Đây là cái bài thế mạng Trường Sa gửi cho tờ báo của cô bé ấy, tất nhiên có chỗ này chỗ kia nó trùng (với chính mình chứ không phải người khác), huhu, mời bà con đọc tạm...
--------
CHUYỆN NHẶT Ở LÝ SƠN
VĂN CÔNG HÙNG
Tôi
đang chuẩn bị một chuyến ra Trường Sa. Rất hồi hộp vì biết có thể có nhiều tiền,
thậm chí rất nhiều tiền, có thể đi được khắp nơi trên thế giới này, nhưng để ra
Trường Sa thì tiền không phải là yếu tố quyết định, dù phải có tiền mới tổ chức
được những chuyến tàu chở hàng ngàn người ra Trường Sa, lênh đênh hàng nửa
tháng trời trên biển như thế.
Được
đi nhiều, ngoài chuyện anh phải có máu đi từ trong… máu, còn phải cần cơ may nữa.
Tôi đã đến Côn Đảo, Lý Sơn từ sự quyết tâm của cá nhân và cả cơ may như thế.
Bây
giờ thì đã rất nhiều người ra với Lý Sơn, mang hàng và quà ra, làm rất nhiều việc
cho Lý Sơn, chứ cái hồi chúng tôi đi, Lý Sơn còn khá kín tiếng trước mọi người.
Soạn đồ để chuẩn bị đi Trường Sa, những kỷ niệm Lý Sơn lại ùa về…
Bùi Huệ và chiếc xe lăn chó kéo: Dân Lý Sơn có hai nghề chính là làm ruộng
và lặn biển. Làm ruộng thì là trồng tỏi. Tỏi Lý Sơn nổi tiếng cũng nhờ ông nhà
văn Nguyễn Thành Long có cái tác phẩm “Lý Sơn mừa tỏi” và ông nhà thơ Thanh Thảo
nữa, nhưng ngoài ra, cái cách trồng tỏi ở đây cũng khiến nó nổi tiếng, tí tôi sẽ
kể, giờ xin kể về cái nghề thứ hai, nhưng là nghề chính ở đây, nghề lặn biển.
Nó vô cùng
nguy hiểm, bởi người lặn xuống sâu có khi cả trăm mét, ngậm theo một cái dây ti
ô nhựa và một cái dây cột ngang người, ngoài ra còn có chì để chìm nữa. Một người
lặn xuống thì hai người trên thuyền thả và kéo. Lặn biển rất kinh hoàng nhưng
cũng trúng đậm, một con hải sâm thời giá hiện tại từ triệu rưởi đến hai triệu đồng,
có chuyến trúng được cả tỉ bạc. Bố con ông Mai Phụng Lưu, người rất nổi tiếng
vì bị Trung Quốc bắt đi bắt lại ở vùng biển Hoàng Sa, là người chuyên nghề lặn
bắt hải sâm.
Nói nguy hiểm
là bởi đến một độ sâu nào đó thì con người sẽ bị áp suất nó nén. Thường thì khi
không chịu nổi, người lặn sẽ rung dây làm hiệu và người trên thuyền sẽ kéo lên.
Nhưng không được kéo một lèo mà phải kéo từ từ, năm mười mét lại phải nghỉ cho
con người quen với sự thay đổi áp suất.
Bùi Huệ là một
ngư dân chuyên lặn biển. Đấy là một chàng trai rất đẹp, to khỏe, mắt sáng mặt
tươi, nhưng khi chúng tôi sang đảo Bé thì gặp cậu đang… đi dạo trên một chiếc
xe lăn do 2 con chó kéo. Hầu như tất cả đám nhà báo chúng tôi hôm ấy đều dừng cả
lại, xúm vào chụp ảnh rồi theo anh về nhà.
Tớ ngồi ngắm Bùi Huệ, còn chàng ta thì ngắm biển... |
Trên một cái gần
như là nhà, thông thống gió, sát mép biển, Huệ đứng bám trên một cái thang, mắt
đau đáu nhìn ra biển và kể. Là anh đang đi lặn, hôm ấy chỉ chừng bốn chục mét
thì thấy khó thở bèn giật dây cho bạn nghề kéo lên. Lên đến nơi thì hôn mê và
bí tiểu. Được bạn nghề chở gấp vào đất liền, vào bệnh viện, và kết quả là anh bị
liệt toàn bộ 2 chi dưới. Từ một chàng trai khỏe mạnh và rất đẹp trai, giờ Huệ chỉ
ngồi hoặc đứng quỳ một chỗ, vịn vào một cái thang tự làm, mắt hướng ra biển,
ngày này qua tháng khác, lâu lâu muốn đi thì người nhà bế đưa vào xe lăn, rồi dắt
hai con chó rất khôn lại, tròng dây vào cổ là chúng biết phải làm gì. Trở về đất
liền chúng tôi kể chuyện này với nhà thơ Thanh Thảo, ông tưởng tượng ngay đến
hình ảnh một người tuần đảo bằng... xe chó kéo và bảo hôm nay sẽ "Chào buổi
sáng" trên báo Thanh niên bằng chuyện này. Nhưng thực ra thì Huệ chỉ hay
ra bến tàu để... nhìn người. Ngày có hai chuyến tàu vượt biển nối đảo Lý Sơn với
đảo bé An Bình, tất tật mọi thứ của An Bình đều chở từ Lý Sơn qua, và hàng của
Lý Sơn thì chở từ đất liền về. Bố mẹ đã rất già giờ ở với đứa con tàn tật, nếu
ông bà khuất núi không biết cậu sẽ sống thế nào. Ngay hôm vừa trở về đất liền ấy,
chúng tôi đã bàn nhau phải làm gì đấy giúp Huệ, trước mắt là một cái xe lăn. Kết
quả trong vòng một tiếng đồng hồ, với chục cú điện thoại, chúng tôi đã huy động
được 5 cái xe lăn, bởi ngoài đảo Bé ấy, Bùi Huệ không phải là cá biệt, những
người như anh còn khá nhiều. Đích thân giám đốc sở nội vụ Quảng Ngãi đã mang 5
chiếc xe lăn chúng tôi quyên góp ra tặng Bùi Huệ và 4 người khác nữa, và sau đấy
là một phong trào ủng hộ rầm rộ bà con đảo Bé, kể cả những thứ rất lớn, rất đắt
như điện mặt trời…
Những đôi mắt Lý Sơn: Mắt con gái Lý
Sơn có một nét rất giống nhau, ấy là đều rất buồn. Và chính vì thế mà nó rất đẹp.
Tôi nảy ra một ý nghĩ là đi chụp những đôi mắt ấy. Dò hỏi lý do và phỏng đoán tại
sao mắt buồn thế thì chỉ có thể là thế này: gần như trăm phần trăm đàn ông Lý
Sơn đều đi biển. Và đã ra biển tít mù khơi thì cái sống với cái chết rất cận kề.
Có những người mất tích cả chục năm nhưng chưa được coi là chết, bởi biết đâu họ
dạt vào một hòn đảo nào đấy, thậm chí là hoang đảo, đang lần mò tìm đường trở về…
vậy nên cứ phải chờ đợi thôi. Và chờ đợi trong thảng thốt, trong âu lo, trong
nơm nớp những dự cảm chẳng lành, chỉ đến khi nào chồng trở về bằng xương bằng
thịt mới tin là chồng còn. Quấn quýt với nhau vài hôm, chồng lại dong buồm ra
khơi… những đôi mắt phụ nữ Lý Sơn đều thăm thẳm nỗi buồn xa chồng vô vọng ấy.
Cũng xa chồng, nhưng với chồng ngư phủ, sự vô vọng của cách xa nó kinh hoàng lắm.
Ai chả biết cái câu “Lấy chồng đi biển hồn treo cột buồm”. Ngày xưa mỗi binh
phu trong hải đội Trường Sa ra đảo thường được mang theo một cái chiếu, ba sợi
mây và một cái thẻ tre ghi tên tuổi quê quán, đấy chính là đồ để hải táng khi bị
chết trên biển- mà số bị chết nhiều lắm. Bó lại rồi thả xuống biển, may mắn thì
nó trôi vào đâu đó trong đất liền được người đất liền chôn cất, còn không thì
làm mồi cho cá. Trên mỗi chuyến tàu gỗ ấy có thêm mấy lu nước ngọt, ít gạo mắm,
còn thức ăn thì có biển cung cấp, thế mà mỗi năm một lần các hải đội Hoàng Sa
vâng mệnh vua đều ra đảo để tuần tra, và chiến binh ấy chủ yếu là dân đảo Lý
Sơn này. Tài kém và máy kém, tôi nhờ nhà báo Mai Thanh Hải, người có máy ảnh và
cả tay nghề xịn hơn tôi, bỏ ra nguyên buổi để chụp những đôi mắt phụ nữ Lý Sơn,
từ trẻ con đến người già. Trước khi ra về Hải đổ vào laptop của tôi một sê ri ảnh
mắt. Trời ạ, tôi đã lặng đi khi ngồi ngắm những bức ảnh chuyên về mắt ấy. Ngay
bây giờ, những người đàn bà thành phố kiều diễm và tự tin, đầy đủ phương tiện
hiện đại, nhưng nhiều lúc cũng còn hoang mang không biết chồng mình, con trai
mình ra khỏi nhà là đi đâu, làm gì, chỉ đến khi các gã say lặc lè về đến nhà
khai gì nghe nấy, nói gì đành tin nấy, thì những người đàn bà Lý Sơn, đời này
sang đời khác, trăm năm này sang trăm năm khác, khi chồng ra khơi là chỉ còn biết
ngóng ra biển và chờ. Sự chờ đợi vẹt cát, khô nước mắt, mòn chân trời kia đã
tích tụ vào những đôi mắt mà tôi đang ngắm đây. Mỗi chuyến ra biển vài ba
tháng, mà sóng mà gió, mà bất trắc mà hiểm nguy, chiếc thuyền như những lá tre
dập dềnh trên sóng, mạng người yếu thua cả con chuồn con trích, con cua con ghẹ,
con hến con ngao. Ngờm ngợp bao la biển, đêm trên biển đặc quánh như xắn ra được,
mà còn bão còn giông, còn sóng còn gió, bây giờ thì còn cả "tàu lạ, nước lạ"...
tôi hỏi chục người thì cả chục người đều bảo đã ra biển là phó mặc cho trời, ổng
cho thì sống, còn không thì chết. Đấy là những người đàn ông, họ ra biển và chủ
động, kể cả cái quy ước thủy táng, quy ước bó nẹp tre, quy ước làm mộ chiêu hồn
mà mọi người bây giờ hay gọi sai là mộ gió. Còn đàn bà, họ có gì, chỉ là sự chờ
đợi, mà buổi chiều ở biển buồn lắm, mây nước cứ rực lên rồi xám xịt, mây đùn
như thác phía mênh mông, từng đụn từng đụn. Còn đêm thì chỉ là mình đối
diện với mình, mình thắc thỏm với mình, hoang mang với mình, thon thót thon
thót với bao nhiêu ám ảnh tưởng tượng... Cứ dõi mắt như thế độc thoại như thế,
ngày này tháng khác, đời này đời khác, mẹ truyền sang con, những đôi mắt trở
thành thẳm sâu thắc thỏm như chính lòng họ, nước mắt trong nước mắt, cô đơn
trong cô đơn. Và vì thế nó đẹp, ẩn chứa trong ấy sự bao dung, dịu dàng, nhẫn nại
và cả chở che tha thứ...
Lý Sơn cát và tỏi: Ra Lý Sơn thấy một
điều rất ngạc nhiên là dù rất hoang sơ nhưng không có bãi tắm, thay vào đó là
đá, toàn đá, lổn nhổn đá, còn cát đã được đời này sang đời khác những người dân
Lý Sơn vớt lên làm đất trồng tỏi, lặn vào vị cay thơm của tỏi. Tôi đọc người ta
quảng cáo về tỏi Lý Sơn như sau: Đảo Lý
Sơn (Quảng Ngãi) từ lâu được mệnh danh là vương quốc tỏi. Toàn đảo có diện tích
trồng tỏi là 300 ha, hàng năm đưa ra thị trường khoảng 2.000 tấn tỏi khô. Tỏi
Lý Sơn là cây trồng truyền thống ở đây, có vị thơm dịu và nhiều tác dụng chữa bệnh.
Hàm lượng các chất có trong tỏi gồm i ốt, Selen, Giecmani, Vitamin B1, B2, C,
E, anxilin... có tác dụng đề kháng cơ thể, chữa các bệnh như: Giảm cholesterol
máu, trị bệnh cao huyết áp, giảm nguy cơ ung thư, phòng chống các bệnh tim mạch,
làm suy giảm viêm đau khớp, phòng tránh các bệnh rối loạn tiêu hóa, tăng cường
hệ miễn dịch, chữa viêm khí quản mãn tính, chữa phong thấp và đau thần kinh...
Chả thế mà gần đây có tin là tư thương đã chở tỏi nơi khác ra Lý Sơn đóng gói rồi
bán với giá tỏi Lý Sơn, chả thế mà mấy ngày ở Lý Sơn, vào bất cứ quán ăn nào, kể
cả quán phở, xe bánh mì thì cái đập vào mắt thực khách đầu tiên là đĩa... tỏi.
Trong lúc chờ bưng thức ăn lên, thực khách bóc tỏi chấm nước mắm ăn giống như
người miền Trung ăn bánh tráng, người Bắc ăn lạc trước khi ăn cơm, chả thế mà
nhiều người rất mê món rượu tỏi, nghe nói nó tăng đủ thứ và cũng giảm đủ thứ,
bách bệnh đều tốt...
Biển Lý Sơn
không có cát không phải là do không có cát mà là bởi nó đã hy sinh cát cho tỏi.
Hàng trăm năm nay người dân Lý Sơn đã moi cát biển lên trồng tỏi. Người ta bảo
cây gì con gì sống trong điều kiện khắc nghiệt thì nó càng ngon, càng quý, con
gì cây gì nuôi nhốt trồng sung sướng thì nó béo bệu nhão nhệch không ngon là rất
đúng. Tỏi ở Lý Sơn được trồng bởi chính những hạt cát trắng tinh chát mặn lấp
lánh thủy tinh xúc lên từ biển. Người ta xúc ngày này năm khác đến nỗi bây giờ
trong bờ còn trơ đá, đến nỗi bây giờ muốn lấy cát biển, tàu hút phải đậu ở tít
ngoài xa, hút lên thuyền rồi chở vào bờ bán cho người trồng tỏi. Cát ấy được trộn
với đất đỏ lấy trên miệng núi lửa ngay trên đảo và rong biển Lý Sơn thành đất
trồng tỏi. Đi trên đường Lý Sơn thấy lổn nhổn những đống cát đống rêu như thế.
Hai năm một lần người ta lại phải thay đất. Không tưới, không có nước đâu mà tưới,
đặc biệt là ở đảo bé, là đảo trong đảo, giờ là xã An Bình, cách đảo lớn tức xã
An Hải gần một giờ tàu chạy. Đảo này không có một tẹo nước ngọt nào, người ta
hoàn toàn nhờ vào trời để trồng hành tỏi, còn nước uống thì nhà nào cũng có một
cái bể to đùng và dăm bảy cái lu cũng to đùng để hứng và chứa nước mưa, khi hết
thì có tàu chở nước đến bán với giá hai trăm ngàn đồng một mét khối. Khi tắm
thì ra biển, kỳ cọ thoải mái xong rồi vào lấy khăn lau người. Ưu tiên phụ nữ
thì cũng là ra biển tắm trước, sau đó vào tráng qua vài ca nước ngọt. Cây tỏi cứ
thế oặt oẹo lớn, lá héo quắt héo rũ dưới nắng, thân tóp hết cỡ để giữ nước, bao
nhiêu tinh hoa, bao nhiêu khốn khổ, bao nhiêu nhọc nhằn, bao nhiêu khô khát cơ
cực... dồn hết vào củ tỏi, làm nên thương hiệu tỏi Lý Sơn.
Mộ gió: Những ngư phủ Lý Sơn ấy, khi ra
khơi đều xác định thời hạn trở về. Để người ở nhà yên tâm thôi, chứ bao la thế,
bất trắc thế, nhỏ nhoi thế… làm sao mà đúng hạn được. Khi họ đi quá hạn chừng 6 tháng mà không thấy
về thì gia đình lập bàn thờ, 6 tháng sau thì bắt đầu lập mộ chiêu hồn- gọi thế mới đúng chứ không phải mộ gió đâu, mộ gió ở
đâu cũng có, là mộ không có xác, nhiều khi chỉ un lên để bảo vệ cái mộ thật, gần
như mọi vùng nông thôn Việt Nam đều có. Mộ chiêu hồn là mộ không có xác thật,
nhưng được thầy pháp làm xác giả, nặn bằng đất sét, lấy cây dâu làm xương, trứng
gà làm tim và huyết tương... đến khi làm xong gọi hồn, bắt một con gà trống, bịt
mắt lại, gọi hồn xong thả gà ra, nếu nó mổ trúng cái xác ấy thì tức là hồn đã
nhập và làm thủ tục chôn, nếu không thì phải nặn xác khác, có khi cả chục xác mới
xong... Không hiểu có nơi nào mà đến cái chết vẫn còn bi tráng thế không? Đi
nhiều nơi, đến Lý Sơn mới thấy có kiểu mộ lạ và oan khuất thế. Nhưng có lẽ chỉ
còn cách ấy để người ta vọng người thân đang nổi chìm đâu đó giữa trung khơi
thăm thẳm kia. Nhiều, rất nhiều những ngôi mộ như thế ở Lý Sơn…
Nước ở đảo Bé: Khác với hai xã lớn hơn
kia, xã đảo An Bình (đảo Bé) không có một giọt nước ngọt nào. Người ta đã tìm
nhiều rồi nhưng không ra một nơi nào có nước, vậy nên hai cách duy nhất để có
nước là xây rất nhiều bể, lu khổng lồ để hứng nước mưa vào mùa mưa, và mua nước
từ những con tàu chuyên dụng với giá hai trăm nghìn một mét khối. Không có nước
ngọt nên không thể chăn nuôi. Không thấy bóng dáng trâu bò lợn đã đành, mà gà vịt
cũng không có. Động vật duy nhất chúng tôi gặp trên đảo là chó, trong đó có những
con cực khôn như cặp chó nhà Bùi Huệ...
Ở Đảo Bé ấy,
nhìn nhà nào nhiều chum tức là nhà ấy… giàu. Người ta tính tiềm lực kinh tế bằng
cách đếm chum và ước lượng lượng nước còn trong chum ấy. Có một thứ hiếm nữa ở
đảo Bé, ấy là thanh niên. Họ đi làm thuê hết. Giữa biển khơi mà làng không làm
nghề cá được bởi không có bến cho tàu thuyền neo đậu, vậy nên người có sức thì
tứ tán đi làm thuê, chỉ còn người già yếu bệnh tật ở nhà. Làng hiu hắt chi lạ…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét