Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

CHUYỆN VUI MÙA CƯỚI...




          Những ngày này, ai mà hàng tuần không có ít nhất là một cái thiệp cưới đặt trên bàn thì đấy chắc là... người giời.

          Người có quan hệ trung bình thì cũng ba bốn cái, đông hơn tí thì là sáu bảy cái... tóm lại thì là rằng, nước ta đang vào mùa cưới, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược, từ thôn đến bản, từ phố đến phường.
 
          Ai thì rồi cũng phải qua vòng... cưới, chả tránh được. Trẻ thì cưới mình, già hơn chút thì cưới con cưới cháu. Và ai thì cũng phải mời bạn bè bà con dự cưới. Dự cưới nó có nhiều nhẽ, một là chia vui, đương nhiên. Hai là chia sẻ, cả tình cảm và... vật chất. Ba là... trả lễ. Bốn là... vân vân rất nhiều lý do. Vậy nên cái sự cưới và được mời đi dự đám cưới nó là đương nhiên, nó giống như ngày có 24 tiếng, như sống thì phải hít khí trời, phải ăn phải uống, không ăn uống ở nhà thì ra nhà hàng tiệc cưới ăn, khác gì nhau đâu. Dân Hà Nội có thời gọi cưới là đi ăn cơm bụi giá cao. Nghe xong cười phe phé với nhau nhưng ẩn bên trong vẫn có cái gì đấy ngậm ngùi.

          Cái thời dựng rạp tự cưới nó... qua lâu rồi, kể cả ở nông thôn, giờ dịch vụ tiệc cưới đã tràn về khắp nẻo. Dịch vụ bao trọn gói, từ đôi đũa đến MC, từ tờ giấy ăn đến bóng đèn điện, từ váy cô dâu đến cà vạt chú rể... tất tật, người đặt cưới chỉ việc đúng giờ đến đón khách. Còn thành thị thì khỏi nói, đến nỗi có người bảo: Kinh doanh nhà hàng tiệc cưới giờ là đắc sách nhất, chả gì lãi bằng. Nhưng đừng đùa, không khéo là lỗ sặc gạch, vậy nên các nhà hàng tiệc cưới liên tiếp tung chiêu mới. Đủ cách tổ chức, đủ kịch bản, từ bất ngờ đến tù mù, miễn sao hài lòng... người đi đặt, chứ chưa chắc đã phải thực khách hài lòng.

          Đầu tiên là các ông thầy coi ngày. Chả biết tân tiến kiểu gì mà giờ thấy cứ ngày nghỉ cuối tuần là... ngày đẹp. Chỉ ai không chen vào các ngày thứ bảy chủ nhật được mới đành chịu cưới vào các ngày đi làm khác. Té ra thần linh cũng biết chiều người phết, và cũng thực hiện triệt để chủ trương của nhà nước, tuân thủ giờ làm việc, tuân thủ quy định cấm rượu bia trong giờ hành chính với cán bộ công chức. Và vậy mới thấy cái cảnh, khá nhiều ông bà có phây búc chụp một lúc ba bốn tờ thiệp đưa lên, rồi đánh dấu hỏi: đi đám nào? Đi đám nào thì tất nhiên là do người được mời quyết định rồi. Và với những đám không đi được thì... gửi. Có 2 cách, một là tới tận nơi, trực tiếp bỏ phong bì vào thùng, bắt tay chủ nhà báo cáo phát, xong rồi... lủi để đi tiếp, dân trong “nghề” gọi là chạy... sô. Cách thứ 2 là điện thoại cho ai đó, hỏi có đi đám ấy không, nhờ bỏ phong bì hộ, mai tính. Cái chuyện mai tính này cũng khối màn hài hước. Khối anh nhờ bỏ phong bì rồi... quên. Mà cái người được nhờ cũng... ngại nhắc. Ngại nhưng vẫn nhớ, vậy nên đêm nằm cứ thắc thỏm lạy giời sáng mai ngủ dậy cái thằng nhờ mình nó nhớ giùm, giời kích hoạt bộ nhớ của nó dậy để nó nhớ là hôm ấy hôm ấy nó nhờ mình bỏ phong bì 5 trăm ngàn giùm, chứ không thì... chết, bởi một thằng quên thì được, đây đến dăm thằng quên mà mỗi thằng quên vài ba lần là... xong phim. Mà người nhờ và quên lại là sếp nữa thì coi như... xong hẳn (Sếp lại hay oai, lính năm trăm thì mình phải gấp đôi. Điện thoại bảo: Mày bỏ giúp anh 1 triệu, mà rồi quên thì chết lính. Có vài anh lính còn mắc bệnh sĩ, hôm sau sếp nhớ, sếp rút ví trả thì lại: Thôi mà sếp, có đáng gì. Xin các ông sếp đừng tin, “nó” đang đứt từng khúc ruột đấy, nên hãy thật cương quyết, đút tiền vào túi “nó”, hoặc để thật dứt khoát xuống bàn “nó”, chứ đừng nghe “nó” mà... khổ “nó”). Mà dăm ba đêm cứ mất ngủ để mà thắc thỏm thế thì... tóc bạc trắng là cái chắc. Nên đừng nói tại hóa chất, tại cuộc đời phức tạp gì gì hết, mà đích thị thủ phạm của việc đàn ông Việt Nam bạc tóc sớm là do... người nhờ bỏ phong bì đám cưới quên trả tiền cho người được nhờ.

          Cái sự phong bì nhiều khi nó  cũng... kỳ kỳ. Ở nông thôn có khi đến nơi rồi móc túi ra, cắm cúi đếm rồi... đưa trực tiếp cho người ngồi ghi. Cái anh ngồi ghi một bên, người giữ tiền một bên, mẫn cán như thu thuế ở ủy ban xã. Ngoài Bắc thì lại có đến... 2 thùng phong bì. Nhà gái nhà trai khác nhau. Dẫu có ghi rất rõ ở thùng rồi nhưng thi thoảng có anh vẫn... lộn. Và thấy báo chí thi thoảng kể có vụ choảng nhau vì bỏ lộn nữa! Phần lớn là nếu cưới chung thì  để một thùng chung, cưới xong giao cô dâu chú rể, có sự phụ giúp của mỗi bên một người, kiểm tiền và... ghi chép. Sau khi trả tiền đặt nhà hàng thì cho chúng tất, chúng chỉ phải nộp lại cái tờ giấy dằng dặc tên người đi dự và số tiền bỏ mỗi phong bì lại cho phụ huynh hai bên để họ... trả nợ dần. Bỏ qua một số gia đình cố tình... kinh doanh đám cưới (và thường thì thắng đậm) còn lại thì tiền mừng phần lớn xem xem số tiền bỏ ra, dư dăm bảy triệu cô dâu chú rể giữ làm lộc là hợp lẽ. Nhưng vì tập trung vào 2 ngày  cuối tuần nên cũng có nhiều đám cưới phải cười trong nước mắt, bởi đặt nhiều mà khách đến ít, và cũng ngược lại, có anh “tính toán xít xao” mời nhiều đặt ít, khách đến như dự kiến thế là cứ xà guầng như gà mắc tóc, rồi... tặc lưỡi, kệ khách tự xoay xở với... nhà hàng.

          Kinh hãi nhất trong đám cưới là... Em xi (MC). Ai cũng hãi nhưng mà đến khi mình tổ chức thì không ai dám bỏ lơ anh này. Đấy là người có khả năng nói to, nói nhiều, nói nhanh và nói những câu vô duyên vô nghĩa nhất. Chưa hết, còn phải biết chế ra thơ lục bát nhưng thất vận nữa. Thế mà đố đám cưới nào dám thiếu anh (chị) này. Chả có lớp đào tạo nào, chả có cha truyền con nối gì, các nhà hàng tự tuyển người, cứ đủ tiêu chuẩn như tôi kể trên là... OK. Tất nhiên cũng có gia đình tự mình làm MC. Hồi tôi cưới con gái, tôi tuyên bố: Tớ sẽ tự làm MC trong sự ủng hộ nhiệt liệt của con gái và... vợ. Nhưng chính bạn bè tôi, những gã nhà báo nhà văn sừng sỏ lại khuyên không nên làm trò cười cho thiên hạ. Tôi quyết tâm được đến... cách một ngày là đám cưới thì phải... hạ quyết tâm, tức là rút lui ý định, vẫn phải sử dụng MC nhà hàng, nhưng ra điều kiện, ông chỉ được nói... 30 câu tất cả, tự ông nghĩ lấy, đúng 30 câu thì rút, để phần còn lại cho đám cưới, tức là cho cái đĩa nhạc không lời tôi tự cop trên mạng về, nó dìu dặt ru mọi người ăn ngon và có không gian trò chuyện.

          Thì để dẫn tới cái kinh hãi thứ nhì là... hát. Hình như phi hát bất thành đám cưới thì phải. Ở nông thôn thì không dám lạm bàn rồi. Lâu lâu thuê rạp về, thế là tranh thủ hát từ... đêm hôm trước chiêu đãi làng xóm. Mà cũng không thể hiểu cái việc mà cứ ấn micro vào mồm rồi gào lên thi với trống với ghi ta điện ấy có thể gọi là hát không? Ngay ở các nhà hàng tiệc cưới thành phố thì một trong những nhiệm vụ quan trọng của MC là phát hiện... nhân tài ca hát trong ngùn ngụt người mặt tưng bừng bia rượu đang ngồi dưới kia, đang tụm lại rồi cùng hô... zô một trăm phần trăm kia. Có tí men bia kích thích, ai cũng trở thành danh ca hết. Người Nghệ Tĩnh thì “khúc hát sông Quê”, “Neo đậu bến quê”... người Hà Bắc thì “Tấm áo mẹ vá năm xưa”, người Thanh thì “Chào sông Mã anh hùng”, người Bình Định thì “Đi tìm câu hát lý thương nhau” vân vân các loại. Có đi dự đám cưới mới biết các nhạc sĩ được tôn vinh đủ loại đủ kiểu như thế nào?

          Thôi thì có thể lý giải tại sao những người hát kia cứ gào lên như thế, bởi họ nghiệp dư, họ đến là để ăn cưới chứ có phải để hát đâu, bởi có khi họ nghĩ thế mới là hát, thế thì thực khách mới nghe rõ, mới sướng tai, nhưng không thể lý giải là ở chỗ, các nhạc công, họ chuyên nghiệp hơn, ít nhất là hơn những người đến ăn cưới rồi được mời lên hát, thế mà họ cũng cứ coi cái sự oánh càng to thì mới là... nhạc. Ông trống thì đã đành, nện hết cỡ. Thế thì hà cớ gì ghi ta thua, còn ọoc gan, cũng phải bề thế chứ? Ai cũng đòi phải có “ý kiến” riêng để thể hiện mình. Thế là có những mâm có sáng kiến: thu mỗi người 50 nghìn nữa, lên... hối lộ ban nhạc, đề nghị nghỉ vài chục phút để họ nói chuyện và ăn cho ngon miệng!

          Cũng kinh hãi không kém là vài phút lại có một anh, tay cầm ly bia, miệng cười cười, từ bàn nào đó xông đến, giơ ly cụng hết lượt. Rồi cạn trăm phần trăm. Rồi chờ người được mời trăm phần trăm xong rồi... bắt tay, lắc cật lực để thể hiện tình thương mến thương. Mỗi mâm chỉ dăm anh như thế đến là coi như... xong. Bởi trong mâm còn phải mời nhau nữa chứ. Thì toàn người “bốn phương vô sản coi là anh em” cả, chả ai biết ai, cứ ngồi tần mần nhìn lên trần tìm thạch sùng như triết gia mãi cũng kỳ, thế là một anh giơ ly: mời các cụ, thế là tất cả giơ lên như một... “cứu cánh” để đỡ nhạt.

          Và vì có khi 2 ngày nghỉ có đến... 4 bữa dự cưới ở chính cái nhà hàng ấy nên còn cái kinh hãi nữa là... quen mồm. Thì lại cũng súp khai cuộc, lại gà luộc cho kỳ nát bét ra, lại cũng nem chả, lại cũng tôm không nướng thì hấp dừa, thì cũng mực luộc, lại cũng ca ri bánh mì, và trái cây tráng miệng. Ăn đến mức nhìn thấy  con tôm hay miếng thịt gà là rùng mình. Ấy thế mà các bác trong bàn lại quý nhau, cứ  rất trịnh trọng gắp mời nhau tú ụ bát, can chả được nên đành... kệ, ngồi nhìn đến lúc tàn cuộc thì về.

          Ngay các loại nghi lễ đám cưới thì bây giờ cũng chả phải của các cụ truyền lại, cũng chả xưa bày nay làm nữa, mà do mấy ông chụp ảnh và quay video “chỉ đạo”. Các anh các chị ấy bảo gì là gia chủ cứ thun thút thực hiện, đến mức có nhà đã thống nhất là không trao quà cho các cháu công khai nữa, ai cho gì thì cứ cho chứ không cần phải bày ra trước bàn dân... ống kính thế. Nhưng ông quay phim theo thói quen hô: hai họ trao quà, thế là quýnh quáng ai có gì đưa đại, để quay để chụp thôi, sau đó... thu lại.

          Nhưng cô dâu chú rể bây giờ... sướng. Tất cả dịch vụ lo hết, chỉ việc dắt nhau vào hội trường, làm thủ tục “kính yêu cha mẹ” trên sân khấu, xong theo ba mẹ đi chào khách, xong rồi... về ngủ. Các nhà hàng giờ còn khuyến mãi một tối tân hôn tại khách sạn. Chứ xưa, cưới quê, đợi được vị khách cuối cùng về thì chú rể cũng vật ra vì rượu, cô dâu cũng thẫn người ra vì dọn dẹp, đêm tân hôn là đêm... được ngủ thẳng cẳng sau mấy ngày chạy lo vật vã, để đến hôm sau, có khi tới mấy hôm sau mới... tân hôn thật sự.

          Thì nói thế, chứ có khi, đi đám cưới mà không có MC, không có hát, không có mời bia, không có các món ăn “chỉ đám cưới mới có”, không có ngồi ngẩn tò te nhìn lên trần, không có trịnh trọng gắp cho nhau... thì có còn là đám cưới Việt nữa không nhỉ???
                                                                  
           

2 nhận xét:

Nặc danh nói...

Hehehe... em gọi mí ông vác bia sang dúi vào mặt và "mười mời mời..." là dân "bán bia dạo".

Đặng Quang - Putin Việt.

Vũ Xuân Tửu nói...

Tôi cũng chuẩn bị đi 2 đám cưới đây. Đọc VCH ở Tây Nguyên, mà sao thấy giống Bắc quá. Thì ra, hình mẫu đám cưới đã phủ sóng toàn quốc. Không biết nước ngoài họ cưới kiểu gì, để ta có thể học tập và làm theo?
Vũ Xuân Tửu