Thứ Ba, 2 tháng 7, 2013

LOANH QUANH CHUYỆN TRỘM CHÓ


Ngày xưa cũng có chuyện trộm chó chứ không phải không. Nhưng nó chỉ là đơn lẻ, là vào ngày mưa gió nào đó, mấy bợm nhậu ngồi hút thuốc vặt, nhạt mồm bèn vẽ ra, và thế là nhắm một chú cầy nào đó trong làng, có khi là của chính một chú trong nhóm, vấn đề là giấu được vợ và con. Cái trò trời mưa, bày ra một con chó, vụng vụng trộm trộm, thui rơm ướt khói um lên nó lại thơm mới lạ. Rồi ngả vào lá chuối, rồi riềng mẻ mắm tôm, rồi lèn vào nồi, một nồi thôi, lom đom lửa, rồi ngồi chờ, rồi… thôi không tả nữa kẻo không quay lại được chủ đề chính mất…
----------


Con Bin nhà tôi đã bị bắt trộm


Thời gian gần đây khắp trong nam ngoài bắc rộ lên chuyện bắt trộm chó. Mới nghe thì có vẻ là chuyện nhỏ, nhưng đi sâu vào tìm hiểu thì nó không còn là chuyện nhỏ nữa.

          Đầu tiên là việc xảy ra các vụ án mạng, thậm chí là án mạng man rợ, như đánh chết người đi bắt trộm chó, không chỉ đánh chết một người mà đánh chết hai người, đánh xong còn thiêu xác, đốt xe... gây náo loạn xã hội.

Hình ảnh những đám đông hàng ngàn người phẫn nộ vây đánh những kẻ trộm chó đến thừa sống thiếu chết, và thực tế thì đã rất nhiều vụ… thừa chết diễn ra, mà không chỉ chết một người, đánh chết đến hai người. Đánh xong không cho xe chở đi cấp cứu… đã diễn ra liên tục trên đất nước ta ngày càng dồn dập, ngày càng tàn bạo hơn, khiến xã hội cũng phân hóa, người rùng mình kinh sợ, kẻ hớn hở cho chừa.

Nhưng ngược lại, chuyện tên trộm chó quay lại bắn chết một chủ chó là cán bộ văn phòng ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cũng gây sốc khủng khiếp. Nhiều chủ chó khác bị chúng đánh khi giằng cho lại không cho chúng cướp, nhiều người đang dắt chó đi dạo, chúng ào tới bắt… nó sinh ra một lớp người, khá đông đấy, sức dài vai rộng, chẳng làm gì chỉ đi... bắt trộm chó về bán cho các quán thịt chó, lâu ngày thành dân trộm chuyên nghiệp, rất thiện nghệ, tự chế ra các loại dụng cụ chuyên biệt rất hữu hiệu. Không chỉ thế, họ còn luôn luôn mang vũ khí trong người, sắn sàng tấn công người vây bắt, ít nhất là ném bột ớt vào mắt, liều lĩnh hơn là dừng xe và tay bo với chủ chó. Có trường hợp bắt chó xong, mang về nhà cất rồi chúng quay lại gây sự với chủ nhà vì bị chửi. Tự nhiên trong xã hội sinh ra một loại người lao động chuyên nghiệp- và khá giàu- bằng cách đợi người khác nuôi chó đủ lớn thì đến bắt mang bán lấy tiền sinh sống, thậm chí mua nhà mua xe…

Hiện tượng này rõ ràng không còn là chuyện nhỏ.


      Chó là loại vật rất khôn, mến chủ, trung thành và thân thiện với người nuôi. Nếu ở nước ngoài chó nuôi chủ yếu để làm cảnh, thì ở Việt Nam, chó ngoài cái sự làm bạn với chủ nó còn giúp chủ được rất nhiều việc. Trước hết là trông nhà. Với  đặc điểm của nông thôn Việt Nam, việc nuôi chó giữ nhà là đương nhiên. Xưa kia chó còn có nhiệm vụ dọn vệ sinh cho… em bé. Ngoài ra nó chính là nguồn thực phẩm dồi dào, hoặc là khoản tiền trông vào để lo các việc lớn trong nhà vân vân… Có ra đến đảo Trường Sa mới thấy chó và chủ quyến luyến nhau thế nào. Ở đây chó còn là chiến sĩ cảnh giới, cùng với bộ đội bảo vệ đảo, tức là bảo vệ Tổ Quốc.

          Ngày xưa cũng có chuyện trộm chó chứ không phải không. Nhưng nó chỉ là đơn lẻ, là vào ngày mưa gió nào đó, mấy bợm nhậu ngồi hút thuốc vặt, nhạt mồm bèn vẽ ra, và thế là nhắm một chú cầy nào đó trong làng, có khi là của chính một chú trong nhóm, vấn đề là giấu được vợ và con. Cái trò trời mưa, bày ra một con chó, vụng vụng trộm trộm, thui rơm ướt khói um lên nó lại thơm mới lạ. Rồi ngả vào lá chuối, rồi riềng mẻ mắm tôm, rồi lèn vào nồi, một nồi thôi, lom đom lửa, rồi ngồi chờ, rồi… thôi không tả nữa kẻo không quay lại được chủ đề chính mất…

          Đến giờ, bắt trộm chó đã là một công nghệ, có dây chuyền, có tổ chức, có trau dồi nghề nghiệp, có “tập huấn” đàng hoàng… thì vấn đề đã khác.

Nó không chỉ là bắt ăn chơi, bắt giải quyết khúc ngặt nghèo, mà nó là một nghề hẳn hoi, nghề bắt trộm chó, sống hẳn hoi bằng nghề ấy, có phương tiện hành nghề, có kho cất giấu, có đầu mối tiêu thụ, có cả đầu nậu, các bố già đứng sau lưng…

          Thế mà nếu bị bắt, thường thì những kẻ trộm chó chỉ bị phạt hành chính mấy trăm ngàn…

Nhà tôi đã từng bị mất một con chó. Chó Nhật nhưng lai nên nó khá lớn. Và vì bỏ ra hàng tuần đi tìm nó để chuộc (mà không được) nên mới hiểu cái “sự nghiệp” trộm chó nó hoành tráng đến mức nào.

Lần mò, được người ta chỉ cho vào nhà một đầu nậu, được dẫn chui xuống một cái hầm xi măng xây ngầm dưới đất. Dưới ánh sáng lờ mờ của bóng đèn quả ớt, hàng trăm con chó các loại ngổn ngang trong ấy. Lạ là tịnh không một tiếng sủa hoặc tru, chỉ khe khẽ tiếng rên như là chúng sắp biết trước kết cục. Không thể tìm được con chó của mình trong cái mớ hỗn độn ấy dù tôi đã gọi nó khá thảm thiết. Chắc nó đang run rẩy ở một căn hầm khác của một chủ khác…

          Kỷ cương phép nước bị xem thường cũng từ đây. Ăn cắp cái xe đạp là bị lên đồn công an ngay, thế mà ở đây, đêm này qua tháng khác, thậm chí ngày này qua ngày khác, chúng bắt trộm (và cả công khai như cướp) hàng chục tấn chó mà không việc gì, nếu bị bắt thì cũng chỉ phạt hành chính qua loa. Mà một con chó bây giờ đâu phải ít tiền. Chó mà ở thành phố thì phần lớn là trên triệu bạc cả, thậm chí lên hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu, chúng khôn và thân thiết với chủ như con cái trong nhà, được tắm hàng ngày, nước hoa quần áo như người, tiêm các loại thuốc phòng dịch, cả nhà bồng bế, hôn hít, cưng chiều, khi bị mất người ta xót tiền thì ít mà thương và nhớ chúng là chủ yếu, vì chúng đã trở thành một thành viên trong gia đình. Có gia đình cả nhà mất ăn mất ngủ khóc lóc cả tháng trời vật vờ đi tìm chó để chuộc. Ở nông thôn, ngoài là bầu bạn, chó còn là nguồn dinh dưỡng khi nhà có việc, và là món tiền lớn khi cần chi tiêu, có nhà khi con đi học đại học đã phải bán hai con chó cho con có tiền nhập học. Thế mà chúng đang tâm bắt trộm và nhơn nhơn tồn tại một cách công khai.

          Chúng tôi mới chứng kiến một vụ bắt- phải gọi đúng là cướp- chó giữa ban ngày. Ấy là một gia đình công chức đi làm nhốt chó trong nhà. Khi bà chủ về, vừa mở cổng, con chó Phốc chừng chục cân, rất khôn- có cả dây xích vừa thò đầu ra mừng chủ thì như từ dưới đất chui lên, một chiếc xe máy ào tới, tên ngồi sau nhấc bổng con chó lên trước sự sững sờ chứng kiến của cả chục người. Sau đấy là cả nhà bỏ cơm trưa đi tìm xin chuộc. Nhờ chủ mấy quán thịt chó quen cùng đi, đến đâu cũng bảo: Chả tìm được đâu, bây giờ bọn bắt trộm đã thả nó xuống hầm rồi. Không ai được vào đấy, kể cả các chủ quán thịt chó. Hỏi các ông có biết cái nhà bắt chó ấy không, họ ngần ngừ có vẻ như biết nhưng không dám nói, nhưng họ biết chắc chắn những người chuyên bắt trộm chó xây những cái hầm rất lớn để chứa chó bắt trộm, sau đó mới phân loại và các chủ quán thịt chó trong thành phố đến đấy mua hoặc chúng mang đến từng quán bỏ mối.

          Thực ra hỏi kỹ thì những người chuyên bắt trộm chó này cũng dễ nhận biết, nhất là các xóm trưởng (ở nông thôn) tổ trưởng dân phố và công anh khu vực (ở thành phố), nhưng tại sao mà chúng vẫn nhơn nhơn thì chịu không giải thích được. Cũng có lý do là khung hình phạt của loại tội này không đáng để chúng sợ, nhưng rõ ràng là uy lực của chính quyền và công an khu vực không làm chúng nể. Tại sao không kêu lên liên tục dằn mặt răn đe. Thậm chí là bêu tên chúng lên các phương tiện thông tin đại chúng. Chúng tôi biết ở một số khu dân cư, đặc biệt là ở các khu tập thể quân đội, khi bắt được bọn trộm chó, người ta không thèm báo chính quyền nữa, mà tự xử, và trong thực tế, nếu theo dõi báo chí, thì những vụ án đau lòng từ những vụ trộm chó vẫn xảy ra liên tục, kẻ đi ăn trộm thì chết không toàn thây, người bắt và đánh chúng chết hoặc bị thương thì đi tù. Hệ lụy xã hội rất lớn. Nếu chúng ta kiên quyết giải quyết xử lý từ cơ sở thì may ra những thảm cảnh đau lòng trên sẽ giảm, và xã hội sẽ bớt đi những chuyện buồn, những chuyện đáng xấu hổ từ cái nghề đáng xấu hổ này.

          Có thêm một sự thật nữa, là các vụ đánh chết kẻ trộm càng nhiều càng dã man, thì số người tham gia vào đội quân trộm chó càng nhiều. Việc đánh chết người trộm chó rõ ràng là tội ác không thể chấp nhận, nhưng cũng có thể lý giải, là bởi sự căm tức đã lên đến đỉnh điểm, là bởi chính quyền không có khung hình phạt đủ răn đe, thậm chí là bất lực, và còn bởi tâm lý đám đông. Nhưng chứng kiến những vụ bị đánh chết kinh hoàng thế mà bọn trộm chó vẫn không sợ, vẫn ngày càng đông đảo thì rõ ràng là phải xem xét lại từ gốc vấn đề. Chắc chắn là hàng xóm rồi chính quyền sở tại không thể không biết lai lịch gốc tích những kẻ trộm chó, thế mà rồi cứ im lặng để cho tội ác liên tục diễn ra, để rồi những vụ lộn xộn làm tan tác cả những làng quê yên tĩnh, làm bao gia đình lâm vào đường cùng, người chết kẻ di tù, để hậu quả đau lòng của trộm chó vẫn tiếp diễn và chúng ta toàn đi giải quyết phần ngọn.

          Thế nên chuyện con chó, tưởng nhỏ mà không nhỏ nữa…     
                                                                                                                    

 

4 nhận xét:

Nặc danh nói...

con chó bạn thân trong gia đình ,nó là vật dữ nhà .canh vườn tược .giá trị ko nhỏ.khi bọn ăn cắp chó nó xẩy ra mất bạn ,mất bạn dữ nhà .phải thức đêm để dữ nhà thay chó .thế có tức không.chỉ những kẻ đồng lõa ,những kẻ có chấm nút trong việc trộm cho .bọn trộm chó mới có đất sống.rất nhiều làng xóm chuẩn bị phương án khi có tiếng hô trộm chó cả làng ra vây .quyết tiêu diệt đến cùng.không cho chúng nó thoát nếu chúng mò vao ko có dường ra

Nặc danh nói...

Chào Bác Hòang Hương Giang. he he ..
Nghe như tên con gái té ra là đực rựa !

yamaha nói...

Nhớ những năm 90, chó trở nên có giá, nhất là chó Nhật, nhờ cánh lái buôn bên Trung Quốc lùng mua. Một chú cún thời ấy từ vài trăm đến vài triệu đồng (vài triệu là con số khủng lúc ấy). Sau đó, "bong bong chó" vỡ toang, mấy vị ôm chó méo mặt. Bây giờ, giá chó lại leo thang, bởi không chỉ trả bằng tiền, nó còn trả bằng mạng người nữa. Sợ thật !

Nặc danh nói...

Cán bộ đó VP tỉnh Bắc Ninh, anh VCH a!