Toạch,
mũi lên lao vút đi, oác một tiếng, con gà có mũi tên mắc ngang thân kẹt cứng vào
bờ rào. Thằng Noeng đủng đỉnh đi đến nhặt con gà vất ra đường, mắt vẫn nghiêng
ngó vào mấy bụi cây phía trong bờ rào. Bỗng nó lại ngồi thụp xuống, giương ná
lên. Tôi nín thở nhìn theo. Không thấy gì hết. Thế mà xoạch, rồi tiếng chít một
cái, rồi bụi cây xục xoạt, cu Noeng, lần này thì không đủng đỉnh nữa, mà ào
tới, vạch tới vạch lui rồi giơ mũi tên lên. Xuyên ngang mũi tên là một con
chuột mũm mĩm bằng cổ tay, vẫn còn giãy giãy…
…Hồi đầu những
năm tám mươi của thế kỷ trước, lũ độc thân chúng tôi công tác ở Tây Nguyên sợ
nhất là... tết.
Hồi
ấy đi lại rất khó khăn, mà tết lại chỉ được nghỉ ba ngày, mà- điều này mới quan
trọng- không có tiền, nên phần lớn cánh độc thân chúng tôi không về nhà mà ăn
tết tại cơ quan.
Buồn
thê thảm. Tất nhiên rồi. Có được dăm bảy lạng thịt tết thì đã chén từ... trước
tết. Cơ quan cũng cố gắng cải thiện thêm được cân nếp, mấy lạng đậu xanh thì
nhường cho mấy chị em đã có gia đình. Chiều ba mươi tết, tất cả những gì có thể
chén được, chúng tôi làm một trận hoành tráng. Mười mấy đứa độc thân cả trai cả
gái cùng uống rượu và... hát. Hát xong thì... khóc. Ban đầu thì bọn con gái
khóc, sau đấy là cả con trai. Tôi quả thật là hồi ấy chưa biết uống rượu, đêm
ấy lần đầu tiên biết say. Đúng giao thừa thì chúng tôi kéo nhau ra ngã ba Diệp
Kính, nơi sầm uất nhất của Pleiku thời ấy, thì thấy cả hàng trăm người, toàn
cán bộ độc thân quê miền xuôi, cũng tập trung ra đấy... nhìn nhau. Ngọn đèn tròn
sụt áp đỏ hoe hoe cũng chả đủ mà tận mặt xem ai là ai, đứa nào khóc đứa nào
cười...
Thế
mà còn mùng một, mùng hai và cả mùng ba, cái mùng mà hồi ấy đã phải đi làm
nhưng thực ra là chả ai đi, trừ lũ độc thân chúng tôi. Buồn đã đành mà quan
trọng hơn là... không có gì ăn. Chúng tôi ăn cơm tập đoàn, mà chị nấu cơm thì
cũng nghỉ tết. Ngày ấy tết quán xá cũng không bán, họ nghỉ nguyên cả tháng tính
từ trước và sau tết. Buồn và đói. Tôi và một gã bạn họa sĩ nghĩ ra một kế: Về
buôn.
Tớ, trong một lần tác nghiệp (đội mũ ngược) |
Ngày
tết làm gì có xe đò, hai thằng chúng tôi đèo nhau trên một chiếc xe đạp, trong
ba lô có mấy mét vải đỏ mà gã họa sĩ "thó" được từ tấm băng rôn làm
trước tết. Lương thực đấy, gã nháy mắt với tên lính mới là tôi.
Nắng
và lạnh và gió, tôi gò lưng đạp xe trong bạt ngàn màu vàng dã quỳ và đất đỏ.
Tết ở Tây Nguyên chính là đang giữa mùa khô. Gió lồng lộng, ào ạt thổi, bụi
cuồn cuộn trên những con đường chưa được rải nhựa như bây giờ. Nắng như mật
rót, cái ánh vàng nhấp nhánh trong cái lạnh mùa khô càng như làm những cơn lạnh
sắc hơn, chui vào sâu hơn lục phủ ngũ tạng. Nhưng mà đẹp đến ngơ ngẩn. Mây vô
tư văn vắt. Chúng tôi đến một ngôi làng mà anh bạn họa sĩ vừa công tác ở đấy
về. Ơ, lạ nhỉ, mùng một tết nguyên đán mà chả thấy động tĩnh gì. Làng vắng hoe.
Bụi cuồn cuộn. Gà, lợn, chó... chạy lông nhông. Nhưng cái nhà rông thì đẹp lắm.
Mềm mại trong thế vút cao ưỡn vào trời xanh. Thản nhiên, anh bạn họa sĩ bước
lên nhà rông, móc ba lô vào vách rồi quay ra sàn đứng chống nạnh... hú. Mươi
phút sau thì những đứa trẻ đầu tiên trần truồng mũi dãi lòng thòng xuất hiện.
Một bịch thuốc rê được quăng ra. Chúng quấn thuốc bập phà trong sự tròn mắt
ngạc nhiên của tôi. Gã họa sĩ lôi trong ba lô ra một tệp giấy và cây bút chì.
Mười phút sau thì bức ký họa đầu tiên hoàn thành. Cứ thế, chỉ một lúc thì sân
nhà rông đã đầy ắp người. Giữa đám đông ấy, gã họa sĩ tiến lại phía một cụ già
quắc thước, lưng địu một đứa trẻ con. Một bức ký họa nữa về ông lại xong. Ông
già cầm ngắm nghía rồi móm mém cười. Thì ra đấy là già làng. Một lúc nữa thì
một ghè rượu được khuân ra giữa nhà rông. Chết thôi, sáng chưa ăn gì, hai thằng
cọc cạch đạp, giờ mà làm mấy tợp thì say là cái chắc. Thế nhưng may mắn, sau
đấy lần lượt người làng, người thì bê cơm, người muối, người rau mang đến. Chúng
tôi chén một bữa no giữa trưa mùng một tết năm 1981, cái tết đầu tiên tôi xa
nhà lên nhận công tác ở Tây Nguyên.
Hoa đào nhà tớ |
Rồi
chúng tôi quen thằng Noeng, hôm sau nó rủ đi săn. Thì đi, và kết quả là một con
gà một con chuột mà tôi đã tả ở đầu bài viết. Mang gà và chuột về nhà Noeng,
tôi trực tiếp ra tay chế biến, vận dụng hết tất cả các loại lá rừng có mùi thơm,
và chúng tôi có được bữa nhậu khá vui. Ngoài ra tôi còn chứng kiến tài bắn nỏ
của người dân ở đây, gần như chục phát chục chúc, trong khi chúng tôi, nguyên
việc lắp tên vào nỏ rồi lên dây mà hì hục cả tiếng đồng hồ không xong…
Ăn
xong chúng tôi mắc võng trong nhà rông ngủ như ở... nhà mình. Thì ra phong tục
người Tây Nguyên là thế. Khách đến làng thì coi như là khách của mọi nhà. Từng
nhà tùy khả năng, mang ra đãi khách những thứ có sẵn trong bếp. Và nếu khách
biết điều thì phải ăn đều mỗi nhà một ít, bất luận ngon dở. Tối ấy, anh bạn họa
sĩ trổ tài khi mang mấy mét vải đỏ ra đổi gà và rượu ghè, còn cơm thì dân làng
cho rồi. Mấy con gà được nướng rồi mang lên nhà rông và chúng tôi xamakhi với
dân làng. Có chiêng, có xoang, có ghi ta, có đinh yơng và có cả... Tình ca Tây
Nguyên- bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân.
Thì
ra người Tây Nguyên không ăn tết nguyên đán như người Kinh. Mà thực ra, tết nguyên
đán cũng là du nhập từ Trung Quốc. Người Tây Nguyên có hệ thống lễ tết theo
vòng đời người và đời cây. Trong đó, tết lớn của họ là lễ cơm mới, người Bana
gọi là Samơk, lễ ăn cốm. Cũng như người Kinh, người Tây Nguyên sống gắn với nền
nông nghiệp, dù nông nghiệp của họ là lúa rẫy còn người Kinh là lúa nước. Hệ
thống lễ tết của người Tây Nguyên theo quy luật của văn minh nương rẫy để phù
hợp với đời sống của con người và cả tự nhiên của vùng này. Ngay trong chuyện
ăn uống, nếu người Kinh dùng đũa thì người Tây Nguyên vẫn còn ăn bốc. Tôi đã có
dịp sang Mã Lai và ngay giữa các nhà hàng lớn ở thủ đô Kualalampur thì người Mã
Lai vẫn rất sung sướng và thích thú dùng tay bốc cơm ăn, dù cơm và thức ăn của
họ rất nhiều mỡ và ca ri vàng khè. Hệ thống lễ tết của người Tây Nguyên phụ
thuộc vào vòng quay của đời cây, đặc biệt là cây lúa rẫy. Nó cũng phụ thuộc vào
mùa nữa. Người Tây Nguyên không có bốn mùa xuân hạ thu đông như người Kinh, mà
chỉ có 2 mùa mưa và nắng. Lễ tết không thể vào mùa mưa, cũng như thế không thể
vào mùa làm rẫy. Nó chỉ có thể là vào khi thu hoạch rẫy, thường là vào khoảng
tháng 3 tháng 4 dương lịch, tức là sau tết nguyên đán của người Kinh chừng một
tháng. Tết cơm mới vui lắm. Trai thanh gái tú được dịp khoe tài, khoe sắc. Lúa
non ngoài rẫy được suốt về, từng nhà rậm rịch, người con gái khéo tay nhất
trong nhà được giao rang cốm. Những cánh tay trần đảo như múa trên chiếc chảo
trong lập lòe ánh lửa, đầy khêu gợi và cũng như mời mọc, mùi lúa non rang quyện
mùi mồ hôi con gái nồng nàn lan tỏa. Cơm của họ nấu cũng rất khéo. Có hai cách
nấu. Một là cơm ống, tức cơm lam theo cách gọi người Kinh. Tiêu chuẩn cơm phải
là dẻo, thơm, trắng, không dính ống. Khi bóc lớp nứa ra, thỏi cơm phải ngật ngà
ngật ngưỡng trên tay và tỏa ra mùi thơm của gạo và của nứa tươi nút lá chuối
rừng. Cách thứ hai là nấu trong nồi. Nhưng khác với cách chúng ta thường nấu,
họ cho gạo, đổ nước, đậy vung xong là bắc lên bếp nấu cho đến khi chín, không
mở vung, không đảo không ghế không nếm, tất cả dùng lửa để điều tiết mà nồi nào
nồi ấy đều nhau chằn chặn, không sống không khê không nát không cháy. Khi ăn,
họ không dùng bát đũa, mà sango, tức
dùng tay bốc trực tiếp. Thức ăn thì phần lớn là nướng. Món thông thường hàng
ngày là cá khô nướng xong giã với muối, ớt, lá é. Thêm một món nữa là rau bí
hoặc trái bí nấu. Món mặn thì là muối kiến. Còn tết thì thế nào cũng có gà, cá
(nếu làng gần suối), sang hơn thì heo hoặc bò. Sang nữa thì có một... ống nứa
gác trên giàn bếp. Mở ra thì là thịt muối (hoặc là... không có muối). Gà bắt
bằng nỏ. Tôi đã chứng kiến nhiều lần người Tây Nguyên bắn gà. Mười phát như
chục, mũi tên xuyên ngang con gà. Nếu nó không quỵ ngay thì khi chạy cũng bị
vướng vào rào. Nhúng nước vùi vào tro nóng. Xong vặt lông và nướng. Thì bây giờ
chúng ta, sau bao nhiêu xào rán hấp luộc chưng sốt tây tàu, đang trở về với
những món cội nguồn như thế. Nó ngọt, nó tươi, nó thơm, nó hôi hổi phập phồng
con tì con vị...
Nhưng
tết không có nghĩa chỉ là ăn. Nó chính là cái sự chơi.
Các
chàng trai ưu tú nhất, đẹp nhất, cao đều trên mét sáu, ngực nở, lưng thon, đùi
ếch, da bánh mật, đóng khố, mông tròn vo nhẵn thín, quàng tấm dồ sặc sỡ qua
lưng, đầu cắm lông chim tham gia đội chiêng. Con gái mắt long lanh như nắng, da
nâu, mặc váy và áo ló hở vai, chân dài, tay trần, khoe hết các đường cong và
khối tròn nhập vào vòng xoang phía sau. Đội chiêng dẫn vòng xoang di chuyển đến
từng nhà. Các nhà đã chuẩn bị sẵn cốm, cơm, thịt nướng. Chủ nhà bốc cơm đút cho
từng người. Rượu cần hút ra ống tre, mỗi người một ống. Cứ thế dập dình trôi
khắp làng. Người nào say, mệt, có người khác thay. Thú vị nhất trong lễ hội này
là các Brem. Giữa cuộc vui của con người, vẫn không quên ma và quỷ. Một số
người có năng khiếu hài hước "trang điểm" bằng bùn hoặc lá cây lên
người, giả làm ma quỷ nhưng không phải dọa nạt mà chọc ghẹo mua vui cho con
người. Họ dùng củ chuối đẽo mặt nạ rất khéo. Những Brem này lúc thì đi lẫn vào
đội chiêng, lúc thì lòn vào vòng xoang, chọc ghẹo, làm trò để mọi người vui.
Đích cuối cùng của cơn sóng chiêng xoang này là nhà rông. Ở đấy là nơi hành lễ
để già làng "bá cáo" với Yang, với mẹ lúa rằng nhờ ơn các vị mà mùa
màng tươi tốt, dân làng no đủ, và hôm nay thì làng có cơm mới, có cốm, có
chiêng có xoang có các trai thanh nữ tú tạ ơn Yang và mẹ lúa.
Cuộc
lễ thì rất nhanh, nhưng phần hội thì kéo dài mãi. Tối khuya, khi người già đã
ôm ghè gà gật thì mới là lúc thanh niên nhập cuộc say sưa nhất. Thì trời trong
thế, rượu nồng nàn thế, chiêng say đắm thế, và mắt em vời vợi thế, sinh lực dồi
dào thế, bóng đêm đồng lõa thế...
Sau
cái tết nguyên đán đầu tiên ở làng Bạc, huyện Chư Prông thì tôi đã dự một cái
samơk (tết cơm mới) như thế...
Sau
này, tôi đã nhiều lần nữa ăn tết với bà con dân làng Tây Nguyên, và bây giờ thì
đồng bào cũng ăn tết nguyên đán cùng với người Kinh, phong tục cũng có nhiều
thay đổi rồi, nhưng cái tết đầu tiên ở làng thì mãi mãi chẳng bao giờ quên...
V.C.H
8 nhận xét:
...mắt em vời vợi thế, sinh lực dồi dào thế, bóng đêm đồng lõa thế...đang chờ ai?
Sao lúc đó anh Văn không chấm một em nhỉ? Hay cũng chấm rồi mà không viết ra?
Thì bác ấy đã bảo "mãi mãi không bao giờ quên " rồi mà.
Thật tuyệt cái Tết Cơm Mới của cao nguyên qua anh Hùng kể . Có lẽ nó cũng náo nức như Tết Nguyên đán ngày xưa ở đồng bằng .
Nhưng chắc là chuyện ngày xưa thôi , chứ Tết bây giờ không pháo. Bánh chưng , giò lụa , dưa hành mua ở siêu thị . Thiếu nồi bánh chưng ninh trên bếp lửa hồng Tết mới nhạt nhẽo làm sao .
Bao giờ cho đến ngày xưa ??!!!
Ấn tượng nhất là cái dĩa. Cà xào thịt bò phải không nhỉ? Dân dã mà nghe "xèm".
Lê:
----
cà đắng, nó mới ngon, chứ cà nhà thì phí thịt bò bạn à...
Cà đắng mà nấu um với lòng non của bò thêm lá é, ớt xiêm rừng thì khỏi chê năm sao chính hãng bác Hùng hả
Đăng nhận xét