Cũng
chả hiểu sao Đông Hà với tôi cứ như là tiền định. Lần nào về tới Huế rồi là cũng
ngứa ngáy muốn chạy ngay ra Đông Hà. Tôi đã có nhiều lần chạy xe máy từ Huế ra Đông
Hà như thế. Có khi dưới mưa như trút nước, có khi dưới nắng nhòe trời, có lần
chạy xe máy ra đến lúc về thấy đường vợi xa lại vác cả xe máy lên xe đò quay lại.
Mà nào Đông Hà có hoa thơm gái đẹp cho cam (nói rõ thêm, gái đẹp thì rất nhiều
nhưng không phải của mình), có chăng chỉ là cái thứ nao nao nhớ của riêng mình
với những ấn tượng riêng của mình với những người bạn ngoài ấy, hơn nữa, trên
thế, là với cái mảnh đất đầy những huyền thoại nhưng lại rất gần gũi thân thiện
này.
Những
ngày nóng nhất trong cái năm nóng nhất, mà Huế và Đông Hà lại cúp điện liên miên.
Nghe bảo Huế thì cúp là để bù lại những ngày Festival đã ngập tràn điện, nhưng Đông
Hà thì có liên quan gì mà lại cũng cứ phăng phăng cúp từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối
nhỉ? Tôi lại một mình một xe máy phóng từ Phong Điền ra đông Hà. Ăn chơi không
sợ mưa rơi, chú em đưa khăn, áo choàng, khẩu trang... cho tôi bịt, quấn hết người
lại, nhưng tôi từ chối hết. Một sơ mi cộc tay, mũ bảo hiểm, kính mát, tôi phóng.
Đường êm ru, nhoang nhoáng nắng lửa. Tôi không đi đường quốc lộ mà đi theo con đường
ven biển, qua những trù phú Hải Lăng, Triệu Phong- Triệu Tài, Triệu Hải... tới thị
xã Quảng Trị mới nhập vào quốc lộ.
Những
người bạn, cả mới và cũ, đưa tôi ra một cái quán bên bờ sông Hiếu ăn trưa và...
trốn nắng. Quán đắc địa giữa mùa nắng nóng này bởi sông và tre nhưng phục vụ thì
rất a ma tơ. Khách toàn người nổi tiếng của Đông Hà, loại khách mà ngồi đâu thì
sẽ kéo theo rất nhiều người đến theo, nhưng vào quán cũng chả ai biết, kêu món
gì thì đứng lên ngồi xuống cả chục lần chưa có. Nếu một chủ quán tinh tường khác,
họ nhận ra ngay và "tiếp thị" hoành tráng ngay. Bởi chả gì, ngay chuyện mấy ông
vừa quan chức vừa nhà báo ngồi lô nhô bên bờ sông suýt xoa gặm gặm mút mút mấy
con hến con ghẹ... thì đấy đã là cách quảng cáo êm dịu nhất cho nhà hàng rồi.
Sông Hiếu ngày mất điện
Với Nguyễn Thời, PCT thành phố Đông Hà bên quán ăn bờ sông Hiếu
Do
mình ở xứ lạnh ra nên mới "toàn tâm toàn ý" để ý đến nắng nóng, chứ người Đông
Hà có vẻ như không thèm quan tâm, dù lúc này ngoài trời bốn hai độ, chưa kể cái
gió Lào mang hơi nóng như táp lửa vào mặt khi chạy xe ngoài đường. Trương Đức
Minh Tứ, phó TBT báo Quảng Trị đưa tôi đi tìm khách sạn sau khi đã tranh thủ
"nghỉ trưa" bên bờ sông Hiếu. Trưa nắng, đường nháng lửa, các cành cây tàu lá đứng
im phăng phắc, nhưng các cột điện thì lại có cảm giác đổ nghiêng. Chỉ nghe tiếng
bánh xe lép nhép rè rè xẹt xẹt dính vào lớp nhựa đường đang nhão ra. Cả 4 khách
sạn đều... không có điện. Đến cái thứ 5 thì tôi chịu hết nổi, đồng ý ngay khi cô
lễ tân nói: Mất điện nhưng phòng anh có cửa sổ to lắm, mở ra mát "rực rỡ" ngay.
Tôi đồng ý tắp lự vì nhu cầu chui vào nhà tắm nó hầm hập xông lên rồi. Té ra là
mình nhầm. Mở hết cửa xong chui vào tắm, vừa bước ra mồ hôi đã lại như... tắm. Thì
ra dẫu tầng tư có cửa sổ, nhưng gió vẫn là gió Lào, vẫn hầm hập như quạt than làm
bún chả trong buồng kín. Cô bé lễ tân cười rũ rượi khi tôi điện xuống xin một đĩa
muối tiêu chanh. Cô hiểu ngay rằng tôi sẽ dùng muối tiêu ấy để chấm... thịt mình
nếu tiếp tục ở trong phòng ấy. Cô gợi ý cho tôi rằng bên cạnh có một khu mát xa
có điện máy nổ, nếu "nguy cấp" quá, anh có thể vào đấy mua vé mà nằm... quạt...
Lần
đầu tiên được xuống Cửa Việt theo sự sắp xếp của Trương Minh Tứ và nhã ý của
anh Hà Phương, TBT báo Quảng Trị. Xuống đấy lại gặp rất đông các đồng nghiệp báo
Quảng Trị và đài phát thanh Truyền hình Quảng Trị. Từ hồi bé tí ở ngoài Bắc đã
nghe danh Cửa Việt với chiến thắng của ta và chiến bại của giặc, nghe bao nhiêu
oán hờn căm giận, nghe bom rơi đạn nổ, máu chảy đầu rơi... bây giờ Cửa Việt hiền
lành đang hây hẩy thổi lên những gắng gượng làm dịu mát phần nào cho những kẻ
trốn nắng từ Đông Hà xuống. Lều quán tạm bợ, dịch vụ chân chất, ngay cái cách
người Đông Hà đi tắm biển cũng khác. Nguyên bộ quần áo ngủ nếu là nữ, lùng thùng
quần sooc lửng đến gối nếu là nam, không sịp, không bikini một mảnh hai mảnh,
không sặc sỡ màu sắc, không ngồn ngộn mông đùi... Thì cũng phải thôi, đoạn Miền
Trung từ Huế đổ ra, mỗi năm chỉ có vài tháng hè là biển nhộn nhịp, còn lại là mùa
mưa, mùa rét, biển tê tái vắng, vậy nên ai mà dám đổ tiền của ra đầu tư như biển
Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu... quanh năm nắng gió. Nhớ hồi học đại học,
lớp tôi có một anh nguyên là bộ đội đặc công nước đi học. Anh bảo đơn vị anh thường
xuyên đánh Cửa Việt. Anh ít kể về những chuyến mang bộc phá gắn vào thân tàu vào
kho xăng, mà lại kể về chuyện bọn... đĩ tắm biển như thế nào. Nghe anh kể thấy nó
rực rỡ phì nhiêu lắm chứ chả đơn sơ gọn nhẹ như bây giờ tôi thấy...
Trương Đức Minh Tứ, Phó TBT Báo Quảng Trị
Mỗ ở bãi tắm Cửa Việt
Bãi tắm Cửa Việt
Người Đông Hà tắm
Đường vào bãi tắm Cửa Việt
Thành
phố rất lạ. Vừa hiền lành vừa dữ dội. Vừa chừng mực vừa căng cứng. Vừa như kiềm
chế vừa như muốn buông xuôi. Vừa như gìn giữ lại như sẵn sàng dâng hiến... Có lẽ
cái khắc nghiệt của thiên nhiên đã làm cho tôi có cảm giác ấy chăng. Tôi phóng
xe một vòng thành phố trước khi ghé vào chỗ hẹn với Minh Tứ. Nhấp nhô những con
dốc. Những nụ cười nhìn qua biết ngay là vô tư tốt bụng. Cuộc sống khắc nghiệt
bởi thời tiết, khí hậu, vị thế địa lý và cả lịch sử... và vì thế mà con người rộng
mở vị tha chăng. Tôi có rất đông bạn bè ở đây, nhưng thời gian ít quá, chỉ ngồi
với các bạn học cũ giờ đang là những "yếu nhân" Đông Hà như Minh Tứ, Thời, phó
chủ tịch thành phố Đông Hà, Y Thi, TBT Tạp chí Cửa Việt, Hữu, phó giám đốc đài
PTTH, với các nhà báo đàn anh như Hà Phương, TBT báo Quảng Trị, anh Hòa, Giám đốc
đài PTTH Quảng Trị, vào thăm anh Xuân Đức, nhà văn nổi tiếng của Quảng Trị, giờ
là chủ của cà phê Trúc Sơn Trang cũng nổi tiếng. Đến Trúc Sơn Trang lại gặp thêm
các nhà văn Cao Hạnh, Văn Bốn..., những nhà văn chủ chốt của Quảng Trị hôm nay. Gặp
lại Hạnh, rẽ ngang đường văn chương, giờ là phó công an thành phố Đông Hà...
Có
một nỗi nhớ lặng lẽ theo tôi về. Không chỉ đến Huế, nơi đại gia đình tôi đang ở,
mà theo lên tận Pleiku, nơi tôi đang sống và làm việc. Trưa nay Pleiku cúp điện,
nhưng vẫn còn gió, vẫn còn mát, chứ không khủng khiếp như Đông Hà ngày tôi ra.
Tôi ôm laptop ra gõ vu vơ, và thật lạ, Đông Hà cứ hiện ra như là nó phải thế, mà
nào có hẹn ước ấp ủ gì, nào có thề bồi sông bể gì, chỉ là vu vơ, mà nó cứ đau đáu
như là từ xưa lắm, tôi đã mắc nợ Đông Hà...
Pleiku 30/6/2010 (HÌ, bài cũ mời xơi lại, nhà cháu bận quá, đang làm báo tết)
1 nhận xét:
Cho tớ ăn cơm nguội! (nghiến răng kèn kẹt)
Đăng nhận xét