Con người, thì ra, trong tận cùng
ngóc ngách tâm hồn, vẫn có những điểm đen khốn nạn. Làm sao để những điểm đen ấy
mãi mãi ngủ quên, mãi mãi bị lãng quên, để con người mãi mãi sống trong yên
bình và hạnh phúc?
Tôi
vẫn tin ở phần tốt đẹp của con người. Vẫn tin, tất cả các bà mẹ đều vĩ đại và vị
tha. Tất cả phụ nữ đều xinh đẹp, dịu dàng, tốt bụng và thấm đẫm đức hy sinh...
--------------------
Hôm kia, cháu bé Dương Minh Phát, cháu bé 11 ngày tuổi bị một người đàn bà dùng dao
bầu chọc tiết lợn đâm ngập vào não, sâu đến 11 cm, với sự thần kỳ của y học, sự
thần kỳ của lòng dũng cảm và sức chịu đựng, sự thần kỳ của tình yêu, sự thần kỳ
của tất cả sự thần kỳ... đã được xuất viện, về với ba mẹ trong sự hân hoan vui
mừng, trong cả nước mắt và nụ cười, của rất nhiều người quen và không quen...
Cùng
khi ấy thì cháu Nguyễn Thị Kim Linh, 12 tuổi, đang quằn quại trong những cơn
đau, sự sống đang chấp chới giữa hai bờ sinh tử. Cháu bị bỏng rất nặng, gần như
toàn thân vì bị đốt. Đốt bằng xăng, nguyên một lít xăng hắt vào người rồi châm
lửa đốt. Cả người cháu bùng như một ngọn đuốc.
Người
đốt cháu, kinh khủng thay, lại là mẹ cháu, bà Nguyễn Thị Kim Vy.
Tất
nhiên đây là một gia đình nghèo, rất nghèo. Người đàn ông trụ cột gia đình đã mất.
Bé Linh đã phải nghỉ học để đi bán vé số mấy năm nay. Nguyên cái chuyện một đứa
bé chưa đầy mười tuổi đã phải nghỉ học để đi bán vé số đã là một bi kịch rồi, một
nỗi đau của chúng ta rồi. Hàng ngày chúng ta vẫn hay gặp những đứa bé đi bán vé
số, nhưng đa phần trong ấy là học sinh, học một buổi một buổi đi bán vé số lấy
tiền học. Đấy cũng đã là nỗi đau rồi. Nên nghỉ học hoàn toàn để đi bán vé số
càng là nỗi đau cứa vào ta. Và chúng ta có thể thông cảm phần nào cho người mẹ,
chắc vì không còn con đường nào khác nên đành cắn răng cho con nghỉ học để bán
vé số kiếm sống từ khi cháu chưa đầy 10 tuổi, khi con nhà người khác còn đang
phải dỗ dành từng li từng tí. Trách người mẹ và chúng ta thấy có trách nhiệm của
chính quyền nơi mẹ con cháu sống nữa. Họ đã làm gì, đã quan tâm thế nào mà để
cháu phải nghỉ học đi bán vé số?
Đến
khi, chỉ vì thiếu mấy trăm ngàn, mà người mẹ, mẹ đẻ nhé, mua xăng, chủ động đi
mua xăng chứ không phải xăng có sẵn trong nhà, đi mua tức là đã có dự định, đã
suy tính kỹ, cháu bé vừa về, sau vài câu hỏi, hất cả lít xăng vào người cháu rồi
châm lửa. Không cần kể nữa, bởi ai cũng hình dung xăng gặp lửa sẽ như thế nào?
Các
cụ có câu: Hổ dữ cũng không ăn thịt con. Chúng ta cũng chứng kiến các loại động
vật khác, từ chó, mèo, khỉ, gà vịt ngan ngỗng, trâu, bò... bảo vệ con như thế
nào? Còn ở đây, một người mẹ, đứt ruột đẻ ra con, nuôi đến 12 năm, dẫu là nuôi
bé như trong tù ngục, không được đi học, phải lê la bán vé số, nhưng vẫn là con
mình, là giọt máu của mình, là một phần xương thịt của mình, thậm chí hơn thế -
bởi rất nhiều bà mẹ, hay chính xác là
tuyệt đại đa số các bà mẹ, khi gặp tình huống cần thiết nào đó, đều sẵn sàng hy
sinh thân mình để cứu con, không suy tính, không đắn đo - tự tay đốt con mình. Châm lửa xong bỏ đi, kệ
cháu giãy giụa giữa đống lửa ngùn ngụt...
Cũng
như thế, trong xã hội hiện nay, rất nhiều người vẫn lặng thầm hy sinh, làm những
công việc từ thiện cho các bé, từ những việc cụ thể cho một bé, đến cả phong
trào rộng lớn cho hàng vạn bé, hàng triệu con người, tất cả đều từ tình thương,
từ lòng trắc ẩn, từ đức hy sinh của con người với con người...
Thế
mà, một người mẹ lại nỡ đốt con mình. Mà là đốt cho chết.
Chúng
ta cũng có thể du di cho bà mẹ này một tí, ấy là có thể chị cũng khổ quá. Quá
khổ dễ khiến cho con người mất phần người đi, chỉ còn phần con ngự trị. Nhưng
như đã nói, đến con vật cũng còn quý con thế cơ mà. Phần con của chị có thể là
cái phần con hung hãn nhất. Và cũng vì quá khổ nên chị thấy cái con số mấy trăm
ngàn mà cháu bé đánh mất (hay tiêu mất) nó lớn quá. Và trong cái cơn mù mịt tăm
tối ấy, chị đã làm điều ác hơn cả thú dữ, hay chính xác là thú dữ cũng không
làm.
Tất
nhiên là, bây giờ chị đang ân hận. Bởi nếu không ân hận chị đã hoàn toàn là một
con thú hoang. Nhưng chị vẫn còn là người. Vấn đề là sự ân hận ấy giờ đã quá muộn.
Cháu Linh đang mấp mé ở cửa sinh tử. Mà nếu trời thương cháu, cháu được sống,
thì cháu cũng sẽ không bao giờ được như cháu Phát đã nhắc ở đầu bài. Cháu Phát
có tình yêu vô bờ bến của cả bố và mẹ, và từ đấy của cả cộng đồng. Còn cháu
Linh, chắc chắn vết thương này không bao giờ liền sẹo. Và bản thân người đàn bà
này cũng sẽ không bao giờ dám nhìn vào mắt con, nếu mai này cháu còn gặp lại mẹ.
Không
ai có thể tin rằng có một người đàn bà dám cầm một con dao chọc tiết lợn đâm ngập
vào đầu cháu bé sơ sinh mười một ngày tuổi nếu như chuyện ấy không xảy ra như vừa
rồi. Và lại càng không ai có thể tin một người mẹ dám cầm cả can xăng đổ vào
người con gái mình rồi châm lửa đốt. Nhưng chuyện ấy cũng đã xảy ra. Té ra dưới
gầm trời này, mọi chuyện đều có thể xảy ra, dẫu đấy là những chuyện kinh hoàng
nhất, những chuyện không ai có thể nghĩ tới, bởi trí tưởng tượng của con người,
có phong phú đến đâu, cũng không thể có những chuyện ấy. Thế mà rồi có. Thế mà
rồi nó xảy ra trong sự bất ngờ và kinh hoàng của tất cả mọi người.
Làm
sao để những chuyện ấy không xảy ra, không thể xảy ra, không bao giờ được tiếp
diễn. Câu hỏi ấy treo lơ lửng trước chúng ta, vừa đau đớn vừa nhắc chúng ta cảnh
giác.
Con
người, thì ra, trong tận cùng ngóc ngách tâm hồn, vẫn có những điểm đen khốn nạn.
Làm sao để những điểm đen ấy mãi mãi ngủ quên, mãi mãi bị lãng quên, để con người
mãi mãi sống trong yên bình và hạnh phúc?
Tôi
vẫn tin ở phần tốt đẹp của con người. Vẫn tin, tất cả các bà mẹ đều vĩ đại và vị
tha. Tất cả phụ nữ đều xinh đẹp, dịu dàng, tốt bụng và thấm đẫm đức hy sinh...
3 nhận xét:
Xã hội suy đồi đến thế này nhưng cứ nhớ câu nói của bà Phó Doan "Chế độ ta tốt đẹp gáp vạn lần Tư Bản" thì tôi nghĩ người dân cùng cực đến mức giết con mình như trên cũng là điều...không bất ngờ.
Nhìn đâu cũng thấy tội ác. Tôi nhận thấy, trong lòng nhiều người, dường như đang cố kìm nén một điều gì đó. Cái gì gây nên tình trạng này và làm thế nào để giải thoát?
Vũ Xuân Tửu
"Cái gì gây ra tình trạng này" câu hỏi của ông Tửu"tromg lòng nhiều người"biết nhưng nói ra...chết liền
Đăng nhận xét