Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

DƯA HẤU KHÔNG PHẢI LÀ BINH NHÌ...



Sự “giải cứu” lạ đến nỗi ngay bộ Công thương, thay vì đề ra các chính sách để chỉ cho bà con nông dân trồng hoa màu làm sao để không ứ, không bị lụt không bị hạn, trồng rồi thu hoạch có nơi tiêu thụ… thì lại cũng biến thành anh hàng xén, đánh xe đi mua dưa về “giải cứu” cho bà con theo kiểu rất cò con, tiểu nông và vô cùng tự phát rị mọ…
-------------



          Tôi đang ở một khách sạn trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, sát ngay cạnh một nhà hàng. Tối nay, sau khi hết khách thì có một xe tải chở dưa cập vào nhà hàng, toàn bộ nhân viên nhà hàng ra bốc dưa. Một tấm biển căng lên: Mỗi quả dưa, một tấm lòng.

          Trước đó, một phong trào được phát động trên mạng xã hội sau khi có thông tin là do bị lũ tràn về bất ngờ mà dưa của bà con Quảng Nam có cơ bị thối hết. Những cư dân mạng, đa phần là thanh niên, đã đồng lòng mở một chiến dịch mua dưa ủng hộ bà con nông dân. Và phong trào nó lôi cuốn đến nỗi, cán bộ công nhân viên của Bộ Công thương cũng ào ạt tham gia, đánh xe vào Quảng Nam mua dưa về bán ngay tại cổng cơ quan bộ.

          Nghe nói đến hàng ngàn tấn dưa đã được tiêu thụ. Tất nhiên giá bản rẻ hơn so với những gì bà con nông dân mong đợi, nhưng so với giá hiện tại cũng như nguy cơ mất trắng thì việc làm này đã giúp bà con nông dân rất nhiều, ít nhất họ thu lại được một phần mồ hôi nước mắt của họ.

          Nhưng, ngay khi cuộc “giải cứu” dưa đang cao trào thì lại có thông tin hành tím của bà con tỉnh khác cũng đang… ế. Dưa thì còn có thể cố lên, mỗi nhà thêm dăm ba quả, xay nước bỏ tủ lạnh uống dần chứ hành, quả là khó để có chiến dịch “giải cứu” như dưa, dù có anh bạn kể, để giúp bà con, bữa ăn nào anh cũng thái một bát hành trộn nước mắm, dấm… ăn với cơm thay thức ăn.

          Và cứ đà này, rồi sẽ có hàng loạt các loại nông sản khác cần giải cứu. Và chúng ta, những người tiêu dùng thông thái, lại trở thành những người đi làm từ thiện, loay hoay như gà mắc tóc giữa ma trận tự phát.

          Đang có hẳn một chiến dịch trồng cây Mắc ca, loại cây nghe nói là cây tiền tỉ, nhưng chưa ai biết rõ nó như thế nào. Biết đâu vài năm nữa, chúng ta lại tiếp tục “giải cứu” mắc ca?

          Sự “giải cứu” lạ đến nỗi ngay bộ Công thương, thay vì đề ra các chính sách để chỉ cho bà con nông dân trồng hoa màu làm sao để không ứ, không bị lụt không bị hạn, trồng rồi thu hoạch có nơi tiêu thụ… thì lại cũng biến thành anh hàng xén, đánh xe đi mua dưa về “giải cứu” cho bà con theo kiểu rất cò con, tiểu nông và vô cùng tự phát rị mọ…

          Nhà nước, thay vì có kế hoạch tối ưu cho bà con nông dân để họ nuôi “con gì”, trồng “cây gì” cho hợp đất hợp khí hậu hợp đầu ra đầu vào thì lại cũng như các cư dân mạng, “giải cứu” sản phẩm của bà con một cách vừa hăm hở vừa… mờ mịt.

          Sự vào cuộc của cư dân mạng thời gian vừa qua là vô cùng quý đối với sự trắng tay nhãn tiền của bà con nông dân. Nhưng rõ ràng là chỉ trong trường hợp cụ thể với những quả dưa của nông dân Quảng Nam, và cũng chỉ cứu được phần nào chứ không phải là cuộc “giải cứu hoàn hảo” như giải cứu ông binh nhì trong bộ phim nổi tiếng nào đó. Và nếu cứ tiếp tục như thế này, dân ta sẽ lần lượt phải “giải cứu” đủ thứ, và đến lúc nó bão hòa, thì sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội, và người dân trở thành những hiệp sĩ bất đắc dĩ. Nó biến nền kinh tế của chúng ta thành nền kinh tế tự phát mang nặng âm hưởng tình thương, và lúc ấy, miếng ăn trở thành ân nghĩa, thành nghĩa vụ, chứ không phải là sự tự nguyện khoái khẩu, để nó thuần là sự sòng phẳng của một nền sản xuất lành mạnh…
                                                               

5 nhận xét:

Nặc danh nói...

giá xăng.giá điện tăng thì bộ còn có động lực "thúc đẩy"chứ dưa hấu tăng hay giảm thì ảnh hưởng gì đến bộ.có lo thì ông An Tiêm và mấy ông Hiệp Sỹ với Bà Con trồng dưa lo giải cứu thôi.

Nặc danh nói...

Bộ Công Thương đang tập trung nghiên cứu tăng giá xăng dầu,điện,than cho phù hợp với tinh thần nghị quyết Công nghiệp là chủ đạo của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.Giá nông sản,trồng cây gì,nuôi con gì đã được phổ biến,truyền đạt,thấm nhuần từ thời TBT Nông Đức Mạnh lâu rồi.Bây giờ BỘ tập trung nghiên cứu làm sao để đến năm 2020 tiến tới Công nghiệp hóa,Hóa học hóa rồi Hóa giá hóa

Vũ Xuân Tửu nói...

Ở vùng tôi, bao nhiêu năm nay phát động bao nhiêu phong trào, nào trồng chuối, trồng dứa, trồng cà-phê, trồng mơ lai... Mấy ông trên vẽ ra viễn cảnh xây dựng nhà máy chế biến hoa quả, sẽ tiêu thụ hết. Nửa thế kỷ nay, bao nhiêu cây, bao nhiêu mồ hôi, nước mắt của nông dân đổ xuống sông Lô và suối ngàn. Hình như, người ta chỉ nghĩ cách bán cây giống và chơi trò dự án thì phải? Chả thấy nhà máy chế biến hoa quả nào. Thế là các loại hoa quả ấy, dân tự ăn chẳng hết, bán không có người mua, cây thay nhau lụi tàn. Bây giờ, dân nghĩ ra cách trồng bưởi lại hóa hay, có nhà, một cây bưởi mà thu mỗi vụ trên chục triệu đồng, bảo quản cũng dễ, chả cần nhà máy chế biến hoa quả gì sất. Từ ngàn đời nay, dân ta luôn tự biết tìm đường sống cho mình.
Vũ Xuân Tửu

Unknown nói...

Mọi hành động của cộng đồng , giúp đỡ những người nông dân trồng dưa là rất đáng quý , nhưng đó chỉ là giải pháp nhất thời . Mấy chục năm rồi mà cứ loay hoay " nuôi con gì , trồng cây gì " mấy ổng làm chính sách cứ như ngồi trên mây . Cái cần ở đây là một chính sách ở tầm vĩ mô , tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp ở nhiều nước khác , không nên quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc . Những lúc này cần sự vào cuộc của nhà nước , không thể cứ để người nông dân tự bơi như vậy được . Nếu cứ như hiện nay thì đến hẹn lại lên , tình cảnh dưa ế , hành ế ...lại tái diễn, lúc đó cộng đồng có thể cứu mãi được không
Câu nói ( Tăng giá điện 7,5% không ảnh hưởng tới nền kinh tế ) đó là câu nói của các nhà làm kinh tế ( !)
Các Bác cứ xem lại hoá đơn tiền điện tháng 4 so với mấy tháng trước đó là biết ngay . Mỗi lần điện , xăng tăng giá nó ảnh hưởng rất lớn tới xã hội

TNC nói...

Có bài viết của Nguyễn Quảng năm 2013 về vấn đề này hay lắm (không muốn dẫn đường link vào nhà người khác).
Nhưng hãy nhìn ở một góc độ khác là Nông dân xứ ta vẫn tư duy theo kiểu ... (Không biết dùng từ gì cho khỏi xúc phạm)
Ở một vùng nọ, nông dân nhận chăn nuôi lợn vệ tinh cho một doanh nghiệp với hàng tá cam kết. Đến ngày cân lợn, có mấy anh thương lái “lạ” chắc (của nước lạ) vào cân với giá cao hơn. Thế là bể hợp đông, bể cam kết. Lình xình mãi vẫn không gỡ xong.
Ở một vùng nọ thấy trồng cây khoai lang cho thu hoạch cao và được thương lái nước lạ ưa chuộng. Thế là khắp nơi khoai mọc lên và một ngày đẹp trời... người thu mua thì mất hút con mẹ hàng lươn, hậu quả hu hu ...
Mới cân được ít dưa hấu sang nước lạ. Chưa gì đã thòi cái tính xấu ra, bơm nước vào dưa cho nặng. Nước lạ nó biết, nó chỉ cần giam xe ở cửa khẩu cho 2 ngày là dưa thối... lại khóc và chửi nhặng xị lên...
Ở một vùng thuần nông mà cả huyện không tìm ra được một ông kỹ sư nông nghiệp chính quy. Còn cán bộ xã thì cần có bằng Đại học để chuẩn hóa thì thi nhau học Đại học tại chức ngành kinh tế....