Thứ Ba, 20 tháng 10, 2015

NÓI THÊM VỀ MỘT BÀI BÁO




          Sau khi Tạp chí Văn nghệ Gia Lai số 202 phát hành ngày 15/ 9/ 2015 đăng bài bút ký “Trở lại Đăk Pơ”, tác giả đã nhận được một số ý kiến, cho rằng tác giả, vì thiếu thông tin, đã không đề cập đến một số người góp nhiều công sức trong việc xây đền và tượng, và đề nghị tác giả bổ sung (đính chính).

          Với tư cách là tác giả, tôi xin được trình bày thêm vài điều như sau:


          Đây là một bút ký văn học, không phải và hoàn toàn không phải, và càng không thể là một báo cáo thành tích, tổng kết hay là một cái gì tương tự. Trong bài bút ký ấy chúng tôi có nhắc đến một số nhân vật, thì đấy chỉ là nhắc việc, thông qua người để nhắc việc, là những chi tiết trong một bút ký, hoàn toàn không phải là kể công họ.

          Bởi chúng tôi hiểu, để làm được đền thờ và đài tưởng niệm này, nó là công sức của rất nhiều người từ Trung ương đến tỉnh, trong đấy không thể không có công rất lớn của nhiều đồng chí, từ thống đốc ngân hàng nhà nước, giám đốc và nhân viên các ngân hàng thương mại trong cả nước, các đồng chí Bộ trưởng, ví dụ Bộ trưởng Bộ Xây dựng, rồi đồng chí Bí thư, chủ tịch tỉnh Gia Lai, các đồng chí trong thường vụ tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, các đồng chí lãnh đạo và nhân viên các sở ban ngành của tỉnh Gia Lai, lãnh đạo và nhân dân huyện Đăk Pơ vân vân...

          Nhưng việc liệt kê ấy không phải là mục đích bài báo của chúng tôi.

          Mà chúng tôi muốn nhắc lại sự kiện hơn sáu mươi năm trước, ở nơi này đã diễn ra một sự kiện lớn, nó là một trong những yếu tố quan trọng để người Pháp ngồi vào hội nghị Gionevo, và cũng chính nơi này, hơn sáu chục năm qua, có 147 linh hồn liệt sĩ của trung đoàn 96, nhiều liệt sĩ khác nữa của bộ đội địa phương, dân quân du kích, thanh niên xung phong, và nhiều người vô danh nữa... vẫn lơ lửng đâu đó giữa trời, giữa đất, trong nỗi nhớ thương khắc khoải của đồng đội của họ, những cựu chiến binh năm nào cũng lọ mọ tàu xe về thăm đồng đội, trong sự xót thương vô hạn của gia đình họ, của nhân dân Đăk Pơ, và của tất cả những ai biết chuyện...

          Nhắc sự kiện ấy để vui mừng vì nơi đây đã có một công trình mọc lên bằng sự biết ơn của những người đang sống hôm nay, dẫu đấy là sự biết ơn rất muộn và nhỏ nhoi so với những gì đã xảy ra.

          Đúng là, so với các liệt sĩ đang lang thang đâu đó dưới lòng đất mẹ kia, chưa quy tập về được kia, thì những gì chúng ta đã làm được vô cùng nhỏ nhoi.

          Tôi, tác giả bài viết, do những nguyên do vừa ngẫu nhiên vừa tất yếu, trở thành cầu nối, thành nơi thông tin công việc cho các bác cựu chiến binh và người thân của các liệt sĩ trung đoàn 96 đang còn sống trên cả nước. Hàng nghìn tin nhắn của các cụ vừa thúc giục vừa hỏi han, vừa trông đợi vừa chờ mong đã khiến tôi phải viết bài báo ấy báo cáo với các bác cựu chiến binh đã đang rất gần đất xa trời và thân nhân các gia đình liệt sĩ , ngày ngày mong ngóng công trình hoàn thành.

          Tôi đã cố gắng nói những gì tôi biết trong phạm vi cho phép của một bài bút ký. Nhưng tất nhiên, đã không thể nói hết những gì đã diễn ra, mà trong ấy việc nhắc tên các đồng chí có công là một ví dụ. Và thực ra, ý đồ viết của tôi cũng không cố gắng thể hiện điều ấy. Hy vọng sau này sẽ có một báo cáo hoàn chỉnh, một tổng kết đầy đủ làm được việc ấy (nếu có thể)...

          Vài lời nói thêm, xin được  chia sẻ...
         
                                                         

8 nhận xét:

Nặc danh nói...

Sao ko nói công to nhất là của VCH nhỉ? Chả ai hò hét, cất tiếng, gian khó biết chừng nào??? Thế bây giờ tranh công giành phần??? Dân Việt ta như thế nên không tiến bộ được.

Nặc danh nói...

không bận lòng việc này chi anh VCH. Ai có công thì cõi âm đều sẽ biết cả!

Nặc danh nói...

Tại sao một số người lại nghĩ chuyện kể công làm đền thờ đây nhỉ? Đáng ra họ phải nghĩ rằng họ đang được sống đây là nhờ công ơn của những người đã chết kia. Hâyza... đáng thương cho Lừa tộc.

TH nói...

Ồ! Hơi lạ quá, nhân dân huyện Đak Pơ chúng tôi chỉ biết có Đền thờ Liệt sĩ trung đoàn 96 và Tượng Đài chiến thắng Đak Pơ là công lao to lớn của ĐC Đức Bí thư huyện thôi, ngoài ra không hề biết ai nữa.

T.Thúy12A1 nói...

Đúng thế, đọc các bài viết về Đak Pơ của chú VCH thì mọi người đã hiểu rồi. Vừa qua, Cháu có lên Đền Liệt sĩ Đak Pơ thắp hương khi vào Đền thấy người cũng lành lạnh, hết sức trang nghiêm nơi thờ cúng Liệt sĩ.

Đinh Lanh nói...

Cháu là học sinh Trường THPT Y Đôn huyện Đak Pơ, tụi cháu rất vui mừng và tự hào khi huyện nhà của mình có công trình tầm ccow Đền Tưởng niệm và Tượng đài chiến thắng Đak Pơ đã mọc lên quê hương của cháu. Còn việc ai làm tụi cháu ko quan tâm.

Nặc danh nói...

Đất nước thống nhất đã gần nửa thế kỷ rồi, bây giờ mới làm được cái đền thờ liệt sĩ không thấy tội lỗi xấu xa với những người đã khuất hay sao? Thế mà có kẻ còn xía vô muốn kể công việc xây đền tưởng niệm thì thật là quá sa đọa về đạo đức lắm rồi. Không suy sụp mới lạ. Thiện tai! Thiện tai!

Nặc danh nói...

Thật khó hiểu, khi chưa có Đền thờ Liệt sĩ sao các Bác ko chịu đi xin, đi kêu gọi, biết vận dụng v.v và v.v...đi. Khi đã đơm hoa kết trái rồi đi tranh giành, thật xấu hổ. Việc này chỉ có các Liệt sĩ và người âm ở đây biết hết. Xin đừng tranh giành công lao nhé.