Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

TÂY NGUYÊN VÁY ÁO VÀ… NGỰC TRẦN


Còn các cô gái, họ cũng không váy không áo ló kiểu dân tộc nữa, mà quần jean áo thun căng cứng, cũng trễ cạp cũng… Trium như ai, thế mà lạ, các nhiếp ảnh gia Việt Nam rất thích khai thác đề tài này, dựng mấy bà già da nhăn nheo cởi trần, thậm chí cho một đứa bé mắt ngơ ngác tròn vo ngậm bầu vú teo tóp của một bà già nào đó, và gửi đi dự thi. Có lẽ nó lạ với các triển lãm ảnh nước ngoài nên họ… trao giải, thế là về nước khoe ầm ĩ...
--------


Ảnh của NSNA Trần Phong

        
  Cuối năm 1981, trên chuyến xe đò Desoto Quy Nhơn- Pleku, khi nó tuôn khói mù mịt ì ạch vượt đèo An Khê để vào địa phận Gia Lai trong một chiều sương giăng mờ thì trước mắt tôi hiện lên một cảnh tượng vô cùng ngoạn mục: một tốp phụ nữ ở trần mặc váy trên vai đeo gùi cắm cúi chân đất đi hàng một. Họ im lặng, rất im lặng, chắc thế, và nhẫn nại khi chiếc xe lù rù vượt qua vẫn không hề ngước mặt lên nhìn. Cái hình ảnh ấy ám ảnh tôi mãi. Lạ lẫm và háo hức, buồn và mong manh, như cái sợi chỉ giăng ngang chiều cao nguyên mang mang trong nỗi vừa xa lạ bí ấn vừa lãng mạn gần gụi.


          Là hồi ấy, cũng lần đầu tiên tôi lên Pleiku trong một quyết định vừa ngông cuồng vừa đầy xúc cảm tuổi trẻ: Quyết định lên Gia Lai Kon Tum nhận việc khi vừa tốt nghiệp đại học. Một cậu trai tơ vừa rời ghế giảng đường văn khoa, từ giã thành phố Huế để lên Gia Lai công tác dù đã có quyết định phân công công tác ở thành phố đồng bằng là một quyết định khá khủng khiếp với gia đình hồi ấy. Nhưng những gì tôi đọc, tôi biết về Tây Nguyên, những bí ẩn về nó cứ như những hấp lực mời gọi không cưỡng lại được.

          Và cái buổi chiều ấy với hình ảnh những người đàn bà Tây Nguyên hàng một trên đường quốc lộ như một khai mở ban đầu về Tây Nguyên cho tôi.

          Bây giờ quen rồi, biết tại sao người Tây Nguyên cởi trần, tại sao họ toàn đi hàng một dù đấy là đường nhựa hay là những bãi cỏ mênh mông… mà cái cảm xúc vẫn không hết, cái bí ẩn vẫn tiếp tục làm mình không cưỡng được.

          Bây giờ cánh người xuôi có cái tật lên Tây Nguyên là tìm sơn nữ ngực trần. Họ sẵn sàng bỏ tiền ra thuê người cởi trần để chụp ảnh ở suối rồi gán cho đấy là Tây Nguyên. Cũng như mới đây có mấy nghệ sĩ nhiếp ảnh đã xúi mấy đứa trẻ con đánh chiêng ngậm thêm cái tẩu thuốc để chụp ảnh, họ tưởng như thế mới là Tây Nguyên mà không biết là mình đã phạm những sai lầm nghiêm trọng.

          Sự du nhập của văn minh như một tất yếu của cuộc sống, như một điều không thể khác đã làm đời sống của đồng bào Tây nguyên thay đổi rất nhiều theo hướng đầy đủ hơn, tiện nghi hơn, sung sướng hơn. Song cũng chính vì thế mà nhiều tập tục tốt đẹp của đồng bào có cơ bị mất. Tất nhiên văn hóa phải phù hợp với thời đại. Chúng ta không thể cứ mãi mãi bắt đồng bào chơi chiêng trong khi chỉ một cây đàn organ có thể thay thế cả dàn chiêng mà lại chỉ cần một người. Cũng như thế không thể cứ bắt đồng bào mãi đóng khố cởi trần chân đất trong khi chúng ta đủ kiểu đủ loại trang phục…

          Nhưng như thế, làm sao chúng ta nhớ, có thời, thiếu nữ Tây Nguyên đã… cởi trần, có thời họ đã kỳ công ngồi dệt những cái áo rất đẹp…

          Không phải tất cả đàn bà con gái Tây Nguyên đều cởi trần như nhiều người lâu nay lầm tưởng, mà theo như chúng tôi biết, chỉ những cô gái chưa chồng mới cởi trần. Thử hình dung nhé, các cô gái Tây Nguyên da nâu chắc lẳn, chân dài quấn váy (hờ bành) mà mỗi bước đi là lóe ra ánh sáng từ gấu váy và chỗ tiếp giáp 2 đầu váy, thường là ngang rốn- không phải tôi tưởng tượng hay thấy mà tả đâu, mà là sử thi Tây Nguyên tả đấy, trong Đăm Săn, trong Đăm Noi, trong Bia Brah… nhân dân tả các cô gái như vậy. Chưa hết, phía trên là một thân hình của… thần vệ nữ. Vai tròn, ngực săn, hông thon, và cặp vú nhô lên như cặp ngà non, cong vút và chắc lẳn… Chiều cứ ngời ngời lên thế, đêm cứ hừng hực lên thế, và bình minh, những dáng con gái cởi trần giã gạo… Tây Nguyên yên bình và trữ tình quá thể.

          Đến khi bắt chồng thì con gái Tây Nguyên hết cởi trần. Bởi đã có chồng thì cái ấy là của chồng, do chồng sở hữu, còn nữa, điều này mới nhân văn và đề cao cái đẹp, ấy là khi có chồng thì không còn tinh khiết trong trắng nữa, mà nó đã nhuốm màu tục lụy, tức là không đẹp nữa, vậy thì ta mặc áo, lấy áo che lại…

          Váy áo của phụ nữ Tây Nguyên là cả một công trình nghệ thuật, dù rất thủ công, hoàn toàn thủ công, nhưng khi hoàn thành nó là tuyệt tác của kỹ thuật dệt, của phối màu, của bố cục hoa văn…

Mới nhìn, có cảm giác màu sắc, hoa văn trên trang phục truyền thống của tất cả cư dân cùng sống trên dải đất Tây Nguyên này đều giống nhau. Song sự thực không phải thế, mỗi dân tộc có họa tiết, hoa văn khác nhau, cách phối màu khác nhau, vị trí khác nhau... sở dĩ mới nhìn, ta có cảm giác chúng giống nhau là bởi chúng có sự tương đồng lớn. Đó là chất liệu vải dệt thủ công từ sợi bông nhuộm tay chắc chắn, thô ráp, hoa văn sử dụng các màu nguyên, cơ bản, nóng, rực rỡ và đều được bố trí theo chiều ngang khổ vải. Các loại vải dệt này được dùng để làm váy, khố, tấm dồ, áo. Váy của phụ nữ Tây Nguyên là những tấm vải dài sát gót, được quấn về một bên hông, có hoa văn ở cạp, gấu và phía sau tương ứng với phần mông. Ở cạp váy phụ nữ Tây Nguyên còn đeo thêm các vòng cườm, lục lạc bằng đồng để khi di chuyển tạo ra các âm thanh vui tai, ngoài ra còn các đồ trang sức bằng bạc, đồng, ngà voi, răng thú vật (loại quý hiếm và dữ như cọp, gấu, lợn rừng...) được đeo ở cổ, tai, tay và cổ chân... Tấm dồ là những tấm vải lớn có hoa văn ở 2 đầu, có thể có tua hoặc không có tua, dùng để đàn ông khoác ngang người, hoặc đắp khi ngủ, đàn bà dùng để địu con... nói chung nó là một vật dụng đa năng của cả đàn ông đàn bà Tây Nguyên. Rất nhiều người Kinh bây giờ sưu tầm các tấm dồ này làm chăn đắp. Nó rất ấm so với trọng lượng tương đương của các loại chăn đơn khác trên thị trường. Khố cũng không chỉ là khố mà nó là những tấm hoa văn tinh xảo có tua sặc sỡ ở 2 đầu thả dài quá đầu gối để mỗi bước đi, khố tung lên như những áng mây ngũ sắc, bề ngang 80 phân, bề dài từ 2 đến 4 mét. Người phụ nữ Tây Nguyên trước khi lấy chồng thường bỏ ra cả năm để dệt một bộ váy áo mang về nhà chồng mặc trong những dịp lễ hội. Đấy là loại đặc biệt, hoa văn cực kỳ tinh xảo, màu sắc rực rỡ, còn bình thường thì họ vẫn dệt vải hàng ngày, thường xuyên cùng các công việc thường xuyên khác như lấy nước, giã gạo, đi rẫy... Áo của các tộc người Tây Nguyên khác nhau rất rõ về hoa văn và màu sắc, tuy cũng là các màu nguyên như chàm, đỏ, đen, và thường là có tay nhưng lại… không dùng để xỏ tay vào mà để cho nó trôi ngoài cánh tay trần, gọi là áo ló, có lẽ cũng là loại thời trang rất hiếm hiện nay.

Trước khi có các loại vải dệt như vừa kể trên , đồng bào tây nguyên dùng vỏ cây làm trang phục. Trong tiểu thuyết " đất nước đứng lên ", nhà văn Nguyên Ngọc còn miêu tả làng Kông Hoa của anh hùng Núp cũng đã phải mặc áo vỏ cây. Tất nhiên không phải là đồng bào dùng nguyên những miếng vỏ cây để khoác lên người (hồi còn nhỏ người viết bài này cũng đã từng nghĩ như thế). Chỉ có một số loại vỏ cây có thể sử dụng làm trang phục được, đó là loại vỏ cây có một lớp lụa bền chắc bên trong. Sau khi lấy về được mang luộc chín lột lấy lớp lụa, giặt sạch rồi vò cho mềm sau đó mang phơi khô. Khi đã khô, người ta tước vỏ lụa ra thành sợi như sợi chỉ và đưa vào khung để dệt. Có một vài trường hợp, người ta để nguyên những miếng "lụa vỏ cây" ấy, dùng dây cột vào người, nhưng đây chỉ là hãn hữu của những người đàn ông độc thân, nghèo khổ…

Bây giờ theo nhịp văn minh, đang có sự ngược lại. Những người cởi trần lại là các bà già, những phụ nữ đông con, hoàn toàn chỉ vì yếu tố vật chất chứ không phải phong tục, và cũng thảng hoặc. Còn các cô gái, họ cũng không váy không áo ló kiểu dân tộc nữa, mà quần jean áo thun căng cứng, cũng trễ cạp cũng… Trium như ai, thế mà lạ, các nhiếp ảnh gia Việt Nam rất thích khai thác đề tài này, dựng mấy bà già da nhăn nheo cởi trần, thậm chí cho một đứa bé mắt ngơ ngác tròn vo ngậm bầu vú teo tóp của một bà già nào đó, và gửi đi dự thi. Có lẽ nó lạ với các triển lãm ảnh nước ngoài nên họ… trao giải, thế là về nước khoe ầm ĩ. Theo tôi, những hình ảnh ấy vô cùng phản cảm, nó vừa không đẹp về thẩm mỹ, vừa không tốt về nội dung.

Và vì những bức ảnh ấy, người xem cứ tưởng là mọi người đàn bà Tây Nguyên đều ở trần theo phong tục, nhất là các bà già gầy yếu…

(Bài đăng trên "Thời nay" tết năm nay)
                                                                                      V.C.H


         
 

10 nhận xét:

Nặc danh nói...

nhìn thiếu phụ Tây Nguyên ngực trần cho con bú mình cũng mê nữa là...người đa sầu, đa cảm, lãng mạn như nt VCH.
Vẻ đẹp mặn mà, nồng nàn đến mê hồn. Ăn đứt vẻ đẹp dao kéo của các " chân dài" VN, các minh tinh màn bạc Mĩ, Hàn...

Nặc danh nói...

Bài viết hay lắm, cám ơn

PHÙ THỦY DỪA nói...

Cám ơn anh, bài viết rất hay.

PHÙ THỦY DỪA nói...
Nhận xét này đã bị quản trị viên blog xóa.
Viễn Phương Cao nói...

Cháu cám ơn chú nhé! Bài viết của chú giúp cháu hiểu thêm nhiều vấn đề mà từ trước đến nay, dù ở gần làng, tiếp xúc với nhiều người ở làng nhưng lại lười tìm hiểu! Ngày trước, khi về những miền xuôi, người quen nghe nói cháu ở Tây Nguyên, họ thắc mắc: "Thế ở trên ấy e cũng mặc váy, cởi trần và ra suối tăm như trên ti vi, trên tranh ảnh vẫn đưa ư?" Hic, giá mà họ đọc đc bài viết này của chú nhỉ?

Nguyên Ngọc Đấu nói...

MÃI LÀ TÂY NGUYÊN
Tây Nguyên với hai mùa mưa nắng
Mưa thình lình con nước lũ dâng cao
Nặng hạt phù sa dòng nước đỏ ngàu
Về đồng bằng về nơi biển cả
Cái nắng đến vô cùng nghiệt ngã
Nám lừng người bóng loáng những làn da
Người Tây Nguyên như bản trường ca
Và có một mùa đơm bông kết trái
Cảnh đẹp thiên nhiên những bông Cúc dại
Gọi Dã Quỳ mà nghe thật hoang sơ
Câu chuyện kể khan thú vị bất ngờ
Ché Rượu cần lễ đâm Trâu trẩy hội
Những vòng Xoang
Tay trong tay tình yêu vẫy gọi
Hoa Pơ Lang đỏ rực cả khung trời
Lưng trần chân đất quen rồi
Hoang sơ vẻ đẹp của người Tây Nguyên ...!

Unknown nói...

Sao bây giờ ko thấy sơn nữ chưa chồng để ngực trần nhỉ?

Unknown nói...

Sao bây giờ ko thấy sơn nữ chưa chồng để ngực trần nhỉ?

Unknown nói...

Nhà cháu mới về quê vợ ở TP. Pleiku cách đây ít hôm, cơ mà chưa có điều kiện kiểm chứng những nét đẹp văn hóa mà bác Nhà thơ Văn Công Hùng viết về Tây Nguyên. Hoài thật !!!

(Hôm nào cháu có dịp về Gia Lai, bác Văn Công Hùng đưa cháu đi thực tế nhé. Biết đâu cháu lại có cảm hứng sáng tác một cái gì đấy...)

Unknown nói...

Nhà cháu mới về quê vợ ở TP. Pleiku cách đây ít hôm, cơ mà chưa có điều kiện kiểm chứng những nét đẹp văn hóa mà bác Nhà thơ Văn Công Hùng viết về Tây Nguyên. Hoài thật !!!

(Hôm nào cháu có dịp về Gia Lai, bác Văn Công Hùng đưa cháu đi thực tế nhé. Biết đâu cháu lại có cảm hứng sáng tác một cái gì đấy...)