Hiện
nay gần như mô hình báo chí ở ta là mỗi tỉnh thành có một tờ báo Đảng, một đài
Phát thanh Truyền hình và một tờ tạp chí (một vài tỉnh thành ra báo) Văn Nghệ.
Một số tỉnh có thêm tờ tạp chí Khoa học Công nghệ.
Thực trạng chung
hiện nay là các tạp chí, báo văn nghệ địa phương (ở đây xin gọi chung là tạp
chí) chưa có một mô hình chung cụ thể dẫu mỗi tờ báo đều thấy có ghi có một ban
biên tập. Tất nhiên có một điều đặc thù là, muốn làm cán bộ biên tập Tạp chí phải
hội đủ ít nhất 2 điều kiện: Tốt nghiệp cử nhân văn chương và hai là có khả năng
sáng tác. Người làm Tạp chí văn nghệ, ngoài việc phân biệt đúng sai như các báo
khác, điều quan trọng và khu biệt là phải biết nhận xét hay dở xấu đẹp. Đây chính
là điều tiên quyết để làm báo, tạp chí Văn Nghệ. Chính vì các yếu tố này mà rất
khó tuyển người giỏi về Tạp chí. Trong khi lương và các khoản thu nhập khác của
tạp chí rất thấp, so sánh ngay với báo Đảng và đài phát thanh truyền hình của tỉnh
đã có sự chênh lệch lớn giữa khả năng và thu nhập. Rất nhiều Tạp chí treo biển
tuyển người mà hàng năm không có, đành tuyển người ất ơ về để họ biến tờ tạp
chí thành một thứ rất thập cẩm. Hiện nay số tạp chí in dưới 500 bản mỗi số khá
nhiều, và hiện tượng các BTV tạp chí thay nhau viết để đăng, thậm chí ăn cắp
bài của người khác về ký tên mình đăng trên tạp chí mình cũng có, nó chứng tỏ tờ
tạp chí ấy không có ai đọc, chứ nếu đọc thì bị phát hiện ngay.
Và cho đến bây giờ,
dẫu về cơ bản, các tờ tạp chí Văn nghệ đều đã tồn tại khá lâu, nhưng hiện tại vẫn
cứ mỗi anh mỗi phách. Có nơi ra báo, nơi ra tạp chí, nơi tách ra nơi nằm trong
hội, nơi ra tháng 1 số có nơi lại vài ba tháng. Nơi làm khá bài bản chuyên nghiệp,
nơi thì cứ tập hợp tác phẩm lại, bày ra đủ trang thì in. Nơi thì có tổng biên tập
nơi thì chịu trách nhiệm xuất bản, nơi giấy phép định kỳ nơi xuất bản nhất thời,
nơi có kinh phí riêng, nơi được chăng hay chớ,
vân vân... nhưng có một điểm chung là cùng... nghèo, nhuận bút trả thấp
nhất trong các loại hình báo chí trong cả nước.
Theo chúng tôi, tạp
chí văn nghệ là một tờ báo văn học nghệ thuật ra dạng tạp chí. Và ở các địa
phương, về cơ bản thì ra tạp chí là phù hợp, bởi nếu ra báo thì ít nhất cũng phải
1 tuần 1 số chứ nếu 1 tháng 1 số thì không còn là báo nữa. Và vì tính chất của
Tạp chí là báo nên nó trước hết phải tuân thủ kỹ thuật làm báo, tức là phải định
hình được thời gian, chuyên mục, phải gắn được với đời sống, với thời sự nữa...
Thế nhưng nó lại
không phải là báo, vì nếu anh sa vào báo thì không thể cạnh tranh với các báo
ngày và nó sẽ chết ngay, vì đấy không phải việc của báo chí văn học nghệ thuật.
Tính báo chí là ở chỗ anh phát hiện ra các vấn đề văn học nghệ thuật, phát hiện
ra các tác giả mới, phát hiện ra các tác phẩm hay...
Tạp chí văn nghệ địa
phương còn cái khó là anh phải in cả các tác phẩm... dở nhưng không được dở quá.
Muốn tạp chí hay và có uy tín thì tổng biên tập phải là người miệt mài và dũng
cảm giơ đầu chịu báng ra chiến đấu với tác phẩm dở, nhất là thơ. Bây giờ có hiện
tượng là rất nhiều người sau bao năm bôn ba vất vả, về hưu mới phát hiện mình
có năng khiếu làm thơ. Thế là viết và gửi và gây áp lực…
Cũng nói luôn một
thực trạng hiện nay, là ngoài khoảng hơn chục tờ tạp chí, báo văn nghệ địa
phương bán được, còn lại là chủ yếu in để... biếu và xếp kho. Đây là một thực
trạng đau lòng mà vừa qua có một số bài báo đề cập. Nó bị chi phối bởi rất nhiều
yếu tố, từ cái phổ quát là hiện nay báo giấy đang chết, đang bị truyền thông đa
phương tiện, nghe nhìn và số lấn át đến cái nguyên nhân chủ quan là chúng ta
đang làm tạp chí văn nghệ quá nghiệp dư, có gì in nấy, không định hình được một
tờ tạp chí là như thế nào... Muốn người ta bỏ tiền ra mua thì anh phải làm tờ tạp
chí ấy xứng đáng với đồng tiền họ bỏ ra. Độc giả bây giờ rất thông minh, họ biết
chọn món để mua chứ không thể cưỡng bức họ đọc như thời nào?
Cần phải có những
tiêu chuẩn cụ thể để có thể được xuất bản một tờ tạp chí văn nghệ cấp tỉnh, nếu
không đủ tiêu chuẩn thì thậm chí có thể ra tạp chí vùng, khu vực chứ không nhất
thiết tỉnh nào cũng phải ra tạp chí khi mà không đủ thực lực. Cụ thể: Tờ Tạp
chí phải có ban biên tập đủ mạnh để làm, phải được chuyên nghiệp hóa chứ không
được chăng hay chớ như hiện nay, trong
đó TBT phải là nhà văn kiêm nhà báo, vừa phải biết quản lý báo chí vừa phải là
người có uy tín văn chương, ít nhất phải sáng tác được và thẩm định văn chương
mà không bị cộng tác viên... cãi lại. Các BTV phải là những người có trình độ
văn chương nhất định…
Tạp
chí Văn Nghệ đăng các tác phẩm văn học nghệ thuật nhưng nó không phải là tập
sáng tác như một thời các sở, ty Văn hóa hay làm, mà nó phải mang đậm tính báo
chí chuyên nghiệp.
Tóm lại là cần
một cơ chế chung cho các tờ tạp chí văn nghệ của cả nước, và những người làm
báo văn nghệ cũng phải tự nâng mình lên, các tờ tạp chí phải hay để có thể tiêu
thụ được, và, nếu không đủ điều kiện thì không cần ra, bởi in ra rồi để đấy thì
quả là lãng phí.
1 nhận xét:
Tạp chí phải hội đủ ít nhất 2 điều kiện: Tốt nghiệp cử nhân văn chương và hai là có khả năng sáng tác.
Còn 1 điều kiện nữa sao bác không nói tới : Thẻ Đảng !
Trong 1 lớp học ở trường TQC,HA. Đ/c NGU NHẤT TRƯỜNG giờ là giám đốc bảo tàng HA, thằng có năng khiếu văn chương nhất trường giờ là nhà văn, cán bộ cờ-đèn-kèn-trống của nhà VH TX! Đơn giản : Đ/c giám đốc lý lịch đỏ 3 đời; Thằng kia vàng 3 họ! (Cờ vàng, không phải 4 số 9)
Đăng nhận xét