Thì
đã đành là văn hóa đọc truyền thống đang bị tấn công tới tấp bởi các phương tiện
nghe nhìn và kỹ thuật số hiện đại.
Đã
đành con người ngày càng lười đi, chỉ thích ngó thích xem những gì giản đơn, dễ
dãi, không thích rối rắm, suy nghĩ, không triết luận lằng nhằng, không thích động
não nhức đầu…
Nhưng
quả là, cách đây 3 năm, khi mà bộ Thông tin Truyền thông phát động “Ngày sách
Việt Nam” tôi cũng chịu, chả hiểu nó sẽ làm gì trong ngày ấy, hay lại theo trào
lưu người ta có “ngày” thì mình cũng đẻ ra một “ngày” không thì… thiệt. Y như
trào lưu lớn nhất, dài nhất, to nhất đang rầm rộ bây giờ…
Là
người lao động chữ mà còn nghĩ thế thì đủ thấy thiên hạ còn nghĩ như thế nào?
Rồi
sau đó đọc tin trên báo, chuyện bạn bè kể trên phây, trên blog nơi này nơi kia
tổ chức ngày sách, thành công lắm, phấn khởi lắm. Vẫn cứ hình dung ngày ấy mỗi
người một cuốn sách trên tay, cắm cúi đọc, đi đọc, đứng đọc, ngồi đọc, nằm đọc,
các nhà văn hoan hỉ, người đọc tưng bừng, xã hội như một thế giới tràn ngập chữ,
ưu tư và đăm chiêu…
Và
năm nay thì tôi chính thức bị lôi vào cuộc. Là tỉnh Gia Lai nơi tôi sống cương
quyết tổ chức ngày sách với một cái “lệnh” từ trên Ủy ban tỉnh: Không dùng ngân
sách mà phải xã hội hóa, giao sở Thông tin Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng
Hội Văn học Nghệ thuật, sở Giáo dục Đào tạo, sở Văn hóa Thể thao và Du lịch…
Giám
đốc sở TTTT cao lênh khênh lòng khòng đi đi lại lại vì… không hiểu sẽ làm như
thế nào khi mà không được chi tiền mà lại phải… hoành tráng? Các cuộc họp liên
tiếp được mở. Khổ, tỉnh không có nhà xuất bản, có 3 công ty sách thì một không
tham gia vì lý do đặc biệt, thêm một chi nhánh của Fahasa. Toàn loại bán sách
phải bán kèm… kem mới đủ lương nuôi nhau, nhưng động viên nhau: Thôi thì…
Một
đoạn đường rất đẹp của Pleiku được chọn. Mỗi doanh nghiệp nộp một khoản tiền để
chi trả bảo vệ, điện, vệ sinh… còn lại thì gian của ai nấy lo, với yêu cầu
chung là cao từng ấy, dài từng ấy, cứ thế mà triển khai…
Ơ,
thế mà tưng bừng, mà vui và bổ, cả ích và… mắt.
Sáng
mai mới khai mạc mà chiều và đêm hôm trước đã nườm nượp người. Trời nóng, các
bà các cô đi bộ tranh thủ ghé qua, mà chả đi bộ thì nóng thế, ta cứ hai dây một
ống cho nó khỏe. Nói bổ mắt là thế.
Còn
bổ ích thì đương nhiên, bởi té ra, dân Pleiku không chỉ biết… tiền như lời đồn,
mà còn rất mê sách. Người ta đi dạo đường sách đông hơn chợ hoa ngày tết nữa.
Gian
hàng của chúng tôi là vui nhất.
Các
doanh nghiệp có tiền, họ thuê rạp, rồi khiêng kệ, giá, bàn ghế… các loại từ
công ty đến, bán sách, bán văn phòng phẩm, kèm cà phê sách, có kem, các loại
bánh nữa chứ không chỉ cà phê… Nhân viên
bán hàng thì chuyên nghiệp, tính tiền bằng computer, có số có mã hẳn
hòi. Các nhân viên Hội Văn học Nghệ thuật đứng quầy trông sách cho tác giả, có
người mua sách, 2 cuốn, mỗi cuốn 85 ngàn, đưa tờ 500 ngàn, cô bán hàng cứ đực
ra không biết thối (trả lại tiền thừa) bao nhiêu, phải hỏi với sang cô bán sách
của công ty sách thiết bị trường học bên cạnh.
Hội
Văn học Nghệ thuật chỉ có 4 cái bàn đâu lại, cậu họa sĩ loay hoay xếp các loại
sách của anh chị em hội viên lên đấy, theo cách hợp lý hợp mắt nhất mà cậu ta
có thể.
Thời
bây giờ, ai cũng có thể in sách, miễn là có… tiền, và chữ nữa, tất nhiên, nên
sách cũng rất nhiều loại, nhiều bậc. Cứ bày ra đấy, trước hết là cho… có phong
trào, xong rồi là giới thiệu “tiềm năng”, làm chính sách, rồi biết đâu, có ai đấy
hào phóng rút ví ra mua…
Thế
mà khá nhiều người hào phóng.
Tất
nhiên đồng tiền liền khúc ruột, trước khi rút hầu bao người mua cũng lật qua lật
lại chán, cũng so sánh đánh giá chán.
Bởi
có 2 gian sách của những người ở Huế và Hà Nội vào tham gia. Họ bán sách rất rẻ,
và là người kinh doanh sách chuyên nghiệp nên họ biết người mua hôm nay cần gì,
thích gì, sẽ chọn gì? Thậm chí có một quầy treo biển: Sách đồng hạng 5 nghìn đồng/
cuốn, còn phần lớn là giảm từ 50 đến 70% giá bìa.
Những
người tinh mắt xì xào: có khi mấy ông này bán sách lậu, hoặc mua sách cân ký ở
Đinh Lễ vào đây bán. Là xì xào thế chứ bản thân tôi cũng ngồi nói chuyện với
ông chủ quầy ấy, ông ấy bảo: chính tôi cũng chả biết đâu là sách lậu đâu là
sách nguyên bản, nên rồi là… chịu.
Gian
ấy chủ yếu là người trẻ, những người cầm cuốn sách lên là lật bìa sau rồi ngước
lên bảng thông báo giảm giá để xem bao nhiêu cuốn ấy. Còn những người trung
trung, trí thức, đặc biệt là giáo viên, thì khoan thai nện gót ở các gian chính
thống.
Và
té ra gian của Hội Văn học Nghệ thuật cũng có nhiều người dừng lại, đăm chiêu
ngắm ngó, và rồi… rút ví. Một số người mua sách xong cứ bần thần: Lâu nay đọc
ông này bà này cứ tưởng ở đâu… trung ương, té ra ở ngay Pleiku. Một số người nhận
ra tác giả (từ facebook) bèn xông lại… xin chữ ký và chụp ảnh chung.
Sức
lan tỏa của… facebook cũng đáng kể. Nhiều người ở các huyện xa, đọc facebook mới
biết, thế là tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, phóng xe lên tìm mua sách. Tôi chứng
kiến có một thanh niên người Jrai ở một huyện cách thành phố hơn 40 cây số,
phóng chiếc xe 67 đời nảo đời nào, đỏ quạch đất Bazan, nổ phành phành như xe
lam, đi loanh quanh một buổi sáng, mua hết 2 triệu tiền sách, rồi hớn hở về. Hỏi
sao biết có hội sách, bảo em đọc tin trên facebook. Hỏi mua làm gì, mua mình đọc
mà. Cho xem tí được không, mua những sách gì? Vâng anh xem đi. Kỹ thuật trồng,
chăm sóc tiêu, cà phê. Kỹ thuật nuôi vịt, nuôi ba ba… toàn sách kỹ thuật. Hỏi
nhà có rộng không, bảo có mấy héc ta cà phê và tiêu, có cái hồ nuôi cá, giờ định
nuôi vịt trời nữa.
Lại
có một cô gái rất trẻ rất xinh và hiện đại, váy ngắn chân dài giày cao, tóc nhiều
màu, dừng con ô tô đời mới đỏ chót, tông suyệc tông với giày và váy, bước xuống.
Tưởng nàng chỉ đi dạo để… khoe dáng, ai
ngờ lúc sau thấy xách một túi nặng, toàn sách văn học, có khá nhiều thơ. Hỏi
thăm, bảo cháu làm ở ngân hàng BIDV, thời gian ít, nên không lượn lờ hiệu sách
được dù rất thích, nay nhân có đường sách ra mua về đọc dần. Chừng này cháu đọc
cả năm à? Ồ không đâu, cháu đọc nhanh lắm, trước khi ngủ bao giờ cháu cũng phải
đọc sách hơn tiếng rồi mới ngủ. Trong số sách cháu mua có thơ của chú đấy. Ơ thế
ạ, mừng quá, chú ký cho cháu nhé. Ok xong ngay, nhưng không phải là ký tặng nhé,
vì cháu bỏ tiền mua mà, chỉ ký không thôi, và cám ơn cháu rất nhiều vì đã mua
sách…
Cứ
như những gì tôi chứng kiến ở cái ngày sách của tỉnh Gia Lai này thì, té ra,
văn hóa đọc truyền thống chưa chết, chưa ngắc ngoải như chúng ta lo, nó vẫn âm ỉ trong lòng từng người
yêu sách, quý sách. Vấn đề là chúng ta tạo điều kiện cho nó có điều kiện bộc lộ, mà việc tổ chức ngày
sách là một trong những cách có ích, được nhiều người hưởng ứng…
Sáng
nay vẫn thấy một tờ báo so sánh, tỉ lệ người đọc sách ở Việt Nam là thấp nhất
khu vực, đâu như chỉ có 3 cuốn/ người/ năm, trong khi nước này chừng này nước
kia chừng kia…
Nhưng
như thế cũng là mừng rồi, còn hơn là không ai đọc gì, còn hơn là sách in vài
trăm cuốn mà… biếu cũng không chạy, biếu mãi không hết. Nghe nói ở Hà Nội ngày
sách năm nay có gian bán sách văn học đồng giá… 2 nghìn đồng/cuốn….
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét