Thứ Bảy, 24 tháng 11, 2012

NỐI DÂY, NHỮNG ĐIỀU TIN THÌ TIN KHÔNG TIN THÌ THÔI

Người Kinh ta có câu: “Mía ngọt ta đánh cả bờ, mít ngon ta chén cả xơ lẫn cùi” ý ám chỉ những anh chàng đào hoa (chú ý: đào hoa chứ không phải là tài hoa) “nẫng” được cả chị lẫn em. Số này hiếm lắm và là niềm... ao ước của nhiều đấng mày râu tham lam. Chao ôi, nghe mà thèm...

 
          Nối dây là đặc trưng của chế độ mẫu hệ. Ở nước ta hình như chỉ còn các dân tộc sống ở dọc Trường Sơn và Tây nguyên là còn giữ được phong tục này. Chế độ mẫu hệ đề cao vai trò và quyền lực của người phụ nữ, và như thế, người chồng trở thành vật sở hữu của người vợ và dòng họ bên vợ. Tất nhiên là một “vật sở hữu” sang trọng chứ không phải như đầy tớ trong nhà. Ngoài việc hầu như anh ta “không được” quyết định điều gì, thì đồng thời anh ta cũng “được quyền” không phải lo lắng điều gì trong nhà. Đi rẫy (Công việc chính của người dân tộc ở Trường Sơn - Tây nguyên) thì người vợ phải địu con (trước ngực) và gùi đồ sau lưng, người chồng đi không, thậm chí vừa đi vừa véo von ca hát. Về nhà: Giã gạo, vợ, xuống suối lấy nước, vợ, nấu cơm, vợ, đến đẻ cũng một mình người vợ tự hành bằng cách lặng lẽ vào rừng sâu, làm một cái chòi, tự đẻ, bao giờ con cứng, mẹ khỏe thì về. Mười ca như thế thì đến sáu ca mẹ không tròn, con không vuông. Người chồng đi rẫy cùng vợ về là xếp bằng uống rượu và... say. Chao ôi, kể ra thì cũng “mất quyền tự chủ” một tí nhưng... sướng. Nhìn các ông chồng bây giờ mà... thương. Vừa “mất quyền tự chủ”, vừa phải hùng hục kiếm tiền, làm tất cả mọi việc thượng vàng hạ cám trong nhà, thế mà hễ cứ đàn đúm với bạn bè một tí là mắt phải mắt trái đảo như rang lạc liếc vợ xem “nó” cười hay “nó” nhăn. Nó trở thành hàn thử biểu cho mọi quan hệ ứng xử của chồng. Khổ không dám kêu khổ đã đành mà sướng cũng không dám kêu sướng thì mới đau thương chứ (như khi xem bóng đá lúc hai giờ sáng chẳng hạn. Muốn reo lắm nhưng liếc thấy “sư tử” đang say giấc đành nuốt cục sướng vào bụng, tự lấy tay thụi vào đùi cho... đã thèm). 

          Trở lại chuyện nối dây. Người Kinh ta có câu: “Mía ngọt ta đánh cả bờ, mít ngon ta chén cả xơ lẫn cùi” ý ám chỉ những anh chàng đào hoa (chú ý: đào hoa chứ không phải là tài hoa) “nẫng” được cả chị lẫn em. Số này hiếm lắm và là niềm... ao ước của nhiều đấng mày râu tham lam. Chao ôi, nghe mà thèm. Nhưng hãy đọc trường ca Đam San xem. Chàng Đam San oai hùng của dân tộc Tây nguyên đã chối từ nối dây nàng Hơ Nhí và nàng Hơ B Hi xinh đẹp để rồi trở thành biểu tượng của sự phản kháng tập tục và thần linh. Nhưng đấy là trong văn học, còn đời sống thật cứ trôi với biết bao cung bậc hỉ nộ ái ố. Bác Núp kính mến của chúng ta,từ ngày vào nam đã sống cùng bà vợ nối dây là em ruột của Hơ Liêu trong “Đất nước đứng lên” thuở nào, kém bác vài chục tuổi. H ọ rất hạnh phúc và suốt ngày quấn quýt bên nhau trong căn phòng nhỏ của bệnh viện những ngày cuối đời, mà chính bà chứ không ai khác là chiếc gậy chống của ông trong những ngày chống chọi với bệnh tật và tuổi già. Nhưng tôi cũng đã chứng kiến một thanh niên 23 tuổi nối dây một “bà lão” 40 tuổi. 40 tuổi với người Kinh giàu có và nhàn hạ thì còn tàm tạm chứ với người dân tộc lam lũ và vất vả thì xập xệ và tàn tạ lắm rồi. Nhưng không thể khác. Phong tục là phong tục. Tôi cũng đã dự một đám cưới nối dây ở xã Ia Chăm, Chư Păh cũ. Vỏn vẹn một con gà nướng, một ghè rượu. “Chú rể” lặng lẽ uống rượu, “cô dâu” lăng xăng hút rượu ra các ống tre mời mọi người. Mặt họ hoàn toàn vô cảm, thậm chí không liếc nhau lấy một lần suốt thời gian tôi có mặt ở đấy. Chú rể đóng khố, cởi trâìn, cô dâu, váy áo cẩn thận. Cả hai người đều đã có con, và may nhất là, tuổi họ xấp xỉ nhau chứ không khốn khổ như anh chàng 23 và bà lão 40 nọ... Tôi đã vài lần ghé thăm chị H’ Noanh, người đội trưởng du kích lẫy lừng của một thời đánh Mỹ ở Ia Phìn, Chư Prông. Có lẽ nỗi bất hạnh của chị là độc nhất vô nhị. Chị là đội trưởng du kích danh tiếng, chồng chị là đội viên của chị. Hai người đã sát cánh cùng đồng đội đánh hàng trăm trận cho đến ngày anh hy sinh. Nén đau thương, chị tiếp tục chỉ huy đánh trận và theo phong tục, chị nối dây với chú em ruột chồng cũng là du kích và anh này cũng hy sinh không lâu trước ngày giải phóng. Chị có ba đứa con với hai người chồng liệt sĩ. Điều cao cả là: Dù hiện nay đã yếu, chị vẫn làm rẫy để nuôi ba con ăn học, còn tiền tiêu chuẩn liệt sĩ của hai người chồng , chị dành hết để nuôi bà mẹ chồng đang sống ở một ngôi nhà sàn bên cạnh.

          Tóm lại, với phong tục nối dây, vì là ở rể nên người chồng lọt thỏm trong thế giới của nhà vợ. Khi người vợ chẳng may qua đời vì bất cứ lý do gì,họ hàng nhà vợ sẽ họp lại để tìm một người đàn bà khác cho người chồng xấu số nối dây, người đấy có thể là em vợ (may thay!), chị vợ, cô vợ, dì vợ, thím vợ...không phân biệt tuổi tác, miễn là...đàn bà trong dòng họ nhà vợ. Và, nếu người chồng chẳng may chết đi thì người vợ cũng có “nghĩa vụ” và quyền lợi” nối dây tương tự. Tất cả mọi “kế họạch bàn định” nối dây đều do bên nhà vợ quyết định. 

          Nối dây là một phong tục và nó vẫn đang còn tồn tại ở một số trường hợp. Của đáng tội, người viết bài này cũng không nhớ là trong “Luật hôn nhân và gia đình” có đề cập đến tập tục này không? 

Với cháu Kpah Nhung, người Jrai ở MTVN

Với ca sĩ Siu Blach, ở Kon Tum

Rượu cần gà nướng- xin mời
Đừng mong "ai" chết để rồi... nối dây

9 nhận xét:

Nguyễn Thông nói...

Ở xứ ta dạo nào cũng có một anh Kinh làm cán bộ báo CAND đã học được bài này của đồng bào Tây nguyên, đánh được một cụm, nhưng sau bị cụm tố nên phải bỏ mía chạy lấy người.

Văn Công Hùng nói...

@ Bác Nguyễn Thông:
-------
Món này hấp dẫn nhưng khó... học, dù cụ Lê Nin có dạy là học mãi học nữa vẫn khó.

Huế nói...

Có một bác hàng xóm nhà em,vợ đẻ, cô em vợ ở quê ra giúp chị,khoảng một tháng sau thì bác ấy "nối dây" ngon ơ. Gia đình biết chuyện chửi mắng thậm tệ, nhưng bác ấy bảo "cái tánh tui hắn rứa".hihi.

Nặc danh nói...

Phong tục tập quán nào cũng có 2 mặt. Tuy nhiên, tục "nối dây" của đồng bào Tây Nguyên là công khai, có sự chứng giám của già làng, trưởng bản. Còn người Kinh thì "nối dây" bí mật, bất hợp pháp...Đó là sự khác biệt lớn nhất.

Nặc danh nói...

Cám ơn nhà thơ VCH đã có một bài viết hay về phong tục tập quán TN.
Tuy nhiên, nếu có thì "sợi" (nhớ)...thôi, đừng "dây" như ai đó nhé!!!

Nặc danh nói...

Báo CAĐN cách đây chục năm có bài "mía ngon bứng cả cụm". Một anh thợ kim hoàn làm công cho một tiệm vàng ở Qui Nhơn, chủ tiệm có 4 cô con gái. Tài giỏi sao anh tán được cô chị đầu, cưới. Khi chị đầu sinh con, cô em kế săn sóc chị. Được một thời gian thì bụng cô em to lên trông thấy, hóa ra là của anh rể. Vợ chồng chủ tiệm vàng nêu cao cảnh giác nhưng cô em thứ ba, như cô thứ hai, đã ngã vào anh rể lúc nào không hay. Vợ chồng nhà chủ thấy tình hình nguy cấp bèn bàn cách đưa cô út đang học lớp 11 vô Sài Gòn lánh nạn thì cô út tỉnh bơ: đi làm gì nữa, bụng ba tháng rồi!!!

Tú thợ điện. nói...

Xem ra bác Hùng muốn nối thêm dây rồi, trước hết sức khỏe phải tốt đã. Chúc đồng chí khỏe !

Nguyên Phong Điền nói...

Bác Hùng thấy mía nhà khác ngon muốn bứng thêm, chớ dây bác hiện còn dai lắm nối sao được ! Bài viết quá hay về tập tục, Bác là Huế ròng sao cỏ li dị vợ không khi có 2 ông rễ ?

Văn Công Hùng nói...

@Nguyên Phong Điền: Há há đừng xúi dại.