Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2013

CHAO ƠI CHUYỆN TUỔI CỦA CÁC VUA HÙNG

Anh Mai Thanh Hải vừa đưa câu chuyện chết cười về tuổi của các vua Hùng, khi người ta gắn biển đồng hẳn hoi, giới thiệu tuổi của từng ngài ở khu đền thờ Vua Hùng công viên Đồng Xanh, Pleiku.

Nếu cứ theo đúng truyền thuyết như thế thì trung bình mỗi ngài thọ đến mấy trăm năm...

Nước ta ấy, đến giờ vẫn lẫn lộn khá nhiều giữa truyền thuyết và lịch sử, giữa chính sử với dã sử... nên nhiều khi cứ tréo ngoe. Lâu dần không ai giải thích, không ai chứng minh, hoặc biết mà... không dám nói ra, sợ này sợ kia... nên càng tù mù.

Mình cho rằng, những người gắn biển lên tượng các ngài cũng chưa chắc đã sai, bởi họ cứ lấy số năm chia cho đời các cụ, ra tuổi, làm gì nhau, bởi bây giờ, có bác nào oách nói ra cho dân chúng biết rằng thì là tại sao 18 đời Vua Hùng lại kéo dài thế đâu, vậy nên cứ là loanh quanh luẩn quẩn. May mà hình như chưa có năm nào có đề thi là: em hãy cho biết tuổi thọ của các Vua Hùng là bao nhiêu???

Dưới đây là bài của Mai Thanh Hải mình cop từ blog của hắn về, và bài của mình, hồi mấy cái tượng này đang làm:

LẠY CON CHÁU VUA HÙNG

Mai Thanh Hải - Đến Pleiku (Gia Lai) đúng mấy ngày mưa nên đến đâu cũng mịt mù sương mây và ướt lướt thướt, đúng chất "Phố núi cao phố núi đầy sương", chẳng thăm thú được chỗ này chỗ khác, mang tính chất cao nguyên.

Thấy mình thở dài thườn thượt, bác Văn Công Hùng mách: "Thôi thì ra công viên Đồng Xanh mà xem mấy cái thứ na ná Tây Nguyên" khiến mình à nhớ ra cái khu vui chơi tổng hợp nằm ở xã An Phú, cách Pleiku khoảng 10 km, trên đường xuống Quy Nhơn - Bình Định.

Công viên này của Cty Cổ phần Gia Lai CTC và được giới thiệu trên website rất hoành tráng, đại loại:

"Nguyên là khu đất cằn cỗi và là sân phơi Hợp tác xã An Phú, công viên được đầu tư xây dựng từ năm 1998 với diện tích 14 ha. Qua nhiều năm vừa đầu tư xây dựng vừa khai thác kinh doanh, đến nay công viên là công trình mang đậm bản sắc dân tộc, bản sắc Tây Nguyên. Hàng năm tiếp đón hàng trăm ngàn du khách đến tham quan, vui chơi, giải trí. Công viên gồm nhiều khu vực: khu văn hóa tâm linh, khu văn hóa các dân tộc thiểu số, khu vườn thú mi ni, khu vui chơi giải trí thiếu nhi, khu dịch vụ ẩm thực nhà hàng tiệc cưới…"

Đặc biệt, việc giới thiệu rất nhấn mạnh đến: "Khu Văn hóa tâm linh nơi có Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương được xây theo kiến trúc truyền thống với mái nhà Rông cách điệu cao 18m. Trong điện thờ, tượng Vua Hùng cao 6m, nặng gần 3 tấn gỗ mít sơn son thiếp vàng, kiến trúc văn hóa Việt bố trí sắp đặt hài hòa được thực hiện bởi các nghệ nhân từ thủ đô Hà Nội. Trước điện thờ là tượng 18 Vua Hùng uy nghi. Cạnh đó, chùa Một Cột -“Tây Thiên Nhất Trụ” được xây dựng theo đúng nguyên mẫu của Chùa Một Cột Hà Nội gợi nhớ về kiến trúc tâm linh thiêng liêng bậc nhất của Thủ đô. Xung quanh quần thể văn hóa Việt còn có lầu Thần tài, tượng Phật Quan Âm cứu khổ, cứu nạn, cổng Tam Quan bằng đá Ninh Bình; các loại cây quý được bố trí hài hòa, tạo ấn tượng và sự trân trọng đối với du khách khi đến nơi này"...

Mình lọ mọ mua vé 20.000 VND vào thăm Công viên Đồng Xanh vắng ngắt cũ kỹ xuống cấp và dĩ nhiên phải tìm đến Khu Văn hóa tâm linh để tìm đến Đền thờ Quốc tổ Hùng Vương.

Sẽ không có gì đáng nói, nếu dưới đế chân tượng 18 Vua Hùng không có những tấm bảng chú thích rành mạch về tên, húy, số tuổi, số năm làm vua, số vợ con cháu chắt...

Mọi lời bình, xin dành cho người đọc.

Mình chỉ nói rằng: Việc đưa số liệu (dù mãi khi xem hết các chú thích, phải thật chú ý mới phát hiện tấm biển "Ghi chú" quay ngược phía sau như đánh đố du khách "Những số liệu về tên, húy, tuổi, số vợ, con, cháu của 18 Vua Hùng ghi chú trước bức tượng được trích từ nguồn tài liệu Giới thiệu Khu di tích lịch sử Đền Hùng của tác giả Vũ Kim Biên nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn do Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ xuất bản 2006") cho dù có trích từ nguồn nào, cũng nên giải thích cặn kẽ, kẻo sự đánh đồng huyền thoại sự tích và đời thực, không chỉ gây thắc mắc khó chịu mà còn tạo tác dụng ngược, rất phản cảm với không chỉ du khách nước ngoài, mà ngay với người Việt.

Người xem, khó có thể tin một người sống được vài trăm năm, thậm chí gần 1.000 năm, cho dù đó là vua cháu ngày xưa và cho dù những lời chú thích này được ghi rành mạch bằng tiếng Việt, trong công viên "chính thống", chứ không phải công viên nhà của những người... "khác người" tự lập lên.

Người xem không dám trách các nhân vật trong lịch sử bởi huyền thoại thì luôn là huyền thoại, sự nghiên cứu - sưu tầm có chăng cũng chỉ gói gọn lại trong cứ liệu lịch sử.

Và người xem, chỉ biết lắc đầu: "Lạy con cháu Vua Hùng", khi đọc những dòng ghi chú sưu tầm từ huyền thoại, được ghi rành mạch giữa thanh thiên bạch nhật, ở ngay nơi đang phấn đấu "đến năm 2015 khi xây dựng hoàn chỉnh đây sẽ là một công viên hiện đại, hấp dẫn bậc nhất của khu vực", mà thôi..

Thờ phụng Vua Hùng là điều rất đáng làm, không thể phủ nhận được. Nhưng thờ phụng kèm những chú thích không cần thiết, gây sự hoài nghi - phản tác dụng như ở Công viên Đồng Xanh Gia Lai như thế này, thì có khi cả nước có duy nhất ở TP Pleiku, nên mình cũng đành: "Xin lạy con cháu Vua Hùng!"..
-----------------------------------------------------------------------

Bài của mình, not ảnh:



RƯỚC VUA HÙNG VÀO TÂY NGUYÊN

          Một cú điện thoại từ Đà Lạt kéo tôi từ nhà chạy xuống công viên Đồng Xanh Pleiku lúc chiều đang non.  Gió hây hẩy và nắng mưng mưng. Cái tên họa sĩ  Hà Trí Dũng thì tôi nghe lâu rồi. Cái việc ông Đinh Vạn Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần văn hóa du lịch Gia Lai làm nguyên cái chùa Một cột và đền Hùng thu nhỏ ở công viên văn hóa Đồng Xanh tôi cũng biết rồi, nhưng việc ông Dũng Gia Lai mời ông Dũng Hà Nội vào làm mười tám ngài Hùng Vương thì quả thật bây giờ tôi mới nghe, và đấy chính là lý do khiến tôi sấp ngửa chạy xuống lúc chiều nhuôm nhuôm này.

          Theo tư liệu lịch sử thì 18 đời Vua Hùng bắt đầu từ Kinh Dương Vương, đến Hùng Hiền Vương tức Lạc Long Quân thì có truyền thuyết mẹ Âu Cơ với bọc trăm trứng. Tôi cho rằng ý nghĩa của sự tích bọc trăm trứng nó vô cùng vĩ đại. Chả phải ngẫu nhiên mà bây giờ trong ngôn ngữ Việt có từ "đồng bào". Đồng bào chính là cùng trong một bọc. Năm mươi con ở lại dưới biển, năm mươi con theo mẹ lên rừng làm nên non sông cẩm tú hôm nay. Qua đời Hùng Quốc Vương thì có sự tích Tiên Dung Chử Đồng Tử, một trong tứ bất tử của dân tộc Việt. Đến Hùng Hồn Vương thì lại sinh ra Phù Đổng Thiên Vương Thánh Gióng, nhân vật thứ hai của Tứ bất tử mà hôm qua đúng ngày trùng cửu cả dân tộc cùng hướng về Sóc Sơn chiêm bái việc đúc tượng đồng ngài. Ngài là nhân vật mang triết lý "Công thành thân thoái" rất đẹp của dân tộc Việt. Đến đời Hùng Chiêu Vương thì có sự tích Lang Liêu và sự tích bánh chưng bánh dày. Đến đúng đời 18, tức đời Hùng Duệ Vương thì sinh ra các sự tích Sơn Tinh Thủy tinh, An Dương Vương xây thành Cổ Loa và tình yêu Mỵ Châu Trọng Thủy. Sơn Tinh chính là Tản Viên Sơn thánh là nhân vật thứ ba trong tứ bất tử. Vị thánh cuối cùng trong tứ bất tử là một thánh nữ, là bà Liễu Hạnh. Như thế, 18 đời vua Hùng đã sinh ra ba trong bốn vị thánh bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam, đưa nước ta từ tên Xích Quỷ (2 đời) qua Văn Lang (15 đời) và cuối cùng là Âu Lạc (1 đời).

          Đền Hùng thu nhỏ đã được làm xong tại công viên Đồng Xanh từ mấy năm trước, nhưng tượng 18 Vua Hùng thì họa sĩ Hà Trí Dũng mới bắt tay làm từ tháng 10/ 2008. Công việc khá công phu. Trước hết là phải lên Đền Hùng ở Việt Trì lấy tư liệu, sau về làm phác thảo, duyệt rồi đổ tượng tại xưởng của Hà Trí Dũng tại Hà Nội, rồi sau đó xếp lên xe tải xuôi Nam. Hà Trí Dũng kể: Hôm ở Hà Nội vừa rước các ngài lên xe xong thì trời mưa. Vào đây vừa hạ các ngài xuống thì trời lại mưa, như là các ngài "tẩy trần" vậy. Tôi ngồi với Hà Trí Dũng trong một chiều Pleiku tuyệt đẹp nói chuyện lan man từ lịch sử cho đến nghệ thuật và cảm nhận ở anh một tình yêu chân thành và đắm đuối với lịch sử. Ngắm 18 vị Hùng Vương ở mọi tư thế trước cửa đền, trong lòng cứ lâng lâng niềm tự hào thiêng liêng khó tả. Hà Trí Dũng là một họa sĩ điêu khắc có tiếng của Việt Nam, 20 tuổi anh có tác phẩm tham gia triển lãm tại Cộng hòa dân chủ Đức. Ba mươi tuổi được kết nạp vào Hội Mỹ thuật Việt Nam. Bốn mươi tuổi giải nhất mẫu tượng đài Hưng đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, và sau đấy được chọn để dựng tại tỉnh Hải Dương, là bức tượng đá lớn nhất Việt Nam lúc ấy, khi hô thần nhập tượng rất nhiều lãnh đạo cấp cao của đất nước đã có mặt. Năm mươi tuổi làm tượng đài Sóc Trăng cao 28 mét, lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long bây giờ. Gần đây nhất là làm tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải tại đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi...

          Và bây giờ là 18 vị vua Hùng.

          Thực ra thì kích cỡ 18 vị này không lớn, không hoành tráng và cũng không tốn kém như các tượng đài khác. Nhưng nó mang một ý nghĩa tâm linh và cả chính trị rất lớn. Cùng "Đồng bào" trong cộng đồng 54 dân tộc, hậu duệ nhiều đời của 50 người con của mẹ Âu Cơ vĩ đại lên rừng khai sơn phá thạch, nhưng đến bây giờ chúng ta mới được chiêm ngưỡng 18 vị vua lập quốc uy nghiêm đầu đội lông chim, uy dũng trong một dáng vẻ đậm đặc chất Giao Chỉ. Họa sĩ Hà Trí Dũng kể anh phải xử lý rất kỹ để các tượng ra chất Giao Chỉ. Muốn thế phải nghiên cứu. Ấy là người Giao Chỉ cổ chỉ cao không quá một mét năm sáu. Các cụ săn bắt hái lượm nên phần trên cơ thể phát triển hơn. Ngón chân Giao Chỉ đặc trưng là tõe ngón cái ra nằm gần như ngang. Khi sáng tạo vào tượng, anh đã xử lý để tôi chỉ lướt qua một vòng đã thấy ngay rằng... đúng là các cụ, dù đây là loại tượng huyền sử, không có mẫu, cũng chưa ai thấy bao giờ, không lưu lại ảnh tranh, mỗi người có một mẫu của mình, thế mà nhìn vào, ta thấy ngay đấy chính là các cụ tổ...

          Tôi đã dăm bảy lần được lên núi Nghĩa Lĩnh ở thành phố Việt Trì viếng Vua Hùng, ấy cũng là nhân các cuộc công cán, chứ nếu đằng thằng ra, dẫu rất thành tâm cũng khó mà tự nhiên bỏ ra một chuyến để đi như thế. Bây giờ, các cụ về đây, quây quần trên đất Tây Nguyên, có cả đền và tượng, con dân toàn vùng tha hồ có dịp chiêm bái ngưỡng mộ. Đấy chính là ý nghĩa tích cực của việc dựng Đền và tượng các ngài ở công viên Văn hóa Đồng Xanh Gia Lai, nó sẽ thỏa ước mơ của biết bao người con Tây Nguyên mong một ngày được tự tay thắp hương kính cẩn nghiêng mình trước các tiền hiền của dân tộc...
         
                                                                                      VCH
 

24 nhận xét:

PTN nói...

Ô hô, em trộm nghĩ, ghi chú thế vẫn chưa đủ, vậy còn các chắt chắt chắt... của các cụ nữa chứ, đã "nghiên cứu" kiểu này thì chém phần phật luôn cho bõ chứ lị !

Yoyo nói...

Không lo chi mô bác Hùng ơi, Bác cũng là con cháu các cụ kỵ ấy cơ mà, lại còn trùng tên húy nữa chứ ! Con nhà tông không giống lông cũng giống... ấy mà(hehe), nên chừng ...vài trăm năm sau, biết đâu hậu duệ bác đọc được mấy dòng mộ chí:" Nhà thơ nhà báo, hưởng thọ 235 tuổi. Viết lách 210 năm..." thì sao ?! Hihi...

Trịnh Anh Đạt nói...

Thế ra các vị vua Hùng có họ là Hùng, vậy người con cả bị đày ra đảo dưa hấu có họ Mai (Mai An Tiêm) là con ai? Hay thờ các vua Hùng, theo mẫu hệ??? Ai biết chỉ dùm.

Nặc danh nói...

MAI AN TIÊM là con nuôi đó bạn.

Lẹo nói...

Thế mới gọi là cái sự "TÀI TÌNH" của ta.

vodanh Van nói...

Đọc bài coi ảnh xong, bổng dưng phát điên, thèm chửi tục quá, chửi f..m cái đám làm sử ẩu tả.Nó làm mình mất cả vui ngày nghỉ cuối tuần. f..m nó!.

Mai Viết Thật nói...

Ông Vũ Kim Biên và Sở VHTT Phú Thọ có bình thường không nhỉ? Các số liệu như vậy mà viết và xuất bản được!Quá hài hước. Báo tuổi trẻ cười xuất bản tác phẩm này thì đúng sở trường.

Nặc danh nói...

Thường thì vua băng hà rồi mới lập con cả lên nối ngôi. Vậy là có ông đến 600 tuổi mới lên làm vua, híx.
Công nhận mấy bức tượng trông ... giống y như các Vua Hùng!

nguoi mien nui nói...

Ủa mà thiếu NGUỒN GỐC các Vua Hùng : Vậy ai sinh ra vua Hùng? Thế bà Âu Cơ và Lạc long quân là ai vậy ta?
Hậu duệ 8 ngàn đời sau thì khối bác HùnG mà bác hậu duệ Hùng Văn Công chỉ là một ví dụ...

Nặc danh nói...

Lịch sử nước ta mới có khoảng 4000 năm, mà cộng các vua Hùng làm vua đã 7000 năm rồi là sao ta. Có gì làm bằng chứng là các vi vua sống hàng mấy trăm năm và có hàng trăm con cháu không mấy cha làm văn hóa. Làm văn hóa sao mà ẩu thế. Các vua Hùng chỉ là truyền thuyết, mà truyền thuyết thì có thể có, có thể không.
Quá xẫu hổ cho Bộ Văn hóa. Một công trình như vậy, tố bao nhiêu tiền của dân mà làm hết sức ngu dốt và tùy tiện.

Vua Hùng thở dài vì đám cháu điên nói...

ông Vũ Kim Biên và cả Sở Văn hóa thông tin Phú Thọ lên đồng hết rồi.
Đúng là cả đám sạohếtchổnói.com

Nặc danh nói...

Mấy nhà 'ngâm cứu' về huyền thoại vua Hùng này không hiểu gì về ý nghĩa các con số trong văn hóa . Số
18 là bội số nhỏ nhất của số dương
9 . Đây chỉ là con số dương biểu
trưng số nhiều, biểu trưng cho sự phát triển , sinh sôi không ngừng
của dòng tộc ( cách dùng các số dương 1,3,5,7,9 trong cách nói của
tiếng Việt khá phổ biến chẳng hạn như:3 chìm 7 nổi 9 lênh đênh, đã liều 3 bảy cũng liều...) Bởi vậy đây không phải là 18 đời vua Hùng cụ thể trong lịch sử . Ấy là chưa kể từ 'đời' trong nghĩa cổ xưa có thể mang cả nghĩa là ngành là chi trong dòng tộc thì sao nhỉ ?Cái tay Biên và ban lãnh đạo sở VH Phú Thọ này đúng là loại người 'điếc không sợ súng' phịa láo đến thế thì đúng là bọn 'khùng điên' thật rồi! Trời ạ !

Côn dân nói...

Các cụ nhiều vợ nhỉ !
Mà các cụ thọ nhỉ, thọ hơn cả bi chừ !

Lê Như Lan nói...

Có lẽ người có khiếu hài hước nhất cũng khó có thể nghĩ ra chuyện gì hài hơn thế này

Nặc danh nói...

Có câu: Chung quy cũng tại vua Hùng. Sinh ra một lũ vừ khùng vừa ngu.

nói...

Mình quê ở ngã ba sông, tên gọi là Bạch Hạc. Nghĩa là rất gần Núi Nghĩa Lĩnh nơi có đền thờ các Vua Hùng.
Thôi thì người ta đã công nhận tín ngưỡng thờ cũng Hùng Vương là di sản văn hóa nhân loại... thì những chuyện như tác giả vừa nêu chỉ nên coi là ... chuyện nhỏ.(!!!)
Quê mình người ta có câu ta thán: Chung quy chỉ tại Vua Hùng; Đẻ ra con cháu vừa khùng vừa điên.
Chẳng có ví dụ nào minh họa chuẩn hơn bằng ví dụ này.
Điên, điên thật rồi.

Nặc danh nói...

Hôm trước đang nói dở về con số 18 thì có việc gấp nên vẫn chưa hết điều bịa một cách vô lý đến mức lố
bịch của ông Biên ông chép nào đó.
-Điều vô lý thứ nhất là Thời đại H.V
chỉ là "Huyền sử", đâu có là Lịch sử
được ghi lại bằng văn bản để có những cứ liệu chắc chắn như vậy ?
-Điều vô lí thứ 2 là thời đại Hùng
Vương cách nay khoảng 4000 năm , lúc
đó còn ở thời kì bộ lạc , chỉ có các tù trưởng lấy đâu ra khái niệm
'vua', càng không có từ Hán Việt là'Hùng Vương'. Khái niệm Vua chỉ
ra đời khi xã hội chuyển sang chế
độ PK. Chế độ vua theo 'thế tập'
(cha truyền con nối) ngay ở TQcũng
chỉ bắt đầu từ nhà Hạ (2033-1562? trước công nguyên).Thời kì HV còn
ở chế độ bộ lạc nguyên thủy ,chưa được xác định chính xác cả niên đại , làm sao mà nhà nghiên cứu lấy đâu ra con số cụ thể đến cả số
con cháu của các triều vua Hùng?
Bịa đặt vô lí như vậy mà cũng được
in thành sách để truyền bá sao ? Không sợ thế giới người ta khinh bỉ người mình gian dối cả trong khoa học sao? Các vị làm văn hóa ở
miền Trung cũng không nhận ra sự
bịa tạc này sao, lại chép thành các bảng lớn để chú thích dưới các
tượng đài (cũng phịa nốt) của nhà
điêu khắc? Theo thiển nghĩ của tôi
thì nên bỏ ngay các bảng ghi chú và cả những tượng này đi càng sớm càng tốt!Còn nếu muốn giữ những bức tượng thì phải đưa vào trong đền thờ cho nghiêm chỉnh . Ai lại
để những ông tổ của dân tộc đứng
ra canh cổng đền thờ như vậy chẳng
là phỉ báng tổ tiên lắm sao, hỡi các vị hậu duệ của vua Hùng??? Hay
đây mới thể hiện sự "đậm đà văn hóa Việt"? Cứ để như vậy để khoe với thế giới rằng : Văn hóa
Việt đã phát triển cao độ đến tầm
không cần văn hóa nữa,nghĩa là VÔ VĂN HÓA !? (người góp ý:Thái A)

Unknown nói...

Kinh thật, cụ Hùng mà biết được hậu duệ của mình nó nghĩ và làm như vậy chắc cụ xấu hổ lắm, làm văn hoá mà vô văn hoá chắc chỉ có ở Vietnam

Nặc danh nói...

Huyền thoại thì lại đẻ ra huyền thoại chứ sao,việt nam mà.chuyện chỉ có ở Việt nam!!!����

Nặc danh nói...

Chuyệng này chỉ có ở Diệc nam

Unknown nói...

Còn thiếu: Vua Hùng thứ 19 là Hùng Công Văn nhưng mới làm vua được 1 năm thì chán đời nên chuyển sang làm thơ, viết Blog trở nên nổi tiếng hơn 18 ông cha tổ tiên của mình!

Nặc danh nói...

"Ấy là người Giao Chỉ cổ chỉ cao không quá một mét năm sáu. Các cụ săn bắt hái lượm nên phần trên cơ thể phát triển hơn."
Nhìn tượng các cụ Hùng đúng là loài người được tiến hóa từ vượn. Ha ha!!!

Nặc danh nói...


Ông Vũ Kim Biên năm 2013 xuất bản cuốn sách về các Vua Hùng có trích về SỬ và có trích một số NGỌC PHẢ ĐỀN HÙNG xin các bạn đọc kỹ lưỡng để hiểu đngs ý tác giả... ông cobnf chú thích những điều chưa thể giải thích...

Nặc danh nói...


Ông Vũ Kim Biên năm 2013 xuất bản cuốn sách về các Vua Hùng có trích về SỬ và có trích một số NGỌC PHẢ ĐỀN HÙNG xin các bạn đọc kỹ lưỡng để hiểu đúng ý tác giả... ông cobnf chú thích những điều chưa thể giải thích...