Nhưng có những món mình... hăm hở ăn
Hôm nọ xơi một trận đặc sản lá sắn ở nhà ông "Tộc phó" tỉnh Gia Lai. Cao hứng ông mời về mà mình cứ ngại khổ vợ con ông, té ra nhà ông vui như tết, có điều mình hỏi có cà đắng không, ổng bảo có, khi về nhà lại... không có. Muối kiến thì mình phải sát sạt gợi ý ổng mới vào mang ra. Mình thì chả sao, muốn cho mấy đồng nghiệp Hà Nội thưởng thức đặc sản mà nó không đủ thì cũng uổng. Ngồi với hai vợ chồng ông này vui phết, ví như bà chủ (cũng người Jrai) tự nhiên bẩu: Anh dân nhiều số, em dân ít số. Ngồi một lúc mới ớ ra, ít số là thiểu số, hehe...
"Ăn
của rừng rưng rưng nước mắt"- tôi luôn nhớ câu truyền dạy này nên hoàn
toàn không cổ xúy ca ngợi phá rừng ăn thịt rừng ở đây, mà chỉ xin kể lại những
gì mình mắt thấy tai nghe những món rừng nhưng... không phá rừng, như cái cách
đặt tít của nhà dân tộc học lừng danh Condominas cho một cuốn sách nổi tiếng: "Chúng
tôi ăn rừng". "Ăn rừng" nhưng rừng vẫn tốt tươi nguyên bản nhân
hậu thân thiện với con người, còn bây giờ chúng ta bảo vệ rừng nghiêm ngặt
nhưng rừng ngày càng không còn là rừng...
Dưới
đây là vài món ăn từ rừng của người Tây Nguyên (chỉ khoanh ở người Gia Rai và
Ba Na):
- Cà xóc: Cái món này nó tốn... rượu
kinh khủng.
Nguyên
liệu chính là dạ dày bò, trâu, dê, nói chung là loài ăn cỏ, có lá sách. Luộc
lên thái mỏng. Mật, ớt rừng, cà đắng hoặc khổ qua, chanh, một vài loại lá rừng
nữa, và cuối cùng cái quan trọng là thứ nước sền sệt đục như sữa được chắt ra
nguyên bản từ khúc ruột non sát dạ dày nhất. Tất cả cho vào một cái tô, bóp
nhuyễn rồi... bốc. Cay, đắng, chua, bùi, béo... quyện trong cái món mà chỉ
người Gia Rai mới có này. Nó ngon rất khó tả, chỉ biết rằng, khi ngồi trước nó,
những cao lương mỹ vị khác trở nên nhạt hoét như khi ta ăn cơm chan nước mưa.
Không những thế, chỉ một lần, một lần thôi, nếm nó rồi, con tì con vị trong ta
sẽ thổn thức mãi...
-
Lá mì cà đắng: Nó là loại lá sắn ở
rẫy, chứ loại sắn khác ăn say bổ chửng. Còn cà đắng thì đương nhiên là nó
rất... đắng, và chỉ mọc ở trong rẫy mới đắng, quả tròn và nhỏ, còn khi mang ra
vườn của người Kinh như bây giờ đang bán rất nhiều ngoài chợ thì quả nó to, dài
và xanh mướt nõn nà, trông rất đẹp nhưng không đắng nữa, mà cà đắng lại không
đắng thì nó chả còn gì để mà nói...
Thường
thì đồng bào hái lá sắn về, vò sơ rồi cho vào nồi ninh kèm với cà đắng và cá suối
hoặc thịt, cho nhừ thì giã gạo trộn vào thành một thứ sền sệt, nêm mắm muối vừa
ăn rất bùi, béo và ngọt hậu. Nó có thể vừa là thức ăn vừa là lương thực. Nhưng
bây giờ, món này đã được "phái sinh" thêm một món nữa là nộm. Lá sắn
vò thật kỹ rồi luộc chín, vắt khô trộn với nước mắm chanh ớt tỏi, lạc (đậu
phộng) hoặc mè (vừng), có một ít bì (da) bò hoặc lợn nữa thì số dách. Người
thành phố cải tiến nó thì hay nấu với thịt hộp và thú thật là khi ăn thì có cảm
giác là cái loại lá mì cà đắng này sinh ra là để... nấu với thịt hộp vậy. Tôi
đã đãi những người bạn ở nơi khác đến và họ chỉ chăm chú món này từ đầu đến
cuối bữa mà lơ các món khác vợ tôi đã làm rất công phu. Rất nhiều nhà văn nhà
thơ nhà báo đến nhà tôi sau khi ăn món này luôn dặn: Lần sau ông chỉ làm nguyên
lá sắn cho chúng tôi ăn... thay cơm ông nhé. Mà bây giờ, thịt cá nhiều quá,
chất béo nhiều quá, nhiều người mỡ máu, gút, đái tháo đường... nên cái món rau
toàn rau này lại càng đắt khách. Ở Pleiku thấy đã có vài quán có món vừa bình
dân vừa độc đáo này, mà cái quán nhiều trúc ở đường Phan Đình Phùng là một ví
dụ.
Nhà
thơ Nguyễn Duy trong một lần xuyên Việt mà do ông tự lái xe, đã vô cùng hoan hỉ
khi mua được ở đoạn đèo Lò Xo- Kon Tum một mớ rau dớn. Ông mang về Pleiku và
bảo tôi kiếm một nhà hàng quen rồi tự tay ông hướng dẫn cách chế biến cho nhà
hàng. Thì cũng chỉ đơn giản là... xào tỏi thôi mà hôm ấy một loạt các tên tuổi
lẫy lừng tấm tắc như được xơi món độc cao lương mỹ vị. Nó vốn dĩ là loại cây đã
cứu đói cho hàng vạn bộ đội trong chiến tranh, bây giờ lên ngôi đặc sản. Mỗi
khi đi công tác xuống làng, kiếm được mớ rau dớn (bây giờ ít lắm) thế nào mấy
ông bạn chí cốt của tôi cũng í ới gọi. Nó hơi nhơn nhớt nhưng nhai kỹ rất ngon.
Cũng như thế, cái món rau lủi ở rừng Trà My giờ đang thịnh hành ở các nhà hàng
lớn Pleiku với hai cách chủ yếu: luộc và xào tỏi. Giống rau rừng này rất dễ
trồng, chỉ ngắt một đoạn cắm xuống, chừng nửa tháng là um tùm, nhưng lạ là nó
không ngon. Chỉ có lấy đúng ở vùng núi Khâm Đức, Trà My thì nó mới lên hết chất
"rừng" của nó. Tôi cũng đã từng mang về trồng ở đám đất trống cạnh
nhà, mọc nhanh hơn rau muống, nhưng lại cũng... nhạt hơn rau muống. Thế nên thi
thoảng vào nhà hàng thì đầu tiên là kêu món rau lủi rừng chấm mắm cua, ăn mãi
chỉ no chứ không chán, dù rằng khi đã vào nhà hàng nó chả rẻ tí nào, bởi nó
phải được chính tay những người ở vùng rừng ấy hái, thu gom lại rồi gửi xe mấy
trăm cây số xuống Pleiku. Chao ơi, nghe thì rau quả đơn sơ nhưng để thành món
trên đĩa nó cũng nhiêu khê quá thể.
Hôm nào đó tôi mời nhà văn Nguyễn Bình Phương ở Tạp chí Văn Nghệ
quân đội đến quán Ngọc Hà ăn món lá sắn nấu thịt hộp. Khách vào rồi nhà bếp mới
xuống vườn hái một nắm lá rồi chế biến, một lát bưng lên thì mấy ông thực khách
như là quên hết các món khác trên bàn.
Đồng
bào Tây Nguyên khi đi rẫy bao giờ cũng đeo gùi, và khi về trong gùi ấy sẽ có đủ
thứ, trong đó không thể thiếu là rau hái trong rẫy hoặc rừng. Thường là cà
đắng, rau bí, trái bí, bắp chuối, măng... bây giờ các bà nội trợ đi chợ vẫn
thường chọn mua cái thứ bí đỏ hái trong rẫy ấy. Nó nhỏ quả, chỉ hơn nắm tay một
chút, chắc nịch nhưng rất bùi, bở, ngọt và nói chung là rất ngon. Chiều theo
thị hiếu thị trường, bây giờ đồng bào cũng trồng nhiều rau thơm như rau ngò
(mùi), răm, hành, xà lách... chủ yếu là bán cho người Kinh.
Cái
món chấm của đồng bào cũng rất độc đáo. Những người sành ăn và cầu kỳ thì trong
nhà bao giờ cũng có một lọ muối kiến của người Gia Rai vùng Ayun Pa, Krông Pa.
Đấy là loại kiến rừng khá to, bắt về rồi giã với lá é và một vài loại lá nữa,
thế mà thành một thứ chấm thịt tuyệt vời. Tôi đồ chừng rằng đây là sáng kiến
của đồng bào trong thời đói muối. Thời ấy đồng bào còn đốt cỏ tranh lấy tro ăn
cho có chất mặn. Tôi đã từng nghe ông Núp kể chuyện cả làng ông đã ăn tro hàng
tháng trời và sau này thì ông Nguyên Ngọc viết trong tiểu thuyết "Đất nước
đứng lên". Măng luộc chấm với tro ăn cả tháng đã cứu cả làng ông qua đận
đói để tiếp tục kháng chiến. Thực ra nó không mặn mà chát, chát vẫn gần với mặn
hơn là không chát. Đằng này loại kiến này vừa hơi mặn lại còn hơi chua, giải
quyết được cả muối lẫn chanh. Sau này khi giã có thể đồng bào có cho thêm ít
muối. Nhà tôi hay trữ món này, chấm thịt nướng thì tuyệt vời. Khi dùng cho thêm
một ít tương ớt thì... thôi chả kể nữa kẻo lại phải đi vào bếp bây giờ. Vùng
này có món thịt khô cũng độc. Nó được sấy cả tảng, rồi cất vào ngăn đá tủ lạnh
hoặc gác lên giàn bếp. Khi ăn nướng qua than hoặc cồn rồi xé ra, các sợi thịt
vẫn đỏ và mềm và ngọt xểu chứ không khô khốc như kiểu thịt khô thông thường
khác. Vốn dĩ nó là thịt nai, nhưng sau này hết nai rồi thì người ta chuyển qua
thịt bò. Bây giờ món này vẫn là đặc sản không thể quên của vùng Krông Pa. Thịt
này chấm với món muối kể trên thì giàng ơi, châu báu mà chi, của cải mà chi,
sung sướng mà chi nếu chưa được thưởng thức nó...
-Cơm ống thịt nướng:
Cơm
lam là cách gọi của đồng bào các dân tộc phía bắc, còn đồng bào dân tộc Tây
Nguyên gọi đơn giản là cơm ống. Có lẽ nó được xuất hiện từ hồi chưa có... xoong
nồi, kể cả nồi đất, và nó giải quyết vấn đề ăn cho con người trong những chuyến
đi rừng dài ngày. Cách làm cơm này rất đơn giản: Ống nứa (hoặc vầu, lồ ô) tươi,
đổ gạo nương, gạo rẫy (không phải nếp cũng không phải tẻ) đã được ngâm vào,
dùng lá dong hoặc lá chuối rừng nút lại, xếp và đốt. Nghe dễ thế nhưng không phải
ai cũng làm được, bởi hoặc nó sẽ sống, hoặc nhão nhoét, hoặc... cháy luôn cùng
ống...
Yêu cầu của món này là làm sao để khi
mở ống ra, cơm thơm ngào ngạt mùi gạo mới, mùi lá dong, mùi nứa tươi..., còn
khi tước cái vỏ lụa ống nứa ra thì là một thỏi cơm trắng ngần ngật ngưỡng gật
gù trên tay ta. Bẻ từng miếng nhỏ, chấm muối sả, hoặc muối kiến kể trên, xé kèm
một miếng thịt gà nướng. Trời ạ, thì các loại sơn hào hải vị cũng chỉ đến thế
là cùng. Đấy là học tiền nhân, nói khiêm tốn thế, chứ sơn hào hải vị cũng...
chưa chắc khoái khẩu bằng...
Có hai kiểu nướng. Thịt gà thì nướng
trực tiếp trên bếp than nguyên con bằng cách mổ phanh ra, dùng ba que tre xiên
theo hình dẻ quạt rồi cắm dựng bên bếp than rừng rực, ăn đến đâu xé đến đấy.
Thịt nai, heo rừng hoặc bò... thì thái miếng, ướp gia vị rồi cũng nhồi vào ống
nứa, nút bằng ruột cây chuối, dựng quanh bếp. Nước thịt được giữ lại hết trong
ống, hoà với nước ống nứa, nước thân chuối, ngọt nhức kẽ răng, mà lại thơm
hương rừng, xơi một lần nhớ mãi. Tất nhiên là bây giờ thì không ai khuyến khích
và cho phép dùng thịt rừng để chế biến nữa, thì có thể thay bằng thịt heo hoặc
bò. Chúng cũng ngon không kém. Thực ra chất lượng giữa thịt rừng và thịt nhà,
nhiều khi cũng còn do quan niệm nữa. Có rất nhiều người được bạn quý dẫn đi
chiêu đãi thịt rừng, ngồi giữa mênh mang mâm bát toàn thịt rừng loại quý mà vẫn
dửng dưng vì... không biết đấy là thịt rừng, không biết nó quý. Có người ăn
thịt heo nái được giới thiệu là thịt heo rừng luôn miệng nắc nỏm khen ngon.
Vài
món kể chơi, như một cách PR và giới thiệu cho du khách khi đến Tây Nguyên, khi
nào có điều kiện lại xin kể tiếp hầu quý vị.
7 nhận xét:
Miếng ăn là miếng nhục, nhục lại là thịt sao không ăn được đây.
http://www.vatinam.net
Lâu lắm rùi hổng qua nhà bác Hùng còm chơi...
Đồng bào đồng chí phía bắc đã phát minh ra con gà khỏa thân ngồi trên nóc tủ nên iêm kính đề nghị đồng bào đồng chí Phờ lây cu gọi con gà mổ phanh kẹp que tre nướng ở quán ông Dúi Tân Sơn là món GÀ DẠNG HÁNG bác Hùng ợ. Nó sẽ nổi tiếng như phở hai tô Gia Lai cho xem
Bác Hùng ơi. Nghe bác kể mà thèm... thèm cái ngày xưa: rau dớn Trà My, Lá cây mỳ Tiên Phước, óc búng báng rừng Thượng đức và rau tàu bay rìa hố bom...
Gần bốn mươi năm rồi!
Cảm ơn bác Hùng, và cảm ơn những người cao nguyên đang ăn rừng và nuôi rừng.
Có một bộ phận không nhỏ chúng nó chán món rừng rồi,hiện nay chúng đang thích món hải sản lưỡi bò.
Trời lạnh mà thưởng mấy món của anh Hùng thấy ấm cả chân răng ...
Cái món kiến trộn lá é ( chắc là húng quế Ocimum Basilicum ) lần đầu tui nghe tới . Tui đã gặp món kiến trộn sô-cô-la ngọt lừ của Mecico đi với sâu ngâm rượu ( Tequila Mezcal) , nhưng chắc ko thể bằng thịt rừng nướng chấm muối kiến được . Đọc mà phát thèm , phát ghen với các Văn sĩ cao nguyên
Lâu nay cứ tưởng bác Đàm Hà Phú kể chuyện ăn uống là hấp dẫn nhứt, ai ngờ bác Văn Công Hùng cũng thâm hậu không kém. Cảm ơn bác nhiều. (Em cũng Tây Nguyên nhưng BMT bác ợ)
Đăng nhận xét