Thứ Ba, 17 tháng 6, 2014

CỨ DÙNG CÁI RẤT LÀ HAY MÀ ĐÀO

Sắp 21/6 rồi, đã nghe mấy gã bạn bắt đầu than trên fb là phải chiến đấu nhiều rồi- than nhưng có tự hào, mình đọc tinh lắm. Thú thật là tôi không ủng hộ lắm chuyện ngành nào giới nào cũng có... ngày của mình. Nó mệt mỏi dệ sợ (tiếng Huế). Riêng tôi, nếu liệt kê hết cũng phải có đến... mấy chục ngày kỷ niệm trong 1 năm chứ ít à, thì có mà xác ra bã à. Mỗi người mỗi việc, hãy làm tròn việc của mình, rồi nhân dân, những người liên quan đến công việc..., sẽ nhớ đến anh. Dân ta chả quên ai, việc gì bao giờ nếu anh thực sự tốt, thực sự có tài...

 
Thì cứ nghĩ miên man thế trong khi tay thì lật Google tìm tài liệu, tìm đúng bài này của mình tràn lan trên mạng, nhưng đều không ghi tên tác giả. Bài này khá lâu rồi, từ hồi mình còn chơi bên vnweblogs, có liên quan đến nghề báo, thôi thì lôi về đây lưu cho chính chủ...
-------------



            Trong quá trình tác nghiệp, lao động sáng tạo, đôi khi các nhà văn, nhà báo cũng có những câu thơ "Bút tre" hiện đại dạng Folklo để mà chọc nhau, mà thư giãn, mà vui vẻ mỗi khi quá căng thẳng. Nhân dịp ngày của nhà báo, tôi xin cung cấp một số câu thơ dạng "Foklorists" để mời bạn đọc cùng thư giãn với dân viết lách chúng tôi.

            Có một gã phóng viên Truyền hình một hôm đến cơ quan cứ tủm tỉm cười một cách rất... khả nghi. Khả nghi hơn nữa khi lâu lâu lại thấy gã chúm tay lại... vê vê như đang... vắt bột làm bánh. Anh em, đặc biệt là các đồng nghiệp nữ, xúm vào truy. Truy mãi, lão đành thú nhận bằng cách đọc mấy câu thơ sau:

                                    Nghĩ mình phận chẳng ra gì
                                    Vợ thì đời cũ, tivi đời đầu
                                    Tivi thì có hai râu
                                    Vợ mình xoay mãi mà mầu chẳng lên
                                    Tức mình chạy sang nhà bên
                                    Vừa đụng vào núm mầu lên ầm ầm
                                    Ra về lòng cứ nhủ thầm
                                    Ước gì lại được dùng nhầm tivi

            Hô hô hô, ha ha ha, hi hi hi... những trận cười sảng khoái nổi lên. Các đồng nghiệp nữ đấm lưng thùm thụp "mấy ông quỷ sứ". Có một anh chàng cameraman đang yêu một phóng viên tập sự của tờ báo tỉnh đứng gần đấy cũng đang cười ngặt nghẹo được ông trưởng phòng đọc tặng tiếp mấy câu sau:

                                    Ai ơi đừng lấy phóng viên
                                    Đêm nào nó cũng bắt biên tập bài
                                    Bài thì vừa rối vừa dài
                                   Đăng không được, gửi báo ngoài thì đau.

            Anh chàng ngơ ngác chẳng hiểu mô tê gì cả. Mới yêu nhau thôi, phải sau tết này mới cưới thì "bài vở" đâu mà "biên tập".

            Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng ở Bình Định là một trường hợp đặc biệt ở nước ta trong việc hai vợ chồng đều là nhà văn, nhà báo. Trần Thi sĩ là người hoạt và hóm, đặc biệt, anh ứng khẩu bằng thơ "Bút tre Foklorists " rất tài. Tôi có dự một đêm giao lưu giữa các nhà văn Việt Nam với sinh viên trường Đại học Hồng Đức Thanh Hoá. Cả hai vợ chồng anh được mời lên một lúc để giao lưu. Giao lưu một đỗi, có một em sinh viên rất đẹp, tóc dài đến tận khoeo chân, đứng lên rụt rè hỏi: Dạ thưa, cháu hỏi khí không phải, thế nhà thơ... chồng có sợ nhà thơ... vợ không? Ngay lập tức anh trả lời:

                                    Mỗi ngày sợ vợ một lần
                                    Sợ rồi mới biết phải cần... sợ thêm
                                    Sợ ngày rồi lại sợ đêm
                                    Sợ xanh đôi mắt, sợ mềm đôi chân

            Tiếng vỗ tay vang dội hội trường. Trời ơi, đau thương chưa cho các gã nhà-thơ-chồng. Trông hùng dũng thế kia, hoành tráng thế kia, thế mà... Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo ngồi bên cạnh tôi hỏi khẽ: Cậu thân với vợ chồng "nó" thấy có đúng là Mừng sợ vợ không? Trông cái tướng đứng bên vợ thế kia chắc dám lắm. Tôi đáp: Thân thì thân thật, nhưng riêng việc này thì có... bắn chết ngay tôi cũng không nói. Trên kia, sau một hồi biểu diễn kiểu cười có-một-không-hai, không- thể- bắt- chước- được kéo dài gần năm phút, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng đọc tiếp:

                                    Đời trai tóm lại chỉ cần
                                    Tháng sợ vợ ba chục lần... nhân hai

            Trời ơi là trời, đến thế nữa là cùng. Cũng là nhà thơ, tôi... tự ái đùng đùng, bởi nghĩ cho cùng, tay nào mà chả... sợ vợ, thế thì tại sao lại chường ra cho thiên hạ biết, đặc biệt là các cháu sinh viên xinh đẹp thế kia. Chưa hết, sau đấy, câu chuyện này và bài thơ "tự tố" kia được in ở báo Tuổi Trẻ... cười, trong mục "tổ chim câu". Nghe nói Nguyễn Thanh Mừng nhận được mấy trăm nhuận bút. Có hai nhà thơ đã nhắn tin vào máy di động cho anh như sau:
                                    Ông anh thiệt đến là tài
                                    Sợ vợ cũng được báo đài tung hô

           

                                    Nhà thơ sợ đấng phu nhân
                                    Cho nên chụp mũ toàn phần đàn ông.

            Cũng nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng, trong một lần đi thực tế lên công trường thuỷ điện Ia Ly, nghe ông Hoàng Minh Sợi, chánh văn phòng báo cáo rằng công nhân Sông Đà rất tài, họ đào hầm xuyên núi từ hai đầu lại mà khi gặp nhau chỉ chệch vài xăng ti met, mấy nhà báo nữ xôn xao hỏi rằng đào bằng máy hay bằng tay mà hay vậy, ông nhà thơ này chỉ tủm tỉm cười, tôi đoán thế nào cũng có cái gì bật ra. Quả đúng như vậy:

                                    Chị em phụ nữ xôn xao
                                    Hầm đào bằng máy hay đào bằng tay
                                    Loài người có phép xưa nay
                                    Cứ dùng cái... "rất là hay" mà đào

Các nhà báo nữ hồn nhiên và thật thà, cứ truy mãi cái "Rất là hay" là cái gì?...
Các hội viên hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thường phải đi sưu tầm, đi dài ngày và thường chỉ một mình, biết bao hiểm nguy và cạm bẫy. Và đây là câu thơ họ tự dặn mình:

                        Mấy lời tiễn dặn vân vi
                        Cơm đùm rượu gói ta đi sưu tầm
                        Sưu tầm tít chốn sơn lâm
                        Đôi khi phụ nữ ta nhầm... đàn ông
                        Ta thề mới hỏi lông bông
                        Đến khi phát hiện thì không... thêm gì
                        Đời nào các đấng tu mi
                        Sưu tầm nghiên cứu những gì ngoài fol (Folklore)
                        Cho nên mấy chị sồn sồn
                        Bỏ công cũng chẳng hớp hồn ta đâu
                        Hồn ta ở chốn nhiệm mầu
                        Sáng ngời trại viết, cao sâu công trình...

            Hồi tôi dự trại viết ở Nha Trang, được nghe một câu chuyện vui như sau. Vốn dĩ nhà sáng tác này ở ngay bên mép biển, cho nên các văn nghệ sĩ đến dự trại đều ngày ngày xuống biển khoả nước, vừa để tinh thần sảng khoái, lại để cơ thể thêm mạnh, đặng mà sáng tác cho nhiều. Hôm nọ có một nữ nhà thơ cũng ra biển nhưng chị không xuống bơi mà chỉ xắn quần lội đến đầu gối rồi đứng vơ vẩn ngắm. Tôi biết rằng chị chỉ ngắm sóng, ngắm trời mây cây nước mà thôi bởi các ông nhà thơ nam phần nhiều bụng to ngực lép thì ngắm nỗi gì. Thế mà rồi có thơ rằng:

                                    Nhà thơ ra biển ngâm chân
                                    Còn ngâm những thứ vân vân ở nhà

            Thực ra, chữ "Nhà thơ" là tôi thay vào, chứ nguyên bản là tên nữ nhà thơ kia, nhưng tôi chả dám đùa với nhà thơ đàn chị, nên thay vào như thế cho... an toàn.

Cái trại sáng tác mà tôi dự ấy có 15 người thì đến 14 ông từ sồn sồn đến đại lão. Thế mà đến ngày bế mạc thấy rất nhiều các nam nhà văn bồn chồn lưu luyến. Có ông mặt rất bí hiểm. Có ông gắt ngậu xị như mắm tôm. Có ông thở dài thườn thượt. Có ông lẩm bẩm: Ở trại sáng tác, thích hơn ở nhà theo "điệu" Lượm ơi của Tố Hữu. Tôi làm một bài thơ vui vịnh các ông, có mấy câu cuối thế này, xin chép ra để kết thúc bài viết vui này, và xin hẹn bạn đọc, nếu có điều kiện, tôi lại xin cung cấp thêm rất nhiều những câu chuyện vui hơn nữa:                                   
Con đường ơi hỡi con đường
                        Đưa ta về chốn đoạn trường vừa... xa
                        Tạm biệt những Hương, những Hoa (tên 2 cô phục vụ xinh đẹp của nhà sáng tác)
                        Ta (đành) về với vợ già ta đang chờ...
                                               
                                                                        V. C. H.
           

1 nhận xét:

p nói...

Dễ thương................