểu nhất là di tích Tây Sơn Thượng
đạo, khi ấy chưa được trùng tu như bây giờ nên nó lại càng nghiêm cẩn bí ẩn. Lại
càng cổ kính hơn khi sáng chiều lọc cọc tiếng xe ngựa. Những chiếc xe ngựa già
nua với những chú ngựa mỏi mệt với những bác xà ích giọng khê mùi thuốc nhưng lại
là một kho chuyện. Chiều chiều chúng tôi hay kêu xe ngựa đi, và ngồi trên ấy,
ngắm trời ngắm núi rồi nghe các bác xà ích kể chuyện An Khê.
Đến
giờ, những cái tên từ thời ấy vẫn vang lên trong tôi mỗi khi nhớ về An Khê. Những
là An Khê trường, đình An Lũy, đồng Cô Hầu, núi ông Nhạc, vườn cam Bùi Thị
Xuân, những là Ngô Mây, cầu suối Vối, là Đỗ Trạc, Vi Dân, v.v... những cái tên
nghe vừa vang vọng vừa xa vắng, vừa thăm thẳm vừa gụi gần... luôn mang lại
trong tôi cái cảm giác An Khê là một vùng đất trầm tích, lấp lánh vàng son
nhưng bí ẩn và xa vời...
Thực
ra là cũng tại do cái địa thế An Khê nên tôi ít ghé, hoặc có ghé thì lại bàng
quan như... khách. Là bởi nó không quá xa để người ta phải ngủ lại và cũng
không quá gần để có thể thích cái là nhao xuống. Những cú ngủ khi đi công tác ở
các huyện lân cận thì thường là những giấc ngủ... sâu, bởi khi về đấy thì đã thấm
mệt, ngủ ngay để mai lại đi tiếp...
Nhưng
lần này về An Khê thì khác, dẫu cũng ngắn thôi nhưng có ở lại, có xuống làng xuống
xã, có lang thang và có... không ngủ.
An
Khê là một trong 2 thị xã của Gia Lai, cũng không ngoài những khó khăn chung,
khó khăn thường trực, mà các nơi khác luôn đề đạt, ấy là giao thông. Các huyện
vùng sâu vùng xa khó khăn về giao thông đã đành, thị xã cũng nan giải giao
thông thì quả là chuyện rất... khó khăn. Con Hyundai i10 của tôi đã phải dừng
giữa đường để cả bọn xuống đi bộ khi vào Cửu An, và dẫu đã dừng như thế thì trước
đó nó đã ăn vài cú sập mũi xuống sống lưng trâu khiến chủ xe, là tôi, xót như bị
bôi i ốt vào vết thương. Khi quay lại xã mới biết có một nhóm phóng viên truyền
hình tỉnh cũng xuống làm việc, và họ đã để xe lại sân ủy ban xã rồi nhờ anh em
cán bộ đưa bằng xe máy xuống làng...
Nhưng
lại có một niềm vui, rất vui, bù đắp. Một cô gái rất trẻ, xinh, và... ngoan nữa
bỗng xông lại lúc tôi đang ngồi hỏi làm việc với anh Trần Công, bí thư xã: Con
chào thầy ạ. Tôi có chừng 2 chục năm thỉnh giảng cho trường Trung cấp Văn hóa
Nghệ thuật Gia Lai nên cái sự xuống xã gặp lại học trò cũng từng nhiều rồi, nhưng gặp như thế
này thì hơi hiếm, bởi thường là giữa vòng vây... rượu của anh chị em cơ sở quý
mến thì có một người xông ra nhận thầy, và tôi nghiêm mặt “giao nhiệm vụ” cứu
thầy bằng cách ấn ly cho hắn ta, còn ở đây, tôi đang làm việc với bí thư, và
theo hẹn thì sẽ có cả chủ tịch và phó chủ tịch cùng có mặt.
Té
ra cô bé này là phó chủ tịch xã. Lúc sau khi đã diện kiến cả chủ tịch, phó chủ
tịch thì tôi phải thốt lên: chết mất, xã gì mà chủ tịch thì đẹp trai như tài tử,
phó chủ tịch thì trẻ như học sinh. Lúc nữa, khi đã diện kiến hết thì phát hiện,
có vẻ như mỗi ông bí thư là U60, còn lại thì đều rất trẻ.
Nhà
ở Cửu An và làm phó chủ tịch ở đây, nhưng nhà chồng lại ở Pleiku, hơn trăm cây
số, chồng làm ở công ty cao su nên thường là ngày nghỉ thì chồng xuống, còn nếu...
quên hoặc lười thì thôi. Phúc, tên cô học trò cũ giờ là phó chủ tịch xã, là cô
gái thông minh, tận tụy, hết lòng với công việc. Có những người chỉ nhìn qua
vài hành vi của họ là ta có thể hình dung về họ. Tôi nói điều ấy không phải để
biện minh cho việc ca ngợi học trò cũ, hay như người đời hay nói là “mẹ hát con
khen hay”, mà đấy là sự thật.
Sở
dĩ chúng tôi chọn xã này để vào đầu tiên của chuyến đi bởi đây là nơi nhà Tây
Sơn xưa đã chọn làm nơi trú ngụ khi từ vùng hạ đạo lên đây lập chiến khu khởi
nghĩa, trong vai những anh chàng đi buôn trầu... Hồi ấy xã này có tên là Tây
Sơn nhì, theo hình dung của tôi thì nó chính là cửa ngõ thông thương giữa 2 vùng
thượng đạo và hạ đạo... để rồi sau đó An Khê chính thức là nơi hậu cứ của nghĩa
quân Tây Sơn, trở thành một điểm nhấn lịch sử của vùng đất này...
Trưa,
chúng tôi được xã đãi một bữa ăn “cây nhà lá vườn” thứ thiệt, gồm trứng vịt và
cá hồ. Té ra xã có mấy cái hồ, người dân thả cá, nghe nói có cả cá tằm, và có rất
nhiều vịt chạy đồng. Phúc giải thích với tôi, trứng vịt chạy đồng ngon hơn hẳn
tất cả các loại vịt khác và lòng đỏ rất to. Tôi đùa, còn một món đặc sản nữa
chính là dàn cán bộ xã này vừa trẻ vừa xinh nữa...
Sau,
ra ngồi làm việc với một số lãnh đạo thị xã, mới biết chủ tịch thị xã đương nhiệm
cũng là người Cửu An, một chủ tịch có lẽ là trẻ nhất so với các đời chủ tịch ở
đây.
An
Khê tôi có nhiều bạn, nhưng đợt này gặp nhõn một ông, là ông Nhất Hạnh. Và té
ra cả quan và dân ở đây nhiều người biết ông.
Đấy
là một gã chơi ảnh thần sầu, lúc nào cũng nhăm nhăm để đi. Cứ có ai ghé qua hú
là đi. Mà không có ai hú cũng đi. Đi về khoe ảnh lên mạng. Cái giống nhiếp ảnh
tinh và thính hơn món... đực cái. Bạn nghề ở xa nghe thấy thế là ào ào xông
lên, ông lại đeo đồ nghề dẫn đường. Cứ thế, đời là những chuyến đi và chụp liên
miên. Tôi phục ông này, hơn 60 tuổi mà như thanh niên, mà dấn thân như bọn hai
ba mươi. Đã thế lại tài hoa, ngoài là nghệ sĩ nhiếp ảnh có tước hiệu, thì còn
nhảy rất đẹp và hát rất hay. Nghe nói còn dăm món hay nữa nhưng tôi chưa có dịp
tìm biết hết. Nhưng khi gặp vợ ông này rồi thì cái sự thán phục ông trong tôi
nó chuyển sang... vợ ông...
Hôm
ấy chúng tôi xông vào nhà không báo trước, và chỉ tích tắc đã lôi ông cùng cái
túi đồ bất ly thân ra khỏi nhà trong nụ cười rất... tự hào của bà. Tôi nán lại
hỏi: Lôi ổng đi bất tử thế này chị có phiền không? Cười rất là... e lệ: Nghề của
ổng mà? Ổng ở nhà mới là lạ. Ấy là bà coi cái sự đi của ông là... thường. Mà bà
lại trẻ hơn ông rất nhiều, lại đẹp nữa, lại có một tiệm phở. Chính tiệm phở này
bà đã nuôi các con ông, nuôi ông và nuôi cả... bạn bè của ông. Chứ ông tiếng là
chủ tiệm ảnh Nhất Hạnh, nhưng từ hồi nào, ông đã coi việc săn ảnh nghệ thuật mới
là mục đích sống, là đam mê chính của mình thì cái sự tiệm ảnh dịch vụ rất nổi
tiếng của ông phải truyền qua cho con cháu cũng là sự hiển nhiên...
Tôi
cũng rất ấn tượng với chị Lịch, bí thư thị xã. Lại cũng rất trẻ, nhưng chính
cái sự dịu dàng, tinh tế, chỉn chu mới là điều tôi thích thú. Chỉ qua một lúc
ngồi nói chuyện, có mấy người nữa, cái cách chị tiếp người này, quay sang người
kia, ân cần người nọ... nó vừa chứng tỏ là một người rất tinh tế, nhận biết hết
từng chi tiết hoàn cảnh và xử lý rất chỉn chu, rốt ráo chứng tỏ một cách sống đầy
trách nhiệm và chín chắn. Ngồi nghe những trăn trở thì thấy một nội lực rất mạnh
từ bên trong. Như cái cách chị quan tâm tới văn hóa, không chỉ là thứ văn hóa cờ
đèn kèn trống chung chung, mà là bản chất văn hóa, là thứ văn hóa gốc rễ để làm
cho cuộc sống nền nếp, ổn định, vững bền, làm cho con người sống an nhiên tự tại
chứ không phải chụp giật manh động như hiện tại. Rồi nữa, chị quan tâm tới văn
hóa Bahnar, làm sao để nó là nó, để nó có thể tự vệ được trước những cơn lốc rất
dữ dội hiện nay, làm sao để nó là thứ Bahnar đôn hậu lãng mạn thuần nhất nhưng
lại cũng rất ý tứ sâu xa, rất minh triết trong những quan niệm, những hành xử,
những bí ẩn vừa khó vừa chưa vừa không lý giải. Và chính vì thế, chị đã rất, đã
vô cùng vui mừng, khi ở An Khê của chị vừa mới phát hiện một di chỉ khảo cổ có
niên đại hàng triệu năm, hơn hẳn rất xa các vùng văn hóa lừng danh Núi Đọ, Đông
Sơn, Sa Huỳnh... đã từng vô cùng tự hào ở ta về niên đại. Những di chỉ mới phát
hiện ở đây, tương ứng với thời gian vượn bắt đầu đứng thẳng. Và như thế nó vượt
ra khỏi tầm quốc gia, mang dấu vóc nhân loại, bởi những di chỉ như sông Ba đây,
trên thế giới không nhiều, và nó chứng minh một điều vừa đơn sơ vừa vĩ đại, ở
đây từng là một trong những cái nôi của loài người cách đây hàng triệu năm.
Các
nền văn minh của loài người thường gắn liền với các con sông lớn, và thường được
đặt theo tên sông, như nền văn minh Lưỡng Hà, sông Hằng, sông Hoàng Hà, sông
Nin, sông Hồng, sông Mã, sông Đồng Nai vân vân... Giờ ta biết thêm, có một nền
văn minh sông Pa nữa. Chỉ tiếc, vì nhiều lý do, sông Ba giờ đang trơ đáy...
Cái
sự trơ đáy của con sông này nó vô cùng khủng khiếp, liên quan đến cuộc sống của
hàng triệu dân An Khê và Phú Yên, là do “Sai lầm thế kỷ”, từ của đại biểu quốc
hội Huỳnh Thành nói về thủy điện An Khê Ka Nác, chúng tôi sẽ trở lại bằng một
bài báo khác.
Một
vùng đất lưng chừng đèo, nghe được cả vị mặn mòi của biển, lại thấy được cả những
vi vút gió, cái the thắt của những chiều cao nguyên thăm thẳm của ân tình, của
mến thương, của sẻ chia ấm áp... có lẽ không phải nơi nào cũng có đặc ân như thế...
7 nhận xét:
Bài nào của Văn Công Hùng viết cũng hay. Cảm ơn bạn nhiều. Nguyễn Hoàng Sơn (pv báo Tiền Phong đã về hưu)
@Bác Nguyễn Hoàng Sơn: Ôi giời, được trưởng lão khen làm thằng em sướng tê người. Chúc bác khỏe ạ, lần sau ra HN em xin gặp bác...
Tôi thấy NHS khen thật. Quá đúng nữa.
Đề nghị nhà thơ Văn Công Hùng bình bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của cô giáo Trần Thị Lam, giáo viên chuyên văn Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.
Đọc được bài thơ này trên blog của Trần Nhương
.Bài thơ quá hay sao lại cấm ?
@Nguyễn Duy Hòa: Tôi đã bàn về bài này, và cả bải của một học sinh lớp 11 chuyên văn trường chuyên Hùng Vương nữa bạn ạ, bên fb của tôi: https://www.facebook.com/van.conghung.9
Tôi có sống và làm việc ở Pleiku từ đầu năm 1973 cho đến tháng 3-75. Từ đó đến nay chưa lần nào trở lại phố núi cao phố núi nhiều mây này.
Tuy chỉ sống ở đó một khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng Pleiku đã ghi lại trong tôi thật nhiều kỷ niệm. Nhớ nhất khi mưa vừa trút xuống những cơn mưa đầu mùa, hoa cà phê nở trắng thơm ngát cả một quảng đường.
Tôi có đôi lần xuống Qui Nhơn bằng đường bộ, khi xe bắt đầu đổ dốc đèo An Khê, tôi cứ trầm trồ đẹp quá, dùng chữ đẹp không chính xác cho lắm, hùng vĩ cũng không hẳn hùng vĩ. Chỉ thấy là từ trên cao, nhìn xuống xa phía dưới kia xa thẳm, đường đèo quanh co uốn lượn bên sườn núi vách đá cheo leo. Và thật đặc biệt, không cảm thấy sợ, không cảm thấy có gì là nguy hiểm.
Ngang qua An Khê, có một bảng to bên đường ghi nhớ công lính công binh sư đoàn Mãnh Hổ Đại Hàn, đã xây dựng tuyến đường. Không nhớ rõ chỉ một đoạn hay cả tuyến quốc lộ từ thị xã Pleiku đến Qui Nhơn. Đoạn đường này rất tốt.
An Khê, nơi từng in dấu giày của hơn 50 ngàn lính Nam Hàn, nhưng tôi chưa từng nghe hoặc đọc trên báo chí, về cái sự tàn ác của mấy anh lính xứ kim chi này, như là trong mô tả trên blog Hiệu Minh hang cua gần đây.
Tôi mong ngày nào đó, có dịp trở lại thăm "lối xưa xe ngựa hồn thu thảo".
Có ai còn nhớ đến những địa danh lừng lẫy một thời, những cái tên dính dáng đến quyền lực bà rồng. Lệ Minh, Lệ Kim, Lệ Ngọc, Lệ Thanh và Lệ Trung của tôi ơi ! Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Tôi là người có một phần gốc gác ở Tây Nguyên, đúng hơn là Kontum. Tôi rất thích đọc tất cả những gì bác viết ra về vùng đất này. Cảm ơn bác.
Đăng nhận xét