Ranh giới giữa sự vô cảm và tội ác nhiều khi nó rất
mong manh. Ngay những ngày đầu tiên đi học năm nay, một nam sinh đã rút dao đâm
bạn học nữ cùng lớp chỉ vì giờ ra chơi bạn nữ hỏi thăm: sao bạn không ra chơi
mà lại nằm ngủ. Hai bạn này mới học chung, tức là mới biết nhau được mấy ngày.
Bạn nữ tỏ ra quan tâm đến bạn trai, như một cách làm quen thân thiện. Và kết
quả là những nhát dao lạnh lùng khiến cháu học sinh 15 tuổi phải đi cấp cứu
ngay những ngày đầu tiên vào lớp, chưa kịp khai giảng.
---------------------
Người Việt ta đều thoát thai từ nông dân. Nông thôn
Việt Nam dẫu có điều này điều kia trì trệ, lạc hậu, nhưng có những phẩm chất
rất tuyệt vời, đến mức bị coi là bảo thủ, đặc biệt là tình làng nghĩa xóm.
Những là bán anh em xa mua láng giềng gần, những là tối lửa tắt đèn, những là
đầu làng cuối xóm, những là lá lành đùm lá rách, những là bầu ơi thương lấy bí
cùng... vân vân và vân vân...
Đến mức, khi những người nông dân lên
thành phố lập nghiệp, mang theo những thói quen, những cách sống bị coi là bảo
thủ ấy, đã khiến nhiều người kêu lên: dân nông thôn lên thành phố đi... kinh tế
mới, biến phố thành làng...
Nhưng có một thứ cả phố và làng hiện
giờ đều đang phát triển, ấy là sự vô cảm của con người.
Ai cũng thấy điều ấy, ai cũng nói, ai
cũng tặc lưỡi, nhưng đi tìm căn nguyên thì hình như ai cũng ngại, ai cũng lơ
mơ.
Sự vô cảm thì ở đâu cũng có, thời nào
cũng có, nhưng không hiểu tại sao, đến thời gian gần đây, nó trở nên phổ biến ở
nước ta.
Và, phải nói rõ điều này, nó lại đến
trước hết từ phía những công bộc của dân.
Chả thế mà liên tục hết bộ trưởng
Thăng rồi đến bộ trưởng Tiến đều phải phát động các chiến dịch... cười trong
cán bộ công nhân viên ngành mình.
Tìm
hiểu hành trình kêu oan của ông Trương Bá
Nhàn mới thấy kinh. Một người đàn ông cực cùng khổ, đi tù oan về gia đình tan
nát, con không nhận ra mặt cha, vợ thờ ơ... 4 năm ngồi tù oan, ra tù liên tục 9
năm gửi đơn kêu oan không có hồi âm cho đến khi đơn đến được tay đoàn giám sát
của quốc hội. Không nhà cửa, không vợ con, lang thang làm thuê trong rẫy mì
trong một rẫy heo hút trên Tây Nguyên, kiên trì kêu oan với sự trợ giúp của văn
phòng luật sư người nghèo... sự vô cảm của các cơ quan nhận đơn đã lên đến cùng
cực khi đến 9 năm gửi đơn mà chỉ có một lần được hồi âm. Cho đến khi được minh
oan, thì viên chánh văn phòng viện kiểm sát thay
mặt cơ quan xin lỗi ông chóng vánh có mấy phút với số tiền đền bù cho 4 năm tù
oan và hàng ngàn ngày đằng đẵng kêu oan là 295 triệu đồng. Ông, người được xin
lỗi và luật sư của ông không được nói lời nào, đến mức luật sư bật khóc. Cái
việc viên chánh văn phòng viện kiểm sát đọc lời xin lỗi viết sẵn như cái máy và
tất cả buổi xin lỗi chỉ chóng vánh trong mấy phút nhiều báo đã nói rồi, chỉ
trích rồi, ở khía cạnh con người, ta nhận thấy một sự vô cảm đến tận cùng trong
hành xử của ông này. Một thân phận người như thế, một nỗi oan ngút trời như
thế, hoàn cảnh như thế, đau khổ như thế, mà sự đau khổ không phải do mình, do
chính những người đang xin lỗi ông kia gây ra, nếu là các chị tiểu thương ở
chợ, trước khi rút tiền, những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình để giúp, chắc
chắn họ cũng sẽ có vài lời hỏi thăm an ủi động viên. Thế mà ở đây, lạnh lùng và
tàn nhẫn. Chưa kể, ở vụ này, và nhiều vụ khác nữa, khi làm oan thì cương quyết,
nhưng khi đàm phán để bồi thường thì cò kè bớt một thêm hai?
Hay như mấy ngày này, cả xã hội như sôi lên vì chuyện
ngành giáo dục bắt hàng triệu học sinh, cộng với nó là gấp mấy lần như thế
người nhà, “lướt sóng sàn giáo dục” bằng cách tuyển sinh kỳ lạ mà ai cũng kêu
trời, kể cả giáo viên, cả các nhà khoa học cho đến những bà mẹ khốn khổ ở vùng
sâu vùng xa phải bán từng quả trứng, từng con gà... cho con đi học, cả đời chưa
biết nét niếc là gì? Có một gia đình ở Hà Tĩnh đã phải thuê cả một cái xe cấp
cứu hú còi chạy ưu tiên để chỉ trong 3 tiếng đồng hồ phải có mặt ở Hà Nội rút
hồ sơ ở trường này nộp vào trường khác cho kịp giờ khóa sổ. Nhưng kỳ lạ, xã hội
thì sôi lên như thế nhưng các quan chức giáo dục, những người bày ra “trò chơi”
này, lại bằng chân như vại, lại phát biểu những câu rất vô cảm. Nhìn cảnh những
đoàn người rầm rập chạy dưới mưa từ trường này sang trường khác để rút ra đút
vào, cảnh khóc mếu của cả mẹ lẫn con, cảnh hàng ngàn khuôn mặt ngơ ngác cùng
hướng lên màn hình công bố điểm y như các con bạc lúc cuối giờ mà kinh, mà
cũng... ngơ ngác theo...
Sự vô cảm ấy rất dễ dẫn đến tội ác, hoặc tự mình gây
ra hoặc vô tình gián tiếp. Không biết tự bao giờ người ta rất ngại đụng đến các
vụ việc ở ngoài đường, gặp người bị nạn thì lơ đi, vì sợ liên lụy. Hoặc ý nghĩ
mọi người xấu thì mình cố giữ cho mình sạch cũng là một thái độ vô cảm.
Từ đó nhiều người bị oan.
Hiện nay đang có tình trạng, bệnh nhân vào bệnh viện
mà tử vong, thì bất biết nguyên nhân là gì, người nhà cứ đổ tuốt cho bác sĩ và
bệnh viện cái đã, cứ kéo đông người đến làm áp lực cái đã. Cũng không thể phủ
nhận có những lúc những nơi các y bác sĩ vô cảm với bệnh nhân, nhưng không phải
vì thế mà cái gì cũng đổ hết cho họ. Như thế là vô trách nhiệm, là đổ oan, đổ
tiếng ác cho người khác.
Ranh giới giữa sự vô cảm và tội ác nhiều khi nó rất
mong manh. Ngay những ngày đầu tiên đi học năm nay, một nam sinh đã rút dao đâm
bạn học nữ cùng lớp chỉ vì giờ ra chơi bạn nữ hỏi thăm: sao bạn không ra chơi
mà lại nằm ngủ. Hai bạn này mới học chung, tức là mới biết nhau được mấy ngày.
Bạn nữ tỏ ra quan tâm đến bạn trai, như một cách làm quen thân thiện. Và kết
quả là những nhát dao lạnh lùng khiến cháu học sinh 15 tuổi phải đi cấp cứu
ngay những ngày đầu tiên vào lớp, chưa kịp khai giảng.
Ngay
cái sự học cả tháng rồi mới khai giảng cũng khiến cho cả cô và trò mất hết cảm
xúc, mà không còn cảm xúc thì tức là... vô cảm. Ngày khai giảng
là ngày vừa thiêng liêng, vừa xúc động, gây hưng phấn cho học sinh đầu năm học
mới. Với đời một cháu học sinh, nhất là học sinh đầu cấp, đặc biệt là học sinh
lớp một, ngày khai giảng nó vừa là sự háo hức, vừa là nỗi tò mò, là sự trông đợi
để đến ngày ấy gặp bạn gặp thầy, vừa để thể hiện mình vừa qua đó thấy mình...
Thế
mà giờ, học cả tháng rồi mới khai giảng, tất cả những gì các cháu háo hức,
trông đợi, những khát khao, hồi hộp... mất hết, thay vào đó là sự quen thuộc đến
nhàm chán những gì các cháu đã trải qua tháng vừa rồi, mấy năm vừa rồi.
Tất
nhiên có rất nhiều lý do để sự vô cảm trong xã hội hiện nay ngày càng tăng lên,
những ý kiến trên chỉ là một cách nhặt vô tình đầy sự chủ quan của người viết.
Nhưng có một thứ hoàn toàn khách quan, ấy là khi cả xã hội vô cảm thì sẽ là một
nỗi khủng khiếp khôn cùng, là sự lạnh lùng hơn băng, và tội ác sẽ bùng phát.
May sao, bên cạnh sự vô cảm, chúng ta vẫn còn rất nhiều người tốt, việc tốt xảy
ra hàng ngày, một cách tự nguyện, như chuyện anh thợ đào giếng Trần Nguyên
Phương đã dũng cảm suốt mấy tiếng đồng hồ không nghỉ, cùng các đồng nghiệp của
mình xuyên đêm cứu cháu bé Tú Anh khi cháu bị rơi xuống cái giếng khoan sâu đến
mấy chục mét, hay như PGS TS Lê Thị Luân, tác giả của vác xin ngừa tiêu chảy vừa
qua đời đột ngột đã được rất đông bạn bè đồng nghiệp và người nhà bệnh nhân
đánh giá rất cao về tài năng cũng như nhân cách đối với công việc, với đồng
nghiệp và bệnh nhân. Không quen nhưng thấy những gì báo chí viết về chị, bạn bè
nói về chị trên mạng xã hội, ta biết đây là một con người vô cùng tốt, có trách
nhiệm với đồng nghiệp, với công việc... Nhưng đời là thế, những việc tốt thì âm
thầm, trong khi sự vô cảm, những việc xấu... lại cứ bày ra trước mắt...
8 nhận xét:
Con người mới XHCN đào tạo mấy chục năm nay mới được như vậy đó bác VCH à. Họ tàn phá đất nước có thể còn xây dựng lại được nhưng tàn phá truyền thống văn hóa dân tộc là mất hết đó bác ơi! Ai gây ra thảm họa này ?????????????????????????
Bác Hùng đã chấp nhận,sướng, qua bác đọc được Ô Thông Ô Tiến, lại nhớ bác Lập viết về cơn say thần thánh của ô Tiến.Lại được nghe Tình em biển rộng sông dài...
Bác Hùng chơi khó, biết tỏng rồi mà vẫn để dấu hỏi: Sự vô cảm đến từ đâu???
Tôi có viết truyện ngắn từ mớ năm trước, chừ ngồi gõ lại, bác xem có dùng được? viết theo chuyện có thật 99%. Tựa ngày xưa (1989) là VỠ MỘNG.Chuyện này lý giải nhiều vấn đề:
Thằng Nam học chung lớp từ vỡ lòng đến lớp 8, nó học giỏi và lắm tài, câu cá tài đến mức gọi là sát cá,rồi chỉ cần cái ná bằng gọng cây ổi buộc dây chun, nó cũng được mệnh danh là sát thú, các cụ trong xóm nói đùa: thằng này sau đi lính sẽ có huân chương Bội tinh vì... "sát nhân"!.
Nó thích làm thầy giáo, nhất là thầy Hiệu trưởng Châu khắc Đa,tôi cũng thích nhưng thấy sỹ quan oai hơn,tôi mê ông Thiếu tá Đăng quận trưởng Thăng Bình, tôi mê các sỹ quan tình cờ đi qua phải đứng nghiêm khi trường học của tôi đang chào cờ, tôi mê quân phục của sỹ quan Đức hồi thế chiến... Hai đứa cãi nhau suốt ngày vì ai hơn ai, nó đúng khi bảo rằng: Ông Đăng gặp thầy cũng phải dừng xe Honda 67 xuống mà đứng chào cung kính, tôi đúng khi bảo rằng không ai nửa đêm chạy xe một mình như ông Thiếu tá, quá dũng cảm, đúng là con nít.
Cùng lớp có lão Thắng, lớn tuổi hơn nhiều vì bị lưu ban nhiều lớp, học không ra chữ - thầy nói thế - rồi lão nghỉ học, về quê "nhảy núi" để tránh quân dịch, hồi ấy du kích về làng.
Nhiều kỷ niệm giữa hai đứa, quá nhiều, quanh cái thị trấn Hà lam nghèo nàn đỏ bụi mà "Học phí trả bằng máu" đã tả.
Rồi 03-1975. Rồi kéo nhau đi đập phá am miếu, rồi đầu tháng chín khai giảng niên học mới.
Thầy Đa cùng một số thầy biệt phái đã đi cải tạo, thầy cô còn lại thoáng lo âu...
Thầy Hiệu trưởng Khải ở ngoài Bắc mới điều vào,chỉ mặc đồ đại cán.
Sáng hôm ấy trời nắng sớm như mọi buổi sáng mùa thu miền Trung. Học sinh lót dép ngồi dưới sân, thầy cô ngồi hồi hộp trên các băng ghế chờ cán bộ đến khai giảng niên học mới dưới chế độ mới.
Tôi và Nam lại ngồi gần nhau, không nói,mặt trời dần lên cao.
Cuối cùng Ủy ban quân quản cũng đến, trời ạ, lão Thắng ngày xưa,(sau này nghe nói lão bách phát bách trúng, gọi là có tài sát... địch,lên chức nhanh lắm).Thầy cô ngày xưa bối rối...
Sau cùng là lão Thăng phát biểu, đọc tờ giấy viết sẵn, xong, vỗ tay, thầy Khải khúm núm, thầy cô ngày xưa xanh mặt khi lão Thắng quét ánh mắt nhìn quanh, lão vỗ vai Hiệu trưởng: thế nhé, thế nhé, Hiệu trưởng: Dạ Vâng Dạ...
Tôi nhìn qua thằng Nam, nó mím môi hồi lâu,đỏ mặt, rồi đứng bật dậy,phủi đít,xỏ dép: Tau đếch làm giáo viên nữa. Nó bỏ đi thẳng.
Nó đi từ đó đến giờ.
- Hoan nghênh nhà thơ văn công Hùng lại có thêm một bài liết hay.
- Tôi thấy trẻ con Mỹ viết thư cho tổng thống, bày tỏ chuyện "trẻ con" và xin kết bạn, thế mà tổng thống cũng viết thư trả lời một cách trân trọng. Còn ở ta thì không, thậm chí, dân oan kéo đến tận cổng nhà riêng xin gặp, gửi đơn, nhưng đánh bài chuồn. Như thế, sao không tạo nên sự vô cảm và sự phẫn uất, dễ dẫn đến tội ác, âu là lẽ thường...
Vũ Xuân Tửu
Bác Đông Nguyễn, cho xin ý kiến lúc 07:48 Ngày 03 tháng 09 năm 2015, để làm tư liệu nhé. Cám ơn.
Vũ Xuân Tửu
Chuyện trôn quân dịch, nhảy núi, làm CM, là bình thường. Quê tôi, còn trốn nợ, cướp của, giết người... cũng nhảy núi làm CM và sau 75 cũng vẻ vang cho đến bây giờ. Chuyện nhỏ!
OK bác Tửu, hẹn ngày gặp nhau, có bác Hùng chủ trì.
Muốn xây dựng CNXH phải có con người XHCN,lớp người này mà xây dựng CNXH chắc chắn sẽ mau lên thiên đường chứ chẳng chờ hết thế kỷ này
Bất cứ xã hội nào cũng có mặt trái của nó. Mỗi người có một cách nhìn khác nhau về các vấn đề xã hội. Tôi không phủ nhận rằng ngày nay con người thờ ơ, lãnh đạm trước những vấn đề đòi hỏi trách nhiệm, tình thương cũng như sự chia sẻ giúp đỡ.
Ngày nay truyền thông cũng tạo bão và nhiều khi chính truyền thông cũng vô cảm từ đó tạo ra những đợt sóng làm cho bao số phận, bao con người, bao doanh nghiệp phải lao đao...
Xung quanh ta còn biết bao con người tốt, còn biết bao việc tử tế được tạo ra. Nhiều khi ta chỉ biết chém gió cho sướng, mượn con chữ để nói lên suy nghĩ của mình; nhưng đã bao giờ tự hỏi mình là đã làm được việc gì tử tế trong những ngày qua để giảm bớt đi sự vô cảm... Tôi có một tiểu kết rằng những việc tử tế được VTV24 đề cập chủ yếu là của những lao động nghèo, những học sinh sinh viên tạo ra; vắng lắm của giới trí thức... “Một ngôi sao chẳng sáng đêm; một thân lúa chín chẳng nên mùa vàng”. Nhưng đêm sáng kia do nhiều sao chụm lại, mùa vàng kia là của cả một cánh đồng chen vai những thân lúa. Hãy là một thân lúa “thật” thì sẽ có mùa vàng...
Đăng nhận xét