Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2015

HỌC BỔNG MÔ TÔ...




          Nhiều lần nghe danh 2 ông nhà văn Nguyễn Đông Thức và Đoàn Thạch Biền. Ông Biền một thời khuynh đảo giới trẻ mê sách với loạt truyện mê hoặc, ngay cái tên sách cũng đã mướt mát rồi “Ví dụ ta yêu nhau”, “tình nhỏ làm sao quên”, “Tôi thương mà em đâu có hay”... trong đó có nhân vật nữ xưng em gọi ông, sau này rất nhiều người bắt chước, bởi nó giải quyết được nhiều vấn đề... nan  giải trong xưng hô và tình yêu...


          Ông Thức thì là tác giả của rất nhiều tiểu thuyết, trong đó “Ngọc trong đá” một thời làm phim cũng hót hòn họt. Ông còn là con trai của Bà Tùng Long, nhà văn nổi tiếng một thời với những tiểu thuyết tâm lý xã hội (50 cuốn) mà vừa rồi cũng vừa được tái bản theo yêu cầu độc giả (16 cuốn), trong đó 2 cuốn hay được nhắc là “Bóng người xưa” và “Giang san nhà chồng”.

          Cả 2 ông thời làm tạp chí “Áo trắng” cũng khiến giới nữ sinh điên đảo. Ngoài việc ngồi ở tòa soạn làm báo, các ông còn tổ chức các “gia đình áo trắng” ở các tỉnh. Lâu lâu 2 ông đi “kinh lý”, bạn đọc bạn viết tuổi teen cứ gọi là xốn xang, xếp hàng xin chữ ký.

          Tôi gặp 2 ông lần đầu như vậy, ở thành phố Pleiku.

          Mấy bạn trẻ đàn em đàn cháu tối ấy nhắn “mời chú tối nay đến giao lưu với Gia đình áo trắng Gia Lai. Có anh Thức với anh Biền lên dự”. Địa điểm giao lưu là tại một nhà hàng. Cánh này tài, túm được một mạnh thường quân nên chơi hẳn một góc nhà hàng. Tôi đến, và thắc mắc ngay: nhà em ít tuổi hơn 2 bác, mà 2 bác toàn được gọi bằng anh, trong khi ấy em phải đóng vai chú, đạo mạo khó nhậu quá... Ngồi đấy mới thấy sức hút của 2 ông với cánh viết trẻ nó khủng khiếp thế nào, dù 2 ông chỉ ngồi cười cười, chả thấy cao đàm khoát luận gì, chả thấy buông thả lời có cánh có chân gì...

          Một dạo sau đấy, thấy báo chí đưa tin, 2 ông tổ chức những chuyến “mô tô học bổng”, ngang dọc khắp các tỉnh miền Tây Nam Bộ. 2 ông già (thực thì cũng chưa già lắm, hiện giờ, ông Biền 68 còn ông Thức 64) trên cái mô tô khủng do ông Thức cầm lái, ông Biền chuyên ngồi phía sau, 2 ông chuyên đeo kính đen, ông Biền chuyên không cười, chuyên không chơi mạng. Ông Thức đi đâu lên facebook tới đấy, còn ông Biền thì... bặt vô âm tín, lúc ông Thức cặm cụi cho phây ăn thì ông Biền ngủ. Lúc ông Thức ngủ thì ông Biền ngồi... bó gối nhìn phòng. Thế mà đèo đẽo với nhau mười mấy năm rồi, đến mức có người nghi các ông có vấn đề... giới tính. Mà đi thì toàn về vùng sâu vùng xa vùng nghèo khó, đi thì toàn cầu treo cầu khỉ đường ruộng đường rừng... thế mà cứ mô tô veo veo...

          Ban đầu là tiền túi. Thấy các cháu ham học mà nghèo, rút tiền ra cho, cho sách, cho vở... rồi dần dần bạn bè hưởng ứng bằng cách đóng góp giao cho 2 ông đi trao, biến 2 ông thành những nhân viên từ thiện cần mẫn đắc lực. Mà nhiều chứ không phải ít. Từ khởi đầu là cái mô tô, sau này đi đâu phải có mạnh thường quân bao xe tải chở đồ. Các mạnh thường quân thì ở khắp nước, và cả nước ngoài. Mà cách ủng hộ cũng nhiều kiểu. Ngoài cách thông thường là tiền, sách, vở, bánh kẹo... các loại, nhiều người ủng hộ những... kỷ vật, 2 ông đấu giá trên mạng, đổi hiện vật thành học bổng. Như vừa rồi đi Mỹ, ông Thức tha về bao nhiêu là đồ, trong đó có mấy cái Zipo, đủ hình đủ kiểu, về ông đấu giá, khối người mua ủng hộ, và lại tổ chức những chuyến đi...

          Đi hết miền Tây Nam Bộ, các ông “đổ bộ” lên miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.

          ...Đường về trường trung học cơ sở Lê Duẩn xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê không xa nhưng có chục cây số cực xấu. Ổ voi ổ trâu liên tục, nếu mà xe ô tô gầm thấp thì sẽ liên  tục cạ cầu, còn xe lớn thì liên tục lắc, đảo... như đưa võng. Các cô giáo đi dạy ở đây dù mưa dù nắng thì đều... mặc áo mưa. Có thể nói áo mưa là vật bất ly thân của các cô. Ngoài ra trong cốp xe luôn có một bộ quần áo, cả giày, dự phòng. Đường này mùa mưa thì bùn ngập bánh xe, và đất đỏ trơn trượt oành oạch, chưa kể các ổ trâu ổ voi chính là những cái ao giữa đường, nước đỏ như từ hồ Bô Xít tràn về, chỉ một cái xe qua là văng lên trùm từ đầu đến chân. Mùa khô thì bụi cũng ngập bánh xe, cuồn cuộn như bụi mặt trăng. Nên quanh năm áo mưa là thế. Mà  được dạy ở đấy là đã hạnh phúc rồi, vì nó vẫn gần... thành phố, phần lớn các cô giáo sáng đi tối về. Nơi đấy có cậu học sinh Kpă Phên, 16 tuổi, đang học lớp 8. Trông cái dáng già dặn hơn tuổi và lớp. Và hình như tuổi ấy mà đang học lớp 8 thì cũng là muộn. Nhưng với người dân tộc Tây Nguyên, được như thế là quá quý rồi. Vì em có hoàn cảnh rất khó khăn, mà lại rất ham học. Bố mất, mẹ nuôi 4 anh em, nhưng năm ngoái mẹ bị phát bệnh tâm thần, cứ lang thang đi khắp làng. Mấy anh em đùm túm nuôi nhau và nuôi mẹ. Mà nói thật, đời sống đồng bào Tây Nguyên, trừ ai làm công nhân cao su (số này rất ít), một số, cũng rất ít, có tiêu, cà phê... còn lại chỉ bám vào rẫy, được chăng hay chớ, ngơi tay là nghỉ miệng... Nên cái việc kiếm miếng ăn qua ngày đã khó, huống gì học. Thế mà cậu bé này thường xuyên đạt học sinh tiên tiến và có ý chí học tập rất rõ...


          Nhà văn Nguyễn Đông Thức từ TP HCM bay lên Tây Nguyên lần này một mình, ông Đoàn Thạch Biền phải ở nhà làm “Áo trắng”, bù lại có một mạnh thường quân từ nước ngoài cùng đi, chỉ để trao học bổng mô tô cho 2 trường hợp. Một là cháu Y Trinh ở Kon Tum. Cháu này đậu vào trung cấp Y nhưng không có tiền đóng để nhập học, định nghỉ ở nhà. Thầy giáo Hoàng Việt, hiệu trưởng một trường trung học cơ sở ở Kon Tum khẩn cấp gọi điện nhờ học bổng Mô tô giúp đỡ. Anh Thức gửi ngay tiền lên đóng học phí để cháu nhập học. Rồi bay lên trao học bổng và 1 cái laptop Vaio cho cháu. Ông này tài, đi đâu là thông báo đấy, và bạn đọc căn cứ vào thông báo, nhờ ông giúp các cháu. Thường là khi đi sự chuẩn bị một thì lên đến nơi thấy hoàn cảnh quá thương tâm, ông viết trên facebook của mình, thế là lại có các bạn đọc hảo tâm... lên tiếng. Và các ông Học bổng mô tô bỏ công ra chuyên chở, kết nối. Đây là một đoạn status ông Nguyễn Đông Thức viết khi vào thăm nhà cháu Y Trinh: “Laptop Sony Vaio tặng Y Trinh là của bạn Thuý Ái HL ở Saigon. Bạn Svi Doan ở Kiev tặng cháu tiền mua bàn ngồi học và 25kg gạo cho nhà cháu. Các bạn khác giúp cháu tiền học bổng 3 tháng cuối năm 2015 (1,5 triệu) và bạn Tina Tran sẽ giúp hàng tháng cho đến khi cháu học xong. Bạn Nhung Nguyen ở Melbourne tặng các em cháu chocolate. Bạn Diệp Thuý ở Atlanta tặng máy tính nhỏ hình cây đàn cho A Đinh Oanh, em trai cháu. Tôi biếu mẹ cháu 500K...”...

          Từ Kon Tum ông liên hệ với tôi, và tôi liên hệ tiếp với cô giáo Hiền, cô giáo Võ Nguyệt và một số bạn bè nữa, sau rất nhiều cân nhắc, chúng tôi giới thiệu cháu Kpă Phên cho ông Thức. Tại Trường trung học cơ sở xã Ia Tiêm, với sự chứng kiến của cô hiệu trưởng tên Huyền, cô giáo chủ nhiệm Hiền, nhà văn Nguyễn Đông Thức quyết định sẽ tài trợ cho Kpă Phên mỗi tháng 5 trăm ngàn cho đến khi cháu tốt nghiệp đại học. Trong quá trình ấy nếu học xuất sắc sẽ được chương trình Mô tô học bổng mời về TP Hồ Chí Minh chơi, sinh hoạt hè với các bạn khắp nước như Mô tô học bổng vừa làm. Và, nếu có điều kiện sẽ tặng cháu 1 laptop để học. Vì cháu chưa đủ 18 tuổi nên chưa làm được thẻ ATM, cô giáo chủ nhiệm Hiền sẽ trực tiếp nhận tiền để trao cho cháu hàng tháng. Tại phòng hiệu trưởng, nhà văn Nguyễn Đông Thức trao cho cháu 5 trăm ngàn tiền mặt cho tháng 10 (dù tháng 10 sắp hết), gửi cô Hiền 1 triệu cho 2 tháng còn lại của năm. Từ đầu năm 2016 sẽ chuyển tiền vào tài khoản cô Hiền, và cô cũng sẽ rút trao hàng tháng cho cháu, mục đích giúp nhà cháu có đủ gạo ăn để cháu tiếp tục học. Ngay trong chiều ấy, một comment của một người ở nước ngoài trên fb của ông Thức là sẽ tặng cháu Phên 1 laptop tùy mô tô học bổng xét, một bạn gửi hồ sơ làm thủ tục tặng nhà tình nghĩa cho mẹ cháu Y Trinh ở kon Tum, một bạn khác muốn giúp thêm cho Y Trinh 5 trăm ngàn một tháng và đỡ đầu cho cháu Kpă Phên...

          Có hỏi các ông Mô tô học bổng rằng các ông đã giúp được bao nhiêu cháu rồi chắc các ông cũng chịu. Bởi có lần lặn lội đi chỉ vì một hai cháu như lần vừa rồi, có lần đi vì cả trường, hàng trăm cháu được nhận học bổng, và quà là sách và vở, và bánh kẹo nữa... Vui nhất là có một bạn đọc đề xuất trên fb của ông Thức: 1, lập một ban bảo vệ sức khỏe Nguyễn Đông Thức. 2, Lập một ban bảo vệ tính mạng Nguyễn Đông Thức. Và 3, bất cứ ai mời Nguyễn Đông Thức đi ăn nhậu phải cô lập, bắt giam ngay, xét tội danh “mưu sát yếu nhân”. Thì là còm vui thôi, nhưng cũng thấy có cái gì nao nao...


          8h tối hôm kia các ông bay từ Pleiku về TP HCM, 2 ngày sau đã thấy ông rong ruổi ở một trường học ở xã biên giới Bình Thạnh, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Kinh, thế mà ông này 64 tuổi, một gối đã thoái hóa, đi tập tễnh, ông Biền 68 tuổi...


(Đã in trên báo Sức khỏe đời sống số chủ nhật 25/10/2015)
                                                                 


4 nhận xét:

Vũ Xuân Tửu nói...

Qua blog của nhà thơ Văn Công Hùng, xin tỏ lời thán phục tới ông Thức, ông Biền.
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

Phải nể các cụ.

Nặc danh nói...

Một việc làm có ích hơn vạn lần lý luận viển vông.Khâm phục các Cụ,sử không chép nhưng Dân nhớ mãi

Nặc danh nói...

Bác nặc danh 21:30 nói chí lí, một việc làm có ích hơn ngàn vạn lời nói. Nhiều kẻ chường mặt trên TV rêu rao "Của dân-do dân- vì dân" nhưng coi dân như trâu ngựa. Nhưng quy luật xưa nay cho thấy bài học "nâng thuyền - lật thuyền"... còn nguyên thời sự.