Và, phải nói thật với nhau, trong
chúng ta có ai làm việc gì đấy, từ nhỏ như sửa cái cổng, mua cái xe, đến lớn
như làm nhà, dựng vợ gả chồng, ma chay… mà không xem thầy xem ngày không, không
sửa lễ cúng bái không? Và cũng không biết liệt những việc ấy vào phong tục hay
hủ tục nhỉ?...
-------------
Mấy
chục năm sống ở Tây Nguyên, tôi đã chứng kiến nhiều hủ tục và phong tục.
Hủ
tục thì đương nhiên dần dần sẽ phải bỏ, vừa cưỡng bức bỏ vừa tự nguyện bỏ khi
ánh sáng của văn minh chứng minh được là nó vớ vẩn, thậm chí kinh khủng. Ví dụ
cái đoạn chôn chung của người Tây Nguyên. Cả nhà, cả họ chỉ có một cái hòm bằng
cây gỗ ấy, ai chết trong thời gian gần nhau, thường là trên dưới một năm, thì đều…
nhét chung vào đấy. Nhớ nghệ sĩ nhân dân Xuân La, trong một lần đi tiếp xúc cử
tri với tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh cách đây chục năm, khi về đã
xanh mặt kể với tôi: Tao thấy người ta lôi cái xác trong hòm ra, rồi xếp người
mới chết vào. Cái xác cũ trương phềnh lên mà cái hòm chật quá nên hai ba người
phải đứng lên bụng dậm chân cho nó phọt nước ra, xẹp lại lấy chỗ nhét xác mới,
thối vô cùng. Mà chị là người H’re, cũng đã quen với phong tục chôn chung rồi đấy.
Hay cái tục săn đầu người của người Dẻ Triêng một thời. Tục ấy là mỗi năm làng
phải săn được một cái đầu người làng khác để cúng làng mình thì làng mình mới
yên ổn, không bị dịch bệnh, mất mùa, hỏa hoạn... Mà làng nào cũng phải đi rình
săn đầu người làng khác thành ra chiến tranh giữa các làng xảy ra liên miên.
Ngay tục ăn trâu bây giờ, thì đầu tiên con trâu chính là con người, những tù
binh bị bắt trong các cuộc giao chiến giữa các làng, các bộ tộc. Sau này văn
minh lên, người ta dùng trâu làm vật tế thần, tù binh được giữ lại làm nô lệ. Còn
phong tục, cũng qua sàng lọc, cái nào thích nghi và tiến bộ thì tồn tại, thậm
chí được phát huy, cái nào lạc hậu, phản nhân văn, trở thành hủ tục, thì đương
nhiên sẽ bị loại bỏ. Nhiều phong tục được nêu trong hương ước (luật tục) của
người Tây Nguyên rất nhân văn, như chặt cây to phải đền cây con, như tục vay sữa,
người phụ nữ khi không có sữa thì ra vay sữa cây sung, đến khi con lớn thì trồng
cây khác để trả ơn, như tục đi vào rừng thấy tổ ong chưa bắt thì đánh dấu vào đấy
sẽ không ai xâm phạm, tục đi săn không bao giờ bắn con còn nhỏ, con đang chửa,
bắt voi rừng chỉ bắt voi con vân vân…
Chỉ
nói riêng ở Gia Lai nơi tôi đang sống thôi, nhiều hủ tục giờ hầu như chỉ còn
trong dĩ vãng, nhiều người muốn “nghiên cứu” lại cũng chả còn, ví dụ như lặn nước,
đổ chì để phân định đúng sai. Ví dụ như chôn chung, như vẫn bón thức ăn cho người
chết sau khi đã chôn hàng tháng vân vân... Nhưng vẫn còn những hủ tục đang tồn
tại, thảng hoặc đâu đó, ta vẫn nghe chuyện ma lai, chuyện thư, chuyện mẹ chết
thì chôn theo con…
Là
đứng dưới góc độ văn minh mà xét, chứ khi một hiện tượng đã tồn tại, dù lâu dù
mau, nó phải có lý của nó, kể cả đấy là hủ tục man rợ nhất. Lấy ví dụ hủ tục mẹ
chết thì chôn theo con. Ai cũng biết người Tây Nguyên thời còn lạc hậu, khi đẻ
người phụ nữ phải tự làm lấy mọi thứ. Giờ chuẩn bị sinh các bà mẹ trẻ và gia
đình của họ lo lắng chuẩn bị từng ly từng tí, còn phụ nữ Tây Nguyên ư, tự vào rừng,
làm một cái chòi, chuẩn bị ít mì, đu đủ, gạo, củi… vào đấy tự sinh, xong xuôi
thì bế con về. Và trong hoàn cảnh ấy, thì nếu người mẹ chẳng may chết (hiện tượng
chết này rất nhiều do sự thiếu thốn lạc hậu đủ bề), nếu để đứa bé thì cũng
không cách gì có thể nuôi được. Chúng ta giờ có lồng ấp, có các phương tiện hiện
đại, bác sĩ giỏi, các loại sữa đủ để thay sữa mẹ mà nuôi những đứa bé như thế
còn khó khăn, thì thử hỏi người nhà đứa bé ở giữa rừng, lạc hậu như thế, đói khổ
như thế, thiếu thốn như thế… có thể làm gì khi mẹ chúng mất, nguồn sữa duy nhất
nuôi bé không còn. Cách tốt nhất trong hoàn cảnh ấy là cho đứa bé đi theo mẹ.
Và trong hoàn cảnh ấy có thể hành động ấy là nhân văn với họ. Nhưng giờ, chỉ
nghe nói thế là đã gai cả người. Ánh sáng của văn minh đẩy lùi hủ tục là như thế.
Có
những việc không phải hủ tục mà là phong tục, như lễ bỏ mả. Cái lễ này nó cũng
như việc người Kinh cúng giỗ, gần gần hơn với làm lễ hết tang. Khi đủ điều kiện
thì người Tây Nguyên tổ chức lễ bỏ mả. Đây là một cái lễ rất lớn, một hoạt động
văn hóa trọng thể kéo dài so với các lễ khác. Cũng có nhiều ý kiến về lễ này,
như có người bảo lãng phí, vì mỗi lễ bỏ mả như thế có khi người ta làm đến mấy
chục con bò chưa kể lợn dê gà, hàng mấy trăm ghè rượu vân vân. Thực ra cái gọi
là lãng phí thì… người Kinh lãng phí hơn nhiều. Nên nhớ một gia đình người Tây
Nguyên có khi cả đời họ mới tổ chức một lễ bỏ mả, bỏ một lúc cho nhiều người.
Và dịp ấy họ mới làm bò. Còn chúng ta, ngày nào chả ăn thịt. Mà khách trong các
cuộc bỏ mả ấy rất đông, cả khách được mời và khách đi qua ghé vào, khách tò mò
đến xem… đều được mời ăn mời uống, thậm chí được chia phần mang về. Có chăng
cái phần cần phải xử lý là vệ sinh thực phẩm và môi trường. Hãy hình dung, ở những
khu nhà mả hẻo lánh ấy, phân, máu súc vật, nước lại hiếm, nền đất và cỏ, hàng
trăm con người ăn uống nhảy múa… thì việc vệ sinh hoàn toàn có thể hiểu là bằng
không. Rất nhiều cuộc ngộ độc tập thể xuất phát từ các cuộc như thế này…
Trong
đời sống hiện nay, có nhiều phong tục đẹp đang trở thành hủ tục.
Như
việc đi lễ chùa chiền đang bị biến tướng thành nơi xin xỏ cầu ước rất tầm thường.
Các di tích lịch sử văn hóa đang trở thành nơi buôn thần bán thánh rất thực dụng.
Các nhân vật lịch sử, các anh hùng dân tộc đang bị biến thành những thế lực để
phân phát quyền và tiền. Thậm chí người ta đi vay tiền ở các vị danh nhân rồi
trả gấp ba bốn lần như thế. Hay như nạn cưới xin rùm beng đang thành gánh nặng
với những gia đình thu nhập thấp. Việc thăm nhau đang bị biến tướng thành đi “lễ”,
đi “tết” với túi to nhỏ các loại…
Và,
phải nói thật với nhau, trong chúng ta có ai làm việc gì đấy, từ nhỏ như sửa
cái cổng, mua cái xe, đến lớn như làm nhà, dựng vợ gả chồng, ma chay… mà không
xem thầy xem ngày không, không sửa lễ cúng bái không? Và cũng không biết liệt
những việc ấy vào phong tục hay hủ tục nhỉ?...
3 nhận xét:
Bài viết phản ánh không đúng với những phong tục đã có của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đề nghị tác giả ngiên cứu lại.
cháu thêm 1 tý về phong tục hay hủ tục. Thời gian gần đây, cháu hay phải đi dự, đi chụp đám cưới, từ trạm ngõ, ăn hỏi, đến xin dâu, rước dâu,lại mặt,... nhà nào cũng bảo theo phong... tục, cháu hỏi phong tục nào ở đâu, toàn ước lệ...mồm, chỉ có hiến pháp Việt là văn bản cố định thôi, nhất là những đám nhờ ông chú, bác,và nhiều nhất là người dẫn chương trình,... nói sai bét nhè, ko xin lỗi đc, chán ko thể tưởng đc. Gía như nhà nước hay bộ văn hóa, TT và dl và các ngành liên quan tổ chức hội thảo nhỉ, chử chẳng nhà nào có thường kỳ đám ma, đám cưới để mà thuộc hành lễ đâu.nhỉ? nhiều khi tức ko chịu đc
Múa tay qua mắt thầy tí: theo tôi hiểu thì trong phong tục có hủ tục và ...mỹ tục. Anh Hùng xem lại, xin lỗi anh thông cảm.
Đăng nhận xét