Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

VỀ NHÃ THUYÊN

Tại hội nghị lý luận phê bình ở Tam Đảo, phải đến khi bác Nguyễn Văn Lưu lên phát biểu rất nặng về cái luận văn của Đỗ Thị Thoan thì mình mới biết có nó. Và cho đến bây giờ thì mới biết thêm là nó đã ra đời 3 năm nay rồi.

Mình nghĩ, trước bất kỳ một hiện tượng văn học nào cũng cần có người nghiên cứu nó, một cách khoa học và trung thực. Mình không rành lắm nhóm "mở miệng" dù thi thoảng có đọc, và quả là mình không hợp với món này. Có điều kiện mình sẽ nói thêm. Nhưng nghiên cứu về nó như một hiện tượng văn học là điều nên và cần làm. Cũng như Nhân văn giai phẩm ấy, cho đến tận giờ, nếu không có cái công trình của bác đại tá công an nhà văn Lê Hoài Nguyên- Thái Kế Toại công bố khi đã về hưu thì ai hiểu nó như thế nào...

Hôm nay mình đọc bài của GS TS Trần Đình Sử, mình thấy bác này rất ôn tồn mà minh bạch, bác đề nghị một cách ứng xử vừa khoa học vừa nhân văn. Mình xin bác ấy rinh về đây:

Cuộc phê phán luận văn của Đỗ Thị Thoan hay là sự xung đột về khung tri thức và thế hệ



1.Một cách hành xử quá nóng vội
 
Cuộc phê phán luận văn thạc sĩ năm 2010 của giảng viên đại học Đỗ Thị Thoan hiện đang rầm rộ khắp cả nước, trên các báo lớn, báo nhỏ với đủ các từ quy kết nặng nề như “phản văn hóa”. “phản động,”, “mượn danh khoa học để làm chính trị”, “ngụy khoa học”, “sự lệch chuẩn”, “sự nổi dậy của rác thối”, tham vọng soán ngôi của thơ rác…Một đám cháy đang bùng lên dữ dội trên văn dàn.  Mật độ cấp tập của sự phê phán không kém gì với các cuộc phê phán tác phẩm Vào đời của Hà Minh Tuân năm xưa mà tôi đã nhắc đến với sự xử lí oan đối với cả cuộc đời nhà văn đại tá quân đội. Đồng thời với sự phê phán là các đề nghị cách chức, xử lí những người hữu quan, và thực tế đã không tiếp tục kí hợp đồng giảng dạy với cô giáo Nhã Thuyên một cách vội vàng, chưa đủ thủ tục pháp lí. Thông thường người ta chỉ xử lí sau khi đã nghị án rõ ràng, có người bào chữa, có ý kiến của đương sự. Đằng này tất cả đều làm rất nhanh, bên trên, sau lưng đương sự, thiếu các thủ tục dân chủ tối thiểu trong một xã hội được coi là đề cao dân chủ thì thật tiếc là thiếu sự đàng hoàng. Tại sao chúng ta không tổ chức đối thoại, nêu câu hỏi để yêu cầu nhà khoa học trẻ giải trình, mà chỉ cho phép phê phán, như là một tội lỗi đương nhiên không cần bàn cãi? Tại sao chúng ta lại hành xử một sự kiện văn hóa một cách thô bạo, y như hồi những năm 50, 60, khi chúng ta đang còn ít kinh nghiệm?  Giả thử luận văn thạc sĩ Đỗ Thị Thoan có sai lầm nghiêm trọng chăng nữa thì cũng cho người ta cơ hội để nhận thức và sửa chữa, tương lai của cô còn rất dài, chọn được một người có trình độ học thức để làm giảng viên đại học đâu phải câu chuyện dễ? Chúng ta phải tin vào con người. Mọi sự đều sẽ thay đổi, không có gì là bất biến.

Thái độ ứng xử vơi Hội đồng chấm luận văn và người hướng dẫn cũng vậy. Họ là nhứng người làm việc hợp pháp theo quy chế của ngành, thống nhất trong toàn quốc, lẽ ra phải được quy chế bảo vệ. Nay có một ý kiến hô lên có vấn đề, thế là lập túc đòi xử lí họ, vô hiệu hóa họ. Điều này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm sẽ phá hoại bản thân nền đào tạo trên đại học của nước nhà. Nay mai, sẽ có người khác hô lên, luận án này có vấn đề, luận án kia có vấn đề, thế là lại xử lí, mà ý kiến bất đồng trong khoa học xã hội và nhân văn bao giờ cũng có, nhất là trong thời buổi nhạy cảm như hôm nay. Sự đánh giá của các hội đồng và các cá nhân thông thường không khớp nhau. Người ngoài hội đồng cũng thường có ý kiến khác. Theo tôi, làm to chuyện một vấn đề không lớn không phải là giải pháp hay.

     2. Sự xung đột về thế hệ

Nhã Thuyên thuộc thế hệ trí thức học tiếng Anh đầu tiên, một chủ trương sáng suốt của ngành giáo dục, học sinh phải học tiếng Anh từ tiểu học, các luận văn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ đề phải có trích dẫn tài liệu tiếng Anh. Mà đã học tiếng Anh thì đương nhiên tiếp thu văn hóa của thế giới tiếng Anh, trong đó ý thức về đa nguyên văn hóa là điều trở thành niềm tin tự nhiên của nền văn hóa ấy. Mà nếu ngày nay có lưu học ở Trung Quốc hay lưu học ở Nga, Ucraina, thì ở các nước đó văn hóa đa nguyên cũng đã là niềm tin tự nhiên rồi. Thế hệ trẻ tương lai của đất nước ta là một thế hệ như thế, không có thế hệ khác. Tôi không nói đa nguyên chính trị ở đây, chỉ riêng đa nguyên văn hóa ở Việt Nam cũng đang là một thực tế mà ta không thể phủ nhận. Các loại triết thuyết, các loại tôn giáo, tín ngưỡng đều có, tất nhiên sắp xếp theo một trật tự của ý thức hệ thống trị. Luận văn được viết ra trên một thực tế là văn hóa, văn học chúng ta là một thực thể đa nguyên, trong đó có trung tâm và bên lề luôn luôn xung đột. Trung tâm dĩ nhiên là đối tượng chủ yếu của nghiên cứu rồi, mà các hiện tượng bên lề cũng là đối tượng đáng được nghiên cứu. Đối với các nhà phê bình văn học thế hệ trước, trong đó có tôi, chúng ta tin văn hóa, văn học chỉ có trung tâm, ngoài ra là thù địch, không có ngoại biên, bên lề, không có cái khác, do đó khi tiếp cận luận văn này rất lấy làm bức xúc. Qủa thật, điểm danh các tác giả tham gia phê phán luận văn thạc sĩ này như Chu Giang Nguyễn Văn Lưu, Phong Lê, Vũ Hạnh, Nguyễn Ngọc Thiện, Văn Chinh…đều thuộc thế hệ trước. Sự khác biệt thế hệ khó hiểu nhau, thế hệ mới nói những điều mà thể hệ trước khó hoặc không thể hiểu được, thế là xảy ra xung đột đã làm tóe lửa, tạo thành đám cháy lớn trên văn đàn và thiệt hại cho các cá nhân hữu quan. Nếu không suy nghĩ đến vấn đề này thì sẽ còn xảy ra xô xát nhiều nữa, mà thiệt hại trực tiếp sẽ là sự tiến bộ của nền khoa học nước nhà, mặc dù mọi nghị quyết của Đảng đều thiết tha mong mỏi để cho nền khoa học nước nhà tiến kịp trình độ các nước trong khu vực và các nước tiến tiến trên thế giới. Nếu xử lí không thỏa đáng sẽ làm e sợ, giảm sút  nhu cầu tiến bộ của cả một thể hệ mới.

     3. Sự xung đột về khung tri thức khoa học hay là hệ hình khoa học

Trung tâm và ngoại biên là một cặp khái niệm để mô tả cấu trúc của các nền văn hóa và văn học. Có trung tâm thì có ngoại biên. Nếu chủ đề yêu nước, chủ nghĩa xã hội là chủ đề trung tâm của văn học thì các chủ đề như nữ quyền, hậu thực dân, tân lịch sử, giới tính…là các chủ đề ngoại biên. Nếu lí luận mác xít đối với nước ta là trung tâm, thì các lí thuyết khác như phân tâm học, cấu trúc luận, kí hiệu học, tự sự học… là ngoại biên. Nếu văn học dân tộc Kinh là trung tâm, thì văn học các dân tộc ít người là ngoại biên. Nếu văn học cách mạng là trung tâm thì các biểu hiện lệch lạc trước đây là văn học ngoại biên. Trong thơ Tố Hữu, các bài thơ tình của ông là ngoại biên. Trong sáng tac của Nguyễn Đình Thi, Con nai đen, Nguyễn Trãi ở Đông Quan là ngoại biên.  Trong Kháng chiến chống Pháp, trong sổ tay thơ của các chiến sĩ, ngoài các bài thơ cách mạng của Tố Hữu, Chính Hữu, thế nào cũng có đôi bài thơ mới của Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… như là một thứ ngoại biên, phải giấu kĩ, nếu bị phát hiện thì không phải đùa. Trong xuất bản hôm nay, các thứ thơ như Bóng chữ, thơ Trần Dần thực ra vốn là thơ ngoại biên, bên lề. Nói gọn lại, toàn bộ các tác phẩm bị cấm đoán, bị phê phán trong giai đoạn trước đều là thứ văn học ngoại biên. Các tác phẩm, tác giả văn học đô thị miền Nam được xuất bản hôm nay đều bị coi là ngoại biên. Trong báo chí hôm nay, các bài viết theo kiểu “chuyện hôm nay mới kể” là các đề tài ngoại biên, bởi thời trước không thể kể ra được. Văn học dân gian hiện đại rất sống động và phát triển, nhưng ngoài truyện vui Ba Phi, thơ Bút tre ra đều là ngoại biên hết. Văn hóa dân gian quá khức, như ca dao, tục ngữ có phân thanh và phần tục, như các bộ “Kho tàng”  thì chỉ ghi phần thanh, loại bỏ phần tục vì coi chúng là “không có tính giáo dục”. Đó là cách tự  làm nghèo vốn dân gian của ta. Cấu trúc văn học không đối xứng, trật tự thường là không bình đẳng. Đó là sự thật lịch sử mà ai cũng biết.

Trong công cuộc đổi mới văn học của chúng ta hôm nay vấn đề đổi mới thơ, đổi mới văn học đã trở thành một vấn đề của trung tâm, được trung tâm quan tâm. Trong các thời trước, đổi mới, làm thơ không vần như Nguyễn Đình Thi là bị cấm, coi là bất hợp pháp. Đổi mới thơ như Hoàng Hưng, Lê Đạt, Dương Tường, Đặng Đình Hưng cũng từng bị phê phán. Nhưng trong đổi mới thơ cũng có trung tâm và ngoại biên. Đổi mới kiểu Nguyễn Quang Thiều hôm nay được coi là trung tâm, nhưng khi mới xuất hiện, đối với một số người là ngoại biên, là thơ tây dịch sang thơ ta. Thơ của nhóm “Mở miệng” cũng là một thứ ngoại biên. Chúng ta có thể không thích nó, thậm chí ghét bỏ nó, nhưng nó vẫn là một phần, dù là rất bé nhỏ, rất phụ, đã lui vào quá khứ của quá trình văn học. Hiểu như thế mọi hiện tượng văn học ngoại biên đều đáng được xem xét, đều có ý nghĩa để soi sáng lịch sử văn học từ chỗ này hay chỗ khác. Vì vậy tạo ra vùng cấm trong nghiên cứu văn học là không nên. Điều này đúng như nhà lí luận văn học Lã Nguyên trong bài tham luận tại Hội nghị lí luận phê bình văn học Tam Đảo, đã được tạp chí của Hội đồng lí luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương đăng tải, muốn đổi mới phê bình văn học của chúng ta nhất thiết phải đổi mới khung tri thức lí thuyết, nếu không các sự cố do không hiểu nhau, hiểu nhầm, hiểu chệch sẽ xảy ra nhiều hơn, gây xáo trộn nhiều hơn trong đời sống bình thường.

4. Đối với trường Đại học sư phạm Hà Nội

Đại học sư phạm Hà Nội là một trường lớn của Quốc gia, để xảy ra một việc như trên là đáng tiếc. Tôi mong Khoa Ngữ văn, Ban Giám hiệu, các tổ Bộ môn cần có sự rút kinh nghiệm sâu sắc để làm tốt công tác đào tạo của mình.

Trong bài này chúng tôi chưa muốn nêu ý kiến về luận văn của Đỗ Thị Thoan, mà chỉ mới nêu vấn đề về cung cách xử lí vấn đề, sự xung đột thế hệ và xung đột về hệ hình nghiên cứu. Vấn đề là có đáng huy động lực lượng để làm một chiến dịch to lớn quy mô toàn quốc như thế không? Tôi mong sao những người có trách nhiệm đã sáng suốt đứng ra xử lí rất tốt sự cố Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư năm nào, thì nay sẽ lại góp phần làm giảm bớt tính nghiêm trọng đối với một luận văn cao học.

16 – 7 – 2013
Trần Đình Sử

10 nhận xét:

Nặc danh nói...

123 đã đọc bên Bolapquechoa. Hay, ôn tồn, rất có trách nhiệm và...nói chung là rất minh triết. 123 ủng hộ quan điểm của Gs TĐS. Sao vụ này không thấy Gs Nguyễn Đăng Mạnh lên tiếng hỉ?

Văn Công Hùng nói...

Cám ơn 123 chia sẻ. Đây là việc khá nhạy cảm hiện nay, huhu...

Daniel nói...

Thú thiệt , tui là dạng người cổ hủ . Vì vậy Nàng Thơ theo tui phải đẹp , phải e lệ ,phải ngọt ngào , phải sexy chứ ko thể như thơ Lý Đợi -Bùi Chát ( bùi thì ít mà chát thì nhiều ) .
Tuy vậy thứ tui không thích , thứ bạn ko thích , thứ hội đồng ní nuận ko thích có nghĩa là mọi người đều ko thích .
Có lẽ đây là chuyện đa nguyên văn hoá bác Sử đề cập.
Chỉ lạ là tại sao 1 công trình nghiên cứu khoa học lại bị "xét lại" , trong khi đối tượng nghiên cứu lại được giải quốc tế.
Cũng lạ cho cái hội đồng lý luận này là chuyện xảy ra đã 3 năm giờ hội mới biết , vậy 3 năm vừa rồi cả hội lĩnh lương mà ko chịu làm gì ru ?

Nặc danh nói...


Bây giờ loạn chuẩn rồi, nghiên cứu với lý luận chỉ để mà chửi nhau cho vui thôi nhà thơ VCH ạ. Đến như bày tỏ niềm tri ân với các anh hùng liệt sĩ cũng bị ném đá nữa là...Chỉ hỏi những ai hâm mộ nhóm "há mồm" có dám mang thơ chúng ra đọc trước bố mẹ con cái không ? Không ư, vậy là nó có "vấn đề nhạy cảm" rồi. Nghiên cứu phê bình để mà thừa nhận nó, coi nó như một "tất yếu lịch sử", thậm chí ca ngợi nó thì là thứ khoa học gì hỡi ông Trần Đình Sử ?\

Thế Là Xong nói...


Lý luận theo kiểu của chủ nghĩa Mao-it thế kỷ 20 ( đã từng gây ra thẳm họa " Văn nhân giải phẩm " và các vụ án khác... ) vẫn còn đeo bám nặng nề ở nước ta ngay ở thế kỷ 21 , đau xót thay ...

Vũ Xuân Tửu nói...

- Tôi tìm trên mạng, nhưng luận văn thạc sỹ của Nhã Thuyên Đỗ Thị Thoan bị chặn, nên không xem được. Tôi cũng như nhiều bạn xem nạng, chỉ biết ý kiến phê phán một chiều mà thôi. Nay đọc bài của Gs Trần Đình Sử, cảm thấy an lòng. Cám ơn GS và chủ blog.
- Lại nhớ, mấy năm trước, rộ lên chuyện phê phán Sợi xích, của Đỗ Hoàng Diệu. Tôi tìm đọc và lên tiếng bênh vực, khiến một số người không hài lòng. Nhưng biết làm sao, tôi không phải kẻ a dua theo đám đông.
- Khi viết về hội nghị nhà văn trẻ, tại Tuyên Quang, tôi có điểm sơ qua về vấn đề văn học Hậu hiện đại. Lập tức, có những ý kiến phê phán nặng nề, cho rằng, không có văn học hậu hiện đại. Lạ thế. Bây giờ, thế giới phẳng, tìm kiếm thông tin tương đối phong phú, không phải độc quyền của ai nữa. Thấm chí, những người hay phán xét, lại có khi ít đọc. Có lần, trên mạng tôi đùa: Biết đâu, mai ngày, khi công nhận văn học Hậu hiện đại, lại phải gắn thêm cái đuôi "định hướng XHCN".
Vũ Xuân Tửu

Nặc danh nói...

Soi rọi cho kĩ thì thấy đây vẫn là luận văn nghiêng về luân lí đạo đức nhiều hơn. Theo tôi tốt nhất nên ngăn chặn và không định hướng dư luận ủng hộ nó. Nên làm việc cho tốt và đấu tư chuyên sâu vào chuyên môn của mình để dạy học... Ở nước mình bây giờ thừa thầy thiếu thợ. SV, HS cứ van hoài chuyện thầy dạy học qua loa đại khái, hoặc thiếu bổ ích. Do đó luận văn của Đõ Thị Thoan quá phứt tạp, nếu vậy nên định hướng cho chị đi theo ngành tâm lí học hơn là nghiên cứu văn chương.

Văn Công Hùng nói...

Bác Vũ Xuân Tửu:
Sợi xích là của Lê Kiều Như bác ạ. Của Đỗ Hoàng Diệu là Bóng đè.

Thưa các bác còm ở trên:
Nhà cháu cho rằng, luận văn khoa học là nghiên cứu khoa học, hội đòng chấm là chấm phương pháp nghiên cứu, phương pháp tiếp cận, còn đúng sai là của tác giả. Tôi từng đi dạy và từng cho điểm rất cao những ai phê phán, thậm chí nói ngược ý kiến tôi, miễn là phải có phương pháp đúng, lập luận khoa học, còn đúng sai thì bây giờ chưa ra sau này sẽ ra, chân lý chỉ có 1 mà.

Bản thân tôi, như đã nói, không nạp nổi thơ của nhóm Mở miệng, của một số nhà thơ trẻ hậu hiện đại bây giờ, nhưng tôi vẫn đọc họ, vẫn chơi với họ. Nó là một tồn tại, và lịch sử vẫn phải ghi nhận sự tồn tại ấy.
Với lại cái luận văn ấy có phổ biến ra đâu, khi nào phổ biến ra thì tác giả và NXB phải chịu trách nhiệm về sự đúng sai phải trái...

Là nhà cháu có ý kiến thế, và đồng tình với ý kiến GS Trần Đình Sử nên mang về đây.

Nặc danh nói...

Không giám đốibthoaji với tác giả là hèn nhát

Vũ Xuân Tửu nói...

- Tôi bé cái nhầm, cám ơn VCH đã chỉ ra lỗi(10:15, 28/7/2013). Quả thực, tôi cũng đã được đọc SX và BĐ.
- Nhân đây, xin nói thêm, cái hồi xôn xao trên mạng, chuyện phê phán hồi ký của Gs Nguyễn Đăng Mạnh. Cái này thì tôi có được đọc tác phẩm và viết thư đề nghị cơ quan chức năng, nên tổ chức hội đồng thẩm định, để công bố kết quả các chi tiết đúng, hoặc sai trong hồi ký, rồi hãy phê phán. Nhưng không ai trả lời.
Chúng ta hay hô khẩu hiệu :"sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật", nhưng xử lý thì lại theo ý chỉ.
Vũ Xuân Tửu