“Nghe
nói” cánh đàn ông có vợ lâu lâu cũng thích vợ tự nhiên... bỏ đi đâu đó dăm bữa
nửa tháng. Vắng vợ, phần lớn đàn ông thấy mình... chững chạc hẳn lên, được tự
chủ cả trong giờ giấc, sinh hoạt, hành vi, ăn nói vân vân...
Nhưng
là dăm bữa nửa tháng, chứ dài hơn là... nguy ngay.
Vấn
đề là, dẫu dăm bữa nửa tháng nhưng không phải ai cũng có thể thực hiện được, bởi
nó phải có lý do chính đáng.
Thì
đây, tôi bày cho các bạn một mẹo nhỏ:
Hãy cho vợ đi làm... Ô Sin.
Ô
Sin là ai và làm gì thì các bạn biết cả rồi, nhưng làm sao để vợ thành Ô Sin?
Rất
đơn giản, việc đầu tiên là ít nhất bạn phải đẻ một đứa con gái, hai đứa trở lên
càng tốt.
Việc
tiếp theo, con gái bạn đến tuổi lấy chồng, và vợ bạn chuẩn bị hưu. Là tôi
khoanh các Ô Sin có lý lịch xuất thân cán bộ, công chức, chứ Ô Sin xuất thân tự
do thì dễ hơn. Công chức muốn “chuyển ngành” thành Ô Sin thì phải đủ tiêu chuẩn
hưu đã, tức là hiện nay phải đủ 55 tuổi.
Một
ông bạn hơn tôi vài tuổi, thấy tôi cơm niêu nước lọ, rất thương, ngồi nhậu đâu
cũng kêu, ý là ít nhất giúp tôi bớt cơm niêu nước lọ một bữa. Có hôm ông chứng
kiến tôi dừng xe mua 2 cái bắp nướng, định thay bữa chiều, ông về kể với vợ, 2
vợ chồng nói chuyện về tôi, về đoạn trường nuôi cháu, rồi kết luận, nhà này, nếu
có “phải’ đi Ô Sin như thế, cũng không quá một tuần.
Tôi
sung sướng có 2 đứa con gái, trời thương, chúng đều coi được và học được. Con
em là dược sĩ, ra trường lấy chồng trước chị. Cả 2 vợ chồng tôi đều thương con
thương cháu, thế nên cái sự bà đi nuôi cháu sẽ là đương nhiên!
Con bé con này nó biến bà ngoại nó thành Ô Sin đấy ạ |
Chúng
sống và làm việc ở Sài Gòn nên sinh con ở Sài Gòn. Chả biết chúng có căn ke gì
không, chứ vợ tôi nghỉ hưu hôm trước là hôm sau con gái tôi... đau đẻ. Thế là
cưỡi máy bay vào với chúng và chính thức cuộc đời... Ô Sin.
Hôm
kia con gái tôi nhắn tin: Ba đừng lo mẹ buồn, mẹ đã gia nhập “hội Ô Sin” bà ngoại
rồi. Ơ chúng không sợ tôi buồn vì một mình mà lại sợ mẹ chúng buồn. Thế mới là
con gái?...
Té
ra ở cái chung cư trên đường T. H Sài Gòn mà con tôi ở tầng 11 ấy, không phải
chỉ có mình chúng sinh con nhỏ. Tức cũng không chỉ có mình vợ tôi là Ô Sin. Chỉ
mấy ngày là các Ô Sin đã tự bắt liên lạc với nhau, làm quen rồi tiến tới...
thân thiết.
Phần
lớn cán bộ công chức ở Sài Gòn ra khỏi nhà vào lúc 7h30 sáng, và sớm nhất là
17h có mặt ở nhà (là loại có con nhỏ, còn độc thân hoặc con lớn rồi thì nửa đêm
về vẫn là sớm). Bây giờ hiện đại, trước khi ra khỏi nhà, bà mẹ trẻ ngồi quay mặt
vào tường, dùng cái máy như máy vắt sữa bò, tất nhiên dành cho người thì nó
xinh hơn, bé hơn, hút lục sục một lúc thì đầy lọ. Cho vào tủ lạnh. Khẩu phần của
bé đấy, 2 tiếng 1 lần Ô Sin phải cho bé bú. Gặp đứa ngoan còn dễ, đứa ươn là cứ
thế bế suốt trên tay, trưa cũng không kịp ăn, dù chỉ là cơm hâm chứ chả ai chỉ
có một mình mà vẫn nấu cả. Cái phòng chưa đầy trăm mét vuông, dẫu cả quạt cả điều
hòa thì vẫn nóng. Bé vắng hơi mẹ, nức nở. Đi tới đi lui rồi lại đi lui đi tới,
hát hết Đoàn giải phóng quân lại đến 5 anh em trên một chiếc xe tăng...
Đến
một hôm, mở cửa bước ra hành lang, thấy có gió trời, mát hơn. Và quan trọng là
có đến 3, 4 bà cũng đang nựng cháu. Đấy là tiền đề cho sự thành lập “tổ chức Ô
Sin” chung cư.
Té
ra cùng một chung cư nhưng có đến 2 hội Ô Sin. Một hội là Ô Sin thứ thiệt, là
người được thuê để làm Ô Sin, số này đủ lứa tuổi, nhưng chanh cốm khá nhiều. Cứ
ông bà chủ ra khỏi nhà là chúng cũng tụ họp. Đủ thứ chuyện, giới thiệu quê quán
mình rồi quê quán ông bà chủ, thói quen ông bà chủ, so sánh ông bà chủ nào giầu
hơn, dễ chịu hơn. Rồi bày nhau mánh khóe lấy lòng ông bà chủ, cả mánh khóe... lừa
ông bà chủ, vân vân.
Hội
Ô Sin bà ngoại thì chủ yếu chia sẻ kinh nghiệm nuôi cháu. Giờ phụ nữ trẻ lâu mà
lại được về hưu sớm, nhiều bà bế cháu mà như bế con. Vợ tôi xuất thân ngành Y
nên hay được các Ô Sin bà ngoại khác tham vấn về các hiện tượng sức khỏe của
bé. Ngày xưa đói khổ, nuôi con song song với nuôi heo, con ốm cũng kệ bố nó đấy,
lo cho heo đã. Thì chẳng đã có nguyên tắc: Con có thể đói nhưng không được để
heo đói, con có thể ốm nhưng không được để heo ốm, heo có thể chết nhưng không
được để con chết. Thế mà có nhà, heo đẻ giữa đêm, 2 vợ chồng lo cho heo đẻ,
trong nhà con bị lồng ruột không cấp cứu kịp, cháu mất trong sự đau đớn tột
cùng của cả nhà... Giờ, hơi tí là lo cuống lên. Bà ơi (ở nhà tôi chưa quen gọi
vợ bằng bà), bé nhà tôi nó... ho 2 cái liền, có sao không? Bà ơi thằng cu nhà
em phân sao lại... thối? Bà ơi, bé nhà tôi vừa bú vừa... nấc, bà ơi sao nó lại
vừa nhìn tôi vừa... cười... vân vân và vân vân.
Các
bà cũng phát hiện một chỗ rất tốt để... sinh hoạt, ấy là tầng 1, nơi có bể bơi,
rất thoáng và mát. Năm bảy bà đưa bé xuống, lỉnh kỉnh xe nôi, thức ăn, khăn, bỉm,
nước, thức ăn, sữa... và cả thức ăn đãi nhau. Nhà ai có cái gì là mang xuống
đãi nhau, ngày nào cũng offline, ngày nào cũng tiệc. Các bà còn một thú vui nữa
là... chụp hình cháu post phây búc...
Tầm
4h chiều thì cuộc offline giải tán, ai về nhà nấy, chuẩn bị đón bố mẹ bé về. Mẹ
bé về thì lo bế bé, cho bú vì cả ngày bé phải bú bình sữa nguội, Ô Sin lại lo nấu
ăn, nấu nhiều để sáng và trưa mai khỏi nấu. Được ông con rể nào tử tế thì nó
cùng xúm vào nấu ăn, còn không nó tụ bạ khuya khuya mới về cũng chả dám nhắc.
Dâu con rể khách. Con dâu thì còn dám lườm nguýt xa gần cạnh khóe thậm chí
là... đối chiến, chứ con rể cùng lắm là xui con gái mình, tức vợ nó, chiến nó.
Nhưng mà nói thế, chứ lỡ nó chiến nhau thật, nhà chật, mình lù lù ở đấy, mặt có
là dầy như thớt cũng chả chịu nổi.
Thế
tại sao Ô Sin này chủ yếu chỉ là bà ngoại?
Cụ
thể như nhà tôi thì bởi bà nội trẻ hơn bà ngoại, còn đi làm, không nghỉ lâu dài
được, cuộc Ô Sin này là cuộc một hai năm và hơn thế nữa. Mà nếu có đã nghỉ rồi
thì các bà mẹ trẻ ấy, tức con mình ấy, các bà ấy cũng vẫn thích mẹ mình hơn, dẫu
mẹ chồng có cấp tiến đến mấy, thương con dâu đến mấy, chia sẻ đến mấy thì cũng
không thể nhõng nhẽo hoặc... cãi nhau được như với mẹ mình. Hãy hình dung, đi
làm về, ôm lấy con, cho con bú, tất nhiên việc ấy không ai thay được rồi. Nhưng
bú xong, ngồi giỡn với “cục vàng cục bạc” của mẹ tí mà chồng và mẹ chồng lúi
húi nấu cơm, dọn nhà, giặt đồ... thì có dám không? Với mẹ mình thì... chấp
luôn, nhưng với mẹ chồng, dẫu có là... ruồi thì cũng không thể tự nhiên ngồi
khoành chân chơi với con được, cũng không dám thản nhiên sai chồng: Anh, rót em
ngụm nước. Anh, con ị. Anh, cất cho em cái áo ngực... Có lẽ vì thế mà các cụ đã
đúc kết: Cháu bà nội tội bà ngoại. Cũng chả hẳn là tội lắm. Hồi vợ tôi bị con
gái “dụ dỗ” đi làm Ô Sin, nàng có vẻ lưỡng lự, đại loại, ngày xưa tôi nuôi cô
biết bao khó khăn mà tự lực một mình, giờ đầy đủ cả lại phải vời Ô Sin cao cấp
là sao? rồi: Đi để ba mày lêu lổng à? rồi: Nghỉ là nghỉ, nhà nước cho nghỉ để
nghỉ chứ không phải để làm Ô Sin. Tôi bảo con gái khi thấy nó có vẻ lo lo: Con
cứ yên tâm, cứ tuyên bố, ai bế con con phải... trả tiền. Y như rằng, đến ngày
nó đi, chả phải mời mọc gì, cứ tự nhiên xếp đồ đi theo cháu như là... đúng Zồi.
Thậm chí còn giành không cho con gái làm đủ việc của mẹ phải làm cho con, như tắm,
ăn dặm, ru ngủ, thậm chí ôm cháu ngủ suốt đêm...
Trong
khi ấy thì chồng của Ô Sin làm gì ở nhà?
Thì
cơm hàng, cháo chợ chứ làm gì?
Chuyện
này lại là một bài báo khác, hôm nay đến đây đã...
( Thơ vui tặng các ông bà nội, ngoại bạn tôi)
Thuở trời đất nhiều phen lộn xộn
Làm ông bà có bộn chuyện hay
Kể cho thế hệ sau này,
Cười vui cái chuyện của “ ngày hôm qua …” !
***********
Con đến lúc lập gia thành thất
Ở xa quê lây lất tựa nhau
Một ngày nào đó gọi: Mau!
Mẹ ơi! Cháu mẹ tháng sau ra đời…
Vừa đúng lúc nghỉ ngơi công việc .
Nợ “công danh” xong xiếc, ông bà…
Mơ tay nắm … chỉ hai ta,
Lãng du đất nước bao la hữu tình.
Nghe con nói liền đình kế hoạch
Ông giúp bà túi, xách… lên đường.
Hành trang đầy ắp tình thương
Vô Nam, ra Bắc mấy phương đâu nề!
Con vừa lớn chưa hề làm mẹ,
Cháu bé sinh, mấy trẻ trong nhà?
Cần tay chăm sóc của bà…
Ngày ngày cơm cháo, đường xa, chợ gần…!
Đâu quản ngại nhọc nhằn gian khó
Nhẹ vượt qua, như cỏ lông chông…!
Trời Âu, đất Mỹ như không,
Sá gì thẳm núi, sâu sông… trăm nghìn!
Chức danh phong “Ô sin quốc tế”
Dấu chân in “bốn bể ,năm châu ”
Thành “công dân của toàn cầu…”
Xa xưa ai biết rằng…đâu có ngày?
Chân trời cũ, …sắp bay ngoái lại .
“Mợ… đi Tây…” , xa ngái trùng khơi
Buồn kia nào nói ra lời…
Xung quanh vẫn nước non người cách xa!
Con đi làm cửa nhà bề bộn,
Cháu có bà ,yên ổn bên nhau.
Trông ra xanh ngắt một màu…
Cháu ơi , nhanh nhé lớn mau …bà chiều!
Xót ông cháu “cơm niêu nước lọ”
Sáng đến chiều vò võ với ai?
Ti vi ôm suốt đêm dài
Quờ tay …chạm tưởng có ai bên mình!
Ở trong ngoài mặc tình lo liệu.
Việc dư thừa, chỉ thiếu nghỉ ngơi.
Nhớ người tít tắp mù khơi…
Hồn đang gửi mộng đến nơi “thân cò”!(Tú Xương)
Vừa trông cháu , Zalo… chát chít …
Tối ôm “phây”…tít mít vung trời.
Cuối tuần được dắt …đi chơi
Có người phiên dịch,lên đời… “Ô sin”!
Được tân trang …“tin tin” sành điệu
Váy tân thời, các kiểu…tung bay
Đẩy xe đưa cháu hàng ngày…
Nhiều khi mải sự nên say ….quên “zìa”!
Nghĩ “cố quốc”…lòng chia hai ngả,
Nửa thương con, vất vả hơn nhiều
Nửa lo…“nắng quái buổi chiều”…
Có khi “phát hỏa”… liêu xiêu cửa nhà!
Con lên cấp làm ba, làm mẹ
“Ô sin” bà cũng ké… oai theo!
Khi xưa phận giáo chức nghèo
Nay đâu kém cạnh…chơi trèo …“trực thăng”!( tàu bay)
Thấm thoắt bao tuần trăng mờ tỏ
“Mãn hợp đồng ” …bà trở về nhà…
Thoạt nhìn ông chẳng nhận ra,
“Hương đồng gió nội…” của nhà …“bay” đâu?
Càng nhìn lại càng rầu rầu nghĩ ?
Để kịp bà - quyết chí liền ngay.
Gọi con…một suất “tàu bay”…!
Năm sau thêm cháu …“Bố mày – Ô sin!”
(NNC – TP CT – 18/6/2015)
4 nhận xét:
Hay quá! Bác cho phép em copy bài này ạ
Bắt đầu từ một bộ phim Nhật Bản, từ "Ô-sin" đã đi vào đời sống người Việt, nghe vừa dân dã, vừa sang trọng và cũng rất tế nhị. Lúc mới, có một số người lên tiếng phản đối, vì bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Nhưng lâu dần, cả xã hội chấp nhận, thậm chí, đi vào thơ ca nữa. Thế là tiếng Việt lại được giàu thêm.
Tôi phục những người làm nghề ô-sin. Họ chuyên cần, nhẫn nại và làm cho xã hội hài hòa.
Vũ Xuân Tửu
đọc bác nhiều,nhưng chưa phản hồi vì đường còn xa quá, thôi cứ bước đi đầu tiên đã... Chúc ngày mới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Bác Hùng từ ngày về hưu ở cái Hội của lão Thỉnh có nhiều bài viết khá
Đăng nhận xét