Thứ Bảy, 1 tháng 11, 2014

LẠI VẪN CHUYỆN NHỮNG ĐỐNG RƠM

bài này báo KHAMPHA.VN đặt, nó khác hoàn toàn bài đống rơm hôm nọ.



Nhưng khi mà chỉ cần bằng giả người ta vẫn làm được việc, chủ yếu là làm lãnh đạo, và làm trong thời gian dài, ở nhiều cương vị, cương vị sau lớn hơn cương vị trước, thì chúng ta phải xem lại, rõ ràng là có “lỗi hệ thống”....
-----------




          Dân Việt ta có nhiều chuyện tiếu tâm hay, trong đó chuyện đống rơm vừa hài vừa thâm thúy, ấy là chuyện, tôi bị lộ thì tôi chịu chứ tôi cương quyết không khai các đồng chí đang núp trong đống rơm.

          Đống rơm của người nông dân Việt có rất nhiều tác dụng. Nó dùng để trữ chất đốt cho mùa mưa, thức ăn (cho trâu bò) mùa đông, có thể cất nông sản như hành, khoai tây… ở dưới rồi đánh rơm lên, có thể trú mưa, che nắng… và lãng mạn hơn, thi thoảng có chàng nàng nào hẹn nhau ở đống rơm trò chuyện, rồi khuya, cứ chui dần chui dần vào trong, chỉ còn nghe rơm hổn hển…

          Nó nhiều công dụng thế, nên giờ dân ta cũng gán cho nó nhiều chuyện từ… đống rơm.

          Mới nhất là chuyện người ta phát hiện ra rất nhiều người sử dụng bằng giả để làm việc nhà nước- chỉ làm việc nhà nước thôi, chứ tư nhân hay nước ngoài người ta không quan tâm mấy đến bằng nên không có nạn bằng giả…

          Vào Goolge Search câu lệnh  “cán bộ huyện sử dụng bằng giả” thì chỉ trong 0,22 giây ta có khoảng 517.000 kết quả  đủ thấy  việc này nó “dữ dội” đến mức nào. Mới nhất, một tờ báo đưa tin: chỉ riêng huyện Hậu Lộc của tỉnh Thanh Hóa, kiểm tra sơ bộ đã có 160 hồ sơ cán bộ có vấn đề! Và còn mới hơn nữa, tỉnh ủy Gia Lai vừa ra quyết định cảnh cáo ông Huỳnh Ngọc Tục về tội sử dụng bằng cấp 3 giả để học đại học Luật tại chức và cao cấp chính trị. Nhờ 2 cái bằng này mà ông trở thành tỉnh ủy viên, bí thư huyện ủy, và hiện tại là giám đốc sở Công thương Gia Lai. Ngoài ra tỉnh còn có công văn đề nghị đại học Luật và học viện chính trị quốc gia thu hồi hai cái bằng thật nhưng có từ bằng giả của ông này. Trước đó không lâu, cũng ở tỉnh Gia Lai người ta phát hiện một ông, nguyên là chánh văn phòng sở Tài nguyên môi trường, hiện là giám đốc trung tâm kỹ thuật địa chính tỉnh, cũng xài bằng giả. Chưa nói nhân cách phẩm chất, chỉ mới nói đến quy chuẩn cán bộ, giờ lôi chuyện bằng cấp ra, khối anh phải xuất hiện từ đống rơm. Nên dân ta có câu rất hay: kính thưa các đồng chí chưa bị lộ.

Vấn đề là tại sao người ta lại phải dùng bằng giả, và tại sao lại dễ lọt bằng giả đến như thế?

          Rõ ràng là tại cơ chế của chúng ta đã quá “thần thánh” hóa bằng cấp, coi bằng cấp là cái gậy vạn năng để vào đời, dẫn đến, người người cần bằng, nhà nhà bằng mọi cách để có bằng, nên nhất loạt học sinh tốt nghiệp phổ thông phải thi vào đại học, nên, công chức bằng mọi giá phải có bằng, và cái nạn tất cả các trường đại học mở “việc phụ” nhưng là thu nhập chính bắt đầu tràn lan, ấy là mở tại chức, từ xa, mở… khắp hang cùng ngõ hẻm. Đến mức, nguyên bộ trưởng bộ Giáo dục thời ấy phải nói: "Nguồn thu chủ yếu của các trường đại học hiện nay là đào tạo tại chức. Chúng tôi cũng có nhận thức được bất cập đào tạo, nhưng giải quyết thì phải có lộ trình. Nếu siết chặt ngay thì ảnh hưởng đến "nồi cơm" của họ". Nhưng sản phẩm của "nồi cơm" ấy ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội như thế nào thì bộ trưởng không nói…

          Nhưng khi mà chỉ cần bằng giả người ta vẫn làm được việc, chủ yếu là làm lãnh đạo, và làm trong thời gian dài, ở nhiều cương vị, cương vị sau lớn hơn cương vị trước, thì chúng ta phải xem lại, rõ ràng là có “lỗi hệ thống”.

          Điều rõ ràng mà ai cũng thấy là, không cần phải thần thánh hóa bằng cấp đến thế, hay nói cách khác, bằng cấp chỉ là cái cớ để chúng ta hành nhau. Các doanh nghiệp tư nhân hay nước ngoài, họ không quan trọng chuyện bằng cấp, nó chỉ là tiêu chuẩn đủ thôi, còn họ sẽ phỏng vấn trực tiếp, nếu được họ sẽ tự đào tạo lại. Ôi cái bằng cấp của ta lúc này mới lộ hết sự trần trụi của nó.

          Chúng ta có một hệ thống tổ chức- nội vụ rất hoành tráng và nhiều quyền từ trung ương tới địa phương, nhưng chính hệ thống này vừa chặt chẽ lại vừa lỏng lẻo khiến cho việc bằng giả tràn lan như hiện nay. Bởi họ rất quan liêu, chỉ liếc qua bằng mà không cần biết người cầm bằng học hành ra sao, khả năng thực sự thế nào?

          Chính vì thế mà có lẽ chúng ta phải rất cầu thị xem lại xem chúng ta có thật sự cần bằng cấp đến thế không? Tôi nói thật, cũng từng là người ngồi phỏng vấn, sinh viên văn khoa ra trường mà không thảo nổi một cái đơn, một cái giấy mời, không phân biệt được Nguyên Hồng với Nguyễn Tuân… thì có nên coi trọng bằng cấp không? Tại sao ta không căn cứ vào chất lượng và kết quả công việc họ làm thực tế mà lại cứ phải lấy bằng cấp làm gốc, để rồi phải ra các chỉ tiêu trên trời như đến năm bao nhiêu thì có bao nhiêu tiến sĩ…

          Và nạn bằng cấp đã khiến cho hệ thống của chúng ta yếu kém, bởi từng công chức ở khâu của họ kém.  Nhưng rồi cũng không đổ lỗi cho họ được, bởi chúng ta có căn cứ chất lượng công việc đâu, có khoán đâu?

          Để cất cánh, chúng ta cần từng công chức một phải làm đủ và hết công việc của mình, một cách tự giác và tự trọng. Nhưng có vẻ như, sự tự giác và tự trọng hơi thiếu trong xã hội hiện nay???

          Nên những đống rơm vẫn vừa thân thuộc vừa rất bí ẩn với chúng ta.
                                                                             VĂN CÔNG HÙNG

         


 

3 nhận xét:

Unknown nói...

may mà nó không thuổng bài của chú thế là lại có 500.000 vnd chú nhỉ. Chúc chú mạnh khỏe, viết đều

nặc danh nói...

@ VCH:
Bằng cấp theo tui hiểu thì nó rất quan trọng, vì bằng cấp xác nhận trình độ của một người trong một lĩnh vực nào đó. Do đó nếu không dựa vào bằng cấp để sử dụng lao động mà chỉ dựa vào cảm tính rằng anh này giỏi anh kia kém là việc làm tào lao không hiểu gì về học thuật.
Muốn có bằng cấp thì phải có năng lực học tập nghiên cứu. không phải ai cũng có thể đạt được bằng cấp mong muốn, vì vậy mới sinh ra bằng cấp thật trình độ giả. Cho nên phải hiểu là không có "nạn bằng cấp" mà chỉ có "nạn đội lốt bằng cấp".

Nặc danh nói...

Lên báo lao động xem kết quả xử lý nhé!