Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

VỀ ĐỀ VĂN "HẠI NÃO" VÀ...

1. Định không nhắc tới chuyện cái đề văn đang “lảo đảo” trên mạng nữa, nhưng rất nhiều bạn là giáo viên và học sinh trong tỉnh nhắn tin, điện thoại, email hỏi, rồi ngay cả các… nhà báo cũng bảo ý kiến bác thế nào (trưa nay đi ăn bún đậu mắm tôm, gặp một nhà báo, bảo em muốn viết lắm nhưng... con em đang học, he he...) vả, vừa ngồi họp tranh thủ lướt web, thấy có một tờ báo nhắc đến nhà cháu trong bài viết về đề văn này: "Trên trang thông tin cá nhân của một nhà văn nổi tiếng hiện đang sống tại Tây Nguyên, anh cũng chia sẻ, đọc đề thi này mà thề nhé, hiểu là gì, chết liền”. Cùng với đó, anh chia sẻ bức ảnh đề thi Ngữ Văn “hại não” đang gây bão trên đây"...

Hôm nọ nhà cháu vừa xuống máy bay, loay hoay úp cái clip không được thì lại thấy một bạn mail cho cái đề thi ngồ ngộ, đưa luôn lên phần cuối cái tút nói nhiều chuyện, hôm sau tỉnh mới biết đấy là đề của… Gia Lai.

Thôi chuyện đúng sai của đề nói sau, nhà cháu chỉ hỏi là, có cần phải ra đề kiểu đọc hiểu như thế không ạ, bởi nếu là văn hành chính thì không nói làm gì, cái gì ra cái nấy, còn văn nghệ thuật, nó là dạng khác, phụ thuộc vào cảm xúc nữa, chả ai hiểu giống ai, bắt mọi người hiểu giống nhau là rất khó, và để chấm nó lại càng khó nữa. Đành rằng dạy văn là dạy cho học sinh cách tiếp cận, cảm thụ tác phẩm, bày cách cho học sinh nuôi dưỡng cảm xúc, bồi bổ kiến thức, phông văn hóa, trình độ sống vân vân để phù hợp tác phẩm, nhưng không có nghĩa là trước mọi tác phẩm mọi cách hiểu, mọi xúc cảm đều giống nhau, phỏng ạ. Là nhà cháu băn khoăn thế…

Trở lại cái câu trích cho đề, có mấy thầy cô giáo gửi đề chụp, nhà cháu đọc toét mắt, và nhắn lại, làm ơn chịu khó có bản word giúp tôi, và họ mail cho tôi nguyên văn thế này:

"Hòn đá có thể cho lửa, cành cây có thể cho lửa. Nhưng chỉ có con người mới biết nuôi lửa và truyền lửa. Lửa xuất hiện khi có tương tác, ít ra là 2 vật tạo lửa. Lửa là kết quả của số nhiều. Cô bé bán diêm là số đơn. Cô đã chết vì thiếu lửa, để rồi từ đó loài người đã cảnh giác thắp nến suốt mùa Giáng sinh để cho không còn em bé bán diêm phải chết vì thiếu lửa.
Nước Việt hình chữ “S”, hiện thân của số nhiều, lẽ nào không biết nuôi lửa và truyền lửa, lẽ nào thiếu lửa? Không có lửa, con rồng chẳng phải là rồng, chỉ là con giun con rắn. Không có lửa, làm gì có “nồng” nàn, “nhiệt” tâm! Làm gì có “sốt” sắng, “nhiệt” tình, đuốc tuệ!
Làm gì còn “nhiệt” huyết, “cháy” bỏng! Sẽ đâu rồi “lửa” yêu thương? Việc mẹ việc cha, việc nhà việc nước, làm gì với đôi vai lạnh lẽo, ơ hờ? Không có lửa, em lấy gì “hun” đúc ý chí, “nấu” sử sôi kinh? Em không thể “woot!” cũng chẳng “hot”, sống đời thực vật vô tri như lưng cây, mắt lá, đầu cành, thân cỏ... Cho nên: Biết ủ lửa để giữ phẩm cách - người, nhân cách - Việt. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội. Thế nhưng: Nếu không có lửa, sao thành mùa xuân?"


Quả thật khó mà nói đây là đoạn văn hay như một vài thầy cô đã khen, nó lủng củng, khiên cưỡng và… tù mù. Nhà cháu cũng là người viết, hiểu hoàn cảnh ra đời của những bài dạng này, ấy là tác giả phải viết cho một mục nào đấy, theo một chủ để ấy, thế là phải… nặn ra chữ, phải chứng minh là như thế như thế… chả sao, in báo ai thích thì đọc không thích thì bỏ qua. Nhưng chọn làm đề thi thì khác. Có ý kiến là đọc hiểu mà, đâu cần đoạn văn hay. Ô hô, chỉ hỏi ngược lại: thế sao không chọn đoạn văn hay mà lại phải chọn đoạn văn dở, lại phỏng ạ…

Vì nhiều lý do mà các nhà giáo ở Gia Lai không lên tiếng, nhưng có một cô giáo đã nhắn cho nhà cháu khi tên cô được nêu lên trong một tờ báo rằng cô là người ra đề. Thực ra cô này đi vắng và có gửi lại đề nhưng không được chọn. Còn lý do các giáo viên Gia Lai không lên tiếng nghe rất buồn cười và… thương: phải bảo vệ nồi cơm. “Cháu mà lên tiếng là nồi cơm của cháu....mà im lặng tức không chịu nổi”- tin nhắn của một cô giáo. Một thầy giáo khác thì “Ngay cả thầy hiệu phó trường em cũng là dân văn khi em chỉ ra đáp án sai thầy vẫn cho là đáp án đúng.Nếu không đính chính kịp thời hs 12 toàn tỉnh gl sẽ bị thiệt 0.5đ bác ạ”. Bạn này cho rằng đáp án cũng… sai nốt. “Bác Hùng ơi cái đáp án đề văn 12 cũng không chính xác luôn bác ợ hs sẽ thiệt nếu theo đáp án này. Đoạn văn đó phương thức biểu đạt chính là biểu cảm chứ không phải là nghị luận. 6 câu đầu tư duy thiếu logic mà lại cho là nghị luận không thể được bác ạ”… "Đáp án câu 2.thao tác lập luận bác bỏ nữa chứ.trời ơi tức không chịu nổi". Nhà cháu không xem đáp án nên NO ý kiến, chỉ đăng mấy cái tin nhắn lên để mọi người tham khảo.

Tóm lại, việc học sinh kêu đề thi này hại não là có cơ sở, và các giáo viên âm thầm phản ứng là có, nhưng vì… nồi cơm (nhiều tin nhắn cho nhà cháu đề nghị không nêu tên để bảo vệ nồi cơm) nên họ chỉ… nói với nhau, huhu…

Vì nhà cháu được nhắc đến nhiều nên thấy nếu không lên tiếng thì lương tâm cắn rứt, nên rụt rè vài ý thế ạ…

2.Trương Đức Minh Tứ (Minh Tu Trương), TBT báo Quảng Trị, ghé Pleiku, đi bộ từ khách sạn xuống chơi với mình, rồi sau đấy đi ăn chiều với nhau.

Vấn đề là, ngồi kể lại chuyện xưa. Hồi ấy Tứ mới tốt nghiệp đại học, lên Pleiku xin việc. Mình đưa lên báo GL giới thiệu, họ đòi lý lịch thế nào đấy, rồi chê năng lực thế nào đấy, không nhận. Hắn lên đài phát thanh thì được nhận. Đèo đẽo ở đấy mấy năm, khổ kinh khủng, vì đài ở trên dốc cao, nước máy không có, nước giếng sâu 4 - 5 chục mét, mỗi lần quay được thùng nước là sái tay, nên phần lớn là chúng... không tắm.
Nhà mình ở khu tập thể Văn hóa là nơi hay được chúng ghé thăm khi nào... đói hoặc thèm rượu. Chúng xuống là mình bỏ thêm lon gạo, lấy quả trứng vịt trong gạc măng giê, sai đứa nào đấy ngồi ngay đầu hè hái rau lang, chỉ một loáng là có mâm nhậu gồm cơm, trứng tráng (cho thêm bột) và rau lang (canh hoặc luộc). Rượu mía, tất nhiên, thời ấy gọi là thuốc rầy, bởi nghe nói để cho rượu trong người ta cho vo pha tốc vào...
Chia tỉnh Bình Trị Thiên, thằng Tứ về Quảng Trị ngay và thành nhà báo nổi tiếng với rất nhiều giải thưởng quốc gia, làm P TBT 18 năm rồi mấy năm TBT rồi.

Vấn đề là ngày nó về Quảng Trị, chả có gì tặng mình, nó bèn mang cái radio kiêm máy cát xét to bằng nửa cái mặt bàn của đài cấp cho phóng viên xuống tặng mình. Mình bỏ ra nửa tháng lương mang ra tiệm sửa, rồi từ đó liên tục 20 đêm mình cứ áp tai vào máy nghe Khánh Ly hát Trịnh bằng cái cuộn băng cứ vài chục phút lại xổ ra quấn lại. Đến ngày thứ 21 thì có 2 cô cấp phòng của đài mang công văn đòi tài sản xuống nhà mình. He he có đứa nào báo là thằng Tứ (hoặc chính thằng Tứ báo, hôm nay hỏi nó chối) cho mình cái đài ấy, nên lãnh đạo đài họp đến mấy cuộc để ra quyết định đòi đài từ mình.
Mình chở nó bằng xe của mình, nó khen nhạc trên xe mình hay rồi nhớ chuyện ấy, và nó kể, có mặt của cả giám đốc đài phát thanh truyền hình GL hôm nay, cả mấy TBT báo... Cái thời chi lạ, mà rồi tất cả cũng đều nên người...

3.
Mình nằm, đọc lại cẩn thận và nghe một loạt nhạc phổ từ bài thơ của cô giáo Lam Hà Tĩnh "Đất nước mình ngộ quá phải không anh", đang buồn nẫu ruột thì gặp bài thơ cũng... buồn không kém. Lần mò một hồi thì ra là của một cô bé quê gốc Quảng Trị nhưng đang học ở trường chuyên Hùng Vương, Gia Lai. Lần mò một hồi nữa thì được cô giáo Hà Hoài Phương cho biết, cháu này chính là người đã có một bài viết rất lạ về tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh" mà cô Phương- tổ trưởng tổ văn trường Hùng Vương- mới chuyển cho mình và mình đã FW cho TKTS với bút phê: "In số tới". Cháu tên là Đức Hiền Nguyễn, học lớp 11 chuyên văn trường Hùng Vương...
Bài thơ ấy đây (thực ra là cháu viết trên fb chứ cũng không hẳn là cháu làm thơ, và hãy nhớ là cháu đang học lớp 11):
KHÔNG TÊN
Pleiku, Gia Lai trời buồn.
con gọi về Quảng Trị quê con
Mệ ơi năm ni có hội Cầu Ngư không mệ?
để con về!
“e có đó con nờ…”
câu trả lời ngậm đầy nước mắt.
Mệ ơi ngoài miềng chừ ăn chi mệ?
“ ăn mắm, ăn ruốc, ăn tạm rứa thôi…”, mệ cười
câu trả lời chua xót đắng cay.
Mệ ơi, rứa họ có nói chi hay mần chi cho dân miềng không mệ?
“ chờ thôi chớ chừ mần răng con…”
câu trả lời thấp thỏm trong chán chường tuyệt vọng.
Thương cho dân mình…
Hồi xưa nước miềng Bắc Nam chia cắt
có khi mô, chừ biển với miềng bị chặt đôi!
răng quê miềng toàn vỹ tuyến 17 ??!
Mệ ơi, có khi mô
Cửa Tùng, Cửa Việt quê miềng lóng lánh, chừ hoang phế, đục ngầu…
Có khi mô
Đò lên Thạch Hãn xin chèo lẹ
Đáy sông hóa chất, nước tanh rình
Thơ văn là tiếng vọng dĩ vãng!
Có khi mô
dăm năm sau con về
Nỏ hề còn “ những con cá tươi nguyên thân bạc trắng”
Nỏ hề còn mấy cấy xuồng con như mấy con rùa đen trong ký ức của con
Nỏ hề còn hàng dương reo trong cái ngọt dịu của hơi gió muối
Nỏ hề còn Biển
Nỏ hề còn linh hồn của xứ miềng
Có khi mô
con đứng trên cửa địa đạo ngó ra
Cồn Cỏ điêu linh
sóng đen tát mạnh vào đá
Biển quê miềng còn mô?
Con muốn làm nhà báo
Con muốn làm luật sư
Con muốn làm công an
Con muốn làm lãnh đạo
Nhưng bây giờ con sợ
làm tổn hại đến đất nước của con…
Pleiku, Việt Nam trời buồn…

Không có nhận xét nào: