Thứ Hai, 1 tháng 7, 2013

ĐỌC "VỠ CHỮ"

Ở Hội nghị lý luận phê bình văn học tháng trước tại Tam Đảo, chị Nguyễn Thị Minh Thái có một phát biểu gây nóng hội trường, ấy là chị yêu cầu các nhà phê bình phải đọc "vỡ chữ". Mình nhớ bác Ngô Thảo rất tức, còn bác Văn Chinh thì lên hẳn diễn đàn với cái giọng rất... Bắc Kỳ bảo: chúng tôi xin được cám ơn chị Thái vì chị đã dạy cho chúng tôi biết cách đọc, huhu, nhưng lúc ấy chị Thái đã về Hà Nội mất rồi...

Hôm nay thấy Trần Thiện Khanh đưa cái tham luận của chị Thái lên trang "Phê bình văn học", bèn cóp về đây hầu bà con:
--------

Nguyễn Thị Minh Thái: các nhà phê bình văn học hôm nay đương đầu với bi kịch đọc không vỡ chữ

“Theo tôi, chỗ của nhà phê bình văn học là đứng giữa tác phẩm văn chương và người đọc, với tư cách là người bình giá, thẩm định, môi giới cái đẹp của con chữ nhà văn đến với độc giả. Cũng vì thế, nhà phê bình đương nhiên phải thông hiểu cả hai nghệ thuật tạo nên mối quan hệ thẩm mỹ đặc thù giữa cái viết và cái đọc này, với một bên là nghệ thuật viết văn của nhà văn và một bên là nghệ thuật đọc văn của người đọc.

Ở chỗ rất đặc biệt này, có thể rất nhiều khi/ít khi, nhà phê bình phải đương đầu và phải vượt qua một bi kịch thường xảy ra đối với cái đọc tác phẩm văn chương, đó là bi kịch đọc không vỡ chữ. Thậm chí việc giải quyết bi kịch này có thể là việc cấp thiết nhất, cần đặt ra thường hằng đối với những ai đã mang lấy nghiệp phê bình văn học vào thân, nếu không muốn nói, đây cũng chính là vượt thoát của cả nền văn học Việt Nam trong suốt tiến trình hiện đại hóa của nó, đã, đang và sẽ diễn ra dài dài suốt từ thế kỉ 20 cho đến thế kỉ 21 hôm nay…


Cũng chính vì buộc phải vượt thoát bi kịch này mà các nhà phê bình hôm nay luôn phải đương đầu với bi kịch ‘đọc không vỡ chữ’, nhất là đối với các tác phẩm mới. Chúng ta từng chứng kiến cách đọc văn xuôi như đọc báo trong tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cùng sự quá lời đến mức xúc phạm nhà văn, khi một cán bộ văn nghệ tỉnh Cà Mau đã kết tội nữ nhà văn này một cách thô bạo và khiên cưỡng trên báo chí…

Vừa qua, 8.5.2013, tại Trung tâm văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội đã diễn ra cuộc thảo luận về dịch thuật và phê bình dịch thuật. Tôi cho rằng căn cơ của việc thảo luận này vẫn không ra ngoài việc đọc và dịch hiện nay, trong ít nhiều trường hợp, vẫn chưa thoát khỏi việc đọc chưa vỡ chữ của nguyên tác, dẫn đến việc dịch cũng không vỡ chữ thành tiếng Việt từ nguyên tác… Trong nền dịch thuật hôm nay, đã xuất hiện những nhà phê bình “ném đá” vào những dịch giả, cùng những lời lẽ đánh đập thô bạo, quá lời, khiến một số dịch giả phải kêu lên “chưa có không khí phê bình dịch thuật lành mạnh”. Song, phải thấy rằng, không phải lúc nào, tác phẩm nào của dịch giả cũng sáng láng trong cách đọc vỡ chữ tiếng nước ngoài và cách uyển chuyển ‘Việt hóa’ của người dịch am tường tiếng Việt, khiến cho, có lúc, dịch thuật văn chương nước ngoài sang tiếng Việt đã được gọi tên là “thảm họa dịch thuật”.

(Trích tham luận “Về bi kịch không đọc vỡ chữ văn chương…”, Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ III-  “Nâng cao chất lượng, hiệu quả của lý luận, phê bình văn học”,  ngày 4-5/6/2013, thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc)

4 nhận xét:

123 nói...

Đọc "vỡ chữ" Nguyễn Thị Minh
Thái nát Ngô Thảo Văn Chinh nát mình
Đọc "vỡ chữ" Nguyễn Thị Minh
Thái cho bằng hết kiểu bình mình - ta...

123 nói...

123 thêm tí nhá bác Văn Công Công!

Đọc "vỡ chữ" Nguyễn Thị Minh
Thái Ngô Thảo, băm Văn Chinh nát nhừ
Đừng đọc cái kiểu ậm ừ
Kẻo lại bị "thái" nát nhừ Thị Minh...!

Yoyo nói...

Chị Minh Thái xài hai từ: "vỡ chữ" rất tuyệt, đầy ẩn ý, trong khi ngoài mặt vẫn rõ ràng. Cái này nó động đến tâm tư tình cảm của "một bộ phận không nhỏ" các gia gia văn chương nói riêng, nghệ thuật nói chung. Phàm đã làm nhà văn nhà thơ, nhiều nhà luôn tự dặn lòng rằng, mình nhẹ thì vua một cõi, còn nặng là thượng đế vũ trụ, tức là bao nhiêu vốn liếng chữ nghĩa thiên hạ mình "hốt hết, hốt hết", cho nên bây giờ có người bảo tài sản quí báu nhất mình sở hữu được là chữ mà còn chưa vỡ thì sao không điên tiết được. Lại mạn đàm về Nguyễn Ngọc Tư cho đề tài này. Sau khi đọc xong "Cánh đồng bất tận" chẳng hạn, người rơi cả nước mắt vì vui mừng và ngưỡng mộ tác giả tác phẩm là những người đã "vỡ" ? Kẻ nghiến răng tố cáo cốt chuyện đã âm mưu biến dân tộc rồng tiên thành gà vịt phải chăng chưa "vỡ" ? Chẳng ai chịu ai, song quả thực có một điều lạ, là đọc nhiều và hiểu nhiều lắm khi không song hành trên cùng một chiến tuyến, lắm khi đọc nhiều nhưng nhận hiểu biết lại chẳng bao nhiêu...

Nguyễn Hòa nói...

Văn Công Hùng quên là hôm đó, khi phát biểu, tôi có đề cập tới ý kiến của chị Thái. Đại khái tôi nói: Có thể đưa ra lời khuyên, có thể đánh giá công việc của đồng nghiệp, nhưng yêu cầu đồng nghiệp phải đọc vỡ chữ thì hơi xéch mé. Cách đây khoảng 10 năm, chị Thái khen nức nở một cuốn sách là "công phu và đáng giá", sau đó tôi chỉ rõ đó là cuốn sách đạo văn, chị không bác bỏ được, liệu như thế đã đọc vỡ chữ chưa? Tôi còn nói thêm, có những người chỉ quen nói để người khác nghe chứ không thèm nghe người khác nói. Ở Hội nghị này, chị Thái cùng với Đào Duy Quát, Bích Hồng là những người như vậy. Họ nói xong là bỏ luôn. Nếu là tôi, để tôn trọng người khác, tôi sẽ không đến dự.