------------------------------------------
Trong cuộc đời của mình, có ít nhất ba người đàn bà đã đi qua cuộc đời anh hùng Núp.
Người
thứ nhất là H'liêu, tên thật và cũng là tên nhân vật trong tiểu thuyết
"Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc. Bà H'liêu này đẻ cho ông
Núp một người con trai là H'rup rồi chết trước khi ông Núp tập kết ra
Bắc. Tôi đã ngồi ở cái con suối mà ông Nguyên Ngọc tả mở đầu tiểu thuyết
rằng ông Núp trao vòng cho Liêu ấy. Con suối trong vắt chảy từ ngọn
Konkaking hùng vĩ uốn lượn giữa rừng già trước khi đổ vào làng S'tơ, tức
Kông Hoa trong "Đất nước đứng lên". Nhưng có chuyện này thì phải đầu
tháng 7 vừa rồi khi xuống dự cái lễ tưởng niệm 10 năm mất của anh hùng
Núp tôi mới biết, ấy là trước khi ông Núp cõng H'rup vượt Trường Sơn ra
Bắc tập kết thì ông đã được dòng họ làm lễ trao vòng nối dây với em gái
ruột của H'liêu là bà Ch'rơ khi ấy còn rất trẻ, theo tính toán thì mới
chừng mười ba mười bốn tuổi...
Anh
hùng giai nhân là cặp phạm trù luôn luôn sát cánh bên nhau. Dẫu phải
nuôi H'rup một mình khá vất vả, và có lẽ cũng nhờ nuôi H'rup vất vả mà
ông được một giai nhân thời bấy giờ yêu say đắm và chính thức cưới ông
tại Hà Nội. Bà là ca sĩ H'ben, người Bana. Hồi trẻ H'ben đẹp lắm, đến
tận bây giờ, hơn bảy mươi tuổi mà bà vẫn còn rất mặn mà, thì cứ suy ra
cái thời ấy bà xinh đến mức nào. Ông Núp thì khỏi nói rồi, cao lớn, đẹp
trai, tiếng tăm lừng lẫy. Hai người cưới nhau và sinh được một cậu con
trai, nhưng lại bị bệnh bẩm sinh, tay chân co quắp, tiếng nói không rõ.
Một thời gian thì bà H'ben gặp một "anh hùng" khác, trai phố hàng Đào
gốc, chưa vợ, một violinits có hạng. Thì đã bảo bà Ben đẹp lắm mà lại,
để đến nỗi anh trai tơ phố hàng Đào kia say đắm, và bà thì cũng cầm lòng
không đặng, thế là... thẽ thọt với Núp, để rồi thỏa thuận: Bà Ben lấy
anh trai hàng Đào tên Th, kèm theo cậu con trai với ông Núp. Ông Núp
được lệnh vào Nam chiến đấu.
Ấy
là vào năm 1963, ông Núp vượt Trường Sơn vào thị trấn Dân Chủ, xã
Kroong, huyện An Khê, bây giờ thuộc huyện Kbang, rất gần quê ông Núp,
bây giờ chỉ chạy hơn tiếng xe máy, nhưng thời ấy phải đến năm 1967 tổ
chức mới móc bà Ch'rơ từ làng S'tơ ra cứ với ông được. Bà trở thành vợ
nối dây của ông và là người cấp dưỡng phục vụ cho ông từ dạo ấy...
Nhà văn Nguyên Ngọc và bà Ch'rơ, vợ nối dây của ông Núp.
Với con dâu ông Núp (áo đỏ) và người cháu gọi ông là cậu ruột
Nối
dây là một phong tục của người Tây Nguyên và các dân tộc ít người sống
dọc dãy Trường Sơn, bảo nó lạc hậu cũng được mà bảo nó... nhân văn cũng
xong. Nó là sản phẩm đặc trưng của chế độ mẫu hệ. Nếu chẳng may mà vợ
chết đi (mà điều này rất hay xảy ra ở thời Tây Nguyên còn lạc hậu, và
phụ nữ khi sinh nở bắt buộc phải vào rừng tự làm chòi để
sinh một mình, nhiều khi cả tuần chưa thấy về, vào tìm thì cả mẹ và con
đã chết tự hồi nào), thì một người trong nhà vợ, chủ yếu là em vợ, nhưng
nếu không có em thì đành phải một người khác, có khi là chị, dì,
cháu..., may mắn thì ít tuổi hơn, còn không thì nhiều tuổi hơn, bao
nhiêu mặc kệ, được cử ra để nối dây.
Chế
độ mẫu hệ đề cao vai trò và quyền lực của người phụ nữ, và như thế,
người chồng trở thành vật sở hữu của người vợ và dòng họ bên vợ. Tất
nhiên là một "vật sở hữu" sang trọng chứ không phải như đầy tớ trong
nhà. Ngoài việc hầu như anh ta "không được" quyết định điều gì, thì đồng
thời anh ta cũng "được quyền" không phải lo lắng điều gì trong nhà. Đi
rẫy (Công việc chính của người dân tộc ở Trường Sơn - Tây
nguyên) thì người vợ phải địu con (trước ngực) và gùi đồ sau lưng, người
chồng đi không, thậm chí vừa đi vừa véo von ca hát. Về nhà: Giã gạo,
vợ, xuống suối lấy nước, vợ, nấu cơm, vợ, đến đẻ cũng một mình người vợ
tự hành bằng cách lặng lẽ vào rừng sâu, làm một cái chòi, tự đẻ, bao giờ
con cứng, mẹ khỏe thì về. Mười ca như thế thì đến sáu bảy ca mẹ không
tròn, con không vuông. Người chồng đi rẫy cùng vợ về là xếp bằng uống
rượu và... say. Chao ôi, kể ra thì cũng "mất quyền tự chủ" một tí
nhưng... sướng. Nhìn các ông chồng bây giờ mà... thương. Vừa "mất quyền
tự chủ", vừa phải hùng hục kiếm tiền, làm tất cả mọi việc thượng vàng hạ
cám trong nhà, thế mà hễ cứ đàn đúm với bạn bè một tí là mắt phải mắt
trái đảo như rang lạc liếc vợ xem "nó" cười hay "nó" nhăn. "Nó" trở
thành hàn thử biểu cho mọi quan hệ ứng xử của chồng. Khổ không dám kêu
khổ đã đành mà sướng cũng không dám kêu sướng thì mới đau thương (như
khi xem bóng đá lúc hai giờ sáng chẳng hạn. Muốn reo lắm nhưng liếc thấy
"sư tử" đang say giấc đành nuốt cục sướng vào bụng, tự lấy tay thụi vào
đùi cho... đã thèm).
Đọc
trường ca Đam San thì thấy chàng Đam San oai hùng của các dân tộc Tây
nguyên đã chối từ nối dây nàng Hơ Nhí và nàng Hơ Bhi xinh đẹp để rồi trở
thành biểu tượng của sự phản kháng tập tục và thần linh. Nhưng đấy là
trong văn học, còn đời sống thật cứ trôi với biết bao cung bậc hỉ nộ ái
ố. Nhưng tôi cũng đã chứng kiến một thanh niên 23 tuổi nối dây một "bà
lão" 40 tuổi. 40 tuổi với người Kinh giàu có và nhàn hạ thì còn tàm tạm
chứ với người dân tộc Tây Nguyên lam lũ và vất vả thì xập xệ và tàn tạ
lắm rồi. Nhưng không thể khác. Phong tục là phong tục. Tôi cũng đã dự một đám cưới nối dây ở xã Ia Chăm, huyện Chư Păh. Vỏn vẹn
một con gà nướng, một ghè rượu. "Chú rể" lặng lẽ uống rượu, "cô dâu"
lăng xăng hút rượu ra các ống tre mời mọi người. Mặt họ hoàn toàn vô
cảm, thậm chí không liếc nhau lấy một lần suốt thời gian tôi có mặt ở
đấy. Chú rể đóng khố, cởi trần, cô dâu, váy áo cẩn thận. Cả hai người
đều đã có con, và may nhất là, tuổi họ xấp xỉ nhau chứ không khốn khổ
như anh chàng 23 và bà lão 40 nọ... Tôi đã vài lần ghé thăm chị H'
Noanh, người đội trưởng du kích lẫy lừng của một thời đánh Mỹ ở Ia Phìn,
Chư Prông. Có lẽ nỗi bất hạnh của chị là độc nhất vô nhị. Chị là đội
trưởng du kích danh tiếng, chồng chị là đội viên của chị. Hai người đã
sát cánh cùng đồng đội đánh hàng trăm trận cho đến ngày anh hy sinh. Nén
đau thương, chị tiếp tục chỉ huy đánh trận và theo phong tục, chị nối
dây với chú em ruột chồng cũng là du kích và anh này cũng hy sinh không
lâu trước ngày giải phóng. Chị có ba đứa con với hai người chồng liệt
sĩ. Điều cao cả là: Dù hiện nay đã yếu, chị vẫn làm rẫy để nuôi ba con
ăn học, còn tiền tiêu chuẩn liệt sĩ của hai người chồng , chị dành hết
để nuôi bà mẹ chồng đang sống ở một ngôi nhà sàn bên cạnh.
Trở lại chuyện ông Núp. Sau khi nối dây với bà Ch'rơ, họ rất
hạnh phúc và suốt ngày quấn quýt bên nhau từ những ngày ở trong rừng
vất vả đau thương cho đến trong căn phòng nhỏ ở khoa nội 4 của bệnh viện
tỉnh Gia Lai những ngày cuối đời của ông, kéo dài cả chục năm, chính bà
chứ không ai khác là chiếc gậy chống của ông trong những ngày chống
chọi với bệnh tật và tuổi già. Nhưng hai ông bà lại không có con. Bà
H'ben thì sau đấy cũng vào công tác ở Gia Lai, làm hiệu trưởng trường
Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật, ông Th chồng bà làm giám đốc Nhà Văn hóa
trung tâm. Hai ông bà có một con chung là nhạc công đoàn nghệ thuật Đam
San. Điều kỳ lạ là, đang ở thành phố, không biết bà bàn thế nào mà ông
bà đùng đùng bán nhà, về quê bà ở tít huyện Kong Chro xa xôi làm một cái
nhà sàn và ở đấy trong điều kiện rất thiếu tiện nghi và vẫn nuôi chu
đáo cậu con trai của bà với ông Núp, đã hơn bốn chục tuổi mà vẫn ngây
ngô như đứa trẻ. Hai ông bà không rời nhau nửa bước. Gần đây ông Th bị
tai biến mạch máu não, thế là bà Ben lại làm cái gậy cho ông, giống như
bà Ch'rơ đã từng với ông Núp, ngày ngày đẩy xe cho ông Th đi dạo quanh
làng, một ngôi làng Bana hiền hòa bên con sông thơ mộng ở cái huyện xa
nhất tỉnh Gia Lai. Nhưng khác bà Ch'rơ là bà Ben phải nuôi hai bố con,
dẫu hai người đàn ông này không có quan hệ máu mủ.
Khi
chúng tôi xuống lại làng S'tơ thì căn nhà xưa của ông Núp đã trở thành
nhà lưu niệm ông, bà Ch'rơ hiện sống với cô con dâu tên Giang Năm và đứa
cháu nội, rất xinh, là vợ hai của anh H'rup, anh này đã mất cách đây
hai năm. Bà Ch'rơ vẫn còn rất khỏe và minh mẫn. Khi biết có ông Nguyên
Ngọc về làng, bà thay váy áo mới rồi sang tận sân nhà lưu niệm đón ông
Ngọc. Theo chị con dâu, ba người sống với nhau rất hòa thuận, và bà
Ch'rơ thì bây giờ lại nghiện... cà phê, có thể uống một ngày mấy cữ.
Thôi thế cũng mừng, những người đàn ông Bana thường đa tình và lãng mạn.
Ông Núp mất đi, bây giờ trong nhà ông có ba người thuộc ba thế hệ cùng
sống, nhưng lại không trực hệ, đấy là bà Ch'rơ vợ nối dây của ông, chị
Giang Năm là vợ thứ hai của H'rup con trai ông với bà H'liêu và đứa cháu
là con gái của con trai ông với chị này. Họ sống hòa thuận và hạnh phúc
ngay ở ngôi làng S'tơ nổi tiếng dưới chân dãy Konkaking hùng vĩ, nơi
một thời ông Núp đã từng "bắn pháp chảy máu"...
Phía
sau người anh hùng bao giờ cũng có bóng dáng những người đàn bà. Với
anh hùng Núp, những người đàn bà đã đi qua cuộc đời ông vừa lặng lẽ
khiêm nhường, nhưng lại cũng đầy cao cả hy sinh, họ cho ta hiểu thêm một
phần cuộc đời hoành tráng của Núp...
Đường lên đỉnh Kon Ka King, nơi ngày xưa ông Núp lập làng kháng chiến
1 nhận xét:
Em thật bất ngờ về những cuộc tình của vị anh huàng này đại ca ah. Thì ra anh hùng không phải là siêu nhân, thật là một người đàn ông đích thực.
Cám ơn đại ca đã cho mọi người biết một sự thật quá thú vị.
PutinViệt - Путин Вьетнама
Đăng nhận xét