Thứ Ba, 2 tháng 9, 2014

ĐĂK PƠ- NHỮNG LINH HỒN BẤT TỬ



Vậy thì ai, cấp nào sẽ tiến hành các công việc tiếp theo, ấy là tổ chức tìm, trước hết là từ các nhân chứng là các chiến  sĩ cũ của trung đoàn, những người dân địa phương tham gia, phục vụ và chứng kiến trận đánh  đang leo lét như đèn dầu trước gió đây, để có kế hoạch khai quật, tìm kiếm các liệt sĩ, không chỉ của trung đoàn 96…
----------


          Học lịch sử phổ thông, nếu ai chịu học, sẽ nghe nói đến trận Đăk Pơ, hay còn gọi là trận GM Xăng (GM 100). Đây là một trận đánh rất lớn của quân đội ta thời ấy. Đối thủ là một binh đoàn chủ lực, thuộc loại mạnh nhất của quân đội Pháp được điều từ chiến trường Triều Tiên sang để làm xương sống cho kế hoạch Át Lăng. Toàn bộ quân số của binh đoàn lên tới 3.900 người với trang thiết bị vũ khí hiện đại nhất so với thời đó gồm pháo, tăng, thiết giáp, xe đặc chủng… bên ta quân số gồm có trung đoàn 96 có sự tăng cường của 1 đại đội thuộc trung đoàn 120, tất cả tổng cộng chừng 600 người. Và cái cổ họng ngay suối Đăk Pơ được quân ta chọn là nơi quyết chiến. Kể nữa nó sẽ là tường thuật lịch sử, nhưng cũng cần nói tí về những con số, ấy là toàn bộ binh đoàn bị tiêu diệt và tan rã. Chết 500, bị thương 600 và bị bắt 800 trong đó có quan năm Ba Ru. Bên ta, 147 chiến sĩ hy sinh cho đến giờ vẫn chưa tìm được hài cốt…

          Trận Đăk Pơ này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá “Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng có hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề…”. Nó chính là cú huých cuối cùng cùng với trận Điện Biên Phủ buộc Pháp ngồi vào bàn đàm phán ở hội nghị Giơ Ne Vơ…

          Mấy năm nay tôi như là người được cột duyên nợ với Đăk Pơ, với các cựu quân nhân trung đoàn 96 còn sống đến giờ. Món nợ ấy vô tình đến từ bài bút ký của tôi, thực ra thì tôi viết đến 3 bài báo lẻ in báo Gia Lai, Người Lao Động, sau gộp lại thành một cái bút ký in ở Tạp chí Văn Nghệ Gia Lai, báo Văn Nghệ và sau đó đưa lên trang Weblog cá nhân. Không kể số lượt đọc ở các báo, chỉ riêng trên blog của tôi đã có gần một nghìn comment, một số lượng thuộc loại khủng đối với một entry trên blog, mà lại viết về lịch sử, về chiến tranh cách mạng chứ không phải nội y, vòng một vòng 2 hay các scandal của các người đẹp. Các comment mà tôi đã phải viết tiếp một bài là “Những comment thắt lòng” phần lớn là của các bác cựu chiến binh, người trẻ nhất cũng đã hơn bảy chục tuổi, còn lại là tám chín mươi, nhưng đều xa xót đau đáu việc các đồng đội của mình, những người cùng mình một thời tuổi trẻ, chịu đói khát sốt rét bệnh tật, và giờ vẫn nằm đâu đó ở Đăk Pơ, mà theo các con số chính thức là một trăm bốn bảy liệt sĩ, nhưng khi đi sâu tìm hiểu thì tôi biết đây mới chỉ là con số liệt sĩ của trung đoàn 96, chưa tính bộ đội địa phương, dân quân du kích. Nơi này rất gần làng S’tơ tức Kông Hoa của anh hùng Núp, và chính ông Núp thời ấy cũng tham gia vào việc dẫn đường cho bộ đội “điều nghiên” trận địa, mà một trong những anh bộ đội ấy au này là nhà văn Nguyên Ngọc. Rồi còn người của phía bên kia. Cuộc chiến này đã qua sáu mươi năm rồi, suốt sáu mươi năm qua, các linh hồn cả hai phía có khi đã làm quen với nhau, chơi với nhau, kịp trở thành bạn bè của nhau…

          Một kế hoạch được vạch ra để đáp ứng nguyện vọng thiết tha của các cựu chiến binh. Bí thư huyện ủy Đăk Pơ trực tiếp chủ trì làm đề án, nhờ giám đốc chi nhánh ngân hàng nhà nước Gia Lai, một người cũng từng là cán bộ ở rừng ra, rất tâm huyết với việc đền ơn đáp nghĩa, cầm ra Hà Nội gõ cửa… chào hàng. Trong bộ hồ  sơ ấy có… bài báo của tôi. Và kết quả vượt ra ngoài ước mong, mười chín tỉ đã được duyệt để xây ở đây một đài chiến thắng và đền tưởng niệm do hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đóng góp thông qua Ngân hàng Nhà nước Trung ương. Ban đầu ý định là xây một tượng đài chiến thắng, các cụ cựu chiến binh cương quyết không chịu. Một mặt là comment vào blog của tôi, một mặt điện thoại, gửi đơn… đến những nơi có thể gửi.  Các cụ bảo: tượng đài chiến thắng thì cả nước ta chỗ nào cũng có rồi, cả đất nước ta là một tượng đài rồi, nhưng một chỗ cắm hương cho anh em thì chưa có. Trong khi chưa có điều kiện quy tập anh em về, nói chính xác chưa tìm được di hài các liệt sĩ, thì phải làm một cái đền thờ chung cho anh em có chỗ về trú ngụ, sinh hoạt. Và rồi cái ước nguyện chính đáng ấy cũng được đáp ứng bằng cách là có cả tượng cả đền. Trong khả năng của mình, tôi cũng đi “nhỏ to” với một số bác có trách nhiệm tham mưu, thiết kế, và trong khi trình bày ý tưởng các bác ấy lồng vào, và rồi thành công. Bởi rất nhiều bác cựu chiến binh khóc thật sự, họ bảo giờ tôi không biết trông cậy vào ai, chỉ biết nhờ “nhà báo cách mạng VCH” giúp thôi. Nghe có vẻ hài hước, nhưng có tiếp xúc mới biết tình cảm của các bác là thiêng liêng, không ai được phép thờ ơ.

          Tiếp xúc mới thấy, té ra dù đã hơn nửa thế kỷ, chính xác là sáu mươi năm, nhưng canh cánh trong lòng các cụ cựu chiến binh vẫn là việc những đồng đội của họ chưa tìm về được, dù các cụ, có người quân hàm đến thượng tướng như bác Nguyễn Minh Châu, còn phần lớn là đại tá, thượng tá. Thượng tướng Nguyễn Minh Châu mới mất năm ngoái, một số cựu chiến binh trung đoàn 96 còn khỏe thì con cháu đưa đến viếng thượng tướng, và tại đám tang ấy, chuyện 147 liệt sĩ trận Đăk Pơ vẫn được nhắc, và họ hứa với linh hồn thủ trưởng cũ của mình, sẽ tiếp tục… kêu cho đến khi nhắm mắt xuôi tay như thủ trưởng, nếu vẫn chưa có chỗ thờ liệt sĩ thì con cháu của họ sẽ tiếp tục.

          Tỉnh Gia Lai vừa long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 chiến thắng Đăk Pơ và lễ động thổ xây tượng đài đền thờ liệt sĩ trận Đăk Pơ. Nhiều cựu chiến binh được mời về, nhưng chỉ có một số bác về được khi có con cháu đưa đi. Đại tá Nguyễn Thị Minh Hoài, nguyên phóng viên báo Quân Đội Nhân dân là người được ủy quyền đưa 2 bác cựu chiến binh từ Hà Nội vào dự lễ. Một bác là Trương Quang Quyền (sau này hình như làm ở Ban tổ chức Trung ương), một bác là Nguyễn Tấn Phát-sau này là Đại tá, trưởng khoa của Học viện Chính trị- Quân sự, khi đó hai bác là lính trực tiếp đánh nhau trong trận Đăk Pơ. Bác Quyền khi thay mặt ban liên lạc trung đoàn phát biểu đã khóc nấc lên trên bục, ban tổ chức phải cho người túc trực để… đỡ và cấp cứu. Số cựu chiến binh về được trong ngày kỷ niệm chiến thắng và khởi công xây dựng đền thờ ít lắm, đếm trên đầu ngón tay. Hiện nay theo chúng tôi được biết, số cựu chiến binh trung đoàn 96 còn một số bác ở rải rác các tỉnh thành: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Đồng Nai, Thanh Hóa và các tỉnh Nam Miền Trung…


          Bây giờ 147 liệt sĩ, cứ tạm cho con số này là chính xác, vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Sáu mươi năm rồi, cát bụi cả rồi, nhưng vẫn đau đáu trong thân nhân và đồng đội các liệt sĩ cái khát vọng tìm lại được, quy tập về một chỗ, có thể là ngay phía sau đền tưởng niệm. Nhưng, như những gì tôi đã chứng kiến, những chứng nhân cuối cùng của trận thắng oai hùng này đã rất già yếu, đi đã phải có người dìu, mà cũng chỉ một số bác đi được, còn lại là ngồi một chỗ và ngóng. Gần một nghìn comment trong blog của tôi phần nhiều là các bác đọc và nhờ con cháu gõ và post lên. Vậy thì ai, cấp nào sẽ tiến hành các công việc tiếp theo, ấy là tổ chức tìm, trước hết là từ các nhân chứng là các chiến  sĩ cũ của trung đoàn, những người dân địa phương tham gia, phục vụ và chứng kiến trận đánh  đang leo lét như đèn dầu trước gió đây, để có kế hoạch khai quật, tìm kiếm các liệt sĩ, không chỉ của trung đoàn 96…

          Sáu mươi năm, những linh hồn liệt sĩ vẫn bất tử, nhưng không có nghĩa là không cần đến sự ra tay ngay lập tức của chúng ta để các liệt sĩ yên lòng bất tử…

          Trước khi đóng bài viết này, chúng tôi nhận được tin sốt dẻo từ anh Trần Hữu Đức, bí thư huyện ủy Đăk Pơ: đội K52 của tỉnh đội Gia Lai đã chính thức được giao nhiệm vụ đi tìm và quy tập hài cốt các liệt sĩ trong trận Đăk Pơ, hiện một số cán bộ chiến sĩ của đội đang đi tìm các nhân chứng, vẽ sơ đồ, khảo sát… để tiến hành quy tập. Cầu mong cho mọi việc hanh thông để các liệt sĩ an lòng và người sống cũng thanh thản…
  
                                                               


34 nhận xét:

Nặc danh nói...

Xin chúc cho K52 Gia Lai gặp nhiều thuận lợi, may mắn trong việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các cụ, các bác đã hi sinh ở Đakpơ.
Đầu tháng 6/2014 sau chuyến đi tìm mộ cậu tôi - LS Đặng Văn Cần, cựu binh F2-QK5 hi sinh năm 1968 được chôn cất tại đồi Quỳ - thôn 7 xã Phước Lãnh (nay là xã Tiên Lãnh) huyện Tiên Phước - Quảng Nam, tôi đã có đơn kiến nghị gửi đến ban Chính trị F2, Ban Chính sách - Cục Chính trị QK5 và ban Chính trị BCH quân sự tỉnh Quảng Nam, đề nghị tổ chức tìm kiếm, quy tập hài cốt của hơn 120 LS sư 2 hi sinh trong kháng chiến chống mĩ được chôn cất tại đây (Bệnh xá CK120). Tuy nhiên đến nay đã qua 3 tháng chưa có bất cơ cơ quan nào xem xét có ý kiến phản hồi?! Tôi rất buồn. Chuyện cậu tôi và hơn 120 LS khác của sư 2 đã hi sinh và còn nằm lại ở nghĩa trang của CK120 không phải chuyện bịa, nơi tôi gửi các kiến nghị cũng đều là những cơ quan có chức năng của quân đội, tôi biết họ đã nhận được, vậy mà hơn 3 tháng qua họ vẫn im lặng. Kiến nghị của tôi đã được nhiều bạn đọc biết thông qua blog này của Nhà thơ Văn Công Hùng. Có nhiều người gọi điện chia sẻ, động viên, trong đó có cả những thân nhân của LS sư 2 cũng được chôn cất ở nghĩa trang của CK120. Tôi vô cùng cảm ơn Nhà thơ Văn Công Hùng, cảm ơn mọi người đã quan tâm chia sẻ, động viên. Tôi cũng đề nghị mọi người quan tâm hay cùng nhau lên tiếng, chuyển thông điệp này đến Ban chính sách - QKV, ban Chính trị tỉnh đội Quảng Nam và ban Chính sách sư 2, đề nghị các cơ quan này hãy có trách nhiệm với hơn 120 LS đăng còn nằm lại trên đồi Quỳ - Thượng nguồn sông Tranh - Quảng Nam.
Xin cảm ơn.
Lê Dũng_Ninh Thuận

Nặc danh nói...

Quá mừng với những dòng thông tin trên Bài viết của Nhà văn-Nhà Báo cách mạng Văn Công Hùng đã gióng lên hồi chuông kêu gọi các ngành chức năng sớm tìm kiếm kiếm quy tập 147 liệt sĩ Đăk pơ, Đc xứng đáng là người co thân yêu của đại gia đfinh có người hy sinh tại trận đánh Đăk Pơ và cả đồng đội e 96 anh hùng!Trân trọng lòng quảng đại, có ngĩa có tình sâu nặng của đc VCH!

Nặc danh nói...

Lòng tốt của anh VCH nhất định sẽ được đền đáp chí nghĩa, chí tình vì chúng tôi không hề hy vọng, kính anh thành công tiếp theo các công việc với liệt sĩ và thân nhân của họ.

Lê Thanh Hương -ĐHBKHN nói...

Theo dõi blog của Chú hùng, bọn chúng cháu thích nhất các bài viết của Chú về đề tài chiến tranh đã đi qua, hơn nữa điểm nhấn của bọn cháu vẫn là các Bài Chú viết về trận đánh Đăk Pơ ở Pleiku Gia Lai. Nơi đây ông Ngoại và Cậu ruột của bọn cháu đã anh dũng hy sinh tại đây, trong đó ông ngoại bọn Cháu là người cầm cờ quyết tử của trung đoàn này và anh dũng hy sinh vào lúc 12g40' trưa ngày 24/6/1954, ngay trong giờ đầu khai hỏa trận phục kích (các Ông về quê cháu kể nhiều về trận đánh này lắm)

Nặc danh nói...

Hầu hết các gia đình ở rãi rác tại các làng quê miền trung: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Bình Định, Phú Yên, Nghệ an, Hà tĩnh...có nhiều người hy sinh tại trận đánh ĐăkPơ hiện nay còn rất nghèo khó, cuộc sống chưa đủ để trang trải cho gia đình các lớp con cháu của họ, thì nói đến việc đi tìm mộ phần cho 147 liệt sĩ là không và không bao giờ có thể đóng góp đi tìm được. Chỉ mong muốn nhà văn Cách Mạng VCH quan tâm giúp đỡ chỉ đạo chính quyền và quân đội tìm giúp; Con cháu họ quá nghèo, chứ ko phải như những người từ ngoài bắc đưa xe rồng rắn, nhà ngoại cảm vào tìm thì hy vọng nhiều hơn. Mong ĐC VCH chiếu cố hoàn cảnh chăm lo cho 147 liệt sĩ cha chú chúng tôi. Thành kính ĐC nhiều .

Lâm Thao PT nói...

CÁC ĐỒNG ƠI, MAU LÊN MAU LÊN TRANG ĐC NHÀ VĂN CM VCH ĐỂ ĐỌC BAIF VỀ ĐĂC PƠ ANH EM TA KÌA. ĐỀ NGHỊ CÁC BLL THÔNG BÁO NHANH.

Nặc danh nói...

Tại sao cứ đọc Bài của ĐC VCH viết về trận đánh và sự hy sinh của 147 đồng đội e 96, lúc nào Bác cháu cũng ngồi khóc, tội nghiệp ghê.

Unknown nói...

Hãy để các bác ấy được yên nghỉ, đâu đâu trên đất nước này chả có máu xương của con dân Việt! Nhà tôi cũng đóng góp một người chết và hai người bị thương cho cuộc chiến gọi là chống Mỹ cứu nước... bác VCH à.

Nặc danh nói...

Mừng quá đồng đội ơi!

Nặc danh nói...

Thế là 1 ngày gần đây 147 anh hùng liệt sĩ e 96 hy sinh tại ĐăkPơ sẽ được quy tập về 1 nơi thờ cúng và quây quần bên nhau, như thời cầm súng đánh giặc! Đó là nhờ công lao to lớn của Nhà văn cách mạng VCH!

Nặc danh nói...

Đúng là " NHỮNG LINH HỒN BẤT TỬ" ĐC Nhà văn, nhà báo cách mạng đã viết và cho ra mắt bạn đọc đúng vào Ngày Giỗ Bác-Ngày tết Độc lập của nhân dân ta.

Nặc danh nói...

NHÀ VĂN-NHÀ BÁO CÁCH MẠNG VĨ ĐẠI VĂN CÔNG HÙNG MUÔN NĂM!

Nặc danh nói...

những Bài ca đi cùng năm tháng...Những tên sông tên Suối, tên Đất, Tên người và "NHỮNG LINH HỒN BẤT TỬ-ĐĂK PƠ" mãi mãi Trường tồn trong sử sách chống giặc ngoại xâm của Quân và dân ta....

Nặc danh nói...

Đồng chí Nhà Văn Cách mạng VCH đã cho chúng tôi những phút giây ngược về quá khứ, cách đây hơn 60 năm trời, những chiến công hào hùng cùng với mất mát, đau thương khi 147 Liệt sĩ-Đồng đội của chúng tôi hiện nay vẫn yên giấc ngàn thu nơi mãnh đất Tây nguyên-Đăc Pờ Anh hùng- Cho đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt và cũng chưa có nơi thờ cúng, Hy vọng tương lai gần rồi sẽ chu toàn mọi việc. Tất cả đang lựng thinh chờ Đc Nhà văn Cách mạng VCH đấy Đc ạ.

Nặc danh nói...

Hãy chờ niềm tin phía trước, rồi 1 ngày gần đây anh em chúng ta sẽ sum họp và cùng tâm sự tại Đăk Pơ - Ngôi Đền Liệt sĩ và tượng Đài chiến thắng, sau ấy về lại quê và có nhắm mắt xuôi tay cũng chả có điều chi ân hận nữa cả các đc à.

Nặc danh nói...

Đồng chí nào nghiên cứu làm tặng cho nhà văn CM một Bài thơ cho thật hay đi nhé.

Nặc danh nói...

Hoan nghenh ĐC Nhà văn cách mạng đã 1 lòng vì 147 anh hùng Liệt sĩ e 96- Đăk Pơ!

Nặc danh nói...

ĐC Nhà văn cách mạng Văn Công Hùng ơi! ĐC tìm đọc Báo QĐND nhé - Trả lời của UBND tỉnh GL với Báo QĐND số ra ngày 30/7/2014 - Ngày 24-7-2014, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 2754/UBND-VHXH hồi âm về một số vấn đề có liên quan đến di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pơ được nêu trong loạt bài “Huyền thoại Đăk Pơ” của tác giả Kim Lân đăng trên trang 3, Báo Quân đội nhân dân. Nội dung công văn cho thấy, những vấn đề mà Báo Quân đội nhân dân nêu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã và đang chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, cơ sở địa phương tích cực triển khai.

Lương Thanh Hòa-Thanh Hóa nói...

Nhờ đồng chí nhà văn cách mạng chỉ dẫn cho chúng tôi xem bài của tác giả KIM LÂN viết về Đăk Pơ đăng bài trên trang 3 báo QĐND và theo đó UBND tỉnh GLai đã có công văn trả lời các vấn đề. trưa nay chúng tôi tìm mãi mà không thấy. cám ơn Đc.

Nặc danh nói...

Tìm đọc loạt bài viết về Đăc Pơ sau đó UBND GiaLai hồi âm các vấn đề đc VCH ơi. nhờ mấy nhỏ tìm cả trưa nay đến giờ vẫn ko ra.

Văn Công Hùng nói...

Báo cáo các bác, em cũng đã cố tìm nhưng hoàn toàn không thấy bóng dáng bài "Huyền thoại Đắc Pơ" của Kim Lân trên mạng, chỉ thấy có bài liên quan đến trả lời của UBND tỉnh Gia Lai, nó như thế này ạ:
"
Những vấn đề báo QĐND nêu, địa phương đã và đang tích cực triển khai
QĐND - Thứ tư, 30/07/2014 | 19:19 GMT+7

QĐND - Ngày 24-7-2014, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Gia Lai đã có Công văn số 2754/UBND-VHXH hồi âm về một số vấn đề có liên quan đến di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pơ được nêu trong loạt bài “Huyền thoại Đăk Pơ” của tác giả Kim Lân đăng trên trang 3, Báo Quân đội nhân dân. Nội dung công văn cho thấy, những vấn đề mà Báo Quân đội nhân dân nêu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Gia Lai đã và đang chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, cơ sở địa phương tích cực triển khai.

Công văn nêu rõ: “Qua loạt bài báo nói trên, chúng tôi nhận thấy, bằng việc thông tin về một trận đánh mang tính quyết định để dẫn đến chiến thắng của một dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược, tác giả đã thể hiện nỗi niềm trăn trở về một di tích lịch sử đang hiện hữu trên mảnh đất Gia Lai và những người đã ngã xuống cũng chính trên mảnh đất này, vì nền độc lập của dân tộc trong trận đánh Đăk Pơ năm 1954.

Về việc trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pơ

Chiến thắng Đăk Pơ có ý nghĩa vô cùng to lớn nên trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Gia Lai luôn hết sức quan tâm về di tích lịch sử này. Từ sau khi di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pơ được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 53/QĐ-BVHTT của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), UBND tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống trong các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ. Tỉnh Gia Lai cũng đã dành phần kinh phí để từng bước trùng tu, tôn tạo các giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, trong đó có di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pơ.

Năm 1987, từ nguồn ngân sách tỉnh đã đầu tư xây dựng Đài tưởng niệm liệt sĩ Đăk Pơ: Xây dựng nhà bia, khuôn viên Đài tưởng niệm liệt sĩ Đăk Pơ. Đến năm 2014, xét thấy cần thiết phải có nơi trưng bày những kỷ vật, tài liệu về Chiến thắng Đăk Pơ, từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia của hai năm 2013-2014, tỉnh Gia Lai đã đầu tư xây dựng Nhà truyền thống Chiến thắng Đăk Pơ với tổng kinh phí là 3,2 tỷ đồng. Công trình này đã được khánh thành trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đăk Pơ vào ngày 23-6-2014.

Văn Công Hùng nói...

(Tiếp ạ)Với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, mặc dù ngân sách địa phương còn khó khăn, hằng năm phải trông chờ vào nguồn hỗ trợ của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã tranh thủ vận động các doanh nghiệp hỗ trợ để đầu tư nâng cấp di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Pơ. Với tinh thần trách nhiệm và lòng biết ơn các liệt sĩ, vừa qua, các ngân hàng thương mại thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước đã tài trợ 19 tỷ đồng để đầu tư xây dựng Tượng đài Chiến thắng Đăk Pơ. Trong dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đăk Pơ (24-6-1954 / 24-6-2014), UBND tỉnh Gia Lai cũng đã long trọng tổ chức Lễ khởi công công trình Tượng đài Chiến thắng Đăk Pơ… Công trình này được triển khai trong thời gian hai năm, hiện nay đang trong giai đoạn chọn mẫu xây dựng.

Về việc tổ chức Hội thảo khoa học về Chiến thắng Đăk Pơ

Ngày 5-3-2014, Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 Liên khu 5 tại Hà Nội đã có văn bản đề nghị được tổ chức Hội thảo khoa học về Chiến thắng Đăk Pơ nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đăk Pơ. Tuy nhiên, dựa trên tình hình thực tế của địa phương cũng như tính chất đặc thù của các hội thảo khoa học về lịch sử, văn hóa thì để tổ chức Hội thảo khoa học về Chiến thắng Đăk Pơ cần thời gian chuẩn bị: Lấy ý kiến các nhà khoa học, đặt viết bài tham luận, v.v… Do đó, Hội thảo khoa học về Chiến thắng Đăk Pơ vẫn chưa được tổ chức trong dịp Lễ kỷ niệm 60 năm chiến thắng vừa qua. Về việc này, UBND tỉnh sẽ xem xét và tổ chức vào thời gian thích hợp…

Đối với việc tìm mộ 147 liệt sĩ đã hy sinh trong trận Đăk Pơ

Đây là việc làm rất quan trọng và cần thiết, mang ý nghĩa tri ân đối với những liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho mảnh đất Đăk Pơ nói riêng và cho hòa bình, độc lập của đất nước ta nói chung. Trong thời gian qua, chính quyền địa phương đã liên tục tổ chức những đợt tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại các địa phương trong tỉnh, trong đó có huyện Đăk Pơ. Tuy nhiên, vì thời gian cuộc chiến diễn ra đã lâu, trải qua nhiều biến động về tự nhiên và lịch sử, dấu vết của các trận địa xưa, nay đã thay đổi nên rất khó khăn cho quá trình tìm kiếm.

Trong dịp Lễ kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Đăk Pơ (24-6) vừa qua, nhân đợt trở về thăm lại chiến trường xưa, các đồng chí cựu chiến binh của Ban liên lạc Trung đoàn 96 cũng cung cấp thêm một số thông tin để địa phương tiếp tục công tác tìm kiếm. Thời gian tới, UBND tỉnh Gia Lai tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan tìm kiếm phần mộ của các liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trong Chiến thắng Đăk Pơ theo đúng đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Về việc phục chế tấm bia bằng đá do Pháp đặt

Tấm bia bằng đá do Pháp đặt trong đó có khắc dòng chữ: “Ici, le 24 juin 1954, des soldats Francais et Vietnamiens (*) moururent pour leurs patries”(Nơi đây, ngày 24-6-1954, những người lính Pháp và Việt Nam đã chết vì Tổ quốc của họ (*) của ngụy quyền Sài Gòn).

Về vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khảo sát, xác minh lại những thông tin về địa điểm đặt tấm bia này; đồng thời đã đề nghị Ban liên lạc Cựu chiến binh Trung đoàn 96 tại Hà Nội vẽ giúp địa phương một bản khảo tả để làm cơ sở cho việc phục chế cột mốc này. Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh thì hiện nay, đơn vị đang hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất đưa vấn đề này vào kế hoạch bảo tồn, trùng tu khu di tích lịch sử văn hóa Chiến thắng Đăk Pơ.

QĐND"
Link đây ạ: http://qdnd.vn/qdndsite/vi-vn/61/43/trong-nuoc/nhung-van-de-bao-qdnd-neu-dia-phuong-da-va-dang-tich-cuc-trien-khai/314273.html

Nặc danh nói...

Đồng chí Nhà văn cách mạng Văn công Hùng quan tâm, chỉ dẫn và giúp cho anh em chúng tôi nhiều quá. Vô cùng biết ơn đồng chí, mong đc hết sức thông cảm cho tuổi già chúng tôi. Kính đồng chí.

Nặc danh nói...

Đọc qua Bài này, với 4 nội dung , có 3 nội dung đã được đồng chí nha văn cách mạng VCH đề cập ngay từ bài đầu tiên (trừ Hội thảo). Đồng chí VCH thật là con người uyên bác, người con ưu tú của Đảng và nhân dân!

Nặc danh nói...

NHÀ BÁO-NHÀ VĂN CÁCH MẠNG VĂN CÔNG HÙNG RẤT CHĂM LO CHO 147 LIỆT SĨ VÀ THÂN NHÂN, GIA ĐÌNH CỦA HỌ VÀ CHO CẢ ĐỒNG ĐỘI E 96.

Nặc danh nói...

-Bao giờ giải phóng miền quê
-Tìm đưa đồng đội trở về cố hương
* Mãi cho đến 60 năm nay rồi vẫn chưa thực hiện được. May sao, bất ngờ lại được hội ngộ với nhà văn cách mạng VCH trên những trang báo, chính vì thế mà ngày nay có nhiều hy vọng và sẽ thành hiện thực. mong cá đồng đội hãy chờ đơi 1 ngày không xa nữa đâu.

Nặc danh nói...

Thưa đc Nhà văn cách mạng VCH! Tại sao công văn trả lời của UBND tỉnh Gialai về các nội dung này, chỉ nêu: xây dựng Công trình Tượng đài chiến thắng Đăk Pơ mà không nói đến việc xây dựng Đền thờ tưởng niệm 147 liệt sĩ vậy Đc Nhà Văn cách mạng VCH? (xin cho tôi hỏi)

Nặc danh nói...

À đúng thế, Tôi cũng đang thắc mắc đây các đc ạ. Tại sao hôm các Thủ trưởng đi dự Lễ kỉ niệm về báo lại là xây cả 2, nhưng nay ko hề thấy nhắc đến Đền thờ tưởng niejm của đồng đội ta nhỉ? Thế nhưng , trong bài viết " Đăk Pơ -những linh hồn bất tử" của Nhà văn, nhà báo cách mạng VCH có viết là làm cả 2. thôi anh em ta cứ tin ĐC Nhà văn, nhà báo cách mạng VCH là chính xác rồi, các đc ạ.

Nặc danh nói...

CÁM ƠN ĐỒNG CHÍ NHÀ VĂN - NHÀ BÁO CÁCH MẠNG VĂN CÔNG HÙNG ĐÃ HẾT LÒNG CHĂM LO CHO ANH EM E 96 CHÚNG TÔI.

Văn Công Hùng nói...

Báo cáo các bác, tin chính thức là Đền tưởng niệm liệt sĩ Đăk Pơ đã chính thức khởi công xây dựng (quả này em cũng không rõ lắm, là hôm nọ đã làm lễ hoành tráng khởi công rồi, giờ lại khởi công nữa), và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cũng đã có kế hoạch trong tháng 9 này sẽ triển khai tìm kiếm, quy tập 147 mộ phần liệt sĩ. (Tin từ anh Trần Hữu Đức, bí thư huyện ủy Đăk Pơ nhắn trưa nay, 6/9).

Trương Ngọc Thính-KH nói...

KÍNH CHÀO ĐC NHÀ VĂN CÁCH MẠNG VCH! HÔM TRƯỚC BLL LÊN DỰ LỄ VỀ CÓ BÁO CÁO LẠI TẠI CUỘC HỌP LÀ ĐC CHỦ TỊCH TỈNH GIA LAI ĐÃ PHÁT ĐỘNG LỄ ĐỘNG THỔ MANG Ý NGHĨA TƯỢNG TRƯNG VÀO ĐÚNG NGÀY KỈ NIỆM VÀ CHỜ HOÀN CHỈNH THIẾT KẾ SAU ĐÓ SẼ CHÍNH THỨC KHỞI CÔNG, CHÚNG TÔI ĐANG LO TRONG THÁNG 7 ÂM NÀY LÀM SAO DÁM KHỞI CÔNG ĐƯỢC. NAY TIN CHÍNH THỨC TỪ NHÀ VĂN CÁCH MẠNG VẬY LÀ ĐÚNG QUÁ RỒI ĐẤY ĐC À. CHÚNG TÔI VÔ CÙNG PHẤN KHỞI MONG ĐC TIẾP TỤC THÔNG TIN CHO ANH EM CHÚNG TÔI.

mèo trắng nói...

Tháng 7 là tháng cô hồn ai mà dám khởi công, đúng đấy bác Hùng ạ. Còn việc khơi công làm lễ bình thường thì khác; còn canh đúng cái ngày kỉ niệm là cả vấn đề chuẩn bị trước đó lâu rồi. Tỉnh Gia lai của bác Hùng làm như thế là đúng ý nghĩa đấy, dù có chậm đi vài tháng thì các cụ dự lễ trước đây vẫn phấn khởi. Nếu để đến bây giờ mới khởi công thì mời chả có ai đến đâu, 1 lần đi 1 lần khó.

Nguyễn Trí Cường-Phú Yên nói...

Nay lại tiếp tục đi tìm mộ cho đồng đội tôi nữa. Chúng tôi quá mãn nguyện với lòng mình. Nay dù có đi nơi 9 suối thì đã an lòng.

Nặc danh nói...

Chuẩn bị đến ngày rằm tháng 8 - Trung Thu; năm nay vô cùng ý nghĩa cùng thời điểm khởi công công trình Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Đăc Pơ. Anh em BLL Phú Thọ kính nhờ đc Văn Công Hùng nhắc nhở mấy anh em ở gần đó, nhớ đến Nhà bia tưởng niệm thắp cho các anh hùng liệt sĩ e 96 mấy nén hương, do chúng tôi ở xa quá kg vào được và hẹn các anh khi nào khánh thành chúng tôi sẽ về đông đủ. Kính nhờ ĐC