Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

HỒI ỨC ĐÒ DỌC


Tôi nhớ các chủ đò phần lớn là nữ, chủ đò kiêm phục vụ cơm nước cho “thủy hành đoàn” thường ba bốn người, rồi thu tiền đò, “giao dịch” với cảnh sát giao thông thường đón ở ngã ba Sình. Lúc cần cũng xắn quần gò lưng đẩy đò, cũng chèo cũng chống lúc đò vào hoặc ra bến, cũng quay máy nổ như đàn ông. Ngoài chủ đò còn một tài công chính và vài người phụ. Họ lênh đênh như thế, nhưng một thời nhờ họ mà hàng triệu lượt người không bị cô lập, mà cuộc sống vẫn nở hoa từ những ngày khốn khó nhất...
-------------

 



          Hôm rồi về quê, bạn tổ chức một cuộc đi thuyền ngược phá Tam Giang. Chao ơi là thênh thang, là rười rượi, là sảng khoái là mê ly…


          Từ bến đò Lê Lợi, thuyền đi xuôi về phố cổ Bao Vinh, chui qua một loạt cây cầu, qua ngã ba Sình, đến cửa Thuận rồi hòa vào phá. Mênh mông và rợn ngợp. Không thấy bờ, tất nhiên. Sóng rất ngoan và nắng rất hiền, gió thì như lên đồng lúc the thẩy lúc ngang tàng nhưng luôn luôn làm cho sự hài hòa không khí đầm phá như là dĩ nhiên nó thế. Rất ấn tượng với hệ thống nò, lưới, với những cái am giữa phá, những lá cờ đỏ phấp phới vừa báo hiệu vừa tâm linh khiến ta có cảm giác vừa rợn ngợp vừa thân thiện…

          Nhưng đã có một thời, tôi liên tục đi cũng chính trên cung đường ấy, với một tâm trạng khác hẳn.

          Dân ở mé sông chợ Đông Ba không ai không biết từng có một cái bến đò tấp nập ở đấy. Giờ thì hầu như nó đã tự tan vì đường bộ phát triển. Tôi nhớ ngày xưa, đò Vĩnh Tu, Chợ Đò, Chợ Mới, Chợ Biện, Đại Lộc, Thanh Hương, Vinh Hiền… nằm như cá nục xếp trên trẹt, san sát nhau đợi khách, đúng giờ là nhổ neo, khói phun đen kịt, máy nổ phành phạch như máy xát gạo đời đầu, lúc cập bến hoặc rời bến đều có rất nhiều tiếng quát nhau oang oang để điều khiển đò không va vào các đò khác… Sau này vào miền Tây, thì tôi mới phát hiện rằng, tài nghệ điều khiển đò của dân Thừa Thiên quê tôi chỉ là muỗi so với dân miền Tây. Dân miền Tây điều khiển đò chạy trên sông như ta điều khiển xe máy trong thành phố. Cũng đông nghẹt như thế, cũng lạng lách như thế, và lạ nhất là nó cũng… chạy lùi được như ô tô.

          Đò dọc là phương tiện chủ yếu của dân sống ở vùng sông nước, hầu như vùng nào cũng có. Và những điệu hò trên sông được hình thành trên những chuyến đò dọc xuyên đêm xuyên ngày ấy mà hò sông Mã là một thí dụ. Song do hoàn cảnh, địa hình, độ dài… mà mỗi vùng có đặc trưng đò dọc riêng.

          Là tôi đang hồi ức về cái thời tôi đò dọc về làng.


          Về làng tôi có 2 loại phương tiện chạy trên sông, một là tàu và hai là đò. Tàu bằng gỗ và sắt, có 2 tầng, có ghế ngồi thoải mái ở tầng trên, tầng dưới để chở hàng và dành cho chị em chủ hàng nằm ngủ la liệt. Hàng lên là lợn, cá, tôm… và hàng về là tất cả những gì dân làng cần, chị em cất từ chợ Đông Ba, mua sỉ về bán lẻ. Đò thì nhỏ hơn, không có ghế, khách nằm hoặc ngồi ngay trên những tấm ván lát trên sàn đò, máy cũng ngay trong tàu, nổ rất to và khói mù mịt. Tài công có hẳn một người chuyên lo việc… tát nước từ lòng thuyền ra ngoài, bằng một cái mũ sắt của lính Mỹ. Khách đi đò gồm đủ loại từ các bà các chị buôn chuyến đến người ở xa về thăm nhà, cán bộ đi công tác hoặc sinh viên… Đò thì chạy 3 tiếng, tàu thì 4 tiếng, cứ lình dình chạy, rất sốt ruột. Ấn tượng nhất của những chuyến đò hoặc tàu ngày ấy là… thuốc lá. Các ôn các mệ, mỗi người một điếu thuốc vấn cả lá to uỳnh trên miệng, nhả khói liên tục. “Thuốc Phong Lai, khoai Thế Chí”. Thế Chí là quê tôi, Phong Lai đối diện bên kia sông, giống thuốc ở đấy nặng kinh khủng, không quen chỉ ngửi cũng nghẹn. Thời sinh viên đói thế mà tôi cũng không thể hút được loại thuốc này, bởi nó cứ tắc ở cổ, tắc xong lịm đi một lúc thì ho, ho như nứt cổ. Thế mà dân vùng quê tôi, cứ bập phà bập phà suốt ngày, y như trẻ con ngậm ti mẹ, không rời ra được.

          Hồi ấy chưa có xe máy, nên nếu không muốn đi đò thì chỉ đạp xe. Có một hướng duy nhất để đạp xe là từ Huế về Anloxia, tức là An Lỗ- Xịa, gọi thế cho nó ra… Mỹ, qua đò Vĩnh Tu, con đò có lẽ rộng nhất ở Việt Nam mà tôi từng qua, từ bên này sang bên kia sông phải rộng đến cả cây số, không thấy bờ, mỗi lần sang đò máy chạy đúng 1 tiếng chưa kể thời gian vác xe lội bộ cả nửa cây mới ra tới đò. Giờ ở đấy người ta đã xây cầu dẫn, xe có thể chạy thẳng ra đò mà không phải khiêng hay vác như ngày xưa.

          Nhưng vẫn dễ chịu hơn đi đò.


          Thứ nhất là giờ giấc. Thường thì 10 giờ trưa đò mới xuất bến Đông Ba, là để các bà các chị mua sắm, lênh đênh đến tận 2 giờ chiều mới tới. Đói nhừ người. Ngồi trên đò nhìn nhà đò ăn cơm mà chảy cả nước miếng. Cơm trắng phau thơm phức, cá biển tươi kho đỏ ớt. Mình thì sinh viên, túi thủng ví lép, mỗi lần về nhà là để… củng cố dạ dày, vậy nên đói trường kỳ, cơm độn trường kỳ, thấy cơm trắng cá kho không nôn nao mới lạ.

          Thứ 2 là… mùi. Trước hết là mùi thuốc rê. Ai mà không nghiện thuốc chắc chắn không thể chịu được. Hồi ấy tôi hút thuốc thế mà vẫn còn nôn nao, toàn phải leo lên mui ngồi, vừa có gió mát vừa tránh mùi thuốc, nhưng lại nắng, về đến nhà da đỏ như cua luộc. Tiếp theo là các loại mùi khác, đi lên là mùi cá, tôm, mùi phân heo (bao giờ cũng có chục chú heo nằm lăn lóc ở sàn đò). Nhưng đi về thì tôi nhớ, nó còn có mùi hương. Hương trong gánh hàng của các cô hàng xén lấy từ chợ Đông Ba về bán. Tôi hay chui vào gần đấy bó gối ngồi gà gật để ngửi mùi hương tránh mùi thuốc.

          Các bà các cô đi đò bao giờ cũng mang theo cơm, lúc nhà đò ăn cơm thì họ cũng ăn. Hồi ngoài Bắc tôi nhớ bà con có kiểu mang cơm rất hay là cơm nắm, nó rất dễ ăn. Bây giờ mỗi lần ra Hà Nội tôi đều tìm ăn cơm nắm. Cùng với bánh đúc, cơm nắm đã trở thành đặc sản rồi. Về quê đi đò thấy mọi người cho cơm vào bì nilon, phía trên để con cá kho. Lúc ăn hé miệng bì nilon ra, lấy muỗng xúc. Cơm bốc hơi, cái bì nilon màu trắng đục nhờ nhờ. Nước uống thì nhà đò bao. Có một cái thùng tôn khá to, khi đò chạy thì nhà đò nấu nước chè xanh hoặc lá vằng đổ vào. Chỉ một ấm nước cốt, sau đó khi đò chạy ra chỗ nước trong, nhà đò thò xô xuống múc nước sông lên đổ vào, uống vô tư, hết lại múc đổ thêm. Hồi ấy khắp vùng nông thôn Thừa Thiên Huế uống nước kiểu ấy, và lạ là, chả thấy ai đau bụng!


          Thứ 3 là gò bó. Hãy hình dung, ba bốn tiếng đồng hồ ngồi bó gối trên đò, chật nêm như cá trong lưới, dù chạy trên sông nhưng rất nóng vì đò có mui bằng gỗ. Và, nếu ai bụng yếu, hoặc bàng quang có vấn đề thì… thôi rồi Lượm ơi…

          Bây giờ đò hết thời rồi. Cây cầu Tam Giang mở ra, xe máy rất nhiều, hầu như nhà nào cũng có xe máy, rồi xe buýt, tắc xi đưa khách về tận nhà… thế là đò đắp chiếu. Thế mà lại nhớ đò. Hôm nọ về nói với mấy đứa bạn, tổ chức một chuyến đò dọc, thế là chúng cho một tour dạo phá.

          Và lại khoái, lại lâng lâng cảm xúc, chả thấy đâu cái cảm giác khó chịu dạo nào.

          Tất nhiên cái tâm thế của 2 lần đi với khoảng cách mấy chục năm nó khác. Giờ nhé, con tàu lịch sự, rộng thênh, đủ tiện nghi, kể cả tiện nghi… nhậu. Giờ đi là để chơi, thăm thú, trước đi thì phải nhanh về nhà để… ăn, giờ thì ăn ngay trên tàu, có người phục vụ như đang ở nhà hàng. Mà đồ thì tươi, đang đành đạch giãy, thậm chí tự tay mình bắt, tự tay mình chế biến, bằng kiểu thô sơ nhất nhưng lại là ngon nhất. Chúng ta đang đi theo một vòng tròn. Từ thời xưa ăn cơm niêu nước lọ, tiến lên ăn cơm chảo, cơm nồi điện, canh toàn quốc, nước cất từ tinh gạo vào bát. Giờ trở lại đúng là cơm niêu nước lọ, chỉ khác, cơm niêu nước lọ bây giờ là đặc sản. Chúng ta cũng nâng ẩm thực lên thành nghệ thuật với những tẩm những ướp những phi những xào những chần những tái những ninh những trộn những bóp…, với thìa đĩa dĩa phóng xếp dao khăn ăn giấy lau nơ tạp dề… để bây giờ lại quay lại với món nướng nguyên thủy, cứ để nguyên thế, bất kể gà bò chim cá tôm cua ốc vịt dê nai hoẵng… gác lên than hoa, xong dùng tay xé chấm muối hạt giã ớt xanh, mà ngọt lừ lục phủ ngũ tạng, mà hân hoan con tì con vị, mà lâng lâng khoái cảm trong cái hít hà đẫm mồ hôi của sự tái tê hợp miệng…


          Từ Huế về nhà tôi bây giờ 50 phút xe chạy. Thế mà có hôm đang ngồi trên ô tô, thấy một con đò ậm ạch rẽ sóng, lại muốn nhao xuống xắn quần lội ra như thuở nào. Những người chủ đò, lái đò năm xưa, giờ đâu cả rồi. Tôi nhớ các chủ đò phần lớn là nữ, chủ đò kiêm phục vụ cơm nước cho “thủy hành đoàn” thường ba bốn người, rồi thu tiền đò, “giao dịch” với cảnh sát giao thông thường đón ở ngã ba Sình. Lúc cần cũng xắn quần gò lưng đẩy đò, cũng chèo cũng chống lúc đò vào hoặc ra bến, cũng quay máy nổ như đàn ông. Ngoài chủ đò còn một tài công chính và vài người phụ. Họ lênh đênh như thế, nhưng một thời nhờ họ mà hàng triệu lượt người không bị cô lập, mà cuộc sống vẫn nở hoa từ những ngày khốn khó nhất.

Và vì thế mà hồi ức…
                                                                             



 

3 nhận xét:

Unknown nói...

Cảm ơn bác đã gợi lại nhưng hình ảnh, kỷ niệm xưa. Em cũng đã từng về thăm quê trên những con đò ở bến chợ Đông Ba ngày đó. Em còn nhớ phải ra bến đò từ trưa, tới 2 giờ chiều thì đò mới chạy, về tới làng Mỹ Xá của em thì đã lên đèn.Được thưởng thức đủ mùi và cảm giác như bác đã kể...!! Nghĩ lại thấy sao mà "khôn" quá. Đường bộ về làng chỉ hơn chục km, nếu đi bộ thảnh thơi chỉ hơn ba tiếng là tới, còn đi đò thi mất gấp đôi thời gian!! Chắc ghiền đi đò!!

Nặc danh nói...

Chính xác là: An lỗ- Sịa= anlosia

Phong Điền nói...

cám ơn Bác đã làm sống lại khung cảnh và cuộc sống trên phá Tam giang. " Câu chữ của Bác răng mà gần gủi, thân thương rứa, bác còn nhớ đến cả cái " trẹt " mà cá nục nằm nửa. Ôi chao ! đọc đến mô như nó hiện cảnh vật ra trước mặt vậy.